16 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Vivekananda – Cuộc đời và sứ mệnh của vị Đạo sư nổi tiếng

thdp translation 4

Đạo sư Vivekananda (12/1/1863 – 4/7/1902) là một tu sĩ đạo Hindu và là một trong những bậc thầy tâm linh có sức ảnh hướng lớn nhất Ấn Độ. Ông không chỉ là một bậc thầy tâm linh, mà còn là một triết gia, nhà văn, giảng sư, ưu tú và cần mẫn với số lượng khổng lồ những bài giảng pháp qua văn bản và thuyết trình trong quảng đời khá ngắn ngủi của mình (39 năm). Ông là người đã tiếp tục lan truyền ngọn lửa trí tuệ của thầy ông, Ramakrishna, tới những chân trời mới. Ông đã hoạt động không biết mệt mỏi cho một xã hội tốt đẹp hơn, phục vụ những người nghèo khổ, hết mình vì đất nước. Ông là người đã mang lại sự phục hưng cho tâm linh Hindu và đã khiến cho đạo Hindu trở thành một tôn giáo đáng kính nể trên toàn thế giới. Thông điệp về tình anh em đại đồng và sự thức tỉnh tâm hồn/chân ngã (self-awakening) vẫn còn giữ được giá trị quan trọng của nó đặc biệt là trong thời đại thế giới biến loạn ngày nay. Vị đạo sư trẻ và giáo huấn của ông đã khơi nguồn cảm hứng cho rất nhiều người, và lời lẽ của ông đã trở thành mục tiêu phấn đấu phát triển bản thân đặc biệt là cho giới trẻ Ấn Độ. Cũng chính vì lý do này, ngày sinh của ông, 12 tháng Một, đã trở thành một ngày lễ quốc gia (National Youth Day / TD: Ngày Tuổi Trẻ Toàn Quốc) ở Ấn Độ.

Tuổi trẻ và giáo dục của Vivekananda

Tên khai sinh của ông là Narendranath Datta, được sinh ra trong một gia đình khá giả người Bengal tại Calcutta, Vivekananda là một trong tám người con của Vishwanath Datta và Bhuvaneshwari Devi. Ông được hạ sinh vào ngày 12 tháng Một năm 1863, cũng đúng vào dịp đại lễ Makar Sankranti truyền thống. Vishwanath (cha) là một luật sư thành công và có sức ảnh hưởng đáng kể trong xã hội. Bhuvaneshwari (mẹ) là mẫu người phụ nữ truyền thống, có đức tin tôn giáo mãnh liệt, điều này cũng đã tạo ra một tác động lớn lên con trai mình.

download (2)
Lễ hội Makar Sankranti

Khi còn là một cậu bé, Narendranath đã biểu hiện một trí thông minh sắc sảo. Cậu có tính cách nghịch ngợm và cũng có duyên với với âm nhạc, cả nhạc cụ lẫn ca hát. Cậu học hành xuất sắc, đứng đầu ở Metropolitan Institution (ngày nay được gọi là Vidyasagar College, Đại học tư đầu tiên tại Ấn độ), và sau đó là ở Presidency College tại Calcutta. Khi học xong đại học, cậu đã hấp thụ được khối lượng kiến thức khổng lồ ở nhiều chủ đề. Cậu còn tích cực tham gia vào các bộ môn thể thao, thể hình, đấu vật. Cậu rất thích đọc sách, và đã đọc hầu hết các chủ đề. Một mặt cậu nghiên cứu kinh thư Hindu như Chí Tôn Ca, Áo Nghĩa Thư, mặt khác cậu cũng tìm hiểu về triết học, lịch sử và tâm linh phương Tây từ những người như David Hume, Johann Gottlieb Fichte, và Herbert Spencer.

Khủng hoảng tâm linh của Vivekananda và mối quan hệ với Ramakrishna

Mặc dù mẹ của Narendranath là một người rất mộ đạo, và cậu đã lớn lên trong một môi trường được bao phủ bởi tôn giáo, cậu đã trải qua một sự khủng hoảng tâm linh sâu sắc khi còn trẻ. Khối lượng kiến thức rất lớn cậu đã học được, đã khiến cậu phải đặt câu hỏi về sự tồn tại của Thượng đế và có khoảng thời gian cậu đã tin vào thuyết Bất khả tri (Agnosticism). Nhưng cậu đã không thể hoàn toàn lờ đi được sự hiện diện của một Thực thể Tối cao. Trong quá trình khủng hoảng đó, Vivekanada đã nghe nói tới Ngài Ramakrishna từ William Hastie, Hiệu trưởng của Scottish Church College.

Trước đó, để thỏa mãn những nghi vấn về Thượng đế, Narendranath đã đến gặp nhiều đạo sư tâm linh nổi tiếng từ mọi tôn giáo, hỏi họ một câu duy nhất, “Ông đã thấy Thượng đế chưa?” Lần nào cậu cũng ra về với một câu trả lời không thỏa đáng. Cậu cũng hỏi Ngài Ramakrishna câu hỏi đó tại nơi ông cự ngụ, Dakshineswar Kali Temple. Không một chút ngần ngại, Ngài Ramakrishna trả lời:

“Có. Ta đã thấy. Ta thấy Thượng Đế rõ như ta thấy cậu, chỉ là ở một mức độ mãnh liệt hơn nhiều.”

Vivekananda, ban đầu không mấy ấn tượng với sự đơn giản của Ramakrishna, đã kinh ngạc với câu trả lời của Ramakrishna. Ramakrishna dần dần đã thu phục được chàng trai trẻ đầu óc đầy lý lẽ với sự kiên nhẫn và tình yêu của ông. Càng đến Dakshineswar để gặp Ramakrishna, những câu hỏi của Vivekananda càng được trả lời.

download (3)
Dakshineswar Kali Temple

Vivekananda thức tỉnh tâm linh

Vào năm 1884, Narendranath đã phải trải qua một giai đoạn khốn đốn tài chính khi cha cậu qua đời, và cậu phải tìm cách lo cho mẹ và các em nhỏ. Cậu đã nhờ Ramakrishna cầu nguyện với Nữ thần Kali giúp đỡ tình trạng gia đình cậu. Theo lời gợi ý của Ramakrishna, cậu đích thân đi vào đền thờ để cầu nguyện. Nhưng một khi đối diện với Nữ thần, cậu đã không thể cầu xin tiền bạc của cải vật chất, thay vào đó cậu đã cầu nguyện để có được ‘Vivek’ (trí tuệ) và ‘Vairāgya’ (từ bỏ). Ngày đó đã đánh dấu cột mốc thức tỉnh tâm linh hoàn toàn cho Narendranath, và từ đó cậu chính thức bắt đầu đi sâu hơn vào đời sống tu hành.

Quãng đời tu sĩ

Khoảng giữa năm 1885, căn bệnh ung thư cổ họng của Ramakrishna đã trở nên trầm trọng khiến sức khỏe ông suy sụp. Tháng 9 năm 1885, Ngài Ramakrishna được di chuyển đến Shyampukur ở Culcutta, và một vài tháng sau Narendranath đã thuê một chỗ ở tại Cossipore. Tại đây, ông cùng một nhóm những người trẻ là đệ tử thân cận của Ngài Ramakrishna, chăm sóc chu đáo cho thầy của họ. Ngày 16 tháng 8 năm 1886, Ngài Ramakrishna rời bỏ thân xác vô thường.

Sau khi Ngài Ramakrishna qua đời, khoảng 15 đồ đệ của ông bao gồm Narendranath bắt đầu sống cùng nhau trong một căn hộ tồi tàn ở Baranagar Math phía bắc Calcutta, hội được đặt tên Ramakrishna Math, dòng tu của Ramakrishna. Tại đây, năm 1887, họ chính thức từ bỏ mọi dính mắc với thế giới và đưa ra những lời tuyên thệ nhập đạo. Những anh em trong hội tự đặt ra pháp danh cho mình và Narendranath đổi tên thành Vivekananda, nghĩa là “phúc lạc của trí tuệ.”

Những anh em tu sĩ sống bằng của bố thí, khất thực, họ biểu diễn yoga và thiền định. Vivekananda rời khỏi Hội năm 1886 và bắt đầu đi bộ khắp Ấn Độ, thuật ngữ gọi một tu sĩ lang thang như vậy là “Parivrajak”. Ông đi bộ suốt chiều rộng đất nước, hấp thụ nhiều bản sắc xã hội, văn hóa và tôn giáo ở những nơi ông đi qua. Ông đã chứng kiến những khó khăn của cuộc sống mà tầng lớp thường dân phải đối mặt, những bệnh tật của họ, và đã thề nguyện rằng sẽ hiến dâng đời mình để phần nào làm vơi đi những đau khổ này.

Thuyết trình tại Hội nghị Quốc tế các Tôn giáo

Trong khoảng thời gian làm tu sĩ lang thang, Vivekananda nghe nói đến Hội nghị Quốc tế các Tôn giáo (World Parliament of Religions) sắp được diễn ra tại Chicago, Hoa Kỳ, năm 1893. Ông đã quyết tâm muốn tham dự cuộc hội nghị này, để đại diện cho Ấn Độ, đạo Hindu, và những triết lý của thầy ông, Ngài Ramakrishna. Trong lúc ngồi thiền trên những tảng đá ở Kanyakumari, cực Nam Ấn Độ, ông đã nhận được thông điệp bảo rằng quyết định đi đến Hội nghị là đúng đắn. Sau đó các đồ đệ của ông tiến hành quyên góp tiền bạc ở Madras (giờ là Chennai), và Ajit Singh cùng Vivekananda đã rời Bombay vào ngày 31 tháng 5 năm 1893 để đi tới Chicago.

Trên chuyến đi tới Chicago ông đã đối mặt với rất nhiều khó khăn vô cùng cam go, nhưng tinh thần của ông vẫn vững vàng kiên định như núi. Ngày 11 tháng 9 năm 1893, khi thời khắc đến, ông đứng trên sân khấu, và đã khiến mọi người sững sờ lặng thinh với câu mở đầu (ông thuyết trình bằng tiếng Anh): “Anh chị em Hoa Kỳ của tôi…” (thay vì lời mở đầu thông thường là “Ladies and Gentlemen.”) Chỉ với câu mở màn đó, mọi người đã đứng lên vỗ tay hoan hô. Rồi ông tiếp tục thuyết pháp về những nguyên tắc của Vedanta và tầm quan trọng về mặt tâm linh của nó, đánh dấu đạo Hindu lên bản đồ các tôn giáo thế giới.

Swami_Vivekananda_at_Parliament_of_Religions
Vivekananda ngồi kế Nikola Tesla trong cuộc hội nghị

Sau đó ông đã sống hai năm rưỡi ở Hoa Kỳ và đã thành lập “Vedanta Society of New York” năm 1894. Ông cũng đã đi đến Vương quốc Anh để thuyết pháp về những đạo lý của Vedanta và về Tâm linh Hindu cho thế giới Tây phương.

Giáo lý và Ramakrishna Mission

Vivekananda trở về Ấn Độ năm 1897 trong sự chào đón nhiệt liệt của thường dân và hoàng gia. Ông đến Calcutta sau hàng loạt những buổi thuyết pháp khắp đất nước, và đã thành lập Ramakrishna Mission vào ngày 1 tháng 5, 1897 tại Belur Math gần Calcutta. Những mục tiêu của Ramakrishna Mission được dựa trên những lý tưởng của Karma Yoga (Yoga Hành động), trong đó điểm chính yếu là phục vụ tầng lớp dân chúng nghèo khổ của đất nước, thông qua nhiều hình thức như xây dựng trường học, đại học, và bệnh viện, lan truyền những giáo lý thực tế của Vedanta thông qua những buổi hội nghị, hội thảo, khóa học…

Trí tuệ tâm linh của ông là sự kết hợp giữa những giáo lý tâm linh của Ngài Ramakrishna và sự thấu hiểu của riêng ông về hệ thống triết học Advaita Vedanta [1]. Ông chạm đến sự thiêng liêng của linh hồn thông qua sự phục vụ vị tha, thờ phụng, và kỷ luật tinh thần. Theo Vivekananda, mục tiêu tối hậu là đạt được tự do của linh hồn và điều này bao trùm toàn bộ tôn giáo của một người.

Swami_Vivekananda-1893-09-signed

Qua đời

Đạo sư Vivekananda đã tiên tri rằng ông sẽ không sống đến tuổi 40. Ngày 4 tháng 7 năm 1902, ban ngày ông vẫn thực hiện những công việc thường nhật của mình, dạy tiếng Phạn cho các học sinh. Chiều tối ông lui về phòng nghỉ ngơi và qua đời khi đang ngồi thiền vào khoảng 9 giờ. Các đồng môn bảo rằng ông đã nhập Đại Định (Mahasamadhi), mức nhập Định cuối cùng, khi một “linh hồn” rời bỏ thân xác một cách có ý thức. Thân xác của vị thánh này sau đó được hỏa táng bên bờ sông Hằng thiêng liêng.

Di sản

Đạo sư Vivekananda đã cho thế giới thấy những nền tảng đích thực của sự thống nhất của Ấn Độ. Ông đã dạy cách làm thế nào mà một đất nước với sự đa dạng lớn lao có thể gắn kết lại bởi tình nhân ái và tình anh em. Vivekananda đã nhấn mạnh những khuyết điểm của văn hóa tây phương và cách để vượt qua chúng thông qua những đóng góp của Ấn Độ. Netaji Subhash Chandra Bose (anh hùng dân tộc Ấn Độ) từng nói về Vivekananda:

“Vị Đạo sư đã làm hài hòa Đông phương và Tây phương, tôn giáo và khoa học, quá khứ và hiện tại. Và đó là lý do vì sao ông vĩ đại. Đồng bào ta đã có được lòng tự trọng, tự lực và tự cường chưa từng có trước đây là từ những lời dạy của ông.”

Vivekananda đã xây dựng thành công một cầu nối giữa văn hóa Đông và Tây. Ông đã phân tích kinh thư, triết học và lối sống Hindu cho những người phương Tây. Ông đã khiến họ nhận ra rằng bất chấp sự nghèo khó và khuyết điểm, Ấn Độ đã có một đóng góp to lớn cho văn hóa thế giới. Ông đã đóng một vai trò then chốt trong công cuộc chấm dứt sự cách ly văn hóa của Ấn độ với phần còn lại của thế giới.

[1] Là một trường phái của triết lý Vedānta (một trường phái triết học nằm trong Ấn Độ giáo xem xét đến bản chất của thực tại. Từ Vedanta là từ ghép của veda “kiến thức” và anta “cuối cùng, kết luận”, dịch ra là “kiến thức cao nhất”. Cách đọc khác của anta như là “chủ yếu”, “cốt lõi”, hay “bên trong”, tạo ra từ “Vedānta”: “những điểm chủ yếu của kinh Vệ-đà”.) của triết học Ấn Độ. Chữ Advaita có nghĩa là “Bất Nhị” (non-dual).

Source: Cultural India
Biên dịch: Prana – THĐP

Xem thêm

💎 Bất Nhị Nguyên (Advaita Vedanta) vs. Tâm lý học phân tích

spot_img
Prana
Prana
"Cái hang bạn sợ bước vào cất giữ kho báu bạn tìm kiếm." — Joseph Campell

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI