15.8 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Hãy canh gác ngôi đền tâm trí

Sáng hôm nọ, tôi và người bạn của mình đi mua giày. Sau khi đi qua 3 cửa hàng và thử  khoảng 9 đôi giày tất thảy, bạn tôi cũng chọn được một đôi ưng ý. Ngộ thay, đó là đôi cuối cùng và nó mang một thiết kế mà bạn tôi đã thiết lập một bộ lọc với nó ngay từ ban đầu, đế giày màu trắng. Dù sao, bất chấp một phần hình thức không thỏa mãn, chiếc giày đó lại rất vừa chân, êm ái và tạo một cảm giác dễ chịu. Còn 8 đôi kia đều khiến bạn tôi không vừa lòng, đôi thì quá chật, đôi thì dốc đế, đôi thì không đều hai chân, v.v… Dù rất chóng mặt bởi quá trình lựa giày của người bạn, nhưng tôi cũng vui mừng cho bạn vì đã tìm ra được món đồ phù hợp và ưng ý.

Nhìn người bạn của mình, tôi thấy một sự tương phản rõ rệt rằng tôi chẳng được kỹ tính như bạn ấy nên thường rước về những đôi giày hay gặp vấn đề. Có đôi thì phải bỏ đi, có đôi thì tôi cho người khác, và có đôi thì tôi buộc phải sử dụng trong cảm giác khó chịu. Có thể nói trong cuộc đời tôi, khả năng tôi mua được một đôi giày vừa ý là cực kỳ hiếm. Không hiểu tại sao đến tận bây giờ tôi mới nhận ra điều đó.

Vậy câu chuyện về giày dép này thì có bài học gì đáng nói? Câu trả lời rằng cũng giống như những đôi giày ngoài cửa hiệu, mọi thứ trên đời này, cụ thể là những suy nghĩ, đều nên được chúng ta cẩn thận lựa chọn. Nếu không, chúng ta sẽ chuốc lấy những tư tưởng không phù hợp với chính mình và có trải nghiệm tiêu cực với nó. Với giày dép thì là tiền mất tật mang, còn với suy nghĩ thì là năng lượng mất mệt mỏi mang.

Khi không có thói quen canh gác cho tâm trí, chúng ta dễ dàng nghĩ những điều xấu xa về người khác, chúng ta dễ dàng nói chuyện tiêu cực về chính mình, chúng ta dễ dàng đổ lỗi cho hoàn cảnh là khó khăn khắc nghiệt,… Hoặc không, chúng ta dễ dàng nghĩ những thứ chẳng có giá trị gì trong hiện tại, những suy nghĩ vẩn vơ, lang thang không mục đích. Hay nói cách khác, các suy nghĩ xuất hiện hầu hết không được kiểm duyệt và tinh lọc trước khi sử dụng. Chúng cứ việc tràn vào, và ta cứ việc dùng tất cả những suy nghĩ nào đang chiếm ưu thế, bất kể nó có hữu ích hay không.

Bạn cứ thử nghĩ xem với sức khỏe và vẻ đẹp của đôi chân, chúng ta đã bỏ công ra tìm kiếm, quan sát, lựa chọn giày dép, vậy tại sao với sức khỏe tinh thần quan trọng hơn rất nhiều, chúng ta lại không tìm kiếm, quan sát và tuyển lựa những suy nghĩ lành mạnh? Tại sao chúng ta lại để cho tâm trí náo loạn và hư hoại? Trách nhiệm của chúng ta với sức khỏe nội tâm của mình đang ở nơi nào? Tại sao chúng ta không có khả năng phòng vệ, không có khả năng phân biệt điều đúng sai, tốt xấu dành cho tâm trí của chính mình? Tại sao chúng ta không thường trực canh gác tâm trí?

Nếu có một lý do thì tôi cho rằng với đôi giày thực, ta có thể nhìn thấy chúng trước mắt, có thể chậm rãi ướm thử vào chân, thậm chí rủ cảm đám bạn đi cùng để chúng cùng soi xét phân tích đủ góc độ. Nhưng với những suy nghĩ chạy nhanh như gió, việc quan sát, phân loại và sàng lọc chúng sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Đứng trước sự cuộn trào của tâm trí, con người dễ có xu hướng bị lôi đi hơn là đứng vững tại một điểm nhìn. Có lẽ đây là lý do khiến đa phần chúng ta mặc kệ chương trình suy nghĩ chạy mặc định, đến đâu xài đến đó, hay dở gì sao cũng được. Giống như khi được hỏi, một cô gái đáp qua loa với người yêu rằng “Em ăn gì cũng được.” Nhưng đến khi anh chàng người yêu mua cho hai ổ bánh mì thì cô nàng lại giãy lên không vừa lòng và bảo rằng mình muốn ăn bánh cuốn. Cũng như khi cuộc đời ném cho một trận sóng gió thì bạn lại bảo rằng “Tôi muốn bình an” trong khi từ trước tới giờ bạn chưa từng lựa chọn những tư tưởng an bình cho tâm trí, hay chưa từng nỗ lực rèn luyện làm bình ổn nó mỗi ngày.

“Nếu bạn không biết những gì bạn muốn, bạn sẽ sống với những gì bạn không muốn.” – Fight Club

Từ xưa đến nay, các bậc đạo sư vẫn chỉ dạy cho con người cách chánh niệm, quan sát và tĩnh lặng tâm trí. Đây là nền tảng của việc “lựa giày tư tưởng” cho đôi chân tâm hồn. Ai cũng muốn cuộc đời tích cực, muốn tinh thần tươi tốt, nhưng thử hỏi có mấy ai thực hành được theo những lời giáo huấn? Mấy ai luyện tập thiền định, quan sát hành vi, suy nghĩ; sám hối và sửa đổi tư tưởng?

Một người lựa một đôi giày bình thường cũng mất cả tiếng đồng hồ ngắm nghía, nhọc công nhọc sức. Nhưng quan sát suy nghĩ còn gian nan hơn gấp trăm lần. Không chỉ vì suy nghĩ rất vi tế, mà còn vì chúng ta chưa từng xây dựng thói quen đối mặt với chúng. Tôi nghĩ rằng con người chúng ta không chỉ cần xóa mù chữ, mà còn cần xóa sự mù trách nhiệm với tâm trí của chính mình.

“Mức độ tự do khỏi những suy nghĩ vô ích và mức độ tập trung vào một suy nghĩ duy nhất là thước đo đánh giá sự tiến bộ tâm linh.” – Ramana Maharshi

Trên đây tôi đã đề cập đến những suy nghĩ, ngoài ra còn những hoàn cảnh sống, những cuốn sách, những bộ phim, những bài viết, những câu nói từ người khác,… cũng nên được quan sát và tuyển lựa trước khi hấp thụ. Có thể nói, con người đang “bơi” giữa biển thông tin và năng lượng. Nhưng không phải bất kỳ thứ gì cũng xứng đáng để bạn đầu tư sự chú ý và không phải bất kỳ tần số nào cũng xứng đáng được bạn mời vào ngôi nhà tâm hồn. Vậy nên, hãy canh gác và chọn lựa cẩn thận. Rồi một cuộc đời đáng mơ ước hay một cuộc đời đáng chối bỏ sẽ là kết quả của quá trình canh thức ấy, như một đôi giày vừa ý hay một đôi giày mang lại sự đau nhức sẽ là kết quả của một quá trình chọn lựa ở cửa hàng.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Ảnh: bantersnaps on Unslplash

spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI