19 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Translation™] Nếu bạn thông minh, tại sao bạn không giàu? Hóa ra nó chỉ là may rủi

TL:DR: Những người thành công nhất thường không phải là những người giỏi nhất mà chỉ là những người may mắn nhất, một mô hình máy tính mới về sự hình thành của cải đã xác định. Tính đến chuyện đó có thể giúp tối đa hóa lợi nhuận của nhiều loại đầu tư.

Sự phân phối của cải dựa theo một mô hình được nhiều người biết đến, đôi khi được gọi là quy tắc 80:20: 80% số tài sản được sở hữu bởi 20% số người. Thật vậy, một báo cáo vào năm ngoái đã kết luận rằng 8 người đàn ông có tổng giá trị tài sản tương đương với 3.8 tỉ người nghèo nhất trên thế giới.

Điều này xảy ra trong tất cả mọi cung bậc của xã hội. Một xu hướng (pattern) đã được nghiên cứu kỹ được gọi là luật quyền lực (power law) đã mọc lên giữa vô vàn những hiện tượng xã hội khác. Nhưng sự phân phối của cải là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất vì nó liên quan đến công bằng và giá trị. Tại sao quá ít người lại có quá nhiều của cải?

Câu trả lời thông thường là chúng ta sống trong một chế độ nhân tài nơi người ta được thưởng xứng đáng cho tài năng, trí thông minh, nỗ lực… của họ. Qua thời gian, nhiều người nghĩ rằng việc này trở thành sự phân bố của cải chúng ta đang thấy, mặc dù một chút may mắn cũng có thể đóng vai trò quan trọng.

Nhưng có một vấn đề với ý tưởng này. Trong khi sự phân phối của cải dựa theo luật quyền lực, sự phân bố kỹ năng của con người nói chung lại dựa theo một sự phân bố bình thường, ở đây là tính cân xứng về giá trị trung bình. Ví dụ như trí thông minh, được đo tính bởi các bài kiểm tra IQ cũng tuân theo xu hướng này. IQ trung bình là 100 nhưng không ai có IQ 1000 hoặc 10000. Cũng như vậy đối với sự nỗ lực, được đo tính bởi số giờ làm việc. Có người làm việc nhiều hơn số trung bình vài tiếng, có người làm ít hơn, chứ không ai làm việc gấp hàng tỉ lần thời gian làm việc của người khác.

Song khi nói đến lương bổng trong công việc, một số người lại có được tài sản gấp hàng tỷ lần người khác. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy những người giàu có nhất thường không phải là những người giỏi nhất theo những thước đo khác.

Vậy thì những yếu tố gì quyết định việc làm thế nào để các cá nhân trở nên giàu có? Liệu may rủi có đóng một vai trò to lớn hơn mọi người nghĩ? Và làm thế nào để các yếu tố đó có thể được khai thác để tạo nên một thế giới tốt đẹp và công bằng hơn?

• • •

Hôm nay chúng ta có được câu trả lời là nhờ vào Tiến sĩ Alessandro Pluchino tại Đại học Catania nước Ý và một vài cộng sự của ông. Những người này đã tạo ra một mô hình máy tính về tài năng của con người và cách con người khai thác các cơ hội xung quanh họ. Mô hình cho phép nhóm của ông nghiên cứu về vai trò của may rủi trong quá trình này.

Kết quả là một thứ mở mang tầm mắt. Các mô phỏng của họ tái tạo chính xác sự phân phối tài sản trong thế giới thực. Nhưng các cá nhân giàu có nhất lại không phải là những người tài năng nhất (mặc dù họ phải có một mức độ tài năng nhất định). Họ là những người may mắn nhất. Và điều này mang một ý chỉ quan trọng cho cách xã hội tối đa hóa lợi suất từ các mối đầu tư trong mọi thứ, từ kinh tế đến khoa học.

Mô hình của Pluchino và các cộng sự rất rõ ràng thẳng thắn. Nó bao gồm N con người, mỗi người có một mức độ tài năng nhất định (kỹ năng, sự thông minh, khả năng,…). Tài năng này được phân phối bình thường quanh mức trung bình, với một số độ lệch tiêu chuẩn. Một số người tài năng hơn mức trung bình và ngược lại, nhưng không ai tài năng hơn người khác gấp trăm ngàn lần.

Đây là cùng một kiểu phân bố được thấy trong nhiều loại kỹ năng của con người, hay thậm chí là những tính chất như chiều cao hoặc cân nặng. Một số người cao hơn hoặc thấp hơn mức bình thường nhưng không ai có kích cỡ của một con kiến hoặc một tòa nhà chọc trời. Thực tế là tất cả chúng ta đều khá tương đồng.

Những biểu đồ máy tính mô tả mỗi cá nhân thông qua 40 năm làm việc. Trong khoảng thời gian này, những cá nhân trải nghiệm những sự kiện may mắn mà họ có thể khai thác để gia tăng tài sản nếu họ đủ giỏi. Tuy nhiên, họ cũng phải trải nghiệm những sự kiện không may làm sụt giảm số tài sản. Những sự kiện này xảy ra một cách ngẫu nhiên.

Vào năm cuối cùng của chặng đường 40 năm, Pluchino và cộng sự thống kê những cá nhân thông qua số tài sản và nghiên cứu về tính cách của những người giỏi nhất. Nhóm của ông cũng sẽ tính toán việc phân bố tài sản. Và sau đó họ lặp lại sự mô phỏng nhiều lần khác để kiểm tra tính vững chắc của kết quả.

Khi nhóm thống kê cá nhân bằng tài sản, sự phân bố xảy ra hệt như được nhìn thấy trong xã hội của một thế giới thực. “Nguyên tắc 80-20 được duy trì, chỉ 80% dân số sở hữu 20% tổng số vốn trong khi số 20% còn lại sở hữu 80% số vốn,” báo cáo của Pluchino và cộng sự cho hay.

Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên hay bất công nếu như 20% số người giàu có nhất là những người tài năng nhất. Nhưng đó không phải là sự thật. Những người giàu có nhất thường không phải là những người tài năng nhất hay gần như thế. “Đỉnh cao của sự thành công không bao giờ đồng nhất với đỉnh cao của tài năng, và ngược lại,” các nhà nghiên cứu cho hay.

Nếu không phải tài năng, vậy thì yếu tố gì khiến cho sự phân bố tài sản bị chênh lệch như vậy?

“Mô phỏng của chúng tôi thể hiện rõ ràng rằng yếu tố đó chỉ đơn thuần là sự may mắn,” Pluchino và cộng sự phát biểu.

Nhóm nghiên cứu cho thấy điều này bằng cách xếp hạng các cá nhân dựa theo số sự kiện may mắn và không may mắn họ đã trải nghiệm xuyên suốt 40 năm. “Đây là bằng chứng cho thấy các cá nhân thành công nhất cũng là những người may mắn nhất,” nhóm cho biết. “Và những người ít thành công nhất lại thường là những người kém may mắn nhất.”

Điều này mang nhiều hàm ý quan trọng cho xã hội. Chiến lược nào là hiệu quả nhất cho việc khai thác vai trò của sự may rủi trong thành công?

• • • •

(Phần còn lại của bài viết nói về: tối đa hóa lợi tức đầu tư tài trợ nghiên cứu khoa học, Hội đồng nghiên cứu Châu Âu, vai trò của may mắn trong khám phá khoa học, cách khai thác để cải thiện kết quả tài trợ, thúc đẩy sự gia tăng tài năng, tạo ra những sự kiện may mắn ngẫu nhiên…)


(Trích đoạn 1277 chữ đầu tiên trong bài viết full 1700 chữ đã xuất bản trong Aloha volume 16.)

Nguồn: Emerging Technology from the arXiv – MIT Technology Review
Biên dịch: Thái Chi
Hiệu đính: Prana – THĐP


💥 THĐP DEEP CLUB ➡️ https://bit.ly/THDP-DEEPCLUB
🎯 Đặt mua tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục TẤT CẢ nội dung volume 1-27 (Google Sheet) ➡️ http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI