16 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Đại dịch là cơ hội để con người nhìn lại cách đối xử của mình với môi trường

Với sức ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cuộc sống bình thường của người dân đang thay đổi nhanh chóng. Dĩ nhiên môi trường cũng thế, theo chiều hướng tiêu cực. Đại dịch Covid-19 là biến cố nghiêm trọng trong nhiều năm qua, nhưng nó cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho con người.

Việt Nam là quốc gia có thiên tai tàn phá hằng năm và biến đổi khí hậu trở thành thách thức lớn nhất trên chặng đường phát triển. Không khó để nhìn ra các yếu tố tác động đến môi trường như dân số tăng, quá trình đô thị hóa mạnh và nhất là khí thải nhà kính ngày càng tăng do phát triển công nghiệp và dân cư.

Trên thế giới, các nước khác cũng gặp phải vấn đề tương tự, dù ở nhiều góc độ khác nhau. Rất nhiều cảnh báo đã được đưa ra cho con người, nhưng bản chất của việc tăng trưởng cũng bao gồm việc gây hại đến môi trường, không nhiều thì ít.

Trong thời gian hầu như tất cả các nước trên thế giới buộc phải dừng các hoạt động kinh tế, hay nói cách khác là phát triển kinh tế chậm lại, chất lượng không khí được cải thiện rõ rệt. Ví dụ rõ ràng nhất là Trung Quốc và châu Âu. Trung Quốc, từ trước đến nay được coi là một nước gây ô nhiễm môi trường vào loại cao trên thế giới. Ở các thành phố lớn của nước này, mức độ ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân mà còn có nguy cơ gây thiệt hại đến nền kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới này. Tuy nhiên, trong thời gian dài giảm các hoạt động kinh tế, Trung Quốc đã ghi nhận sự giảm ô nhiễm đáng kế. Do là nước chịu tác động của đại dịch Covid-19 đầu tiên, Trung Quốc cũng là nước đầu tiên áp dụng biện pháp giảm mức hoạt động kinh tế, đồng thời áp dụng chính sách phong tỏa mạnh mẽ lên cuộc sống người dân. Một nguyên nhân trực tiếp dẫn tới thay đổi này là sự hạn chế sử dụng phương tiện giao thông của người dân. Họ chỉ ở trong nhà. Các nhà máy, xí nghiệp đống cửa, các chuyến bay cắt giảm đến mức tối thiểu. Như vậy, lượng khí thải ra môi trường luôn ở mức thấp, thậm chí chỉ còn dưới 10% so với trước. Theo đo đạc của NASA và ESA (Cơ quan vũ trụ châu Âu), nồng độ khí thải của thành phố Vũ Hán – từng là tâm dịch của Trung Quốc và thế giới đã giảm từ 10 – 30% từ ngày 23/1 (trước khi cách ly) đến 25/2. Đò là mức giảm lớn, là điều mà ngay chính nước này và thế giới dau đầu tìm giải pháp. Thậm chí, một số nhà khoa học cho rằng, mức giảm ô nhiễm này có thể cứu nhiều người hơn là số người chết do virus ở Trung Quốc.

Đối với Châu Âu, trong tháng 3 tại Italia, một nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 thì chất lượng không khí cũng có sự thay đổi tích cực. Một số nước khác ở châu Âu cũng ghi nhận sự thay đổi của không khí. Còn ở Ấn Độ, người dân đã ngạc nhiên khi có thể quan sát dãy núi Himalaya từ xa. Ấn Độ là ngước có dân số khoảng 1,3 tỷ người và cũng đang chịu tác động xấu của sự ô nhiễm không khí. Nhiều người dân cảm thấy không khí trong lành hơn rõ rệt, dù không ra đường nhưng cũng có thể có tầm quan sát xa hơn trước.

Còn ở Việt Nam thì sao? Chỉ số AQI (chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày) đo được ở Hà Nội đã tốt hơn rất nhiều kể từ khi nước ta áp dụng biện pháp cách ly xã hội. Việc xác định chỉ số AQI là thước đo quan trọng để xác định xem không khí xung quanh ta là sạch hay ô nhiễm, và nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân. Một người lớn trung bình hít thở khoảng 15m3 không khí mỗi ngày. Nếu chất lượng không khí tiêu cực thì có thể gây nhiều ảnh hưởng xấu đến toàn cơ thể, bao gồm cả tim, gan, phổi và hệ hô hấp, hay ngay cả thai nhi đang phát triển trong bụng mẹ. Tại các trạm quan trắc không khí, chỉ số AQI  đã xuất hiện nhiều kết quả trung bình và tốt trong ngày. Theo kết quả quan trắc ở Hà Nội (Nguồn: Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội) đầu tháng 4 , trạm Kim Liên và Tây Mỗ là 2 trạm có chất lượng không khí tốt nhất khi có số ngày AQI đạt mức tốt chiếm 42,9%. trạm Minh Khai chỉ còn 1 ngày có mức kém chiếm 14,3%, với trạm Phạm Văn Đồng là 28,6%. Các trạm nội đô cũng đã có ngày xuất hiện kết quả tốt. Trạm Hoàn Kiếm và Thành Công có 1 ngày AQI ở mức kém, 1 ngày AQI ở mức tốt chiếm 14,3%, còn lại ở mức trung bình.

Những chuyển biến về chất lượng không khí trên thế giới và Việt Nam trong thời gian dịch bệnh hoành hành đã làm con người phải suy nghĩ lại về cái giá phải trả khi chúng ta không hành động, hoặc hành động cầm chừng trong việc gìn giữ môi trường, đồng thời vẫn đẩy mạnh các hoạt động có hại đối với Trái Đất.

Chưa nói đến biến đổi khí hậu, chỉ trong một thời gian ngắn mà chất lượng không khí, thứ tác động trực tiếp tới sự sống của con người đã cải thiện. Điều đó là minh chứng hùng hồn nhất cho nguyên nhân của ô nhiễm môi trường là từ các hoạt động của con người. Thảm họa Chernobyl, thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản, thảm họa bùn đỏ ở Hungary 2010 và rất nhiều thảm họa khác chính là sự trả giá vô cùng đắt cho những hành vi kém ý thức của con người với tự nhiên.

Những thay đổi về môi trường theo hướng tốt lên trong thời gian qua có thể là sự cảnh báo đến các quốc gia và từng con người trong việc bảo vệ chính nơi mình đang sống. Tuy nhiên, nếu xét về độ dài thời gian của các cuộc khủng hoảng thì đại dịch Covid có lẽ sẽ có thời gian ngắn hơn nhiều so với khủng hoảng môi trường đã kéo dài hàng thế kỷ. Từ khi con người dùng máy hơi nước cho đến những công nghệ cao hơn, môi trường dần bị hủy hoại. Có vết thương dần lành lại, có vết thương sẽ mãi mãi không lành.

Một số nhà khoa học cho rằng, những thay đổi tích cực về môi trường trong thời gian đại dịch sẽ chỉ tạm thời dừng ở việc chất lượng không khí được cải thiện. Còn đối với tổn hại của môi trường trong dài hạn thì sự thay đổi hiện nay chỉ có tác động nhỏ. Tuy nhiên, nếu tác động nhỏ này có thể khiến mỗi người, mỗi tập thể, mỗi quốc gia suy nghĩ thấu đáo thì chất lượng môi trường tự nhiên trong tương lai có thể sẽ thay đổi lớn. Theo suy nghĩ thông thường, mạng sống con người có thể đặt lên trên sự toàn vẹn của môi trường. Đúng thế, nhưng chẳng mấy ai biết được rằng sự toàn vẹn của môi trường mới là điều kiện đảm bảo không chỉ cho mạng sống, mà còn cho chất lượng sống mà con người vẫn đang cố gắng níu giữ và phát triển.

Tác giả: Wavetau

Ảnh: Kalen Emsley

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI