31 C
Nha Trang
Thứ Sáu, 26 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Bạn đang hạnh phúc bao nhiêu từ 1 đến 10?

Khi nói chuyện với những người bạn, thỉnh thoảng mình lại đặt câu hỏi cho mọi người rằng: Bạn đang hạnh phúc bao nhiêu tính trên thang điểm từ 1 đến 10. 1 là tồi tệ đau khổ nhất, 10 là hạnh phúc bình an nhất. Có người thì trả lời ngay hiện tại họ được 7 điểm, 8 điểm hay 9 điểm. Nhưng cũng có người thì gãi đầu gãi tai nghĩ ngợi, như thể câu hỏi này là một điều gì đó rất phức tạp họ chưa từng gặp bao giờ, hay chưa từng một lần tự hỏi chính bản thân mình. Những lúc như vậy, mình chỉ bảo rằng đừng nghĩ gì cả, đừng tính toán phân vân, hãy trả lời ngay lập tức. Bạn được mấy điểm? Và họ bật ra được con số 5.

Tại sao mình lại thúc giục người bạn đó trả lời thật nhanh, vì mỗi người chúng ta tự có khả năng thẩm định, đánh giá trạng thái năng lượng hiện tại của bản thân thông qua ý thức và cảm nhận trực tiếp. Điều đó diễn ra rất nhanh. Càng dùng sự phân tích tính toán nhiều, khả năng cảm nhận sẽ càng suy giảm. Nhưng ngược lại, khi càng rèn luyện việc cảm nhận, thì khả năng suy xét một vấn đề sẽ lại càng chính xác.

Vậy khi một người trả lời rằng họ được 7 điểm, thì câu hỏi đặt ra là: 3 điểm còn lại đang ở nơi đâu? 7 điểm bạn có được là nhờ điều gì? Làm sao bạn có thể vươn tới điểm 10 tối đa?

Việc trả lời câu hỏi bạn đang hạnh phúc bao nhiêu là một cách rất đơn giản và nhanh gọn để đưa bạn về neo đậu bên trong chính mình. Nó như một tiếng chuông nhắc nhở rằng bạn cần quay về “nhà”. Bình thường, cuộc sống với muôn vàn náo động xô bồ sẽ cuốn bạn đi vào guồng quay bất tận của nó. Biết bao nhiêu công việc cần phải hoàn thành, bao nhiêu con người cần phải tiếp xúc. Tiếng tàu xe không ngớt, những biển hiệu quảng cáo hấp dẫn đầy đường tranh nhau thu hút sự chú ý của bạn. Đến cơ quan, bạn khó chịu với đồng nghiệp, áp lực với cấp trên. Về đến nhà, bạn lại né tránh việc ngồi lại với những khó chịu và khổ đau bên trong mình bằng việc lao vào những công việc khác. Bạn không có thời gian nghỉ ngơi và yên tĩnh một mình.

Cứ như vậy, ngày này qua tháng nọ, câu trả lời cho câu hỏi “bạn đang hạnh phúc bao nhiêu” trở thành một thứ gì đó xa lạ. Quay vào bên trong, nhìn nhận bản thân và dành thời gian để hiểu chính mình không phải là thói quen của bạn. Và khi đó, mọi vấn đề phát sinh, chồng chất nhau chờ đợi được giải quyết. Hãy tưởng tượng mà xem, mọi thứ sẽ trông như thế nào khi bạn không có mặt ở đó? Một tâm trí hỗn độn ồn ào và một cơ thể căng thẳng đau nhức chỗ này chỗ nọ.

“Đừng nhìn ra bên ngoài để tìm kiếm khoái cảm hay sự thỏa mãn, hay sự phê chuẩn, ổn định, hay tình yêu – bạn có một kho báu bên trong lớn hơn vô hạn lần so với bất cứ thứ gì mà thế giới có thể cung cấp.” — Eckhart Tolle

Chỉ khi nào bạn quay trở lại neo đậu vào chính mình, thì ý thức mới có thể bắt đầu làm công việc tiếp theo của nó, đó là soi sáng. Nó soi vào những bế tắc, những nút thắt, những mớ tơ vò bên trong bạn. Và hơn thế nữa, nó soi vào cả những tiềm năng, khát vọng và ước mơ của bạn.

“Mình vẫn thấy hơi khó chịu với câu nói của sếp hồi sáng nay, mình không thật sự ổn lắm, chắc bây giờ mình được tầm 7 điểm thôi!” Và bạn bắt đầu hít thở, cảm nhận nhiều hơn cơ thể và tâm trí mình. Cảm nhận những căng thẳng và nén ép ở nơi nào đã chặn lại 3 điểm còn lại giúp bạn trở nên vô tư hạnh phúc. Bạn thôi không đổ lỗi cho hành xử của sếp nữa mà bắt đầu chịu trách nhiệm cho thái độ của bản thân. Cứ như vậy, mỗi khoảnh khắc trôi qua, những bóng tối bên trong bạn dần được xua tan và không gian của sự cảm thông sẽ hé lộ.

Người ta có câu “tích tiểu thành đại”, điều này đúng với cả những điều tích cực và tiêu cực. Với mỗi lần bạn lờ đi những nghẽn tắc bên trong mình, mỗi lần bạn lảng tránh việc sửa chữa một lỗi sai, mỗi lần bạn giả vờ như mọi chuyện vẫn ổn dù nó không hề, thì một gánh nặng và ức chế sẽ lại càng tích tụ thêm bên trong bạn. Theo những gì mình đã từng trải qua và chứng kiến thì những sự thờ ơ tưởng chừng bé nhỏ như vậy lại dẫn đến một hệ quả rất tồi tệ. Đó là những đợt bùng nổ phun trào tức giận và đau khổ, thể chất suy yếu và đổ bệnh. Trong cơn khó khổ, bạn thậm chí vẫn không hề biết hay nhớ nổi mình đã làm gì sai trước đó.

Hiện tại, mình có nuôi một con cún và thỉnh thoảng lại xem những video huấn luyện ở trên mạng để có thể áp dụng cho bé nhà mình. Mình thấy bên Tây người ta thực sự rất văn minh khi cư xử với động vật bằng cả tình thương và hiểu biết. Chó mèo thật sự là một người bạn đồng hành tuyệt vời đối với họ.

Những chuyên gia ở đó nói rằng bạn không đợi đến khi con chó làm sai tè le rồi mới la lối, đánh mắng nó. Điều đó tạo ra một môi trường rất căng thẳng cho cả chủ và chó. Thậm chí khi bạn làm vậy, con chó cũng cảm thấy bất công và sợ hãi vì nhiều khi nó cũng không nhớ mình đã đã sai ở chỗ nào. Vì thời điểm chính xác để bạn nhắc nhở và dạy dỗ nó, là lúc ý định của nó vừa khởi lên, đã qua trước đó rồi.

Tức là để có thể huấn luyện được một con chó, bạn phải quan sát ánh mắt, cử chỉ, động thái của nó để biết được nó có ý định, xu hướng và mong muốn gì. Nó đang tính lao ra ngoài cổng, nó đang muốn vào trong nhà, nó muốn nằm lên cái thảm bạn mới trải, nó muốn xơi miếng cá bạn vô tình làm rớt xuống sàn nhà,… Chẹp! Bạn chỉ cần chép miệng một cái là đã đủ ngắt ngang cái dòng động lực vừa mới chớm trong nó. Khi ấy, con chó biết là bạn biết nó đang muốn gì. Và nó sẽ quy phục.

Nên một người chủ tốt thực sự không chỉ là người yêu thích chó, mà một người có kiến thức đúng đắn và khả năng dạy dỗ nó. Họ nhận biết và điều hướng những xung lực bên trong con chó từ khi nó còn nhỏ. Rồi khi con chó lớn lên, công việc đơn giản chỉ là nhắc lại và duy trì những kỹ năng nó đã học được trước đó.

Từ ví dụ này, mình thiết nghĩ rằng con người chúng ta cũng vậy, việc rèn luyện nội tâm cũng không khác gì nhiều việc rèn giũa một con cún lăng xăng chưa biết phép tắc và định hướng. Chúng ta không nên buông thả cho nó nhảy nhót hỗn loạn, bị cuốn đi theo những “mồi nhử” hấp dẫn ở thế giới hiện tượng bên ngoài, nào là chuyện thời tiết, chuyện cơ quan, chuyện nhà cửa con cái,… Để rồi ta lại quên mất đi khả năng làm chủ của chính mình. Đến lúc chúng ta gặp một đau khổ thử thách bất ngờ thì lúc đó cố gắng để bình tâm vui vẻ hay cố gắng chế ngự bản thân cũng là điều rất khó. Vì ta chưa từng thực hành việc đó bao giờ, dù khi điều kiện còn rất đơn giản và thuận lợi.

“Nếu ta không mời Thượng Đế làm Khách mùa hè của ta, Ngài sẽ không đến vào mùa đông trong đời ta.” — Lahiri Mahasaya

Vậy bây giờ, sau khi đã đọc xong bài viết này, bạn đang hạnh phúc bao nhiêu từ 1 đến 10?

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Photo by Dima.Maslen_FAN on Pinterest

spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,560Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI