18.7 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

3 góc nhìn sai lầm về sự quy phục

Cách đây không lâu, mình có xem một video rất tuyệt vời và giàu ý nghĩa về cuộc đời của một đạo sư giác ngộ nổi tiếng Ấn Độ, là Ramana Maharshi. Vị đạo sư này đã nói về 2 cách chính giúp một người thức tỉnh tâm linh: truy xét Chân Ngã (Self-inquiry), hoặc quy phục Chân Ngã (Self-surrender). Trong quá trình tu tập, mình vượt qua được những chướng ngại tinh thần chủ yếu bằng việc thực hành theo cách thứ hai. Và trong các bài viết của mình cũng thường xuyên đề cập đến cách thức và tầm quan trọng của việc quy phục đối với sự khai sáng của một cá nhân.

Tuy nhiên, khi tiếp cận với khái niệm “quy phục”, một người có thể hiểu lầm đây là một trạng thái yếu đuối, nhu nhược, gió chiều nào xoay chiều nấy mà không có sức mạnh hay sự tự chủ, từ đó dẫn đến những phản ứng và hành động cứng nhắc cực đoan. Nên hôm nay, trong bài viết này, mình sẽ tập trung làm sáng rõ thêm về việc quy phục bằng cách chỉ ra 3 góc nhìn sai lầm của bạn đọc về khái niệm này.

quy phục

1. “Quy phục là yếu đuối.”

Quy phục là hành động thể hiện sự chấp nhận những gì đang xảy ra trong hiện tại một cách hoàn toàn, không có gì khác ngoài sự mở lòng đón nhận. Trạng thái mở lòng toàn bộ chính là biểu hiện của tình yêu. Nó là năng lực của người mạnh, người có nhận thức cao. Ở đó không hề có một bức tường phòng thủ nào, không có ý kiến cá nhân chen ngang, không có phân tích về sự kiện, không có tranh đua hơn thua được mất.

Tất cả chỉ là chấp nhận mà không cần lý do, bất kể hoàn cảnh đó khác lạ, khó chịu, hay dữ dội đến nhường nào. Người này giống như bầu trời bao la, không hề bị thay đổi bởi bão tố, thậm chí còn đủ sức dung chứa bão tố bên trong lòng. Còn một người yếu đuối, thì chỉ như một ngôi nhà bé nhỏ, cố gắng cầm cự, bảo tồn những của nả tích chứa bên trong khi gặp thời tiết xấu. Khi sự bảo vệ này gặp thất bại thì sinh ra buồn khổ, bất mãn.

Ví dụ mất tiền thì kêu than xui xẻo, người yêu rời bỏ thì vật vã không yên, người khác bình phẩm thì xao động phiền não, thành công chưa tới thì bồn chồn mất kiên nhẫn, gặp xung đột quan điểm thì gân họng cãi cọ cho bằng được, v.v… Những sự chống cự này chính là dấu hiệu của một người yếu đuối, không phải của một người mạnh biết quy phục. Cũng về ý tưởng này, trong Baki manga, Yuichiro Hanma, sinh vật mạnh nhất hành tinh đã nói với võ sư Kaioh Kaku rằng:

“Ông yếu là vì ông chứa đầy khát vọng và tham lam!!!”

2. “Quy phục là thờ ơ với mọi thứ.”

quy phục
Photo by Slava B on Unsplash

Có một bạn đã từng hỏi mình rằng khi bạn ấy bị ngứa chân thì cứ ngồi im không nhúc nhích và chịu đựng cơn ngứa thì gọi là quy phục phải không? Đây là một trường hợp hiểu sai khái niệm. Trong tình huống này, quy phục là biết rằng việc chân bị ngứa là chuyện hiển nhiên xảy ra trong hiện tại. Ta không thể ngăn nó không xảy ra, mà chỉ có thể phản ứng thích hợp và cần thiết với nó.

Đó là gãi, bôi thuốc, hoặc ngồi im nếu vệt ngứa không quá nghiêm trọng. Và hiển nhiên, ta không bực bội gì vì cái ngứa, không đè nén nó một cách cực đoan, và cũng không giả vờ là nó không hề tồn tại. Quy phục là thuận theo dòng chảy mà sống, thuận theo những điều kiện hiện có trong hiện tại để vận động một cách cân bằng.

“Không phải chỉ cần tránh hoạt động là thoát được nghiệp báo, và cũng không phải sống thoát tục là đắc quả toàn thiện. Ai cũng buộc phải miễn cưỡng hành động theo các phẩm chất mà thuộc tính thiên nhiên phú cho anh ta, vậy nên không ai có thể ngưng hành động dù là một khoảnh khắc.” – Sri Krishna, Chí Tôn Ca (3:4-5)

Download Chí Tôn Ca Free >>> bit.ly/CTC_THDP_EBOOK

Chuyện này cũng giống như khi thấy bụi bẩn ở nền nhà thì ta quét dồn lại và đổ chúng vào sọt rác. Đây là tư duy rất hiển nhiên của một người có trí óc hoạt động bình thường, sáng suốt. Ta không đứng im đó gương mắt lên nhìn đống bụi tự nó chạy vào thùng rác, hoặc chửi rủa đống bụi là lũ bẩn thỉu xấu xa trong hàng tiếng đồng hồ rồi mới đi quét dọn, hay giả vờ rằng đống bụi đó không hề xuất hiện trước mắt.

Chống cự, đè nén, hay thờ ơ đều là các bức tường phòng thủ ngăn cản một người có thể tiếp xúc trực tiếp và trong sáng với hoàn cảnh hiện tại. Các phản ứng đó đều không phải sự mở lòng đón nhận, không phải sự quy phục.

3. “Quy phục là đi theo bất kỳ điều gì.”

quy phục

Một ví dụ khác về sự bối rối trước việc quy phục, đó là có một bạn hỏi rằng: “Khi bên trong mình có những suy nghĩ bất thiện thì quy phục thế nào? Mình cứ để những suy nghĩ đó lôi kéo dẫn dắt mình làm chuyện bậy bạ ư?”

Ở đây, sự quy phục trong các tình huống này không phải bạn cúi mình trước những điều hèn kém, mà là cúi mình trước Thần Lực vĩ đại đang làm lộ ra những sự hèn kém bên trong chính bạn, hay Thần Lực đang được ngụy trang trong những hiện tượng khó chịu. Hay nói cách khác, bạn quy phục Đạo lý và những điều chân thiện mỹ, chứ không phải những điều vô minh, bất thiện.

Mọi thứ đang diễn ra, dâng lên rồi hạ xuống, hội tụ rồi tan rã, dễ chịu hay khó chịu đều là biểu hiện của các quy luật tự nhiên. Khi nhìn thấy chúng và biết hướng lòng nhớ đến các nguyên lý tối cao, một người sẽ tiếp nhận những sự khó chịu ấy một cách trung tính.

Còn nếu quên đi các Quy Luật vận hành phía sau hiện tượng mà chỉ mải quan tâm đến sự hưởng thụ dễ chịu của riêng mình, người ấy hoặc sẽ nảy sinh xung đột với các hiện tượng tiêu cực và hứng chịu sự mỏi mệt, hoặc sẽ bị xúi bẩy làm những chuyện tiêu cực từ những gợi ý của chúng.

Vậy nên, quy phục không phải là nhún mình trước bất kỳ điều gì, mà là trước điều vĩ đại nhất, thứ đang được biểu lộ trong muôn loại hoàn cảnh. Hay nói theo cách của Ram Dass, thì:

“Hãy đối xử với mọi người bạn gặp như đó chính là Thượng Đế đang ngụy trang.”

Bạn không chống cự, phân bua hay xuôi theo những vẻ ngoài của Thần Lực, mà khiêm nhường từ tốn trước các biểu hiện của nó, dù đó có thể là một suy nghĩ đen tối, một làn sóng giận dữ, hay một hoàn cảnh nằm ngoài dự tính, v.v… Khi quy phục, bạn không tương tác với cái vỏ hiện tượng, mà tương tác với phần lõi năng lượng của hiện tượng. Lúc ấy, cái vỏ không thể tác động gì đến bạn, vì bạn đã nằm ở một chiều kích khác, một cấu trúc khác, với sự chú ý đặt vào một hướng hoàn toàn khác.

Kết luận lại, quy phục là sự đón nhận hoàn cảnh một cách tự nhiên vô tư, từ đó một người có các phản hồi cần thiết và hợp lý. Ngoài ra, nó cũng là một sự nhún mình trước năng lực vĩ đại của tự nhiên, được biểu hiện trong mọi hiện tượng đời sống.

Những thái độ chống đối, phán xét, suy diễn, trốn tránh, thờ ơ, hay đè nén mọi chuyện đang diễn ra trong hiện tại đều là dấu hiệu của sự không biết quy phục, là các bức tường phòng thủ tâm lý của một người. Chúng cần được dỡ bỏ càng sớm càng tốt để người đó có thể trải nghiệm một thực tại tươi mát và sáng trong, thứ đã, đang và sẽ luôn là như vậy.

Tác giả: Hòa Taro
Ảnh: Aiony Haust | Unplash

💎 Xem thêm: Mọi thứ đều bế tắc cho tới khi tôi quy phục God

spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

1 BÌNH LUẬN

  1. Nhiều người vẫn còn hiểu lầm về sự quy phục. Quy phục không có nghĩa là buông xuôi, buông thả trôi theo mọi thứ, mọi hoàn cảnh, trở thành một con búp bê, một con rối, một cục bột, hay một cục đất sét. Quy phục có nghĩa là biết chấp nhận những gì nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Ví dụ:
    • Bạn không thể thay đổi tính cách, quan điểm hay năng lượng của người khác. Chỉ có họ mới thay đổi được chính họ.
    • Những âm thanh ồn ào xung quanh khi bạn cần yên tĩnh: chó sủa, tiếng xe chạy, tiếng ồn từ những phòng/nhà xung quanh. Bạn chỉ có thể hoặc là chuyển tới chỗ khác, hoặc là chấp nhận nó.
    • Tự thêm vào trường hợp của bạn.
    Vấn đề là bản ngã càng to thì một người lại càng muốn kiểm soát nhiều hơn, nghĩ rằng nó nằm trong tầm kiểm soát của mình nhưng sự thật thì không, giằng co vật lộn ham muốn kiểm soát trong đau khổ. Mọi thứ trong cuộc sống không phải luôn luôn xảy ra theo đúng ý ta muốn. Có những thứ xảy ra không đúng ý ta nhiều khi lại chính là bài học dành cho ta. Quy phục chỉ đơn giản là buông bỏ. Buông bỏ đúng chuyện, đúng nơi, đúng lúc đòi hỏi trí tuệ. Trí tuệ có thể được tìm thấy ở đâu? Trí tuệ có thể được tìm thấy trong các giáo lý tôn giáo, kinh nghiệm, trực giác; trí tuệ là hệ quả của việc tu tập, chẳng hạn như ngồi thiền, giữ giới (Giới – Định – Tuệ, cả 3 đều đi chung với nhau)
    Quy phục còn có một nghĩa khác đó là chấp nhận và củng cố đức tin vào một thế lực tuyệt đối, vĩ đại hơn bạn tưởng gấp vô hạn lần, bao trùm thực tại, bạn muốn gọi nó là Vũ trụ, Đạo, Chúa, Thượng Đế, God, Brahman, Như Lai… hay cái gì cũng được, không có gì khác nhau giữa chúng, tên gọi chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng, không phải mặt trăng. Chừng nào bạn còn chưa nhận ra, chấp nhận sự tồn tại của thế lực siêu việt đó, chừng đó bạn sẽ vẫn chưa thể giải quyết được những mâu thuẫn của lý lẽ, chưa đạt tới trí huệ bồ đề đích thực

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI