35 C
Nha Trang
Thứ Sáu, 26 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[Tiểu thuyết] Lên Đà Lạt – Chương 10 – An toàn và tự do (Full)

Tôi chưa từng biết sự sống là gì, cho tới khi bắt đầu một cuộc đời vô định. Nó như một cú nhảy vào vực thẳm không đáy, chẳng hề biết trước điều gì sẽ xảy ra hay Trời Đất sẽ đưa mình đi đến chốn nào. Nhưng tôi biết là mình cần phải lên đường và mở rộng trái tim để đón nhận. Cách đây một năm, khi vẫn còn giam cầm bản thân ở nơi đô thị chật chội, tôi không bao giờ tưởng tượng rằng mình sẽ có ngày hôm nay, bay nhảy tự do mà không hề vướng bận một nỗi lo lắng nào về tương lai. Không phải tôi biết rõ tương lai hay có một vai vế “ông lớn” nào để nhờ cậy, đơn giản vì tâm trí tôi chưa từng bị vấy bẩn bởi suy nghĩ về sự ổn định, như một nghề nghiệp cố định kiếm miếng cơm manh áo, hay một ngôi nhà ngày ngày quanh quẩn ra vào. Tôi chỉ biết làm những gì mình có thể, bằng tất cả những hun thúc đam mê bên trong mình và bằng niềm tin vào Thượng Đế. Chính những điều đó mới là sự “ổn định” của tôi.

Có những đêm trời lạnh, chui dưới chăn trong căn phòng trọ nhỏ bé, tôi lại giật mình nhận ra sự linh động diệu kỳ của cuộc sống. Thứ mà đa số con người nghĩ là cuộc sống thật ra chỉ là một bản lịch trình cũ rích của những văn hóa xã hội, một tổ hợp những quan điểm của những người mà ta chẳng biết họ có đủ thẩm quyền để đưa ra một điều luật. Con người sống chẳng khác gì những con cừu, sớm thì bị lùa ra đồng gặm cỏ, chiều thì bị lùa vào khung chuồng chật chội mà chẳng bao giờ hỏi tại sao. Tôi thường xuyên có cảm giác về một dòng sự sống chảy trong huyết mạch, nó bất ngờ, không báo trước và chuyển biến muôn vàn lối. Nó xóa nhòa những suy tưởng đường mòn của bản thân. Khi càng đắm sâu vào nó, tôi được tan chảy cùng những yên bình và kinh ngạc. Chưa bao giờ, cuộc đời tôi lại được vun đắp bởi nhiều nỗi kinh ngạc như bây giờ. Tôi gọi đó là sống, là mầu nhiệm.

Từ một người chỉ biết sống và làm việc theo một lộ trình cố định, tôi dần được biết đến một lối sống khác ngẫu hứng hơn. Không phải mình cố tình buông thả và cợt nhả với cuộc đời, chỉ đơn giản là biết khiêm nhường lắng nghe những dấu chỉ nên làm. Cái vô định chỉ dành cho tâm trí, nó bị vờn vây bởi sự “không biết” cho đến khi mệt nhoài và chịu quy hàng. Còn sự linh động bất ngờ kia dần dần lại trở thành một điều cố định cơ bản, một thứ thường hằng. Khi thoải mình theo nó, tôi mới cảm thấy sự thanh bình an ổn, tôi mới thấy “bình thường”, chứ không phải cái cảm giác “thông thường” mà người đời vẫn sống.

Nếu ngủ dậy muộn, tôi sẽ ăn sáng ở gần nhà và đi bộ ít lại. Nếu dậy sớm thì tôi cùng anh sẽ đi khám phá một vài con đường, một vài quán ăn. Nếu người ta hủy lịch hẹn thì chúng tôi ngồi xem phim hay có một cuộc chuyện trò. Còn nếu không thì ai làm việc của người nấy mà chẳng bị xao nhãng bởi người còn lại. Nếu họ cho thuê nhà thì chúng tôi ở, nếu họ không cho thuê thì chúng tôi đi. Khi nào đói, chúng tôi ăn. Khi nào mệt mỏi, chúng tôi ngơi nghỉ và ôm nhau cho khỏi rơi vào những muộn phiền. Cuộc sống này cực kỳ đơn giản mà rõ ràng như vậy.

Trước kia tôi từng xem một video về lối sống giản dị của người đàn ông bên Thái Lan, đến bây giờ, tôi mới được trải nghiệm nó. Quả nhiên, chẳng có gì yên lành hơn vậy, dù đối với đa số mọi người, nó là một hiểm họa. Vì sao ư? Vì họ phải từ bỏ những thói quen sống cứng nhắc trước kia, từ bỏ định nghĩa về một cuộc đời ổn định, từ bỏ việc chạy theo đồng tiền để hướng vào tâm hồn. Đồng tiền là một mồi nhử cho sự lún sâu gò bó, còn tâm linh mới là thứ mềm dẻo và linh động như một giấc mơ. Nếu chạy theo những xu hướng kiếm tiền hay kiếm một nghề nghiệp ổn định về tài chính, chúng ta chẳng khác nào tự mắc câu vào một thực tại đóng hộp, nó rất khó sửa đổi và uốn nắn, nó không dạy cho ta nhiều về sự can đảm và khả năng thích nghi, thứ bản năng sinh tồn mãnh liệt của con người. Nên đa số thế hệ ngày nay sống một cuộc đời với tâm hồn chật chội và tư duy thiển cận không lối thoát.

Người ta thường nói về Đạo, về lối sống thuận theo tự nhiên. Nhưng chẳng có nhiều người hiểu và làm được điều đó. Cái quán tính gò bó của xã hội quá mãnh liệt, và để sống theo Đạo, con người phải đủ sức mạnh để vượt qua lực hút vật chất ấy. Khổ nỗi, đời sống cũ chẳng hề nuôi cho họ chút sức mạnh nếu như không nói rằng nó đã bòn rút cạn kiệt sinh lực của họ.

Tôi luôn thầm cảm ơn Thượng Đế đã ban cho tôi một cuộc đời, một giai đoạn sống đau khổ và khủng hoảng, để tôi có một cú thức tỉnh ngày hôm nay. Tôi thiết nghĩ rằng, nếu có tìm một ai đó nương tựa, thì chẳng có kẻ nào xứng đáng hơn “ông lớn” God. Có thể God là một thứ gì đó bất định đến mức ta không thể biết được, bất định đến mức ổn định. Khi càng gia nhập vào dòng chảy cuộc sống, tôi càng có cảm giác mình đang trải nghiệm Thượng Đế, hay tính linh động siêu việt. Tim gan, tâm trí, hay từng tế bào cơ thể của tôi được biến đổi. Tôi có thể nhìn thấy điều đó mỗi lần soi gương.

Có rất rất nhiều người ngoài kia lựa chọn đời sống “an toàn”, tuân theo những lối mòn của truyền thống, của tư duy bầy đàn. Vì họ không thể chịu đựng được sự hoang mang khi tư tưởng ấy bị sụp đổ. Họ không muốn chấp nhận sự sụp đổ của nó khi họ còn sống. Vậy nên sự an toàn ấy là giả tạo, nó luôn tiềm tàng một khả năng tan vỡ, vào những lúc họ không hề kỳ vọng nhất. Họ sẽ bực bội, sẽ đánh mất niềm tin vào cuộc đời. Không phải cuộc đời khốn nạn, mà bởi họ vẫn còn níu giữ một tư tưởng khốn nạn.

Nếu tính vô thường của cuộc đời không được nhận ra, thì một người sẽ còn sống cùng những ảo ảnh. Vô thường là một sự thật. Nó cần được thấm vào từng thớ thịt của ta. Chỉ sự thật mới có khả năng cứu rỗi con người khỏi sự bất định và nô lệ, chứ không phải những đồng tiền chất thành đống.

Tôi là một đứa trẻ may mắn khi sinh ra trong một gia đình được giáo dục về giá trị của đồng tiền từ nhỏ, không phải bằng cách hướng dẫn tôi sử dụng nó, mà bằng cách khiến tôi không đặt nặng nó, không cần quá quan tâm đến nó. Bố mẹ hướng tôi đến những thứ quan trọng hơn đó là sức khỏe, là sự thăng tiến về đạo đức, trí tuệ. Chúng tôi thường có rất nhiều tiếng cười bên mâm cơm từ những câu chuyện thuở nhỏ của bố, có những trò chơi kỳ dị nhưng thú vị của anh, và có những ân cần chăm sóc của mẹ. Đó là tất cả những gì tôi ấn tượng và thấu hiểu nhất về giá trị của cuộc sống. Nó ăn vào máu mủ khi tôi còn nhỏ và một đứa trẻ thì có đủ sự trong sáng để khắc ghi. Nên tôi thường khoe những lời khen của cô giáo với mẹ, hỏi ý nghĩa của những câu tục ngữ với cha, và luyện tập chơi cờ với anh trai, chứ không bao giờ vòi vĩnh một thứ gì đắt tiền cho bằng thiên hạ, để nếu không ai chiều lòng thì nằm lăn ra đất mà ăn vạ. Dù cha mẹ tôi vẫn còn mang tư tưởng về một nghề nghiệp ổn định, nhưng có lẽ cả hai đều không biết rằng sự nuôi nấng dành cho tôi từ thuở ấu thơ lại thúc đẩy tôi hướng về một con đường đối nghịch.

Thỉnh thoảng vào những buổi chiều trống trải thì giờ, tôi và anh lại nắm tay nhau đi bộ dạo quanh những con đường mình đang sống. Tôi chụp ảnh một vài bông hoa xinh xắn, anh thì chỉ tay tới những cửa hiệu, những ngôi nhà, hay đôi khi chỉ là một vài con chó đang vởn vơ tắm nắng trước sân. Tôi chẳng biết ở ngoài kia người ta có bao giờ tự hỏi về cuộc sống của chính mình, rằng họ có thật sự hạnh phúc, họ có đang tận hưởng từng phút giây, họ có để ý tới những mái nhà đã đi ngang qua, những tên cửa hiệu bán sách, những em bé được cha mẹ bế bồng đi dạo bộ. Hay tất cả những gì họ biết là chạy đua theo cái guồng nô lệ của xã hội, của văn hóa, sáng hùng hục phi đến cơ quan, rồi chiều lại phi về nhà, bỏ qua tất cả mọi thứ, và cuối cùng là bỏ qua chính mình.

Có rất nhiều người tìm đến tôi tâm sự rằng họ đang phân vân giữa hai sự lựa chọn, sống theo lập trình của xã hội hay theo đam mê và trực giác của bản thân. Họ sợ hãi đủ thứ trên đời, sợ nghèo, sợ mất cân bằng, sợ dư luận, sợ sai, sợ chết. Nhưng họ chẳng biết rằng nơi nào dấy lên nhiều nỗi sợ nhất thì đó là nơi ta cần dũng cảm bước tới. Nó là những làn sóng ánh sáng đang đẩy những đen đúa lên bề mặt để có cơ hội được chuyển hóa, chứ không phải những áp lực khiến chúng ta phải thụt lùi như một con rùa rụt cổ.

Tôi không tin và sẽ vĩnh viễn không tin vào sự dẫn dắt của một hệ thống văn hóa cố định, của một cuộc đời “ổn định” với những cấu trúc rập khuôn. Nó là một sự lừa đảo. Khi đứng đây, hít thở làn không khí se lạnh trong lành của Đà Lạt, tưới nước cho những ngọn sen đá mơn mởn đâm chồi và ngước nhìn bầu trời với vạn mây vờn chuyển, tôi biết cuộc đời là một thứ gì đó sinh động và vĩ đại hơn sự “ổn định.” Nếu chúng ta không đập vỡ những thói cũ, hay rơi vào một cuộc đại khủng hoảng nơi tâm hồn, chúng ta sẽ không được lay lắc đủ mạnh để nhìn ra dòng chảy cuộc đời. Và nếu không nhìn ra thì phải chăng ta chỉ đang sống những tháng ngày tang tóc?

Tôi đã dấn thân vào nơi không biết, nơi muôn vàn định kiến bị run rẩy. Và ở nơi đó, tôi tìm thấy sự an toàn.

“Trời Đất yêu quý lòng can đảm. Nếu bạn đặt ra quyết tâm thì Trời Đất sẽ đáp ứng lại quyết tâm đó bằng cách loại bỏ hết mọi vướng bận tưởng chừng không thể. Mơ giấc mơ không tưởng và thế giới sẽ không nghiền nát bạn; nó sẽ nâng bạn lên. Đây chính là cái mẹo. Đây là những gì mà các đạo sư và các triết gia, những người thật sự đáng kể, những người thật sự đã chạm vào được hòn đá hóa kim, đây là những gì họ hiểu. Đây là điệu nhảy của pháp sư trong thác nước. Đây là cách phép thuật được thực hiện: Bằng cách quăng bản thân mình vào vực thẳm và khám phá ra được rằng nó là một chiếc giường tơ êm ái.” — Terence McKenna (Huy Nguyen dịch)

Tác giả: Vũ Thanh Hòa
Minh họa: Thanh Tường

*Chương 10 này đã được xuất bản trong Aloha volume 22


🎯 Đặt mua tạp chí Aloha của THĐP để trau dồi kiến thức trí tuệ, những nội dung được chọn lọc chỉ có tại THĐP, từ nay sẽ không đăng full các bài dịch trong tạp chí nữa ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 All Volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,560Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI