34 C
Nha Trang
Thứ Tư, 24 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Translation™] Vì sao buồn chán, sao nhãng và trì hoãn lại thiết yếu cho cuộc sống của bạn

Hầu hết chúng ta đều không có đủ thì giờ để lãng phí, dù đã cố gắng áp dụng bao nhiêu kỹ thuật quản lý thời gian đi chăng nữa. Tuy nhiên, năng suất lao động cũng đi kèm với cái giá của nó: Có được những giây phút nghỉ ngơi là vô cùng hữu ích. Chúng ta chiến đấu chống lại nỗi buồn chán, sự sao nhãng và thói trì hoãn vào mọi thời điểm, nhưng điều này không có nghĩa là bạn nên loại bỏ chúng hoàn toàn.

Nghe có vẻ hơi khác thường khi khuyên ai đó bắt đầu trở nên lười biếng, nhưng trong thực tế, việc này quan trọng đối với sức khỏe não bộ cũng như những giấc ngủ vậy. Trạng thái buồn chán, chần chừ hay sao nhãng đều hỗ trợ bộ não thực hiện chức năng của nó. Từ đó, bạn hiểu những quyết định của mình rõ hơn. Bạn học dễ vào hơn. Bạn thậm chí còn thúc đẩy sự sáng tạo và hiệu suất làm việc của mình nữa. Hãy cùng quan sát bộ-ba-bỏ-bê này từ cả hai góc nhìn của khoa học và sáng tạo.

NỖI BUỒN CHÁN THÚC ĐẨY SỰ SÁNG TẠO VÀ NHỮNG HÀNH VI TÍCH CỰC NHƯ THẾ NÀO?

Nếu hàng triệu những quyển sách thiếu nhi có cho thấy được gì đó, thì sự buồn chán vẫn luôn được biết đến là nguồn gốc của mọi hư hỏng (ND: Như người Việt có câu “Nhàn cư vi bất thiện”). Tuy nhiên, bằng nhiều cách, nỗi buồn chán lại là tấm màng lọc cần thiết cho chúng ta mỗi khi phải đối diện với một lượng thông tin quá lớn. Tờ báo New York Times giải thích như sau:

“Một số chuyên gia cho rằng mọi người có lý do chính đáng khi lọc bớt việc, và nỗi buồn chán dần trở thành một công cụ để phân loại thông tin – một tấm lọc rác tăng dần độ nhạy theo thời gian. Nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực, bao gồm thần kinh học và giáo dục, cho thấy việc rơi vào trạng thái tê liệt cho phép não bộ tái thiết lập thế giới bên ngoài bằng nhiều phương cách có thể rất hiệu quả và sáng tạo, ít nhất là cũng thường xuyên như những lần nó gây rắc rối.”

Chính sự buồn chán này đã được nhà viết kịch Graham Linehan đón nhận như một phần trong quá trình sáng tạo của ông. Trong một buổi phỏng vấn với The Guardian, Linehan miêu tả quá trình của mình:

“Tôi phải dùng mọi chương trình để ngắt internet, ép bản thân trở nên chán chường, bởi cảm giác buồn chán là một phần thiết yếu của việc sáng tác, và internet thì rất khó khiến ta nhàm chán. Có quá nhiều thứ thú vị để làm, nó làm tôi trở nên sáng tạo hơn, nhưng nó cũng khiến tôi viết được ít hơn. Hiện giờ tôi đang cố gắng để cân bằng việc này. Khó lắm đấy.”

Tạp chí Psychology Today cũng ghi nhận rằng, nỗi buồn chán chính là bước đệm cho những điều to lớn và tốt đẹp hơn:

“Một khi ta mở lòng với ý tưởng rằng nỗi buồn chán có thể là bước đầu cho năng suất sáng tạo, nó sẽ nhanh chóng trở nên rõ ràng khi những giây phút chán ngắt ấy thực chất là lúc tâm trí đang trải lên giá vẽ tâm lý của bạn một tấm vải trắng, sẵn sàng cho bạn bắt đầu công việc tô vẽ.”

Luận điểm này cho rằng: Sự buồn chán mang đến cho bạn một khởi đầu mới mẻ (blank slate) để làm việc. Điều này cũng được nghiên cứu của Đại học Limerick ủng hộ, cho rằng nỗi buồn chán có thể dẫn đến những hành vi có lợi ích cho xã hội, bởi nó hướng bạn đến những hoạt động có ý nghĩa hơn. Nỗi buồn trầm kha có thể là một dấu hiệu của trầm cảm, nhưng tách khỏi thế giới xung quanh một ít mỗi ngày là một cách hay giúp thấu hiểu nó.

SAO NHÃNG VÀ TẬP TRUNG HOẠT ĐỘNG CÙNG NHAU NHƯ THẾ NÀO?

Buồn chán là một chuyện, nhưng một trong những tác dụng phụ của một vài kiểu buồn chán lại là tác nhân khác giết chết hiệu suất lao động của bạn: sự sao nhãng và mất tập trung. Chúng ta dễ dàng bị phân tâm đến mức có hẳn một hệ sinh thái các ứng dụng và tiện ích mở rộng trình duyệt được thiết kế chỉ để giúp bạn giảm bớt sao nhãng. Tuy nhiên, phân tâm lại là một mối lợi đối với tư duy sáng tạo, bởi nó cho phép bạn “think outside the box” – suy nghĩ vượt thoát khuôn mẫu.

Tạp chí khoa học Scientific American giải thích:

“Những vấn đề chuyên sâu yêu cầu lối tư duy không theo lối mòn. Đây là lúc tính nhạy cảm với các tác nhân sao nhãng có thể mang đến lợi ích. Ngoài những lúc cao điểm, sự tập trung của chúng ta thấp hơn, nhờ vậy ta có thể lưu tâm đến một khoảng thông tin rộng hơn. Tầm nhìn rộng này cho phép ta tiếp cận với nhiều phương án và những cách diễn giải đa dạng, qua đó thúc đẩy những sáng kiến và nhận thức sâu sắc. Thật vậy, [nghiên cứu] chỉ ra rằng những người tham gia thành công hơn trong việc giải quyết các vấn đề chuyên sâu khi được kiểm tra tại những thời điểm không phải là tối ưu với họ.”

Sự sao nhãng không chỉ cần thiết cho các loại hình sáng tạo hay với những người giải quyết vấn đề, nó còn rất quan trọng đối với sự tập trung của bạn. Tạp chí NY Magazine giải thích rằng:

“Sự tập trung là một nghịch lý – trong nó chứa đựng cả sự sao nhãng. Cả hai cùng cộng sinh; chúng là tâm thu và tâm trương của ý thức. Sự chú ý bắt nguồn từ tiếng La-tinh có nghĩa là “căng ra” hoặc “với tới”, còn sự sao nhãng có nghĩa là “kéo rời”. Chúng ta cần đến cả hai. Trong những hình thái cực độ của chúng, sự chú ý và tập trung thậm chí còn có thể đảo chiều và hoà trộn vào nhau.”

Nghiên cứu của tạp chí Journal of Neuroscience hỗ trợ cho quan điểm trên của NY Magazine, cho rằng việc mơ mộng giúp phát triển sự chú ý bằng cách thiết lập nên những liên kết thần kinh tầm xa. Nói tóm lại, việc bị sao nhãng và để cho tâm trí lang thang có thể khiến bạn trở nên thông minh hơn và tập trung tốt hơn trong dài hạn. Bạn dĩ nhiên không nên ngừng lại giữa chừng chỉ để lướt web khi năng suất của mình đang thăng hoa, nhưng nếu bắt gặp bản thân đang sao nhãng, bạn không hẳn lúc nào cũng phải chống lại nó.

•••

(Trích đoạn 1200 chữ đầu tiên trong bài viết full 2500 chữ đã xuất bản trong tạp chí Aloha volume 21. Đoạn sau bài viết nói về: Vì sao sự trì hoãn giúp bạn đưa ra những quyết định tốt hơn, sách Wait: The Art and Science of Delay, sách Trong chớp mắt: Sức mạnh của việc nghĩ mà không nghĩ của Malcolm Gladwell, nghiên cứu từ Columbia University, làm sao để ngưng hoạt động mà không biến mình thành một kẻ lười biếng…)

Tác giả: Thorin Klosowski
Biên dịch: Nô Bi Tin
Hiệu đính: Hoài Thanh, Prana


 

💪 (New) [THĐP EBOOK] Cẩm Nang Nofap – Cách trở thành người đàn ông ĐÍCH THỰC ➡️ https://bit.ly/camnangnofap
💥 Gia nhập THĐP DEEP CLUB ➡️ https://bit.ly/DK_DEEPCLUB
🗂 Danh sách tất cả bài viết Deep Club ➡️ https://bit.ly/DEEPCLUB_INDEX

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục TẤT CẢ nội dung volume 1-27 (Google Sheet) ➡️ http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,560Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI