22.7 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Translation™] 32 thông điệp bất hủ từ Lão Tử

  1. “Âm nhạc với mỹ vị làm cho khách qua đường ngừng lại; còn Đạo mà nói ra thì nó nhạt nhẽo, vô vị; nhìn kĩ nó không thấy, lắng nghe cũng không thấy, nhưng dùng nó thì không bao giờ hết.”

  2. “Người đắc Đạo thời xưa tinh tế, mầu nhiệm, thông đạt, sâu xa không thể biết được. Vì không thể biết được, nên phải miễn cưỡng tả họ như sau: Họ rụt rè như mùa đông lội qua sông, nghi ngại như sợ láng giềng bốn bên, nghiêm chỉnh như một người khách, chảy ra, lưu động như băng tan, dày dặn mộc mạc như gỗ chưa đẽo, không hư như cái hang, hỗn độn (lờ đờ) như nước đục. Ai có thể đương đục mà lắng xuống để lần lần trong ra? Ai có thể đương hư tĩnh mà phát động để lần lần sinh động lên? Người nào giữ được Đạo ấy thì không tự mãn. Vì không tự mãn nên mới bỏ cái cũ mà canh tân được.”

  3. “Lời của ta rất dễ hiểu, rất dễ làm, mà thiên hạ không ai hiểu được, làm được. Lời của ta có tôn chỉ, việc của ta có căn bản. Vì thiên hạ không hiểu ngôn luận của ta nên không biết ta. Người hiểu ta rất ít, người theo cũng rất hiếm [nguyên văn là quí, mà hiếm tức là quí]. Cho nên thánh nhân bận áo vải thô mà ôm ngọc quí trong lòng.”

  4. “Bậc thượng sĩ nghe Đạo thì gắng sức thi hành; bậc trung sĩ nghe Đạo thì nửa tin nửa ngờ; bậc hạ sĩ nghe Đạo thì cười rộ. Nếu không cười thì Đạo đâu còn là Đạo nữa.”

  5. “Đạo mất rồi sau mới có Đức , Đức mất rồi sau mới có nhân, nhân mất rồi sau mới có nghĩa, nghĩa mất rồi sau mới có lễ. Lễ là biểu hiện sự suy vi của sự trung hậu thành tín, là đầu mối của sự hỗn loạn. Dùng trí tuệ để tính toán trước, thì chỉ là cái lòe loẹt của Đạo, mà là nguồn gốc của ngu muội. Cho nên bậc đại trượng phu giữ trung hậu thành tín mà không trọng lễ nghi, giữ Đạo mà không dùng trí xảo, bỏ cái này mà giữ cái kia.”

  6. “Cái gì hoàn toàn thì dường như khiếm khuyết mà công dụng lại không bao giờ hết; cái gì cực đầy thì dường như hư không mà công dụng lại vô cùng; cực thẳng thì dường như cong, cực khéo thì dường như vụng, ăn nói cực khéo thì dường như ấp úng.”

  7. “Thiên hạ có Đạo thì ngựa tốt không dùng vào chiến tranh mà dùng vào việc cày cấy; thiên hạ vô Đạo thì ngựa dùng vào chiến tranh và ngựa mẹ sinh con ở chiến trường . Họa không gì lớn bằng không biết thế nào là đủ, hại không gì bằng tham muốn cho được nhiều cho nên biết thế nào là đủ và thỏa mãn về cái đủ đó thì mới luôn luôn đủ.”

  8. “Thánh nhân không có thành kiến, tốt với người tốt, tốt cả với những người không tốt, nhờ vậy mà mọi người đều hoá ra tốt.”

  9. “Ra gọi là sống, vô gọi là chết, cứ 10 người ra đời thì 3 người bẩm sinh được sống lâu, 3 người bẩm sinh chết yểu, 3 người có thể sống lâu được nhưng chết sớm. Như vậy là vì đâu? Vì họ tự phụng dưỡng quá hậu. Tôi từng nghe nói người khéo dưỡng sinh thì đi đường không gặp con tê ngưu, con hổ, ở trong quân đội thì không bị thương vì binh khí. Con tê ngưu không dùng sừng húc, con hổ không dùng móng vồ, binh khí không đâm người đó được. Tại sao vậy? Tại người đó không tiến vào tử địa.”

  10. “Dùng chính trị mà trị nước, dùng thuật kì mà tác chiến, [nhưng cả hai cách đó đều không thích hợp], chỉ vô sự mới được thiên hạ. Do đâu mà biết được như vậy? Do lẽ này: Thiên hạ mà có nhiều lệnh cấm thì nước càng nghèo; triều đình càng nhiều “lợi khí” thì quốc gia càng hỗn loạn; người trên càng nhiều kĩ xảo thì việc bậy càng sinh ra nhiều; pháp lệnh càng nghiêm khắc thì đạo tặc càng nổi. Cho nên thánh nhân bảo: ta không làm gì mà dân tự cải hoá, ta ưa thanh tĩnh mà dân tự nhiên thuần chính, ta không ban giáo lệnh mà dân tự phú túc, ta vô dục mà dân tự hoá ra chất phác.”

  11. “Chính lệnh mập mờ (khoan hồng) thì dân thuần hậu; chính lệnh rõ ràng (hình pháp nghiêm minh quá) thì dân kiêu bạc. Hoạ là chỗ dựa của phúc, phúc là chỗ nấp của hoạ, ai biết được cứu cánh ra sao? Chính có thể biến thành tà, thiện có thể biến thành ác. Loài người mê hoặc đã từ lâu rồi. Chỉ có bậc thánh nhân [biết được lẽ hoạ phúc vô định đó]. Nên tuy chính trực mà không làm thương tổn người, tuy có cạnh góc mà không hại người, tuy cương trực mà không phóng túng, xúc phạm người, tuy sáng rỡ mà không chói loà.”

  12. “Trị dân và tu thân thì không gì bằng tiết kiệm [tinh thần, vật chất]; có tiết kiệm thì mới sớm phục tòng đạo; sớm phục tòng đạo thì tích được nhiều đức; tích được nhiều đức thì không gì không khắc phục được; không gì không khắc phục thì năng lực của mình không biết tới đâu là cùng; năng lực không biết tới đâu là cùng thì trị được nước; nắm được cái gốc của đạo trị nước, thì có thể tồn tại được lâu dài.”

  13. “Trị nước lớn cũng như nấu nướng cá nhỏ (nấu cá nhỏ mà lật lên lật xuống, động tới nó nhiều quá, nó sẽ nát; trị nước lớn mà chính lệnh phiền hà, pháp lệnh thay đổi nhiều quá, can thiệp vào việc dân nhiều quá, dân sẽ trá nguỵ, chống đối).”

  14. “Đạo là chỗ ẩn náu của vạn vật, là vật quý của người tốt, chỗ nhờ cậy của người không tốt. Lời nói hay có thể làm cho mình được tôn trọng, hành vi đẹp có thể làm cho mình hoá cao thượng. Nhưng còn người không tốt [mà biết nhờ cậy đạo] thì sao lại bỏ? Người xưa sở dĩ quý đạo là vì đâu? Chẳng phải là vì: hễ cầu cái gì được cái nấy, có tội thì được tha ư? Vì vậy mà đạo được thiên hạ quý.”

  15. “Cây lớn một ôm, khởi sinh từ mầm nhỏ; đài cao chín tầng khởi từ một sọt đất, đi xa ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân.”

  16. “Ta có ba vật báu mà ta ôm giữ cẩn thận: một là lòng từ ái, hai là tính kiệm ước, ba là không dám đứng trước thiên hạ. Vì từ ái nên mà sinh ra dũng cảm; vì kiệm ước nên hoá ra sung túc, rộng rãi; vì không dám đứng trước thiên hạ nên mới được làm chủ thiên hạ. Nếu không từ ái mà mong được dũng cảm; không kiệm ước mà mong được sung túc, rộng rãi; không chịu đứng sau người mà tranh đứng trước người, thì tất phải chết! Vì từ ái nên hễ chiến đấu thì thắng, cố thủ thì vững. Trời muốn cứu ai thì cho người đó lòng từ ái để tự bảo vệ.”

  17. “Viên tướng giỏi không tỏ ra vũ dũng, người giỏi tác chiến không tỏ ra hung hăng, người khéo thắng dịch không giao phong với địch, người khéo chỉ huy thì tự đặt mình ở dưới người. Như vậy là có cái đức không tranh với người, như vậy là biết dùng sức người, như vậy là hoàn toàn hợp với đạo.”

  18. “Thuật dụng binh có câu: “Ta không dám làm chủ (tức khiêu chiến) mà chỉ muốn làm khách (tức ứng chiến), không dám tiến một tấc, thà chịu lùi một thước”. Như vậy dàn trận mà không thành hàng, xua đuổi mà không dám đưa cánh tay ra. Tuy có binh khí mà như không dùng binh khí, tuy có địch mà như không chạm trán với địch.”

  19. “Dân mà không sợ sự uy hiếp của vua thì sự uy hiếp lớn của dân sẽ đến với vua . Đừng bó buộc đời sống của dân , đừng áp bức cách sinh nhai của dân. Vì không áp bức dân nên dân mới không bức lại vua.”

  20. “Có đấng “ti sát” chuyên lo việc giết, nếu vua chúa thay đấng ti sát mà giết dân thì cũng như thay thợ đẽo. Thay thợ đẽo thì ít khi không đứt tay.”

  21. “Đạo Trời bớt chỗ dư, bù chỗ thiếu. Đạo người thì không vậy, bớt chỗ thiếu mà cấp thêm cho chỗ dư. Ai là người có dư mà cung cấp cho những người thiếu thốn trong thiên hạ? Chỉ có người đắc đạo mới làm được như vậy.”

  22. “Đạo Trời không tư vị ai, chỉ gia ân cho người có Đức.”

  23. “Bậc thánh nhân vô dục, không tích trữ, càng giúp người, mình lại càng có dư, càng cho người, mình lại càng có nhiều. Đạo Trời chỉ có lợi cho vạn vật chứ không có hại; đạo thánh nhân giúp người mà không tranh với ai.”

  24. “Người thiện vào bậc cao thì như nước. Nước khéo làm lợi cho vạn vật mà không tranh với vật nào, ở chỗ mọi người ghét cho nên gần với đạo. Địa vị thì khéo lựa chỗ khiêm nhường, lòng thì khéo giữ cho thâm trầm, cư xử với người thì khéo dùng lòng nhân, nói thì khéo giữ lời, trị dân thì giỏi, làm việc thì có hiệu quả, hành động thì hợp thời cơ. Chỉ vì không tranh với ai, nên không bị lầm lỗi.”

  25. “Đạo lớn bị bỏ rồi mới có nhân nghĩa; trí xảo xuất hiện rồi mới có trá ngụy; gia đình bất hòa rồi mới sinh ra hiếu, từ; nước nhà rối loạn mới có tôi trung.”

  26. “Ít nói thì hợp với tự nhiên. Cho nên gió lốc không hết buổi sáng, mưa rào không suốt ngày. Ai làm nên những cái ấy? Trời đất. Trời đất còn không thể lâu được, huống hồ là người?”

  27. “Biết trống (nam tính), giữ mái (nữ tính), làm khe nước cho thiên hạ, thì cái đức vĩnh cửu bất biến sẽ không mất mà trở về trẻ thơ. Biết vinh, giữ nhục, làm cái hay cho thiên hạ; làm cái hay cho thiên hạ thì cái đức vĩnh cửa bất biến sẽ đầy đủ, mà trở về mộc mạc như gỗ chưa đẽo. Gỗ chưa đẽo chưa đẽo, xẻ ra thành đồ dùng.”

  28. “Quân đội đóng ở đâu, gai góc mọc ở đấy. Sau trận chiến tranh lớn, tất bị mất mùa.”

  29. “Kẻ biết người là người khôn, kẻ tự biết mình là người sáng suốt. Thắng được người là có sức mạnh, thắng được mình là kiên cường. Kẻ tri túc (biết đủ) là người giàu.”

  30. “Giữ chậu đầy hoài, chẳng bằng thôi đi; mài cho bén nhọn thì không bén lâu. Vàng ngọc đầy nhà, làm sao giữ nổi; giàu sang mà kiêu là tự rước lấy họa. Công thành rồi thì nên lui về, đó là Đạo Trời.”

  31. “Ngũ sắc làm cho người ta mờ mắt; ngũ âm làm cho người ta ù tai; ngũ vị làm cho người ta tê lưỡi; ruỗi ngựa săn bắn làm cho lòng người ta mê loạn; vàng bạc châu báu làm cho hành vi người ta đồi bại. Cho nên thánh nhân cầu no bụng mà không cầu vui mắt, bỏ cái này mà chọn cái kia.”

  32. “Bậc trị dân giỏi nhất thì dân không biết là có vua, thấp hơn một bực thì dân yêu quí và khen; thấp hơn nữa thì dân sợ; thấp nhất thì bị dân khinh lờn.”

Biên dịch: Nguyễn Hiến Lê


🎯 Đặt mua tạp chí Aloha của THĐP để trau dồi kiến thức trí tuệ, những nội dung được chọn lọc chỉ có tại THĐP. Click here ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục nội dung Aloha magazine, ALL VOLUMES ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI