20.3 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[Bài dịch] Carl Jung Shadow: Bóng tối và những đặc tính

Cơ duyên dẫn tới khái niệm Carl Jung Shadow

Mình yêu thích việc tìm hiểu về nhận thức con người, do đó luôn thấy mê hoặc với những giả thuyết của nhà tâm lý học, huyền học Carl G. Jung. Tuần vừa rồi mình hơi chán đời nên thử dịch chơi chơi một chương về “The Shadow” (Bóng Tối) trong cuốn sách rất nổi tiếng của Carl Jung, Aion: Researches into the Phenomenology of the Self (1951).

Chương sách này không định nghĩa hay giải thích nhiều về Carl Jung shadow, thay vào đó nói lên bản chất của nó thông qua cơ chế phóng chiếu, và lý giải tại sao những điều chúng ta không thích ở người khác, cũng chính là những điều chúng ta không thích ở bản thân mình.


Carl Jung Shadow – Nguyên mẫu dễ tiếp cận và dễ trải nghiệm nhất

Nếu như những nội dung của vô thức cá nhân được tích lũy xuyên suốt cuộc đời của một con người, thì những nội dung của vô thức tập thể là những nguyên mẫu luôn hiện hữu kể từ khi chúng ta được sinh ra. Mối quan hệ của chúng với những bản năng đã được bàn đến ở chỗ khác. Những nguyên mẫu được thể hiện rõ nét nhất từ một góc nhìn thực nghiệm, cũng chính là những nguyên mẫu có tầm ảnh hưởng thường xuyên nhất và phiền phức nhất lên bản ngã (the ego). Đó là bóng tối (the shadow), ẩn nữ (anima) và ẩn nam (animus).

Trong số đó, nguyên mẫu dễ tiếp cận nhất, và dễ trải nghiệm nhất, chính là the shadow, vì hầu như bản chất của nó có thể được suy ra từ những phần nội dung trong vô thức cá nhân. Trường hợp ngoại lệ hiếm hoi và duy nhất của nguyên tắc này là khi những đặc tính tích cực của tính cách bị dồn nén, dẫn đến kết quả là bản ngã sẽ phải đóng một vai trò bất lợi hoặc tiêu cực.

Carl Jung shadow

Carl Jung shadow là một vấn đề về đạo đức

Carl Jung shadow là một vấn đề về đạo đức, nó thách thức toàn bộ tính cách và bản ngã, vì không một ai có thể ý thức được phần shadow này mà không cần đến những nỗ lực đáng kể về đạo đức. Để có thể ý thức được nó, bao gồm việc chúng ta phải tự nhận ra những đặc điểm tính cách xấu xa của mình là có thật và hiện hữu.

Việc này là điều kiện nền tảng cho bất kỳ hình thức nào của sự tự nhận thức (self-knowledge, tri thức về chân ngã), và do đó, như một quy luật, sẽ phải đối diện với một sự chống cự đáng kể. Quả nhiên, sự tự nhận thức, một thước đo của tâm lý trị liệu, thường xuyên yêu cầu sự nỗ lực chăm chỉ xuyên suốt một thời gian dài.

Xem xét kỹ lưỡng hơn những đặc tính xấu xa và hạ đẳng của Carl Jung shadow, cho thấy chúng có bản chất về cảm xúc, một thứ cơ chế tự vận hành, và theo đó là những tính chất của nỗi ám ảnh, và thậm chí là sự chiếm hữu. Thứ cảm xúc này, tình cờ thay, không phải là một hoạt động có chủ đích của một cá nhân, mà là một thứ gì đó xảy đến với anh ta.

Carl Jung shadow

Sự tác động về cảm xúc này xảy ra một khi sự thích nghi rơi vào trạng thái yếu kém nhất, đồng thời làm bộc lộ nguyên nhân của sự yếu kém ấy. Đó là sự tự ti, mặc cảm ở một mức độ nhất định, và sự hiện diện của một mức độ thấp kém hơn của tính cách.

Ở mức độ này, với những thứ cảm xúc không được kiểm soát, hoặc hiếm khi được kiểm soát, một người sẽ hành xử không khác gì người nguyên thủy. Người ấy không chỉ thụ động làm nạn nhân của những tác động cảm xúc xấu xa, mà còn đặc biệt không thể đưa ra những phán xét dựa trên luân lý.

Mặc dù, bằng sự sáng suốt và thiện chí, ở một mức độ nào đó, phần shadow có thể được đồng hóa lên phần tính cách có ý thức. Kinh nghiệm cho thấy, có một số những đặc tính nhất định của bóng tối, luôn cố chấp kháng cự với những nỗ lực kiểm soát đạo đức, và không thể nào tác động được đến. Những sự kháng cự ấy thường bị ràng buộc với sự phóng chiếu (projection). Mặc dù sự phóng chiếu ấy thường không dễ để nhận ra, và việc tự nhận thức được nó là cả một thành tựu đạo đức phi thường.

Mặc dù, một số những đặc điểm riêng biệt của bóng tối có thể không quá khó khăn để tự nhìn nhận ra trong bản thân con người mình, nhưng trong trường hợp phóng chiếu này, cả sự sáng suốt lẫn thiện chí đều bất lực, vì nguyên nhân của những cảm xúc tiêu cực, lại vượt qua mọi sự ngờ vực, mà dường như bắt nguồn từ người khác.

Không cần biết sự phóng chiếu ấy rõ ràng đến như thế nào trong mắt của một người thứ ba, hầu như không có hy vọng gì để anh ta có thể tự nhận ra điều đó. Anh ta bắt buộc phải được thuyết phục rằng đó chính là shadow của mình, trước khi có thể rút lại những sự phóng chiếu đầy cảm xúc tiêu cực mà anh ta ném lên cho người khác.

Carl Jung shadow

Hãy thử giả định một người nào đó – một người không có chút hy vọng nào trong việc tự nhận thức được sự phóng chiếu của mình. Lúc ấy cơ chế phóng chiếu của anh ta sẽ được tự do thoải mái hiện thực hóa trên các đối tượng khác, hoặc tác động lên các tình huống khác nhau bằng sức mạnh của nó. Như chúng ta đã biết, sự phóng chiếu này không phải do ý thức của chủ thể, mà được thực hiện bởi vô thức của anh ta. Vậy nên không phải anh ta chủ đích “tạo ra” sự phóng chiếu ấy, mà là vô tình “gặp phải” nó.

Sự phóng chiếu làm cô lập chủ thể khỏi môi trường xung quanh của anh ta, vì mối liên hệ với môi trường xung quanh sẽ không còn là “thật”, mà trở thành “ảo”. Sự phóng chiếu tráo đổi thế giới xung quanh chủ thể, và thế vào đó một bản sao được tạo thành bởi chính shadow của anh ta.

Sự phân tách này, do đó tạo thành một tình huống tự ám thị hoặc tự kích dục, khi anh ta hoang tưởng về một thế giới không ăn khớp với thực tại. Kết quả là một trạng thái cảm xúc thiếu hụt, hay tệ hơn là cảm giác bất lực, nhưng rồi lại được chính sự phóng chiếu đó lý giải là sự thù ghét, ác tâm của môi trường xung quanh áp đặt lên anh ta.

Và do đó mà vòng lặp quái ác này khiến cho sự cô lập càng thêm trầm trọng. Càng nhiều sự phóng chiếu bị nhồi nhét vào giữa một người và môi trường xung quanh anh ta, càng khó hơn cho bản ngã của anh ta nhìn xuyên qua những ảo tưởng.

Một bệnh nhân 45 tuổi, người bị rối loạn thần kinh cưỡng bức từ năm 20 tuổi và tách biệt hoàn toàn với thế giới, đã từng nói với tôi thế này: “Nhưng tôi không thể nào tự thừa nhận với bản thân mình rằng tôi đã bỏ phí 25 năm tuyệt vời nhất cuộc đời mình!”

Thật là bi thảm khi phải thấy một người rõ ràng tự tay làm hỏng cuộc đời của mình và của những người khác, nhưng lại hoàn toàn không thể tự nhận ra rằng tấn bi kịch ấy bắt nguồn từ bản thân anh ta, hay chính anh ta đã nuôi dưỡng cho nó tiếp diễn.

Tất nhiên những hành động này là vô thức, vì nếu là ý thức thì anh ta đã cay đắng nguyền rủa cái thế giới vô thần này mà rút lui ngày một xa dần khỏi nó. Thay vào đó, sư phóng chiếu là một cơ chế vô thức, thứ đã trùm bức màn ảo ảnh lên thế giới của anh ta. Bức màn ấy là một cái kén, cuối cùng cũng sẽ hoàn toàn nuốt trọn lấy anh ta bên trong đó.

Chúng ta thường mặc định phỏng đoán rằng trong những trường hợp như vậy, khi sự phóng chiếu quá khó khăn hoặc không thể được hóa giải, chúng sẽ thuộc về phạm trù của Carl Jung shadow, tức phần xấu xa của nhân cách. Sự giả định này, đến một mức độ nào đó, sẽ không thể biện hộ được, vì lúc ấy những biểu tượng sẽ hiện ra không chỉ ở một người cùng giới, mà còn ở người khác giới với mình.

Cội nguồn của sự phóng chiếu lúc ấy sẽ không còn đến từ the shadow – vì nó sẽ luôn cùng giới tính với chủ thể, mà đến từ một hình mẫu “phản giới tính” (contrasexual). Ở đây chúng ta sẽ gặp gỡ “ẩn nam” của người phụ nữ và “ẩn nữ” của người đàn ông, hai nguyên mẫu tương ứng với nhau ở hai giới, và sự vô thức cũng như sự tự vận hành của chúng lý giải cho sự “cứng đầu” khi được phóng chiếu.

Mặc dù Carl Jung shadow là một mô-tuýp được biết đến rộng rãi trong thần thoại học cũng như ẩn nam và ẩn nữ, đầu tiên và quan trọng nhất, nó chỉ tượng trưng cho phần vô thức cá nhân, và do đó những phần nội dung của bóng tối không quá khó để có thể được nhận thức.

Ở mặt này nó khác biệt với ẩn nam và ẩn nữ, vì trong khi phần bóng tối có thể dễ dàng được nhìn nhận và ý thức, thì ẩn nam và ẩn nữ tồn tại ở xa hơn rất nhiều so với ý thức, và thông thường sẽ hiếm khi hoặc thậm chí là không bao giờ được nhận biết. Với một chút sự tự phê bình, chúng ta có thể nhìn nhận được bóng tối, nếu như về bản chất nó thuộc phạm trù cá nhân. Nhưng khi nó xuất hiện dưới dạng một nguyên mẫu, chúng ta sẽ gặp khó khăn y như với ẩn nam và ẩn nữ.

Nói theo một cách khác, việc tự nhận thức được những mặt tương đối xấu xa của mình, gần như hoàn toàn nằm trong khả năng của mỗi người. Thế nhưng, để nhìn thẳng được vào mặt của cái ác tuyệt đối là một trải nghiệm cực kì hiếm hoi và kinh khủng.

Biên dịch: Hà Minh
Hiệu đính: THĐP

Photo: Rene Böhmer | Unsplash

Xem thêm

⭐ [THĐP Translation™] 40 thông điệp trí tuệ từ Carl Jung

Tổng quát về khái niệm Shadow (Bóng Tối) của Carl Jung

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI