20.3 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tự học (phần 2): Học chủ động thay vì học thụ động

Tôi đang ngồi trong giảng đường. Một tay chống cằm, tay còn lại bấm bút bi lách tách. Mắt lơ mơ hướng ra ngoài khung cửa sổ và tâm trí đặt vào những đám mây lững lờ trôi trên bầu trời xanh thẳm. Ánh nắng vàng hiu hắt xuyên qua những tán cây, soi bóng vài chú chim đang ríu rít chuyền cành.

Giảng viên đang say sưa nói về mối quan hệ biện chứng giữa vật chất và ý thức. Trời thì đẹp, còn tiết học thì chán ngấy. Đây chắc phải là lần thứ 20 tôi mất tập trung trong giờ. Tôi đã cố gắng tập trung nghe giảng trong 15 phút đầu tiên để rồi nhận ra rằng môn này chán vãi cả linh hồn và những kiến thức này chẳng có ích gì cho tôi cả và tôi cá là mình sẽ quên môn học này trong vòng 5 phút sau khi thi xong mà thôi.

Điều ấy làm tôi càng chán hơn vì hơn 2 tiếng nữa buổi học chết tiệt này mới kết thúc. Sự chán nản này dẫn đến việc tôi tự đặt ra một câu hỏi ít nhiều mang tính triết học cho bản thân rằng: “Tại sao mình lại đi học cái môn triết chán òm này nhỉ? Tại sao trước giờ mình vẫn đến học những môn chán ngấy ở trường dù mình không cần nhỉ?” Thế là tôi, một tay chống cằm, tay còn lại bấm bút bi lách tách, mắt nhìn ra ngoài cửa sổ và cố gắng tự trả lời câu hỏi đang lởn vởn trong đầu mình.

Bỗng giảng viên đập bàn rầm một cái, chỉ tay về phía tôi và quát to: “Anh kia tập trung lên đây! Kiến thức ở trên bảng chứ có ở ngoài cửa sổ đâu mà nhìn ra đấy.” Tôi giật bắn người và răm rắp làm theo lời thầy tôi nói mà không chút suy nghĩ. Nếu bạn là một thằng sinh viên năm nhất đang phải đối mặt với một ông giáo hói đầu giận dữ, thì bạn không có quá nhiều sự lựa chọn. Tôi nhìn lên bảng, thôi bấm bút bi và chăm chú chép lại những gì thầy giảng, dù tôi vẫn thấy kiến thức này không cần thiết. “Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức là mối quan hệ…. anh kia quay lên đây… biện chứng. Trong mối quan hệ này, vật chất có trước, ý thức có sau,…blah…blah.” 

Chẳng biết có phải nhờ cái đập bàn của thầy hay không tôi đã tìm ra câu trả lời cho mình. Lý do mà tôi đến trường để học môn triết này, và lý do tôi đến trường để học tất cả các môn học khác đơn giản là vì tôi luôn có thói quen phụ thuộc vào giáo dục truyền thống. Từ trước đến nay, tôi vẫn tin rằng nhà trường sẽ trang bị cho tôi những kiến thức cần thiết, và những kiến thức được dạy trong trường đều sẽ cần thiết cho tôi. Vậy nên việc học của tôi trước giờ chỉ đơn giản là a) tôi đến trường và b) tôi học tất cả những thứ mà nhà trường dạy bất kể nó có cần thiết hay không.

Tôi không bao giờ đặt câu hỏi về việc “tôi cần học những gì?” hay “liệu kiến thức trong trường có cần thiết cho tôi hay không?” Tôi chỉ đơn giản là cứ thế đến trường và học mà thôi. Tôi để trường học quyết định việc học của mình, thay vì tự mình quyết định lấy. Tôi mắc một căn bệnh mà tôi gọi là: học thụ động.

Căn bệnh học thụ động

Ơn giời, không chỉ có mình tôi. Đa phần những người đến trường mà tôi biết cũng đều mắc một căn bệnh mang tên: học thụ động.

Chúng ta không bao giờ tự hỏi mình cần học những gì và nên học những gì. Ta chỉ cứ thế đến trường và để giáo viên nhồi vào đầu mình những thứ mà nền giáo dục đã quy định. Trong trường hợp của tôi, tôi đến học chủ nghĩa Marx – Lenin (dù tôi không cần đến) vì đó là kiến thức mà nhà trường dạy, thế thôi.

Ta cũng hiếm khi tìm tòi học thêm những kiến thức khác bên ngoài trường học. Ta chỉ học khi trường học dạy và thường ngừng lại việc học khi mà trường học không dạy nữa. Học sinh chỉ học trong năm và sẽ ngồi đánh điện tử trong toàn bộ thời gian nghỉ hè. Các sinh viên sẽ chỉ học khi giảng viên giảng bài chứ chả mấy khi đọc giáo trình trước ở nhà. Hầu hết người trưởng thành chẳng thu nhận thêm bất cứ kiến thức nào sau khi đã “thoát” khỏi trường đại học. Một số người vẫn tiếp tục học sau đại học nhưng thực tế họ chỉ đang chuyển từ kiểu học thụ động này sang kiểu học thụ động khác. Ví dụ như chuyển từ học thụ động từ đại học sang học thụ động ở lớp thạc sĩ, rồi chuyển từ thạc sĩ sang tiến sĩ,…. Khi họ đạt đến học vị đủ cao, họ cũng sẽ ngừng việc học dù cho họ còn thiếu rất nhiều những kỹ năng cần thiết. Trong khi thực tế là tất cả mọi người vẫn luôn thiếu rất nhiều kiến thức và kỹ năng sống quan trọng.

Việc học của ta phụ thuộc vào nhà trường như thiêu thân phụ thuộc vào nguồn sáng. Ta lao vào bất kể nguồn sáng ấy là bóng đèn hay ngọn lửa nóng rực, và chẳng làm gì khi nguồn sáng đã tắt. Hay như cách ví von của xã hội thì thầy cô chúng ta là những người lái đò, và ta luôn ngồi lên con đò của họ mà chẳng suy nghĩ gì. Ta cứ thế ngồi lên đò thôi mặc kệ nó đến đâu thì đến. Để rồi sau khi xong đại học ta mới nhận ra: trước giờ mình toàn đi nhầm.

Tại sao chúng ta học thụ động?

Căn bệnh này xuất phát từ 2 nguyên nhân: cảm giác bị ép buộc phải học và tâm lý ỷ nại vào giáo dục truyền thống. Đa số học sinh đi học vì đó là mong muốn (đôi khi là cưỡng ép) của phụ huynh và xã hội. Chúng ta đến trường vì người khác muốn như vậy chứ không phải vì ta muốn như vậy. Điều này dẫn đến ta có cảm giác mình bị ép buộc phải đi học. Vậy nên ta chỉ học những thứ nhà trường dạy một cách miễn cưỡng vì điểm số để đáp ứng mong muốn của phụ huynh. Khi nhà trường ngừng dạy (nghỉ hè, tốt nghiệp,..) ta cũng ngừng học vì không còn ai ép buộc ta học nữa.

Một số ít khác tiến bộ hơn và học tập một cách tự nguyện (uhm, chính là mấy đứa đứng nhất trong lớp bạn đấy). Tuy nhiên những người này lại thường tin tưởng hoàn toàn vào giáo dục truyền thống. Họ tin rằng trường học sẽ cung cấp đủ cho họ những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống và sự nghiệp của họ. Tâm lý này dẫn đến cùng một kết quả. Những người chăm chỉ sẽ học tất cả những thứ nhà trường giảng dạy bất kể sự cần thiết của nó và cũng sẽ ngừng học khi trường học thôi giảng dạy, vì họ cho rằng đã có đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết rồi.

Nhưng như tôi đã nói ở phần trước, nền giáo dục có rất nhiều vấn đề. Những thứ nó trang bị thì ta không cần và những thứ ta cần thì nó không trang bị. Việc phụ thuộc vào giáo dục truyền thống như vậy dẫn đến hai hậu quả là:

a) Ta không có đủ những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống vì nhà trường không giảng dạy những thứ ấy. Ta cũng lãng phí rất nhiều thời gian để học những thứ vô ích mà sẽ bị lãng quên trong vòng 5 phút sau khi thi xong. Những người phụ thuộc vào giáo dục truyền thống có thể tính nhẩm được tích phân 3 số, nhưng lại mù tịt về cách giao tiếp hàng ngày.

b) Vì cứ phải học nhiều những thứ vô ích trong trường học, ta có cảm giác mình bị ép buộc phải học. Sự ép buộc này nuôi dưỡng dần sự chán nản trong ta với việc học và biến việc học trở thành cực hình. Cuối cùng thì ta ngồi bấm điện thoại trong suốt tiết học, trốn ra ngoài khi giáo viên không để ý và bật cười to thành tiếng khi thấy khẩu hiệu “mỗi ngày đến trường là một ngày vui.”

Việc phụ thuộc hoàn toàn vào giáo dục truyền thống như vậy là cách học thụ động và rõ ràng là nó mang lại nhiều rắc rối. Vậy sẽ thế nào nếu ta chủ động lựa chọn thứ mà mình sẽ học? Tại sao ta không là người quyết định mình sẽ học gì và học như thế nào, thay vì phó mặc hết tất cả việc học cho giáo dục truyền thống? Sẽ thế nào nếu ta chủ động lèo lái con thuyền của mình thay vì để giáo viên đưa đi? Sẽ thế nào nếu ta học chủ động, thay vì học thụ động?

Liều thuốc học chủ động

Quan điểm của tôi trong việc học tập và rèn luyện bản thân là học chủ động: Ta nên chủ động quyết định việc học của bản thân thay vì để nhà trường quyết định việc học của mình. Ta nên chủ động học những thứ mình cần, thay vì học những thứ nhà trường dạy. Ta nên học theo cách mình muốn, thay vì cứ phải đến trường.

́Không, tôi không bảo bạn nộp đơn thôi học lên phòng đào tạo đâu nhé. Thật dại dột khi làm thế trong xã hội trọng bằng cấp này. Không phải mọi thứ trong trường học đều vô ích và bạn vẫn nên theo học tại một cơ sở giáo dục truyền thống. Nhưng đừng tốn thời gian cho những thứ vô ích được giảng dạy trong đó và dành nguồn lực đó cho những thứ bạn cần đến. Nhưng nếu bạn cần biết kỹ năng giao tiếp, bạn nên dành thời gian đọc Đắc nhân tâm thay vì phí thời gian đi học chủ nghĩa Marx – Lenin. Nếu bạn muốn giỏi tiếng Anh hơn là xác suất thống kê, bạn nên bỏ qua môn xác suất để luyện phát âm. Nếu bạn có đam mê với khiêu vũ và chán ngấy với toán cao cấp, hãy bùng tiết toán cao cấp và đi tập nhảy.

Việc học tập chủ động mang lại nhiều lợi ích từ việc xóa bỏ cả 2 hậu quả của việc phụ thuộc vào giáo dục truyền thống.

Thứ nhất, học chủ động sẽ giúp bạn có được những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Vì bạn là người quyết định việc học của mình, bạn sẽ chỉ học những thứ mà mình cần. Điều này giúp bạn được mài giũa đúng những kỹ năng cần thiết thay vì phí thời gian cho những thứ vô ích trong trường học. Nếu bạn cần có kỹ năng giao tiếp thay vì xác suất thống kê, bạn sẽ dành thời gian mài giũa khả năng ăn nói chứ chả dại gì ngồi làm bài tập về tổ hợp với chỉnh hợp cho nhức đầu.

Thứ hai, học chủ động xây dựng niềm yêu thích của bạn với việc học. Vì bạn là người chủ động lựa chọn việc học của mình, bạn sẽ học những điều mình thích và sẽ học tập một cách tự nguyện. Điều này giải phóng bạn khỏi tâm lý nặng nề của việc bị ép buộc phải học bấy lâu nay. Và cứ như thể có một thứ bột tiên nào đó được rắc lên bạn, bạn sẽ thấy hứng thú với việc học và chủ động tìm tòi kiến thức mà không cần ai phải nhắc nhở. Giờ thì việc học của bạn trở nên vui vẻ thay vì là một cực hình như trước. Một khi tôi đã chọn tham gia một lớp học nhảy vì đó là sở thích của tôi, tôi sẽ mong chờ buổi học thay vì trốn đi học như tránh hủi.

Chủ động học là yếu tố quan trọng nhất trong việc học. Đó là liều thuốc xổ để giải quyết sự khó chịu với việc học nhức nhối trong lòng bạn và là liều thuốc bổ để trau dồi những kỹ năng cần thiết cho bản thân bạn. Bạn cần là người tự quyết định mình sẽ học gì và học điều ấy như thế nào. Nhưng bạn nên chủ động học như thế nào đây? Chà, mừng vì bạn đã hỏi.

Theo đuổi kiến thức hay theo đuổi bằng cấp?

Này Huy, vụ tự quyết định việc học của mình nghe cũng hay đấy. Nhưng thế có nghĩa là tôi phải bỏ qua giáo dục truyền thống à? Có rất nhiều thứ vô ích trong trường học, và nếu tôi bỏ qua chúng thì tôi sẽ phải nhận thêm vài con D à? Nhỡ tôi được điểm kém và ra trường mà không có tấm bằng giỏi thì sao?

Mừng vì bạn đã hỏi.

Một trong những hậu quả tai hại nhất của căn bệnh học thụ động, là chúng ta sẽ học vì bằng cấp thay vì học vì kiến thức. Mục tiêu của các sinh viên khi bước chân vào đại học thường là có một tấm bằng giỏi, hơn là có năng lực giỏi. Cha mẹ mong con lấy bằng thạc sĩ, thay vì mong con có đủ kiến thức của một thạc sĩ. Các trường học tập trung đào tạo ra những tấm bằng đẹp hơn là đào tạo sinh viên ra trường với đủ tri thức cần thiết. Điều này dần dẫn đến một xã hội trọng bằng cấp và những người học “hữu danh vô thực”. Đa phần các sinh viên tốt nghiệp chỉ có tấm bằng, và đó là lý do vì sao người ta cứ nói mãi về câu chuyện hàng trăm ngàn cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp. Có mỗi cái bằng thôi thì làm được cái gì mà đòi người ta tuyển dụng?

Nếu bạn thấy sợ hãi với viễn cảnh được điểm kém trong trường, có lẽ là do bạn sợ mình sẽ thua thiệt trong thị trường lao động. Nhưng bạn biết đấy, thứ thực sự giúp chúng ta xây dựng sự nghiệp là kiến thức và kỹ năng của ta, chứ không phải bằng cấp của ta. Bằng cấp chỉ là những tờ giấy. Chúng thực ra không hơn gì một chiếc “card visit” để bạn đến gõ cửa doanh nghiệp. Sau khi trình diện trước nhà tuyển dụng, bằng cấp coi như vô giá trị. Thứ giúp bạn trụ lại là tri thức của bạn, chứ không phải bằng cấp của bạn. Các doanh nghiệp cần một người có khả năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh tốt chứ không cần một tờ giấy có ghi 7.0 IELTS. Họ sẽ cần một chàng trai có kỹ năng tin học tốt thay vì một tấm bằng giỏi có đóng dấu đỏ của đại học Bách Khoa.

Nếu như bạn có đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết, bạn sẽ tự khắc có thể tìm cho mình một công việc mơ ước bất kể bằng cấp của bạn là gì. Bằng việc chủ động học để theo đuổi kiến thức, bạn sẽ có thể vượt lên trước so với đám đông chỉ có tấm card visit. Đó là cách mà những người tự học giỏi nhất đã làm. Benjamin Franklin¹ không được đến trường, nhưng nhờ tính ham học và thích đọc sách mà ông trở thành một trong những người uyên bác nhất thế giới. Việc theo đuổi kiến thức đã giúp Michael Faraday², một người nghèo khó và thất học có thể trở thành một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất. Và còn cả ví dụ huyền thoại, Bill Gates, ông có thể thành công trong sự nghiệp là vì ông có rất nhiều kiến thức cốt lõi trong khi ông còn không có bằng đại học. Đến khi Bill nhận bằng đại học, ông đã có nhiều kiến thức và tiền đến mức tấm bằng ấy chẳng còn ý nghĩa gì nữa rồi.

Vậy nên học chủ động không phải là bỏ học như Bill Gates, cũng không phải là để điểm số tụt dốc không phanh. Đó chỉ là việc sắp xếp lại thứ tự ưu tiên của bạn, tập trung trau dồi kiến thức thay vì cố gắng có thêm điểm số. Nếu như bạn có đầy đủ kiến thức, bạn sẽ tự khắc có bằng cấp đủ để đến gõ cửa doanh nghiệp. Nếu bạn chỉ có bằng cấp, thì bạn sẽ dừng lại sau khi gõ cửa xong.

Bài viết liên quan

Tự học (phần 1): Không trông chờ được gì nhiều từ trường học

Tự học (phần 3): Thành nhân tính trước, thành công tính sau

Bạn có thể ghé thăm blog của tôi tại: fb.com/cahoileothac

Tác giả: Vũ Đức Huy

Biên tập: THĐP

Ảnh: Dmitry Ratushny on Unsplash

___________________________

CHÚ THÍCH

¹ Benjamin Franklin (1706 – 1790): là một thành viên trong nhóm lập quốc của Hoa Kỳ. Ông này là bố của giỏi và là một chính trị gia, nhà khoa học, nhà văn, thợ in, triết gia, nhà phát minh, nhà hoạt động xã hội, nhà ngoại giao hàng đầu. Ảnh của ông được in trên tờ 100 USD của Mỹ.

² Michael Faraday (1791 – 1867): Nhà vật lý học nổi tiếng người Anh. Ảnh của ông được Einstein treo trong phòng làm việc của mình. Nếu bạn thấy lạ hoắc khi nghe đến tên ông, bạn nên quay lại trường phổ thông và xin lỗi thầy giáo vật lý của mình.


💪 [THĐP EBOOK] Cẩm Nang Nofap – Cách trở thành người đàn ông ĐÍCH THỰC ➡️ https://bit.ly/camnangnofap
💥 Gia nhập THĐP DEEP CLUB ➡️ https://bit.ly/DK_DEEPCLUB
🗂 Danh sách tất cả bài viết Deep Club ➡️ https://bit.ly/DEEPCLUB_INDEX

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục TẤT CẢ nội dung volume 1-27 (Google Sheet) ➡️ http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI