28 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Translation™] David Hawkins và các mức độ tâm thức

Giới thiệu về David Hawkins

David Hawkins (hoặc David R. Hawkins) là một bác sĩ tâm thần, ông không chỉ có nhiều năm đối mặt với trải nghiệm lâm sàng, mà còn tiến hành nghiên cứu sâu rộng. Sự nghiệp của ông kéo dài từ năm 1952 khi ông lấy bằng MD (Bác sĩ) từ Đại học Y Wisconsin (được thành lập dưới tên Đại học Y khoa Marquette). Vào năm 1995, ông cũng lấy được bằng Tiến sĩ Triết học tại Đại học Columbia Pacific. Trong cuộc đời mình, David Hawkins đã thành lập và lãnh đạo một số phòng thí nghiệm và phòng khám.

Thang đo tâm thức trong sách Power vs. Force (Sức mạnh vs. Sức lực)

Ấn phẩm nổi tiếng nhất của Tiến sĩ David Hawkins là quyển Power VS. Force – The Hidden Determinants of Human Behavior (2002) (TD: Sức mạnh vs. Sức lực – Các yếu tố bí mật quyết định hành vi loài người). Trong cuốn sách, David Hawkins đưa ra một mô hình cấp bậc về sự phát triển nhân cách. Hawkins lập luận rằng nhân cách có thể được mô tả trong một hệ thống tính điểm dao động từ 0 đến 1000 (0 là điểm thấp nhất, điểm 1000 là giác ngộ viên mãn hoặc nhận thức thuần khiết) (Hawkins 2002, 75-85). Điều đáng quan tâm là Hawkins cho rằng sự thật khách quan không chỉ tồn tại, mà còn có thể đạt được và thấu hiểu bởi bất kỳ cá nhân nào sử dụng một kỹ thuật được gọi là kinesiology (khoa học về sự vận động của cơ thể). Bằng cách truy cập vào “Dữ liệu của tâm thức,” một cá nhân có thể trả lời các câu hỏi chính xác 100%. Nghiên cứu của ông cho thấy rằng các kết quả có thể được lặp lại và chính xác (Hawkins 2002, 29-30), bất kể người nào thực hiện xét nghiệm kinesiologic.

Mỗi mức năng lượng đều được ông diễn giải ra trong cuốn sách. Những cấp độ tâm thức này thẩm thấu vào toàn bộ thế giới quan của một cá nhân và định hình cho cách họ liên kết với các trải nghiệm cuộc sống. Đối với Hawkins, tiến lên các trạng thái tâm thức cao hơn là cách duy nhất để tạo ra tiến triển có ý nghĩa trong cuộc đời một người. Đáng buồn thay, trung bình một cá nhân chỉ tăng 5 điểm trong cả cuộc đời của họ. Tuy nhiên, một nỗ lực được tập trung để di chuyển đến trạng thái cao hơn có thể dẫn đến những bước nhảy vọt đáng kinh ngạc của ý thức trong khoảng thời gian tương đối ngắn. Các cá nhân sẽ dao động giữa các điểm khác nhau trên thang đo, nhưng một con số trung bình tổng thể có thể được tính toán bằng sử dụng xét nghiệm kinesiologic. Vắn tắt, đây là các cấp độ năng lượng được phác nét bởi David Hawkins:

• 20: Xấu hổ
• 30: Tội lỗi
• 50: Vô cảm
• 75: Đau buồn
• 100: Sợ hãi
• 125: Ham muốn
• 150: Tức giận
• 175: Kiêu ngạo
• 200: Can đảm
• 250: Trung tính
• 310: Sẵn sàng
• 350: Chấp nhận
• 400: Lý trí
• 500: Tình yêu
• 540: Hân hoan
• 600: Bình an
• 700-1000: Giác ngộ

Mặc dù Hawkins đi sâu vào chi tiết về các cấp độ tâm thức khác nhau, ông chỉ ra hai bước ngoặt quan trọng nhất.

“Trên thang đo tâm thức của chúng tôi, có 2 điểm quan trọng cho phép sự thăng tiến lớn. Đầu tiên là ở mức 200, mức khởi đầu của sức mạnh: Ở đây, một người sẵn sàng ngừng đổ lỗi và chịu trách nhiệm cho chính hành động, cảm xúc và niềm tin của chính mình. Chừng nào mà nguyên nhân và trách nhiệm được phóng chiếu ra bên ngoài một người, chừng đó họ sẽ vẫn còn ở trong chế độ [xem mình là] nạn nhân. [Nguyên nhân và trách nhiệm là những thứ nằm trong. Carl Jung có câu: “Ai nhìn ra ngoài thì mơ. Ai nhìn vào trong, thức tỉnh.”] Thứ hai là ở cấp độ 500, đạt được bằng cách chấp nhận tình yêu và sự tha thứ không phán xét như một lối sống, thực hành lòng tốt vô điều kiện với mọi người, mọi thứ và mọi sự kiện không có ngoại lệ.” (Hawkins 2002, 238)

Hai ngưỡng này là hai thách thức chính đối với nhiều người ngày nay. Di chuyển vượt lên chúng bạn sẽ bắt gặp một rào cản lớn, thứ chỉ có thể được vượt qua bằng một sự chuyển hóa đáng kể trong tính cách. Sau khi đã vượt lên khỏi những cảnh giới này, tiến triển lên những trạng thái cao hơn là điều rất tự nhiên và ít thử thách hơn.

Đo lường ý thức tập thể

Thông qua thử nghiệm kinesiologic, David Hawkins và các nhà nghiên cứu của ông ước tính trạng thái năng lượng của tâm thức tập thể nhân loại vào khoảng 207 (Hawkins 2002, 95). Đây chỉ là trên ngưỡng 200, trong đó chúng ta chuyển từ một lực hủy diệt tổng thể sang một lực sáng tạo tổng thể trên hành tinh. Vì thế Hawkins rất lạc quan về tiến độ đã đạt được. Tuy nhiên, Hawkins cảnh báo rằng,

“Bất kỳ sự thỏa mãn có ý nghĩa nào cũng không thể bắt đầu cho đến khi đạt cấp độ 250, nơi một mức độ tự tin nhất định bắt đầu hiện ra làm cơ sở cho những trải nghiệm đời sống tích cực trong quá trình tiến hóa của tâm thức.” (Hawkins 2002, 96)

Cân bằng những trạng thái tâm thức thấp hơn

Những người ở trạng thái thấp hơn 200 được giải thích là gây cản trở cho xã hội. Những hành động của họ, thông thường, gây thiệt hại nhiều hơn lợi ích. Hơn thế nữa, Hawkins cảnh báo rằng hơn 85% nhân loại đang tồn tại ngày nay vẫn hiệu chỉnh dưới ngưỡng cấp độ quan trọng 200 (Hawkins 2002, 95). Điều này là không có gì ngạc nhiên khi phần lớn nhân loại vẫn sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ, nơi sự phát triển tâm thức gần như là không thể.

Lý do điểm số tập thể của chúng ta nằm ở mức 207 là bởi vì thang đó có tính chất logarit (logarithmic): Các cá nhân duy trì ở trạng thái ý thức cao hơn thì đối trọng với số lượng lớn các tâm trí ở trạng thái thấp hơn. Mặc dù chỉ có 4% số người đang sống ngày nay đã đạt đến trường năng lượng quan trọng là 500, những người ở trạng thái này có sức ảnh hưởng cực kỳ mạnh mẽ đối với sức khỏe của toàn xã hội. Thực tế, Hawkins chỉ ra rằng chỉ có 0.4% dân số đạt tới điểm 540 và chỉ 1 trong 10 triệu người sẽ đạt tới cấp độ 600 (Hawkins 2002, 95). Ông cũng chỉ ra rằng hiện tại đang có 12 người trên hành tinh hiệu chỉnh ở mức 700 (Hawkins 2002, 282).

Để có cái nhìn trực quan hơn về sức mạnh của những người đạt tới trạng thái cao – và nó nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lực cá nhân để đạt đến những trạng thái cao hơn này – Hawkins đưa ra những con số. (Hawkins 2002, 282):

• 1 người có cấp độ 700 cân bằng với 70 triệu người dưới 200
• 1 người có cấp độ 600 cân bằng với 10 triệu người dưới 200
• 1 người có cấp độ 500 cân bằng với 750,000 người dưới 200
• 1 người có cấp độ 400 cân bằng với 400,000 người dưới 200
• 1 người có cấp độ 300 cân bằng với 90,000 người dưới 200
• Mười hai người ở mức 700 tương đương với một Avatar (Hóa Thân) ở cấp độ 1000.

Nhờ sức mạnh gia tăng theo logarit của những người ở trạng thái tâm thức cao hơn, cuối cùng nhân loại đã đạt đến một cấp độ trên ngưỡng 200. Hawkins nhấn mạnh rằng mỗi người đều có khả năng ảnh hưởng đáng kể đối tới sự tốt đẹp của xã hội bằng cách ưu tiên sự phát triển tâm thức cá nhân của họ.

David Hawkins và những Trường Hấp Dẫn

Thay vì chỉ đơn giản là ảnh hưởng đến các sự kiện ở cấp độ vật lý tuyến tính, Hawkins (Hawkins 2002, 46-53) lập luận rằng việc đồng bộ với “trường hấp dẫn” (“attractor fields”) là một cách tiếp cận khôn ngoan hơn nhiều để đạt được hiệu suất cao nhất trong cuộc sống của một người. Mặc dù không có nghi ngờ rằng cơ học Newton mô tả chính xác các sự kiện xảy ra theo một cách tuần tự, Hawkins lập luận rằng đây là một sự đơn giản hóa cường điệu cách chúng ta tương tác với môi trường.

Vật lý dự đoán chính xác như sau:

A->B->C

Hawkins lý luận rằng nằm dưới những chuỗi sự kiện vật lý này là những loại lực nền tảng có thể được khuếch đại trong cuộc sống của một người. Nói cách khác, nhận thức về trường hấp dẫn [ABC] đòi hỏi phải có A->B->C. Toàn bộ công trình của Hawkins có thể được khái niệm hóa như một nỗ lực để khuyến khích người khác xếp thẳng hàng với những trường hấp dẫn mạnh mẽ cần thiết để có những kết quả tích cực. Tương tác với những trường hấp dẫn cao hơn là một điều kiện tiên quyết tự nhiên để phát triển nhân cách và phát triển thành các trạng thái tâm thức cao hơn. Thật vậy, những thái độ của chúng ta sẽ thay đổi khi chúng ta nắm bắt những trường hấp dẫn khác nhau. Ông mô tả những trường hấp dẫn là các yếu tố quyết định về hành vi của con người (phụ đề cuốn sách).

David Hawkins: Sức mạnh Vs. Sức lực (Power Vs. Force)

Một người mạnh mẽ hành động từ cấp độ của những trường hấp dẫn cao hơn. Cuộc sống của họ được sống trong sự đồng nhịp (synchronicity) và hân hoan, công việc của họ là vô nỗ lực và hiệu quả và thành công của họ là liên tục và luôn luôn phát triển. Một lần nữa, sự tương tác với những trường năng lượng cao hơn giúp phát triển nhân cách trên cả hai cấp độ: nhận thức cá nhân và thành công bên ngoài. Khi một người di chuyển vào những trạng thái tâm thức cao hơn, họ nắm bắt sức mạnh, thay vì sức lực, làm phương tiện để hoàn thành những mục tiêu của họ.

“Sức mạnh được liên kết với thứ hỗ trợ tầm quan trọng của cuộc sống… Sức mạnh thu hút những gì thăng hoa, vinh quang và cao thượng. Sức lực phải luôn được biện minh, trong khi sức mạnh không cần sự biện minh. Sức lực liên kết với một phần, trong khi sức mạnh liên kết với cái toàn thể… Bởi vì sức lực tự động tạo ra lực đối kháng, tác động của nó bị giới hạn bởi định nghĩa. Chúng ta có thể nói rằng sức lực là một sự chuyển động. Nó đi từ đây sang đó (hoặc cố gắng) chống lại sự đối lập. Mặt khác, sức mạnh thì tĩnh lặng. Nó giống như một trường đứng yên không di chuyển. Chẳng hạn, bản thân trọng lực không di chuyển chống lại bất cứ thứ gì. Sức mạnh của nó di chuyển tất cả các vật thể bên trong trường của nó, nhưng bản thân trọng lực không di chuyển.”

“Sức lực luôn di chuyển ngược lại thứ gì đó, trong khi Sức mạnh không di chuyển ngược lại bất kỳ thứ gì. Sức lực không hoàn thiện và do đó nó phải được cung cấp năng lượng liên tục. Sức mạnh là toàn thể và hoàn thiện trong chính nó và không đòi hỏi thứ gì từ bên ngoài. Nó không có nhu cầu. Bởi vì sức lực có tính “thèm ăn” vô độ, nó liên tục tiêu thụ. Sức mạnh, ngược lại, tiếp thêm năng lượng, giải phóng, cung cấp và hỗ trợ. Sức mạnh cho sự sống và năng lượng; Sức lực lấy chúng đi. Chúng ta nhận thấy rằng sức mạnh gắn liền với lòng từ bi và giúp chúng ta cảm thấy tích cực về bản thân. Sức lực gắn liền với sự phán xét và khiến chúng ta cảm thấy bản thân nghèo nàn.”

“Sức lực luôn tạo ra lực đối kháng; tác dụng của nó là phân cực thay vì thống nhất. Sự phân cực luôn luôn bao hàm xung độ. Vì thế, cái giá của nó luôn luôn cao. Bởi vì sức lực xúi giục sự phân cực, nó chắc chắn tạo ra một sự phân chia thắng/thua; và bởi vì ai đó luôn luôn thua, kẻ thù được tạo ra.” (Hawkins 2002, 132-133)

Ở đây, chúng ta có thể thấy rằng một người sống trong những trạng thái tâm thức thấp bị cuốn vào vòng xoáy vô tận của lao động không có kết quả. Cấp độ bề mặt, thành tựu bề ngoài có thể xảy ra, nhưng không có phần thưởng nội tại đích thực và không bao giờ đạt được hạnh phúc bên trong. Đây là kết quả không may của việc tương tác với thực tại từ những trường hấp dẫn thấp hơn. Thay vì khai thác “sức mạnh” thực sự của những trạng thái tâm thức cao hơn và các mô hình hấp dẫn nâng cao, một người tiếp tục sử dụng “sức lực” để chiến đấu không ngừng với các hoàn cảnh bên ngoài từ các trạng thái thấp hơn. Mặc dù sự nỗ lực có thể có ý nghĩa về mặt vật lý và tâm lý, không có tiến bộ nào có ý nghĩa được tạo ra cho đến khi người đó tham gia vào các mô hình hấp dẫn cao hơn. Sự phát triển xã hội chỉ khả thi khi phần lớn biết nắm bắt các mô hình hấp dẫn cao hơn và vì thế có thể hỗ trợ lẫn nhau trong việc di chuyển lên các trạng thái cao hơn.

Kết quả tự nhiên của việc nắm lấy sức mạnh thay vì sức lực là sự phát triển của tâm thức.

Trí thông minh / Lý trí (The intellect)

Mặc dù chủ nghĩa lý trí (intellectualism) chỉ có thể xảy ra tương đối ở các trạng thái ý thức cao hơn (trong khoảng 300 và 400), sức mạnh của nó bị hạn chế.

“Những thành tựu của lý trí thuần khiết là những công trình văn hóa lịch sử. Chúng đã biến con người thành chủ nhân của môi trường bên ngoài; và ở cấp độ nào đó, trên mức độ vật lý, của môi trường bên trong. Nhưng lý trí có những giới hạn của nó, theo nhiều hơn một cách: Một trí thông minh sáng giá ở cấp độ 400, rất rực rỡ và đáng ganh tị với những người ở cấp độ 300, nhanh chóng nhợt nhạt với những người đã vượt lên nó. Từ một góc độ cao hơn, tất cả đều quá rõ ràng rằng xu hướng tự mê đắm chính nó của lý trí có thể trở nên mới tẻ nhạt và tầm thường làm sao. Lý trí là tấm gương của sự phù phiếm của tâm trí.” (Hawkins 2002,268)

Sau đó Hawkins trở lại với chủ đề này trong cuốn sách:

“Trái ngược với ảo tưởng về sự vĩ đại của nó, trí thông minh không chỉ thiếu khả năng nhận ra sự giả dối, mà nó còn cực kì thiếu sức mạnh cần thiết để tự vệ, thậm chí nếu nó có năng lực phân biệt… Và điều này là rõ ràng từ cách cư xử thông thường của con người rằng thậm chí nếu trí thông minh có thể đi đến kết luận cơ bản này, nó vẫn thiếu sức mạnh để ngăn chặn tác động của các trường tiêu cực. Chúng ta vẫn vô thức về nguyên nhân của những nỗi đau của mình trong khi trí thông minh mơ tưởng ra mọi loại lý do, bị thôi miên bởi chính những nguồn lực này. Thậm chí khi một người có trí óc biết rằng hành vi của mình là tự hủy hoại bản thân, hiểu biết này không có tác dụng ngăn chặn cần thiết nào. Sự nhận biết trí óc về những thứ nghiện ngập của ta chưa bao giờ cho ta sức mạnh để kiểm soát chúng.” (Hawkins 2002, 287)

[Bài này được đăng lần đầu tiên trong THĐP Aloha magazine volume 17 (4/11/2019)]

Source: personality-development
Biên dịch: Văng Trúc Lâm
Hiệu đính: Prana

spot_img
Prana
Prana
"Cái hang bạn sợ bước vào cất giữ kho báu bạn tìm kiếm." — Joseph Campell

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI