19.4 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Translation™] Chánh niệm: Hãy đơn giản và bình dị, chỉ cần an trú trong ý thức – Bài học từ Anagarika Munindra

CHÁNH NIỆM (MINDFULNESS) (SATI): Ý thức (awareness). Một trạng thái tâm tỉnh giác cần được trau dồi liên tục nhằm tạo nền tảng cho sự hiểu biết và trí tuệ.

— Từ điển Phật học, Nhà xuất bản Đại học Oxford

Đối với đa số đệ tử, những giáo huấn hay nhất của Munindra diễn ra bên ngoài thiền đường theo một cách rất đỗi bình thường và chi tiết. Các đệ tử của thầy cho rằng, “thầy là hình mẫu cho sự chánh niệm vào mọi lúc.”

“Có lần chúng tôi tản bộ cùng nhau, và tâm tôi đang chạy tán loạn.” Akasa, một trong những học trò của thiền sư bày tỏ. “Thầy sẽ nói, ‘Xem kìa! Hãy nhìn bông hoa nhỏ kia’ thầy sẽ cúi xuống ngắm nhìn nó và nói, ‘Thấy không, nó lớn lên như thế này.’ Thầy khẽ chạm vào nó, đưa tôi ra khỏi đầu mình và quay về mặt đất, về với những gì đang hiện hữu ở ngay kia. Bạn có thể nói rằng thầy đã đánh lạc hướng để tôi quay về với khoảnh khắc hiện tại. Thầy rất giỏi và từ tốn trong việc đó. Thầy Munindra nói, ‘Hãy lưu tâm. Chú ý đến tất cả mọi chi tiết.’ Thầy sẽ đặt chữ chánh niệm vào mọi câu nói thầy thốt ra.”

Michael Liebenson Grady, người đã từng là thị giả cho Munindra tại Insight Meditation Society (IMS) trong một thời gian, cho biết thêm, “Munindra có khả năng nhìn thấy Pháp (Dharma) ở khắp nơi, trong mọi vật, bao gồm tất cả các trải nghiệm đời thường. Thái độ này hữu ích cho những tu sĩ tại gia.”

TÂM (MIND) VÀ CHÁNH NIỆM (MINDFULNESS)

“Tâm và chánh niệm là hai thứ khác nhau,” Munindra từng giải thích.

Bản chất của tâm là vô sắc (no color). Khi nó được tô sắc bằng lòng tham, ta gọi nó là “tâm tham”. Khi sân giận khởi lên, ngay lúc đó, nó được gọi là “người sân” hay “tâm sân.” Nếu như không chánh niệm, tâm sẽ bị cơn giận làm ảnh hưởng. Cơn giận có tính chất gây ô nhiễm tâm; nó sinh ra độc tố. Nhưng tâm không phải là sân; sân không phải là tâm. Tâm không phải là tham; tham không phải là tâm. Xin nhớ lấy điều này. Tâm không có tánh ưa thích hay không ưa thích. “Tâm” tức là “khả năng nhận biết”, “năng lực nhận thức”.

Chánh niệm là một thứ khác: tỉnh giác, ý thức, ghi nhớ, chú ý. Nó có nghĩa là không quên, chỉ ý thức. Chú tâm đến những gì đang diễn ra. Khi bạn cần phải đi trên một cây cầu tre [nhỏ] bắc qua sông, bạn phải thật cẩn trọng trên từng bước chân. Một khi bạn quên, rất có khả năng bạn sẽ rơi xuống. Nếu như bạn thất niệm, bạn sẽ làm đau hoặc tự giết chính mình. Vì vậy, thực ra, chánh niệm có nghĩa là không quên những gì đang diễn ra ngay khoảnh khắc hiện tại – trong suy nghĩ, lời nói và hành động.

Munindra lưu ý rằng mặc dù tâm “luôn ở đó, luôn hoạt động,” nhưng chúng ta không phải lúc nào cũng để ý đến. Thầy nói, “nhiều lúc bạn sẽ nhận thấy tâm không ở với bạn, bạn không ở với tâm. Tâm ở một nơi khác, suy nghĩ một điều gì khác, khi quá trình ăn đang diễn ra một cách máy móc, thiếu ý tứ.” Munindra cho rằng để điều phối tất cả mọi hoạt động thì chỉ có một cách – bằng ý thức trong từng khoảnh khắc.

TU TẬP LÀ SỐNG ĐƠN GIẢN

Munindra nhấn mạnh tính giản đơn và bình dị. Joseph Goldstein nói thầy hẳn đã nhắc đi nhắc lại hàng nghìn lần, “Hãy giản đơn và bình dị. Đón nhận mọi sự khi chúng đến.” Dù vậy, đó vẫn là thách thức đối với nhiều người.

Đôi khi các đệ tử hiểu sai cách dùng từ “đơn giản” của Munindra. Khi họ thấy thầy nhất quyết mặc cả, dù chỉ là một túi đậu phộng, họ sẽ đặt câu hỏi về hành động đó và nhắc thầy, “Thầy đã nói là hãy đơn giản và bình dị. Thầy đang làm gì vậy?” Thầy sẽ dừng lại, rồi trả lời, “Ta nói là hãy đơn giản, chứ không phải trở nên ngờ nghệch.” Theo cách hiểu của Roy Bonney là thế này, “Về căn bản, điều tôi rút ra được từ câu nói đó chính là chủ yếu phải thực tập và nhận ra sự thật của thế gian, chứ đừng trở thành kẻ ngốc trong thế gian.”

Munindra đã giảng rằng thiền đúng cách có thể mang lại tác dụng làm sảng khoái hoặc thư giãn:

“Khi tâm chuyển sang trạng thái tĩnh lặng, thì khi đó chúng ta sẽ thu hồi lại năng lượng của mình. Thiền là không thúc ép, không tự gây ức chế. Nó là hoạt động hài hòa với toàn bộ bản thể, chứ không phải chống đối. Nếu chúng ta hiểu thấu quá trình thiền định, thì nó sẽ rất đơn giản. Chừng nào chúng ta không hiểu rõ, thì nó sẽ là một nhiệm vụ vô cùng gian nan bởi vì tâm ta không được rèn luyện để không bám chấp, không lên án, không phê phán, chỉ cần có mặt với những gì đang diễn ra trong hiện tại. Nhưng một khi bạn hiểu Pháp [Dharma], thì nó là thứ cực kỳ đơn giản – nó chính là lối sống. Như khi một người trau dồi chánh niệm, sau một thời gian, nó sẽ tự lo liệu; nó trở thành vô nỗ lực, tự động.”

Đánh giá cao cách tiếp cận không chú trọng hình thức của Munindra, Sharon Salzberg nói, “Góc nhìn của thầy về thiền rất rộng – sống chánh niệm – sẽ không sao nếu như bạn đến khu chợ để mua một tách trà… Thầy đã để lại cho tôi một ý nghĩa rất lớn, như thầy từng nói, về việc ‘sống cho đáng sống,’ về việc không quá hình thức trong sự tu tập, mà hãy thực sự thấu hiểu nguồn gốc của nó trong việc chuyển hóa tâm ta.”

Jack Kornfield nói ngắn gọn: “Thầy không phân chia đời sống với thiền định,” và đó là lý do tại sao thầy là một hình mẫu quan trọng đối với người dân ở phương Đông lẫn phương Tây.

LỢI ÍCH CỦA VIỆC NHÌN THẤY SỰ THẬT TRONG TỪNG KHOẢNH KHẮC

Chánh niệm là cơ hội để trải nghiệm mọi thứ theo cách mới. Munindra từng nói:

“Người ta có thể làm mọi việc tốt hơn khi họ chú tâm. Nó không chỉ ích lợi trên bình diện tâm linh, mà còn có lợi trên bình diện vật chất. Nó cũng là một quá trình thanh lọc. Khi tâm được thanh lọc, đa phần những căn bệnh tâm lý đều tự động được chữa khỏi. Người ta nhận thức rõ sự tức giận, hằn học, ganh ghét trong chính họ – tất cả những yếu tố bất thiện này đều phát sinh trong tâm và nhìn chung, chúng ta không hiểu chúng một cách toàn diện. Có rất nhiều căn bệnh tâm lý mà chúng ta đã tích lũy một cách vô thức hoặc bằng hành động phản xạ theo cảm tính, [có thể] được kiềm chế, nhưng không phải do đè nén. Bằng cách tiếp cận và quan sát chúng, người ta trở nên tự do khỏi phần lớn những căn bệnh vật lý cũng như tâm lý. Họ trở nên ngọt ngào hơn, dễ mến hơn.”

Sati luôn mang đến nguồn sáng rực rỡ của ngọn đèn ở những nơi tăm tối, một lối thoát khỏi tình trạng căng thẳng và đen đúa trong cuộc sống, một cách trọn vẹn và rõ ràng. Thầy mô tả như sau:

“Tất cả mọi bụi bẩn được tích tụ trong vô thức, tiềm thức của chúng ta, chúng ta chỉ đang tiếp nối từ đời này sang đời khác. Vì vậy, khi bạn giữ yên lặng, thì tất cả các kiểu suy nghĩ đều sẽ hiện lên trên bề mặt. Không phải do ai đó gửi nó đến cho chúng ta; nó chính là một phần trong đời sống chúng ta. Sở dĩ bạn bị cuốn theo suy nghĩ là vì, chẳng hạn, ai đó từng la mắng bạn trong quá khứ nhưng bạn đã đè nén nó. Nhưng khi tâm tĩnh lặng, không luyên thuyên, không bận bịu, thì bất cứ suy nghĩ gì cũng đều có thể khởi lên. Khi đó, bạn nhìn thấy được mọi sự là nhờ vào ý thức. Bạn cần phải trau dồi chánh niệm bởi vì sati sẽ giúp soi rọi toàn bộ phạm vi tinh thần.”

An trú trong ý thức về từng khoảnh khắc tươi mới không phải là yêu cầu ai đó đừng sống mà chỉ thiền định. Như Munindra đã nói, đó là một phong cách sống, “một lối sống đẹp để chết.” Sharon Salzberg bày tỏ.

“Đây là con đường trực tiếp để thanh lọc chúng sinh, để vượt thắng khổ ải và thở than, để đánh tan nỗi đau và phiền não, để thành tựu chánh đạo, để chứng ngộ niết bàn – đó chính là nền tảng của chánh niệm.” — Đức Phật, Trung Bộ Kinh 10.2

Tác giả: Jessiwalking
Biên dịch: Quang Lý
Hiệu đính: THĐP
Photo: Cameron Gray
Nguồn: lightbuddhism.wordpress.com

*Đôi dòng về Munindra: Anagarika Shri Munindra (1915 – 14 tháng 10 năm 2003), còn được các đệ tử của ông gọi là Munindraji, là một thiền sư Vipassanā người Ấn Độ, người đã chỉ dạy nhiều vị thiền sư danh tiếng bao gồm Dipa Ma, Joseph Goldstein, Sharon Salzberg, và Surya Das. Chữ Anagarika đơn giản có nghĩa là một Phật tử thực hành sống cuộc sống du mục mà không vướng mắc để tập trung vào Giáo pháp (Dharma). (wiki)


Join THĐP Discord: https://discord.gg/thdp
💪 (NEW – VERSION 2) [THĐP EBOOK] Cẩm Nang Nofap – Cách trở thành người đàn ông ĐÍCH THỰC: https://bit.ly/cnnofapver2
💥 Gia nhập THĐP DEEP CLUB: https://bit.ly/DK_DEEPCLUB
🗂 Danh sách tất cả bài viết Deep Club: https://bit.ly/DEEPCLUB_INDEX

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha: http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục tất cả nội dung Aloha volume 1-27: http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes: http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE: http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP: http://bit.ly/donateTHDP

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

1 BÌNH LUẬN

  1. An trú với tánh biết

    Thường trở về biết mình
    Tâm định rất tự nhiên
    Nghe thấy biết hồn nhiên
    Tâm tĩnh lặng trong sáng
    Quan sát thấy nghe biết
    Thân tâm cảnh xung quanh
    Biết nhiều thứ cùng lúc
    Bất cứ đâu mọi lúc
    Tiêu cực tham giận dứt
    Trải nghiệm bản thể mình
    An trú với tánh biết
    Bản ngã không phải mình
    Sống phúc lạc an nhiên
    Vòng luân hồi vĩnh biệt

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI