16 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

The Law of One – 51% vs. 49% – Phục vụ tha nhân hay phục vụ bản thân?

Đây là một bài viết liên quan đến tâm linh. Nếu bạn không có hứng thú với tâm linh hoặc nếu bạn là một người tin vào chủ nghĩa duy vật thì có thể bỏ qua. Bài viết này chủ yếu sẽ là một tập hợp những bình luận, ý kiến đáng lưu tâm trong topic về chuyện phục vụ bản thân vs. phục vụ tha nhân đã được thảo luận trong Triết Học Đường Phố Club hồi tháng 4 năm 2020. Tôi soạn ra và biên tập lại thành một bài viết là vì đây là một vấn đề quan trọng hơn bạn có thể tưởng, nếu nó không quan trọng thì làm làm gì đúng không. Một người trí tuệ là một người hiểu được chính xác điều gì là quan trọng, điều gì là không.

The Law of One” là một tài liệu nổi tiếng trong cộng đồng tâm linh thế giới, cá nhân tôi cũng đánh giá cao nguồn tài liệu này. Để tìm hiểu sâu hơn về The Law of One, bạn có thể tham gia vào THĐP Deep Club. The Law of One là một chủ đề tâm linh khá chuyên sâu, không phù hợp để chia sẻ nơi công cộng.

Theo The Law of One, thì kim chỉ nam cho cuộc sống có thể được phân biệt theo 2 xu hướng: “service to self” và “service to other”, tạm dịch là “phục vụ bản thân” và “phục vụ tha nhân”. Theo Ra (tâm thức mật độ 6 được “channeled” trong The Law of One) thì con đường phục vụ bản thân là “tiêu cực” (“negative path”), còn con đường phục vụ tha nhân là “tích cực” (“positive path”).

the law of one

Theo Ra thì một người muốn được “ra trường” (“graduate” / “harvestable”) thì định hướng phục vụ tha nhân của họ phải ở mức ít nhất 51%. Ý chí tự do (free will) là một đặc tính của thực tại. Một người có được tự do để lựa chọn con đường cho mình. Ai cũng có con đường cần phải đi của họ. Mục đích của bài viết này không phải là để phán xét, mà chỉ để hiểu rõ hơn về cơ chế vận hành của vũ trụ. Người đưa ra lựa chọn là chính là bản thân mỗi người chứ không ai khác.

Định mệnh vs. Ý chí tự do  (Fate vs. Free Will)

Trong The Law of One, những ai chọn con đường “phục vụ bản thân” thì khi lên mật độ tâm thức nhất định sẽ không thể tiến hóa để trở về Nguồn được nữa, vẫn bắt buộc phải chuyển sang “phục vụ tha nhân” nếu muốn tiếp tục tiến hóa để trở về Nguồn.

“Ta là Ra. Chưa từng có sinh linh tiêu cực nào đạt được sự hiển lộ Linh hồn Tối thượng (Oversoul). Theo chúng tôi biết, những thực thể có định hướng tiêu cực gặp một trở ngại chưa từng vượt qua được. Bởi vì sau khi “ra trường” ở mật độ 5, trí tuệ có ở đó nhưng phải được cân xứng với cùng một lượng mức tình yêu. Thứ love/light này là rất, rất khó để đạt được trong sự hiệp nhất khi đi theo con đường tiêu cực (phục vụ bản thân), và ở giai đoạn đầu của mật độ 6, tâm thức tập thể của định hướng tiêu cực sẽ nhảy vào mật độ 6 tích cực. Vì thế, Linh hồn Tối thượng, thứ chia sẻ sự hiểu biết của nó cho những ai sẵn sàng, thì hướng tới sự tích cực.

Không khó để cực tích cực (positive polarity) [TN: phục vụ tha nhân] gửi đi tình yêu và ánh sáng tới những người khác. Nhưng đối với cực tiêu cực [TN: phục vụ bản thân] thì việc đó đủ khó cho tới lúc cực tiêu cực phải bị từ bỏ.”

Ra, The Law of One

Một số bình luận từ topic

Vũ Thanh Hòa: Con đường phục vụ bản thân là con đường co rút, tự hủy hoại, trái ngược với bản chất chân thực bên trong của mỗi người là tình yêu (sự lan tỏa, sinh sôi, nhân giống, kết nối). Nên con đường đúng đắn duy nhất là phục vụ tha nhân. Và cũng nhờ đi trên con đường phù hợp với bản chất nội tại, mà một người được Trời Đất nâng cấp, che chở và bù đắp cho những gì còn thiếu thốn. Vị tha là một mũi tên trúng hai đích tuyệt vời. Còn vị kỷ sẽ là một mũi tên tự đâm chính mình.

Trần Trung Long: chị ơi cho em hỏi thế nào mới được xem là phục vụ tha nhân vậy chị?

Vũ Thanh Hòa: Phục vụ tha nhân là sống vì lợi ích của người khác mà không màng đến sự báo đáp hay lợi ích riêng của chính mình. Ví dụ ăn chay để bảo vệ mạng sống của các loài hữu tình, tu tập đến mức giác ngộ để nâng cao nhận thức của nhân loại, bớt tiêu thụ vật chất để bảo vệ những người nghèo, nhặt rác trên đường là để giữ gìn sức khỏe của Mẹ Trái Đất, suy nghĩ trong sáng và nói lời lành mạnh là để không trở thành cớ cho những người tiếp xúc với mình sa ngã sân si, v.v… Kể ra thì vô vàn ví dụ, bất kể một khoảnh khắc nào cũng có thể sống vì người khác.

Bảo Vưu: Muốn hướng đến toàn thể và dĩ nhiên mỗi quyết định đều hướng đến cái chung một cách tự nhiên nhất nhưng hiện tại đang tu thân, bồi dưỡng trí tuệ vậy đáp án nào đây đại ca? :))) không muốn bừa vì biết đâu cái này giống 2 viên thuốc trong Matrix.

Huy Nguyen: Quan trọng là mục đích của việc tu thân đó là có phải để giúp đỡ, phục vụ thế giới hay không.

Huy Nguyen: Quan trọng là định hướng. Khi bạn phục vụ người khác, Trời Đất sẽ phục vụ bạn. Khi bạn chỉ biết lo cho bản thân, bạn vẫn còn sống trong ảo tưởng về sự tách biệt.

Hai Nguyen: Quan điểm cá nhân, phục vụ tha nhân là tập cho đi không mong cầu, còn mong cầu thì đó là suy nghĩ của phục vụ bản thân. “Đa số mọi người sống với cái ý tưởng như đối thoại với cái lò sưởi. ‘Trước tiên, hãy cho ta hơi ấm, sau đó, ta sẽ quăng cho mi vài khúc gỗ.’” – Người dám cho đi

Lam Huu Nguyen: Đọc cuốn này sẽ có câu trả lời đầy đủ cho những ai muốn tìm hiểu sâu thêm: Bodhisattva’s way of life (by Shantideva, có bản dịch tiếng Việt “Bồ tát hạnh”, đọc tiếng Việt “phê” hơn tiếng Anh). Con đường của một Bồ Tát (người phát nguyện vì tha nhân) có thể được ví như người chăn cừu, chăn tất cả cừu về chuồng an toàn, người chăn cừu mới vào sau cùng. “Bồ Tát hạnh” mới là tinh túy của Phật giáo đại thừa, bất cứ ai phát nguyện vì tha nhân đều là thành viên Bodhisattva Club, gọi tên cho vui, đạo Phật nó chẳng phải là đạo Phật.

Tu tập để giác ngộ thì nằm ở tiểu thừa.

Người khác, những vai phụ quanh bạn trong vở kịch này, tất cả họ đều nằm trong tâm thức bạn. Khi bạn nhận ra bạn là ai thì tự bạn sẽ hiểu rằng giúp người khác là một việc tự nhiên, giúp mà chẳng thấy người giúp và người được giúp.

Máy tính bạn kết nối internet, bạn chỉ lo cho máy mình sạch virus mà những máy khác nhiễm đầy, bạn vô tư kết nối. Máy bạn sạch chăng?

Thao Le: Trải nghiệm đi phục vụ người khác giúp mình nhận biết bản thân, khiêm tốn và làm nhỏ cái tôi nhanh hơn bình thường rất nhiều. Nghe phục vụ có vẻ to tát chứ bạn chỉ cần đi bộ tiện thể nhặt rác, đi đưa cơm cho người nghèo, cầm chổi quét cái sân chung…, bị chửi mắng khi phục vụ thì còn tiến bộ ác nữa

Vũ Thanh Hòa: Tư tưởng đợi mình giỏi rồi mới giúp người khác thì cũng giống như đợi biết hết rồi mới làm, đợi có dấu lạ thì mới tin vào God. Đây là sự ảo tưởng và yếu đuối bên trong được che giấu bởi lý lẽ. Người nào còn mang tư tưởng như thế này thì mãi mãi không giỏi, không thành công dù có đặt mục tiêu là phát triển bản thân đi chăng nữa. Quy luật đúng là phải lao tới giúp người thì mình mới giỏi lên hoặc có động lực để giỏi lên, phải dấn thân thì mới có trí tuệ, phải tin thì mới thấy phép lạ. Cá nhân mình đã từng sống ích kỷ và phải nếm trải nhiều sự bế tắc bực bội trên con đường tu tập. Nhưng kể từ khi nảy nở tình thương và thật lòng muốn giúp người khác thoát khổ thì lúc đó mình mới cảm thấy thanh thản và quên đi những lo lắng, sợ hãi hay khó chịu của chính mình. Đây là một trong những trải nghiệm giác ngộ quan trọng nhất của đời mình.

Anh Tu Nguyen: Chị ơi còn câu nói ”Có thực mới vực được đạo” thì sao hả chị?

Vũ Thanh Hòa: Câu đó chỉ đúng với trường hợp tu ép xác. Mà thời nay thì khả năng tu còn thấp chứ chưa nói đến là đủ dũng cảm hay ý chí để ép xác. Ngoài ra, Chí Tôn Ca cũng đã nói rằng nên tu khổ hạnh nhưng không nên tu ép xác. Phật Thích Ca là một ví dụ rơi vào trường hợp này và phải quay đầu thì mới chứng ngộ.

Huy Nguyen: Thay vì dùng câu nói mơ hồ dễ hiểu lầm đó thì hãy dùng câu “có đức mặc sức mà ăn.”

Silentnight Sky: Tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ là đạo lý sống của người quân tử, lấy tha nhân làm trọng để tu thân để phục vụ tha nhân, trong quá trình tu thân đó phải biết sống vì người khác, ko vì lợi bản thân mình mà hại người. Tề gia là chỉnh đốn đạo Đức gia phong cũng là mục đích phục vụ tha nhân. Người sống có tâm từ đầu đến cuối vì cái lợi chung của con người như vậy ra trị quốc dân mới được thanh bình sung sướng, ko lầm than đau khổ. Nên nhớ đây là đạo lý của người quân tử, các bạn hiểu ko? Muốn biết người quân tử là gì thì phải học cho kỹ vào. Bởi vì tâm thức của các bạn nó chỉ lẫn quẩn ở việc phục vụ cho bản thân cá nhân của các bạn, và các bạn cứ mang cái lòng dạ hẹp hòi của mình để ghắn vào cái đạo lý của bậc quân tử thì dĩ nhiên sẽ ko hiểu được ý nghĩa sâu xa của nó thì thấy nó ko hợp lý là đúng rồi. Các bạn ko hiểu hay cố tình ko chịu hiểu để bao che cho cái suy nghĩ ích kỷ của các bạn ở đây.

Ví dụ dịch bệnh vừa rồi tại Mỹ các bạn ạ. Những bác sĩ làm vì cái tâm nghề nghiệp họ quên hết cả chết chóc tử thần, họ tự sống bên ngoài cách ly với gia đình của họ, họ xác định họ có thể nhiễm bệnh, có thể chết nhưng họ vẫn lao đi làm để cứu người. Nhưng cũng có một số Bs người Việt họ chọn nghề vì nghề đó hái ra tiền, họ chỉ thương tiền và bản thân họ, họ sợ chết, họ từ chối đi làm để đợi hết dịch mới đi. Nếu ai cũng sống vì mình như vậy thì thiên hạ chết ráo hết còn gì.

Đỗ Thanh Huyền: E cũng bị mắc mắc ở chỗ này  Kiểu rõ ràng mình muốn hướng về người khác nhưng chính vì nỗi sợ của ego làm mình k bứt ra được để tìm về chính bản chất yêu thương và tích cực. Đọc xong bài này của a e lại đc mở thêm 1 chút rồi ❤️

“Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là đánh mất chính mình trong sự phục vụ tha nhân.” — Mahatma Gandhi

“Những điều vị kỷ thì trái đạo đức, còn những điều không vị kỷ thì đạo đức. Bạn có vị kỷ không? Đó là câu hỏi. Nếu bạn không vị kỷ, bạn sẽ trở nên hoàn hảo mà không cần đọc bất kỳ một cuốn sách tôn giáo nào, không cần đi đến một nhà thờ hay ngôi đền nào.” — Đạo sư Vivekananda

* * *

Một số ý kiến phản biện

  • Mình phải sáng trước khi dắt những người xung quanh.
  • Muốn vì người khác ắt phải vì mình trước.
  • Phục vụ bản thân để sau này phục vụ tha nhân.
  • Để yêu được người cần biết cách yêu bản thân trước.
  • Phục vụ bản thân được đã rồi mới phục vụ con người được.
  • Muốn chữa lành người trước tiên phải chữa lành mình!

Quan điểm của tôi

Tất cả những ai có những quan điểm như trên thì một là chưa suy nghĩ thấu đáo, hai là đạo đức giả, hoặc ba là cả hai. Khi một người chọn con đường phục vụ tha nhân, lấy nó làm mục đích cuối cùng, quan trọng nhất, thì MẶC ĐỊNH là bản thân họ đã được đầy đủ lành lặn khỏe mạnh rồi, vấn đề mặc định này là được TỰ HIỂU nếu bạn có suy nghĩ đủ sâu sắc thấu đáo. Con đường phục vụ tha nhân không có nghĩa là bạn phải bán vợ con hay nội tạng của bạn để đi làm từ thiện, hay bảo bạn phải đi chữa lành người khác khi bạn đang bị nhiễm Coronavirus, hay dẫn dắt người khác khi chính bạn vẫn còn đang sống trong vô minh, đau khổ. Bạn không thể cho ai tiền khi chính bạn còn đang chật vật về tài chính… Chuyện đó là đương nhiên, không cần nói cũng biết.

Vấn đề ở đây là gì? Đó là mục đích sau cùng là gì? (chứ không phải những bước đầu tiên) Bạn hướng tới đâu? Bản thân hay tha nhân? Đó mới là câu hỏi quan trọng cần được xác định. Vì sao tôi bảo những người đưa ra những lý lẽ trên có thể chỉ là những kẻ đạo đức giả? Bởi vì mục đích sau cùng của họ chưa chắc là muốn hướng tới tha nhân, nhưng họ vẫn muốn có được danh nghĩa tốt đẹp đó, bằng cách thêm ý tưởng sẽ phục vụ tha nhân vào vế sau câu nói, bởi vì đối với họ phục vụ tha nhân chỉ là thứ yếu, bản thân họ mới là điều quan trọng nhất, mới là cái rốn của vũ trụ. Người đạo đức đích thực là người sẵn sàng biết quên mình, hy sinh bản thân vì thế gian. Bản ngã thì sẽ không bao giờ hiểu được chữ “hy sinh” hay tình yêu. Bản ngã chỉ biết sợ hãi và co rúm. Đó là sự khác biệt giữa giả và thật.

Câu nói “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” nhiều người chọn con đường tiêu cực lấy ra làm lý lẽ, chỉ biết hiểu nó theo một chiều, chỉ biết đọc 2 chữ đầu tiên rồi nghĩ rằng nó là ý tưởng quan trọng nhất. Chưa chắc. Biết đâu 3 chữ cuối mới là ý quan trọng nhất của câu nói. “Bình thiên hạ” có nghĩa là làm cho thiên hạ thái bình. Một hệ thống của những người tàn ác, chỉ biết lo cho bản thân, vơ vét cho bản thân, gia đình dòng họ của riêng mình thì thiên hạ sẽ không bao giờ an bình, bởi vì họ chưa bao giờ làm được bước đầu tiên là “tu thân.” Terence McKenna có câu nói, “We are led by the least among us.” (Chúng ta bị dẫn dắt bởi những kẻ yếu kém nhất.) Tại sao? Tại vì chúng ta xứng đáng bị như vậy, chừng nào mọi người còn chưa biết trau dồi bản thân và đem kết quả đó để cống hiến cho thế giới, thay vì cứ sống mãi trong ảo tưởng ngàn đời nay về sự tách biệt.

Ảo tưởng về sự tách biệt — Tìm Hiểu Sâu Hơn Về Bản Chất Của Ego (Bản Ngã / Cái Tôi Cá Nhân): https://wp.me/p9NLPR-c2E

Tác giả: Huy Nguyen

spot_img
Nguyễn Hoàng Huy
Nguyễn Hoàng Huy
"Chỉ khi hướng nội, thì người ta mới thực sự tiến hoá. Tiến hoá là càng ngày mình càng lớn hơn, trưởng thành hơn về tâm thức. Khi ấy sự ảnh hưởng với người khác là tự nhiên chứ không cần nỗ lực." — Nguyễn Minh Thành

BÀI LIÊN QUAN

2 BÌNH LUẬN

  1. Mình không đồng tình với quan điểm cuối bài của tác giả về việc nhận định :” chưa suy nghĩ thấu đáo, hai là đạo đức giả, hoặc ba là cả hai” . Đây chỉ là góc nhìn chủ quan của bạn viết bài.

    Mình từng là người bắt đầu với quan điểm phục vụ tha nhân. Nhưng qua một số biến cố khiến mình có cơ hội trải nghiệm cuộc sống vị kỉ 1 thời gian dài. Nhờ vậy góc nhìn của mình về con người mới đa dạng và thật hơn cho đến lúc mình nhận ra mình và mọi người là một ( như bài viết đã nói: bạn nhận ra bạn khi bạn đánh mất chính mình). Mình mới hoàn toàn nhận ra và hiểu được nên yêu và dẫn mọi ng đi đúng hướng như thế nào là đúng mà k bị vướng vào cái tôi, bản ngã.

    Khi bạn bắt đầu cuộc sống này như 1 người phục vu tha nhân sẵn, bạn sẽ mặc định ai cũng như bạn và góc nhìn của bạn về thế giới chưa bao giờ là đúng 1 cách “đủ”, hay nói cách khác : sự thật của xã hội.

    Kết luận việc nhận định của ng viết chỉ đúng với trường hợp khi người bắt đầu cuộc sống này như 1 người vị kỉ , cách họ diễn tả ý kiến phản biển chỉ như 1 cách ngụy biện cho cách sống của họ. Tuy nhiên với người có trải nghiệm thì nó là cách nâng cấp nhận thức tốt.

    • Hôm nay mới thấy được bình luận này của bạn.

      > Khi bạn bắt đầu cuộc sống này như 1 người phục vu tha nhân sẵn, bạn sẽ mặc định ai cũng như bạn và góc nhìn của bạn về thế giới chưa bao giờ là đúng 1 cách “đủ”, hay nói cách khác : sự thật của xã hội.

      Không nhất thiết một ng sẽ có mặc định đó. Lý lẽ của bạn chưa đủ mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI