29 C
Nha Trang
Thứ Sáu, 26 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Bàn về công việc – 4 điều các bạn trẻ hay nhầm lẫn trong cuộc sống

1. Jobs (việc làm)

Là công việc và thứ mà bạn làm để kiếm tiền để trang trải cuộc sống và là thứ ai cũng nên/phải có. Ví dụ như đi làm thêm trong quá trình đi học thì là phục vụ, bồi bàn, giữ xe, trợ lí, và ngay cả thử việc thực tập hoặc những công việc khác. Là một người có trách nhiệm với bản thân và cuộc sống, bạn phải đi làm để chi trả cho hoá đơn, chi tiêu trong cuộc sống để nuôi sống bản thân mình. Ở Việt Nam, trong quá trình đi học và ngay cả khi kết thúc đại học, nhiều bạn trẻ đều một phần dựa vào gia đình nuôi sống bản thân. Mặc dù điều này hoàn toàn có thể thông cảm được, tuy nhiên, ở các nước phương Tây và Âu châu khi văn hoá theo chủ nghĩa cá nhân thì Jobs còn quan trọng hơn nữa và là một công việc không thể thiếu vì không ai nhận trách nhiệm để có thể nuôi sống bạn.

Bạn không cần phải thích jobs của bạn, và bạn cũng không cần tìm ý nghĩa trong công việc hoặc ép bản thân nó phải mang một ý nghĩa nếu bạn không muốn. Bạn chỉ cần làm để trang trải cuộc sống, thậm chí 2-3 jobs cùng một lúc.

Các bạn đừng hiểu sai ý của mình là làm việc với một tâm thế tạm bợ cho qua ngày. Mình cần hoàn thành tốt và mang lại chất lượng cho người trả công. Dĩ nhiên ý nghĩa trong công việc nó hoàn toàn khác với việc các bạn phải có trách nhiệm với người trả lương cho mình và hoàn thành công việc một cách tốt nhất.

Cách bạn làm bất cứ thứ gì thể hiện cách bạn làm mọi thứ khác.

2. Career (nghề nghiệp)

Là công việc bạn chọn để phát triển kĩ năng, cuộc sống và cống hiến.

Nghề nghiệp là công việc bạn phải yêu thích vì nó là công việc bạn dành rất nhiều thời gian cho nó.

Vì bản chất của nghề nghiệp là cần đầu tư nhiều thời gian nên không ai nên chọn một nghề nghiệp mà họ không yêu thích. Cả cuộc sống của bạn có thể xoay quanh công việc bạn làm, để thăng tiến hoặc cống hiến.

Nghề nghiệp bạn nên tìm thấy ý nghĩa từ nó. Mình phải có lí do tại sao mình làm nó, động cơ thúc đẩy, động lực bên trong của mình là gì.

3. Hobbies (sở thích)

Làm vì vui thích. Chúng ta không cần phải kiếm tiền hoặc thấy ý nghĩa hoặc tìm kiếm lợi ích gì hết. Bạn làm vì bạn thấy vui. Bạn làm vì nó mang thêm nhiều màu sắc cho cuộc sống của bạn. Bạn không cần biến nó thành công cụ kiếm tiền hoặc sự nghiệp.

Ngày nay thật sự sở thích gần như mất chỗ đứng của nó, dần dần chúng ta luôn đòi hỏi bản thân là: những gì chúng ta làm có lợi ích thì ta mới làm.

Khi trở thành người lớn, phần lớn chúng ta cũng quên đi sở thích của mình. Chúng ta đặt những câu hỏi như làm cái này có ích gì không, điều này có làm ra tiền không? Không, đừng đặt câu hỏi này cho tất cả mọi thứ. Không nhất thiết mọi thứ chúng ta làm đều có mục đích mà chỉ là niềm vui thuần tuý.

Sở thích bạn có bao nhiêu cũng được. Vui thì làm, không vui thì thôi. Không cần cam kết hoặc cố ép bản thân.

Khi chúng ta thực hiện sở thích của mình, chúng ta đắm chìm vào nó, chúng ta sống ở hiện tại, mà hiện tại là một món quà thì như vậy là quá đủ rồi đúng không?

4. Calling (sự thôi thúc, tiếng gọi)

Calling dịch đúng nhất theo mình là tiếng gọi thôi thúc bản thân làm gì đó. Nó có thể đến từ trực giác, vũ trụ hay tâm linh tuỳ niềm tin của bạn chọn tin tưởng, cái này mình không bàn nhiều vì mỗi người có một đức tin riêng.

Nó khá giống như một câu nói của Việt Nam mình cho dễ hiểu là “nghề chọn người hơn là người chọn nghề.” Một tiếng gọi thôi thúc bạn làm một công việc gì đó mà bạn nghĩ có ích cho cuộc sống và người khác. (Nó khá giống như đam mê nhưng không phải là một, câu chuyện đam mê mình sẽ đề cập sau nếu có thời gian viết bài tiếp theo).

Calling có thể vừa là career vừa là jobs vừa là hobbies, hoặc chỉ là calling. Đừng cố gượng ép 4 thứ này thành một công việc. Calling có thể đến sớm hoặc muộn hoặc không bao giờ. Không sao cả. Không phải ai trong cuộc sống cũng có cả 4 thứ này.

Calling có thể đến sau quá trình trải nghiệm bản thân đủ nhiều. Thử đúng sai. Hiểu bản thân mình làm gì là vui, làm gì là ý nghĩa hoặc không thích làm gì.

Một ví dụ cho bài viết này:

Viết có thể là calling của mình, vì mình luôn thôi thúc chia sẻ bằng cách viết ra. Mình không ép bản thân mà nó tự đến, có một gì đó sâu thẳm bên trong nói mình nên làm nó đi và mình thích và vui khi viết ra để chia sẻ. Nếu mình kiếm tiền được từ việc viết thì nó cũng có thể là một cách để mình trang trải cuộc sống (jobs) hoặc nếu phát triển được lâu dài hơn nữa thì là careers chẳng hạn, nhưng không nhất thiết.

Đối với nhiều người, calling của họ riêng rẽ và khác với những thứ trên. Có người calling là làm từ thiện vì họ thấy có ý nghĩa khi đóng góp lại cho xã hội, còn trong khi công việc chính của họ là CEO của một tập đoàn.

P/s:

Mình luôn viết với một tâm thế là viết ra những gì hướng thiện, có ích cho xã hội, cho những bạn trẻ nhỏ tuổi hơn, để giúp các bạn đi trên một con đường sáng suốt và rõ ràng hơn. Và mình cũng viết cho bản thân mình đọc lại. Vì sao lại thế?

Vì hơn bất kì điều gì và hơn ai hết, mình đã trải qua khoảng thời gian khó khăn và mất phương hướng như nhiều bạn trẻ hiện tại nên ít nhiều mình đồng cảm và hiểu được sự trăn trở của các bạn. Trong quá trình học đại học mình đã đặt những câu hỏi như tôi là ai, tôi muốn làm gì, điểm mạnh của tôi là gì, sứ mệnh của tôi là gì và rất nhiều những câu hỏi khác. Có nhiều câu hỏi có thể mình sẽ không bảo giờ tìm được câu trả lời, nhưng mình nghĩ minh triết luôn đến từ câu hỏi hơn là câu trả lời.

Điều này đã khiến mình trải qua một giai đoạn trầm cảm không nhẹ vào những năm cuối đại học. May mắn là mình vẫn vượt qua được và hoàn thành bằng đại học cử nhân xuất sắc và nhận được học bổng để tiếp tục học thạc sĩ ở UK. Tại sao mình lại đề cập vấn đề này? Vì sau cùng cái mình nghĩ (học đại học, học thạc sĩ) là cái mình không thực sự muốn chọn, lại một lần nữa vào lúc đó lại định nghĩa con người mình và mang lại ánh sáng trên con đường mình chọn, nó giúp mình nhận ra rằng mình thích việc viết. Mình lại bắt đầu có đam mê về research nhưng là independent research (nghiên cứu độc lập). Thực ra mình luôn làm việc này hàng ngày nhưng không gọi tên nó là research, mình đọc và học mỗi ngày rất nhiều topic khác nhau.

Trong quá trình học thạc sĩ và đến tận bây giờ mình vẫn theo đuổi nhiều câu hỏi và vẫn trong quá trình cởi mở và học hỏi thêm nhiều điều từ bản thân. Mình tin rằng bất kì ai cũng nên tiếp cận cuộc sống với một cái đầu mở để tiếp thu nhiều điều mới từ cuộc sống để tránh tình huống là chúng ta là ếch ngồi trong giếng mà thậm chí còn không biết mình ngồi trong giếng.

Mình tin rằng mình có trách nhiệm chia sẻ thông tin và kiến thức đến với mọi người và xã hội. Nó giống như câu nói “thế giới trở nên xấu hơn không phải vì những kẻ xấu mà những người tốt đứng im làm ngơ” (tạm dịch), và thực lòng mình không muốn trở thành một người làm ngơ giữa xã hội này.

Tác giả: Minh Văn Lê

Biên tập: THĐP

Ảnh: Mailchimp | Unsplash

Join THĐP Discord ➡️ https://discord.gg/thdp
💪 [THĐP EBOOK] Cẩm Nang Nofap – Cách trở thành người đàn ông ĐÍCH THỰC ➡️ https://bit.ly/camnangnofap
💥 Gia nhập THĐP DEEP CLUB ➡️ https://bit.ly/DK_DEEPCLUB
🗂 Danh sách tất cả bài viết Deep Club ➡️ https://bit.ly/DEEPCLUB_INDEX

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục tất cả nội dung Aloha volume 1-27 ➡️ http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,560Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI