19.3 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tự học (phần 4): Những kỹ năng sống quan trọng mà hầu như mọi người đều dở tệ

Dưới đây là những kỹ năng sống mà tôi cho là cần thiết nhất nhưng hầu như mọi người đều dở tệ. Những kỹ năng này đều đảm bảo những yếu tố mà tôi đã trình bày ở 3 bài viết trước:

a) Chúng là những kỹ năng cốt lõi của cuộc sống

b) Chúng là những kỹ năng nền tảng để xây dựng sự nghiệp

c) Tất nhiên rồi, chúng không bao giờ được dạy trong trường và đòi hỏi bạn phải tự học để có được.

Đa số mọi người thường chỉ học được những kỹ năng này sau những trải nghiệm hoặc thất bại đầy đau đớn. Nếu bạn có thể thành thục nhiều hơn 2 trong số những kỹ năng này, tôi nghĩ cuộc đời bạn sẽ thay đổi theo hướng rất khác.

1. TẬP TRUNG SÂU (DEEP WORK)

Kỹ năng này sẽ giúp bạn: không vào check tin nhắn mỗi 5 phút trong khi làm việc, không mở 20 tab facebook mỗi khi bật máy tính, không phải chạy vắt chân lên cổ khi gần đến deadline, hoàn thành công việc tốt hơn, tận hưởng các trải nghiệm cuộc sống tốt hơn.

Trong khi viết bài này, tôi kiểm tra tin nhắn của mình 5 lần và email 2 lần. Tôi mở Facebook xem vài video rồi ghé qua Instagram xem bạn bè tôi đã đăng gì tối qua. Tôi mất thêm 30 phút để nghe hết 6 bài nhạc của Đen Vâu trên Youtube, và liên tục vào đếm số like từ bài viết tuần trước của mình trong suốt thời gian đó.

Sự bùng nổ của các phương tiện thông tin và giải trí trong những năm qua đang làm sự tập trung của chúng ta bị tàn phá nhiều hơn bao giờ hết. Internet có quá nhiều thứ có thể lấy đi sự chú ý của ta. Những thông tin nóng hổi, những vụ drama kịch tính, và còn cả mấy con chó Husky hay làm trò hề nữa chứ. Mọi người thường nghĩ rằng mình làm việc 8 tiếng một ngày, nhưng thực chất thì chúng ta thường chỉ tập trung làm trong 3 tiếng là cùng. Phần thời gian còn lại ta thường nhảy như con thoi giữa đủ mọi loại ứng dụng, hoặc bị phân tâm bởi những thứ khác.

Nhưng tập trung là một công cụ tối cần thiết đối với cả công việc và đời sống. Nếu bạn cứ vào facebook mỗi 5 phút một lần, bạn sẽ không thể hoàn thành công việc của mình và sẽ lại chạy cong đuôi mỗi khi đến gần deadline. Hơn thế, sự tập trung là yếu tố quan trọng để có thể tận hưởng cuộc sống. Nghe hơi lạ nhỉ, nhưng các trải nghiệm sống đều đòi hỏi bạn phải dành phần lớn tâm trí để có thể cảm nhận được nét đẹp từ chúng. Bạn sẽ chẳng thể thưởng thức trọn vẹn bữa ăn, nếu bạn cứ mải suy nghĩ về trận thua tối qua của đội nhà. Bạn sẽ chẳng thể vui vẻ trong buổi hẹn hò, nếu cứ bận tâm đến scandal của mấy thằng cha nghệ sĩ. Và nếu bạn cứ phân tâm vì mấy cái thông báo facebook chết tiệt thì sao bạn có thể thu nhận được hết cái hay của bài viết này?

Vì thế, làm ơn hãy tập trung trong 15 phút tới. Nếu không bạn sẽ chẳng còn thấy gì hay ho nữa đâu.

2. TRÍ TUỆ CẢM XÚC (EQ)

Kỹ năng này sẽ giúp bạn: sống tốt hơn, có nhiều cảm xúc tích cực hơn, ít bị dày vò bởi các cảm xúc tiêu cực hơn, ra quyết định tốt hơn.

Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao các danh nhân đôi khi lại ra những quyết định ngu ngốc chưa? Tại sao Hitler lại tự nhiên đâm đầu vào tấn công Liên Xô¹, hay tại sao Bill Clinton lại ngoại tình với một cô thư ký? Tự tuyên chiến với một đất nước hùng mạnh để rơi vào thế sa lầy ở hai mặt trận và cặp bồ với một thực tập sinh khi là tổng thống rõ ràng không phải là một quyết định thông minh.

Giờ thì hãy quay lại với tôi và bạn. Có lẽ bạn cũng từng ra một quyết định ngốc nghếch nào đó mà chính bạn cũng không thể hiểu nổi. Có thể bạn từng say mèm rồi gọi điện thoại khóc lóc cầu xin người yêu cũ tha thứ. Cũng có thể bạn từng ngồi xem 15 cái video của Huấn Hoa Hồng và Trần Đức Bo rồi tự hỏi mình đang làm gì thế này sau khi xem xong.

Tất cả chúng ta đều có những quãng thời gian mà khi nhìn lại, ta luôn phải vả vào mồm mình tự hỏi: “Sao lúc đấy mình lại ngu thế nhỉ?” Các cảm xúc chính là lời giải của những câu hỏi này. Cả bạn, Hitler lẫn Clinton đều không ngu. Chẳng qua là bạn và tất cả những vị kia đều bị chi phối bởi cảm xúc của mình. Những cảm xúc là phần quan trọng nhất của tâm trí mỗi người. Và chúng là thủ phạm đứng đằng sau tất cả những sai lầm và thói xấu của con người. Mọi người làm những điều sai trái vì một lý do đơn giản: chúng ta bị cảm xúc của mình dẫn dắt. Khi những cơn bão cảm xúc bùng lên, lý trí của ta hoàn toàn bị che mờ và ta hành động một cách ngốc nghếch để thỏa mãn những cảm xúc của mình.
Hitler có lẽ đã quá tự tin và hưng phấn sau những trận thắng như chẻ tre vào đầu thế chiến, có lẽ điều đó khiến ông trở nên kiêu căng và tự đưa mình vào thế đối đầu với cả 2 cường quốc. Bill Clinton có lẽ đã rất cô đơn và chịu nhiều áp lực trên đỉnh cao danh vọng, và để giải tỏa những gánh nặng tinh thần của mình, ông lao vào mối tình vụng trộm với cô thực tập². Cả bạn và tôi cũng vậy. Lần gần nhất bạn làm một điều gì đó tệ hại, chắc hẳn là bạn đang quá hưng phấn hoặc quá tiêu cực. Có lẽ bạn uống rượu nhiều và gọi điện khóc lóc với người yêu cũ vì bạn quá đau khổ với mối tình đổ vỡ của mình. Có lẽ bạn xem những thứ rác rưởi trên mạng kia, vì bạn thấy quá buồn chán và chẳng có gì tốt hơn để làm.

Đó là lý do vì sao việc trau dồi trí tuệ cảm xúc lại quan trọng. Trí tuệ cảm xúc có thể hiểu là khả năng thấu hiểu các cảm xúc và cách ứng xử với những cảm xúc. Việc này mang lại hai lợi ích. Thứ nhất, việc này giúp bạn thấu hiểu các cảm xúc của mình và làm giảm tác động của chúng lên đời sống của bạn. Nếu như bạn thấu hiểu những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, hoang mang, sợ hãi, bạn sẽ ít bị dày vò bởi chúng hơn. Thứ hai, nếu bạn có thể kiểm soát tốt những cảm xúc của mình, bạn sẽ ít đưa ra những quyết định tự-vả-vào-mồm hơn. Vì những hành vi sai lầm nhất của ta đều đến từ những lúc cảm xúc che mờ lý trí.

3. XÂY DỰNG THÓI QUEN VÀ KỶ LUẬT BẢN THÂN

Kỹ năng này sẽ giúp bạn: không thức đến 2h sáng để chơi game, không ăn quá nhiều đồ ăn nhanh, không chửi bậy lung tung, và có một cuộc sống tốt hơn.

Cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào những hành vi mà ta làm hàng ngày. Những thói quen sẽ quyết định bạn là ai. Nếu bạn hút thuốc thường xuyên, bạn sẽ mang vào mình sức khỏe xấu. Ngược lại, nếu bạn đọc sách thường xuyên, bạn sẽ có trí tuệ tốt.

Những thói quen xấu thường mang lại cảm giác dễ chịu và không nhìn thấy kết quả sau một lần thực hiện. Hút một điếu thuốc giúp giải tỏa căng thẳng mà lại không khiến bạn ung thư phổi. Đồ ăn nhanh rất ngon mà không bắt bạn phải đến bệnh viện sau một lần ăn. Lướt facebook 5 tiếng mỗi ngày chưa làm sự nghiệp của bạn bị phá hỏng ngay lập tức. Dù kết quả của những thói quen hàng ngày là rất nhỏ, chúng lại có một tác động cực lớn vào một ngày không xa. Việc lặp đi lặp lại các thói xấu rồi sẽ gây ra những rắc rối lớn làm bạn phải tự vả vào mồm mình trong sự ân hận.
Vì thế mà chúng ta cần biết cách để xây dựng những thói quen tốt và tránh xa những thói quen xấu (kỷ luật). Đây là hai mặt của đồng xu và chúng bổ trợ lẫn nhau. Việc xây dựng những thói quen tốt phụ thuộc vào việc có kỷ luật để tránh xa những thói xấu, và để không bị nhiễm những thói quen xấu thì bạn cần biết cách xây dựng những thói quen tốt. Thói quen tạo nên kỷ luật, và kỷ luật giúp bạn duy trì thói quen tốt trong những tình huống khó khăn.

4. KỸ NĂNG GIAO TIẾP VÀ SỰ TỰ TIN

Kỹ năng này sẽ giúp bạn: có đời sống xã hội lành mạnh, xây dựng và phát triển mối quan hệ, cải thiện sự nghiệp và không trở thành một tên tự kỷ suốt ngày ru rú thẩm du trong phòng.

Có nhiều yếu tố tạo nên hạnh phúc, nhưng có quá ít thứ có nhiều ảnh hưởng và tác động đến hạnh phúc như các mối quan hệ của chúng ta. Và để xây dựng những mối quan hệ tốt thì bạn cần có kỹ năng giao tiếp tốt.

Nhờ các mạng xã hội mà giờ đây chúng ta có thể kết nối với mọi người xung quanh mà không cần gặp trực tiếp. Nhưng cũng chính vì chúng ta có thể trò chuyện qua mạng quá nhiều, khả năng giao tiếp ngoài đời của chúng ta đang dần bị bào mòn. Đa số mọi người chẳng biết làm thế nào để bắt chuyện với người khác. Rất nhiều buổi tụ tập mà bạn bè thay vì trò chuyện cùng nhau lại lôi điện thoại ra bấm lách cách. Cá nhân tôi thấy rằng ngày càng có nhiều người rụt rè và ít nói trong xã hội hơn. Rất nhiều khi tôi cất tiếng chào một người quen và họ lặng thinh nhìn tôi cứ như thể tôi đang hát quốc ca bên ngoài giờ chào cờ vậy.

Chúng ta giao tiếp kém hoặc ngại giao tiếp vì một lý do: chúng ta quá thiếu tự tin do đã sống quá lâu mới mấy cái màn hình và sự đánh giá, so sánh từ mạng xã hội. Ta lúng búng không dám nói gì vì ta sợ người đối diện sẽ bảo ta là đồ dở hơi. Việc ít khi mở lời và không đối mặt với cảm giác bị người khác phán xét lại càng làm chúng ta tự ti hơn.
Khả năng giao tiếp và sự tự tin đóng vai trò rất lớn trong cuộc sống cũng như sự nghiệp của mỗi chúng ta. Bạn chẳng thể nào sống tốt nếu không có được mối quan hệ tốt với những người bạn yêu thương. Bạn chẳng thể nào thăng tiến nổi nếu cả công ty không thấy bạn mở miệng bao giờ. Và nếu bạn lúc nào cũng rụt rè thì làm sao bạn sống thoải mái được?

Cũng như thói quen và kỷ luật, giao tiếp và tự tin là 2 mặt của một đồng xu. Kỹ năng giao tiếp tốt sẽ tạo nên sự tự tin và sự tự tin sẽ giúp bạn giao tiếp thoải mái hơn.

5. KIÊN NHẪN

Kỹ năng này sẽ giúp bạn: không bỏ tập gym sau 3 ngày mà vẫn chưa có “chuột”, kiên trì theo đuổi chế độ ăn lành mạnh và những kế hoạch bạn đã đề ra, cảm thấy thoải mái hơn trong cuộc sống, vì cuộc sống toàn những thứ xảy ra rất chậm.

Chờ đợi đã trở thành một điều xa xỉ trong thế kỷ 21 này. Những nhu cầu của chúng ta đều được đáp ứng ngay tức khắc. Cần kết nối với mọi người xung quanh ư? Đã có facebook. Đang thấy đói bụng à? Vào Grab và đặt đồ ăn là có ngay. Muốn tìm cái gì đó giải trí cho đỡ buồn chán? Chỉ việc cài đặt vào bất cứ thứ gì trong số nửa triệu ứng dụng trên app store.

Bởi vì đây là thời đại của những thứ “mì ăn liền” và mọi nhu cầu của ta đều được đáp ứng ngay tắp lự, chúng ta trở nên mất khả năng kiên nhẫn để chờ đợi một thứ gì đó. Nhưng không như các dịch vụ, cuộc sống của chúng ta diễn ra rất chậm. Những sự thay đổi và tiến bộ trong ta cần rất lâu để xảy ra. Thân hình của bạn không thể thay đổi sau 3 ngày tập gym, nó chỉ khác biệt sau hàng năm trời luyện tập. Bạn không thể trở nên thông thái chỉ nhờ vào một cuốn sách, mà cần tiêu tốn rất nhiều thời gian học tập để đạt được điều đó.

Vì chúng ta đã quá quen thuộc với những thứ nhanh chóng, chúng ta trở nên khó chịu mỗi khi phải chờ đợi điều gì đó. Thế là ta thấy mệt mỏi với những tiến bộ xảy đến rất chậm trong cuộc sống. Ta sẽ nghỉ tập gym sau 3 ngày vì không thấy tay mình to hơn. Ta sẽ từ bỏ chế độ ăn kiêng sau 1 tuần vì thấy mình vẫn béo như thế. Ta sẽ vứt quyển sách vào xó nhà vì chẳng thấy mình khôn lên tí nào. Ừ, nếu bạn làm thế thì đúng là bạn chả khôn lên tí nào thật.

Đó là lý do vì sao kiên nhẫn lại quan trọng. Rèn luyện khả năng kiên nhẫn giúp bạn không bỏ cuộc và thấy thoải mái với cuộc sống, vì cuộc sống toàn những thứ xảy đến rất chậm. Khác với quan điểm thông thường rằng kiên nhẫn là khả năng chờ đợi lâu, tôi cho rằng kiên nhẫn nên là khả năng thoải mái với những thứ xảy đến chậm rãi. Tôi sẽ tranh luận thêm về vấn đề này trong một bài viết khác.

6. CẢM NHẬN HẠNH PHÚC

Kỹ năng này sẽ giúp bạn: không dành toàn bộ tiền tiết kiệm để mua những món đồ đắt tiền, không quan hệ lang chạ và lê la hết cuộc vui này đến cuộc vui khác, tận hưởng được hạnh phúc trong những thứ bình dị – những hạnh phúc đẹp đẽ và cao quý nhất.

Mọi người thường nghĩ rằng: hạnh phúc là khi có được một thứ gì đó, hay đạt được một thành tựu nào đó. Ví dụ như nếu tôi mua được con xe Vinfast Lux Turbo 2.0 thì tôi sẽ hạnh phúc, nếu tôi trở nên thành công và có người yêu là hoa hậu thì tôi sẽ thấy thỏa mãn.

Nhưng bạn có thể nằm ngủ trên cả núi tiền ở tầng cao nhất của tòa Empire States mà vẫn thấy bất hạnh. Bạn có thể được cả xã hội trọng vọng mà vẫn thấy đau khổ. Những người nổi tiếng là ví dụ điển hình cho việc này mà tôi đã trình bày trong phần 3. Ngược lại, bạn có thể sống ở tầng lớp dưới trong xã hội và chịu đựng một công việc vất vả ngày qua ngày mà vẫn có được hạnh phúc. Bởi vì hạnh phúc không phải đến từ ngoại cảnh, nó đến từ nội tại. Không phải khi bạn đạt được điều gì đó thì bạn mới hạnh phúc, mà khi bạn cảm nhận được hạnh phúc thì bạn sẽ hạnh phúc. Hạnh phúc là vấn đề của tâm trí chứ không phải của vật chất. Bạn biết mấy đứa bé 3 tuổi mà hay bĩnh ra quần rồi đấy, chúng nó chẳng có cái gì cả nhưng chúng vẫn có thể cười tươi rói đầy thích thú chỉ với một món đồ chơi rẻ tiền.

Tôi tin rằng, vì chúng ta đã sống quá lâu trong nền văn hóa tiêu dùng và tin rằng hạnh phúc đến từ những món đồ đắt tiền hay những chuyến du lịch sang chảnh, chúng ta đang mất đi khả năng cảm nhận hạnh phúc hơn bao giờ hết. Ta thấy đau khổ vì những việc không đâu, như khi nhìn bạn bè ta có một chuyến du lịch hay khi biết một người quen vừa mới thành công trong việc gì đó.

Khả năng cảm nhận hạnh phúc có nghĩa là thấy mãn nguyện mà không cần đến những món đồ xa xỉ hay chuyến du lịch nào cả. Điều đó có nghĩa bạn sẽ sống thoải mái kể cả khi không có được thành công hay những vật chất hào nhoáng. Đời sống viên mãn như vậy chẳng phải là thứ ta cần có nhất hay sao?

7. LÀM CON/ LÀM CHA MẸ

Kỹ năng này sẽ giúp bạn: rửa bát cho mẹ thay vì ngồi chơi game, hỏi thăm sức khỏe cha mẹ hằng ngày, thấu hiểu và giúp đỡ con cái thực hiện mong muốn của chúng, không nuông chiều con cái trở nên hư hỏng, không phải hối hận khi cha mẹ bạn qua đời, hoặc chính bạn qua đời.

Đây là 2 vai trò mà tất cả chúng ta đều phải làm, nhưng tôi nghĩ rất ít người có thể làm tốt. Mọi bậc sinh thành đều yêu thương con cái và mọi người con đều kính yêu cha mẹ mình. Nhưng theo tôi, tình yêu thương là chưa đủ để tạo nên một người làm con hay làm cha mẹ tốt.

Việc cha mẹ quá yêu thương con cái, có thể dẫn đến việc họ quá nuông chiều và chỉ muốn những điều dễ dàng, thuận lợi dành cho đứa trẻ. Điều này nghe qua có vẻ là tốt, nhưng việc không bao giờ để con cái mình đối mặt với những khó khăn lại là nguyên nhân chính tạo nên những đứa con hư hỏng và yếu đuối. Ngoài ra, các phụ huynh thường chọn lựa cho con cái mình những hướng đi bằng phẳng, và điều này vô hình trung khiến cho con cái họ không thể tối ưu được tiềm năng của mình.

Còn với những người con, tôi nghĩ rằng có rất ít người có thể làm một đứa con tốt. Mặc dù chúng ta được dạy phải hiếu thuận với cha mẹ mình từ bé đến lớn, đa số chúng ta vẫn ngồi bấm điện thoại trong khi mẹ đang rửa bát. Rất nhiều khi chúng ta trách móc bố mẹ vì đã không hiểu được mình, nhưng thực tế thì hiếm người con có thể thấu hiểu và lắng nghe cha mẹ mình. Chúng ta hiếm khi quan tâm đến những nhọc nhằn mà bố mẹ phải trải qua, hay những hy sinh mà các cụ dành cho ta. Kể cả khi chúng ta hiểu được điều đó, chúng ta lại không biết cách thể hiện tình cảm và sự trân trọng của mình dành cho cha mẹ. Những người trưởng thành hiếm khi quan tâm và trò chuyện với bố mẹ. Thay vào đó, họ mua cho cha mẹ mình thật nhiều vật chất mà ông bà không thể hưởng thụ, để rồi khóc thật to trong đám tang của các cụ.

Việc làm một người con và làm một người cha mẹ tốt theo tôi gồm 2 phần: học cách yêu thương con cái/cha mẹ mình một cách đúng mực và học cách thấu hiểu con cái/cha mẹ mình. Cha mẹ cần phải cho đứa trẻ nhiều những yêu thương và vừa đủ những đòn roi. Các phụ huynh cũng nên nhận biết tiềm năng của con em và giúp chúng tối ưu tiềm năng của mình thay vì chọn một con đường bằng phẳng. Còn với chúng ta, những đứa con, ta không chỉ cần là một người con ngoan mà còn nên là một người con tốt. Ta không chỉ cần phụng dưỡng cha mẹ và ông bà mình, mà còn cần học cách quan tâm và thấu hiểu họ nữa.

8. XÂY DỰNG TRIẾT LÝ SỐNG

Kỹ năng này sẽ giúp bạn: vượt qua những cơn khủng hoảng, xác định và đạt được những thứ mình mong muốn, không sa đà vào những thứ vô bổ, không cảm thấy hối hận khi sắp chết.

Bạn mong muốn điều gì từ cuộc sống này? Có thể câu trả lời của bạn là muốn có một người bạn đời biết quan tâm, một công việc tốt hay một ngôi nhà đẹp. Vậy bạn sẽ làm gì để đạt được những thứ mình mong muốn? Bạn sẽ tìm kiếm một người bạn đời hay ngồi ở nhà thẩm du, bạn sẽ trau dồi bản thân và phấn đấu làm việc hay nằm ườn ra và ăn bám bố mẹ?

Hai câu hỏi này, câu hỏi mục tiêu mà tôi hướng đến trong cuộc sống là gì? và tôi sẽ làm gì để đạt được mục tiêu đó? là hai yếu tố cấu thành nên triết lý sống của bạn. Việc bạn trả lời những câu hỏi này sẽ quyết định bạn là ai, bạn sẽ đạt được điều gì, hay bạn sẽ làm gì trong suốt những năm tháng của cuộc đời mình. Việc trả lời 2 câu hỏi này, là điều đầu tiên bạn cần phải làm nếu muốn vững bước trên đường đời.

Đa số mọi người không có một triết lý sống. Việc này thường dẫn đến những hậu quả lớn mà nền văn hóa của chúng ta gọi là khủng hoảng tổi 20, khủng hoảng tuổi trung niên,… Tệ nhất là vào lúc lâm chung, bạn sẽ nhìn lại và nhận ra rằng mình đã uổng phí một cơ hội sống. Thay vì dành cuộc đời mình để theo đuổi điều gì đó thực sự đáng giá, bạn đã phung phí nó khi mặc cho bản thân làm những việc vô nghĩa.

Những cơn khủng hoảng này xảy đến vì chúng ta chẳng biết nên làm gì với cuộc đời mình. Nếu như bạn có thể xác định rõ ràng con người bạn muốn trở thành và công việc bạn sẽ làm, khủng hoảng tuổi 20 sẽ chẳng làm gì được bạn.
Một số ít người có thể có được một triết lý sống cho mình. Nhưng vì quá bị ảnh hưởng bởi nền công nghiệp self-help và nền văn hóa tiêu dùng mà họ thường lựa chọn những mục tiêu và phương pháp sống sai. Những người này thường lựa chọn những mục tiêu ngoại cảnh mà họ sẽ không thể kiểm soát như thành công hơn, mua sắm nhiều hơn, có một ngôi nhà đẹp hơn hay nhiều chuyến du lịch hơn. Và họ cũng sử dụng những phương pháp mang lại nhiều rắc rối như làm việc quá sức và tổn hại sức khỏe, tận hưởng những lạc thú một cách vô độ, phung phí tiền bạc và thời gian của mình.

Để có thể sống tốt và không uổng phí đời mình, ta cần xây dựng nên một triết lý sống phù hợp với những giá trị của bản thân. Bạn cần tìm ra được một mục tiêu xứng đáng, và chọn lựa cách thức phù hợp để đạt được nó. Nói ví von thì cuộc đời của chúng ta như con thuyền lênh đênh ngoài biển cả. Nếu như bạn muốn có một hành trình đáng nhớ và đến đúng nơi bạn mong muốn, bạn cần có một la bàn và bánh lái tốt.

Tác giả: Vũ Đức Huy

Biên tập: THĐP

Ảnh: Spencer Davis on Unsplash

Bạn có thể ghé thăm blog của tôi tại: fb.com/cahoileothac

__________________

CHÚ THÍCH

¹ Có nhiều tranh cãi về việc tấn công Liên Xô có phải quyết định sai lầm của Hitler hay không. Nhưng dù sao thì thất bại của chiến dịch Barbarossa cũng là bước ngoặt chiến lược dẫn tới thất bại của Đức Quốc Xã trong thế chiến 2.
² https://vnexpress.net/bill-clinton-noi-ngoai-tinh-de-giam-ap-luc-4065321.html


💪 [THĐP EBOOK] Cẩm Nang Nofap – Cách trở thành người đàn ông ĐÍCH THỰC ➡️ https://bit.ly/camnangnofap
💥 Gia nhập THĐP DEEP CLUB ➡️ https://bit.ly/DK_DEEPCLUB
🗂 Danh sách tất cả bài viết Deep Club ➡️ https://bit.ly/DEEPCLUB_INDEX

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục TẤT CẢ nội dung volume 1-27 (Google Sheet) ➡️ http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI