32 C
Nha Trang
Thứ Sáu, 26 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

“Vô Ngã” (Anatman/Anatta) vs. Chân Ngã (Atman)

thdp translation 4

(Trích) “Vô ngã” [3] (anatta hay anatman) không có nghĩa “vô hồn” hay “không có linh hồn”, “không có Atman/Chân Ngã”. Đây là một quan niệm sai lầm. Thuật ngữ chính xác trong tiếng Pali [4] để nói “vô hồn” hoặc “không có linh hồn” là “naatthiatta” chứ không phải “anatta”. Do đó, thuật ngữ anatta có nghĩa là “không phải Chân Ngã” (không phải linh hồn / not soul) (TN: dịch đúng phải là “phi Ngã”, không phải “vô ngã”), giống như ananta có nghĩa là “không phải đang kết thúc” (not ending) chứ không có nghĩa là “không có kết thúc” (there is no end).

* * *

“Vô ngã” (anatta hay anatman) có phải là không có chân ngã không?

Thật thú vị khi nhận ra rằng có rất nhiều quan điểm về khái niệm “Vô ngã” (Anatta hay Anatman) của Phật giáo. Và cũng thật đáng ngạc nhiên khi mọi người vẫn thường nhầm lẫn với một khái niệm rất dễ hiểu. Tôi không phải là một người theo Thượng tọa bộ (Nam Tông/Theravada), cũng không phải Đại thừa (Mahayana), Mật tông (Vajrayana) hay còn gọi là Kim cương thừa (Tây Tạng).

Tôi không thuộc về một trong những trường phái Phật giáo này bởi vì tôi là một nhà sư đã từ bỏ mọi ý thức thuộc về. Đối với vấn đề đó, tôi thậm chí còn không thể được xem như là một Phật tử – mà chỉ là một người theo Chánh Đạo (Arya Dhamma).

Ngay từ đầu tôi xin được nói rõ rằng tôi không có ý định thuyết phục ai, nhưng vì vấn đề này đã được phép đưa ra để thảo luận, nên tôi xin trình bày quan điểm của mình ở đây. Tôi sẽ rất cảm kích nếu các thành viên trực tiếp gửi các vấn đề thắc mắc của mình cho tôi thay vì suy đoán trong nhóm với nhau, vì tôi sẽ không thích hợp để thảo luận về một cái gì đó ngoài phạm vi quan điểm của Shankara [1] về Advaita Vedanta [2].

Tôi hy vọng mình được phép đăng bài này và các thắc mắc sẽ được gửi trực tiếp cho tôi trong trường hợp các thành viên cần nhận được phản hồi (Gửi cho THĐP cũng được). Tuy nhiên, nếu bạn chỉ muốn suy đoán và chỉ trích Phật giáo, bạn có thể làm theo ý muốn.

“Vô ngã” [3] (anatta hay anatman) không có nghĩa “vô hồn” hay “không có linh hồn”, “không có Atman/Chân Ngã”. Đây là một quan niệm sai lầm. Thuật ngữ chính xác trong tiếng Pali [4] để nói “vô hồn” hoặc “không có linh hồn” (vô ngã) là “naatthiatta” chứ không phải “anatta”. Do đó, thuật ngữ anatta có nghĩa là “không phải Chân Ngã” (không phải linh hồn / not soul) (TN: dịch đúng phải là “phi Ngã”, không phải “vô ngã”), giống như ananta có nghĩa là “không phải đang kết thúc” (not ending) chứ không có nghĩa là “không có kết thúc” (there is no end).

vô ngã

Đức Phật đã giải thích rất tường tận và ở một số nơi trong Chánh tạng Pali, Ngài đã nói rõ rằng vô ngã không phải là một học thuyết. Đó không phải là một lời khẳng định siêu hình tuyệt đối như nhiều người vẫn nghĩ. Đó là một phương pháp phát triển trí tuệ [5]. Điều quan trọng là cần xác định được địa điểm và cách thức để thấu hiểu giáo lý của Đức Phật. Trong mối liên hệ này, Ngài nói rằng những người suy luận nơi không có ý định và những người không biết suy luận nơi có ý định, đều có cái nhìn sai lệch về lời giảng của Ngài.

Có nhiều tín đồ Phật giáo tin, thậm chí còn thẳng thắn đưa ra những bình luận về Chánh tạng như vô ngã là một học thuyết và là một lời khẳng định siêu hình tuyệt đối của cái gọi là “không có Chân Ngã” (there is no Self). Đây là một cách nhìn đầy bất công với một giáo lý không nên đưa ra suy luận. Tại sao ư? Bởi vì chính Đức Phật đã nói rõ, cả hai khẳng định này đều không đúng: “có tồn tại một ngã”, và “không tồn tại một ngã”.

Có một bài kinh dài (trong Kinh trường bộ) đề cập đến cách nhìn nhận sai lầm của một nhà sư Phật giáo. (Khoảng 50 năm sau khi Đức Phật qua đời). Ông ta đã sai lầm khi cho rằng Đức Phật Gotama dạy rằng “không hề tồn tại tự ngã”. Một vị Phật tên là Shariputra (Pali: Sāriputta) đã giải thích cho ông ta bằng cách sử dụng hai phép so sánh đầy trí tuệ rằng đó không phải giáo lý của Đức Phật Gotama và đó cũng là một quan niệm không đúng đắn. Sāriputta ở thời điểm đó cũng có tầm ảnh hưởng lớn như Mahakassapa [6].

vô ngã

Chân Ngã (Atman/Attan) trong kinh sách Phật giáo

Trước khi đi vào vấn đề tại sao Đức Phật nói rằng cả hai khẳng định đó đều không đúng, điều quan trọng là phải xem xét rằng ở một vùng đất có nền văn hóa và triết học đa dạng, nghĩa sử dụng của một số từ ngữ được thay đổi theo thời gian, địa điểm và cả những người đã sử dụng chúng.

Trong Chánh tạng Pali, từ Atman hay Attan chưa từng được sử dụng theo nghĩa như trong Áo nghĩa thư (Upanishads) [7] (ND: Atman trong Áo nghĩa thư có nghĩa là một “linh hồn”/thực thể thường hằng bất biến). Đây là lời khẳng định quả quyết của nhiều tín đồ Phật giáo vì họ cùng cho rằng ở một số nơi thuật ngữ Atman được sử dụng trong Chánh tạng khác với nghĩa trong Áo nghĩa thư.

Căn Bản Trung Quán Luận Tụng (mlamadhyamakakārikā) [8] của Long Thọ (Nagarjuna) [9] là một nơi khác mà sự khẳng định và phân biệt này được làm rõ. Vì Atman của Chánh tạng Pāli [10] khác với Áo nghĩa thư, nên Phật giáo không phủ nhận hay mâu thuẫn với bất cứ điều gì trong Áo nghĩa thư. Trên thực tế, thuyết “Vô sinh” (Ajativada) của Gaudapada [11] trong Mandukya Karika, ông cũng khẳng định nó không mâu thuẫn với Phật giáo.

Thuật ngữ atman được sử dụng trong Chánh tạng Pali với ý nghĩa là “ý thức bản ngã” (ego consciousness), một cái “tôi” (tách biệt), bao gồm khái niệm “của tôi”, v.v … Các thuật ngữ Atmaja (nghĩa đen là một [nam] được sinh ra từ tôi) và AtmajA (nghĩa đen là một [nữ] được sinh ra từ tôi) hàm chứa ý nghĩa này của từ Atman, đã được phát triển trong thời Đức Phật.

Người ta có thể thấy rằng các thuật ngữ này luôn được sử dụng như “putram” (con trai) hoặc “putri” (con gái) trong thời kỳ Vệ-đà sơ khai và chỉ sau này chúng ta mới có thể tìm thấy tài liệu tham khảo về các thuật ngữ đó trong Áo nghĩa thư [có lẽ được sáng tác vào thời Đức Phật].

Khái niệm Chân Ngã trong Áo Nghĩa Thư

Trong Phạn ngữ cổ (hậu Phạn ngữ Panini), từ Atman có nghĩa là một thực thể thường hằng chịu trách nhiệm cho sự sống. Người ta cho rằng nó “xâm nhập” vào một cơ thể và rời bỏ cơ thể vào lúc chết. Điều này một lần nữa không phải là ý nghĩa của từ Atman trong Áo nghĩa thư, rằng nó không xâm nhập, không rời bỏ, không ở đây, không ở đó và cũng không sở hữu một cơ thể.

Đó là lý do tại sao, Shankara đã nhấn mạnh hết lần này đến lần khác rằng Atman của Áo nghĩa thư không được biết đến ở bất kì nơi nào khác. Ông nhấn mạnh rằng người kiếm tìm sự giác ngộ phải tìm kiếm Atman – như khái niệm được biết đến trong Áo nghĩa thư.

Vậy là chúng ta đã xác định rằng Atman của Đức Phật không giống với Atman của Áo nghĩa thư, người ta có thể hỏi liệu Ngài có thừa nhận Atman của Áo nghĩa thư không. Liệu có tồn tại cái gọi là bất biến, thường hằng và bất diệt không? Có, nhưng Đức Phật gọi nó là Niết bàn [12]. Ngài không gọi nó là “Ngã” (Self). Trên thực tế, Đức Phật đã dạy rằng tất cả những gì đang thay đổi là nguồn gốc của sầu muộn và căng thẳng; do đó, không phải là chân Ngã.

>>> Niết bàn có vô thường không?

Tương tự với điều này, một nhà sư hỏi Ngài tại một trong những tập Kinh, rằng một cái gì đó thường hằng bất biến có thể được gọi là “Ngã” không? Câu trả lời của Đức Phật cho thấy rằng theo quan điểm của Ngài, xem Niết bàn hay Sự bất diệt như là “Ngã” khiến một người hình thành sự bám chấp và tham vọng về Niết bàn.

Ngài giải thích rằng lý do đặt ra một câu hỏi như vậy là do tham vọng với ý niệm “tôi”, khiến anh ta tìm kiếm một cái ngã (cái tôi) trong Niết bàn. Ngài còn hướng dẫn một tu sĩ biết Niết bàn là sự chấm dứt mọi buồn phiền và không bao giờ để mình say đắm trong nó, hoặc phát triển một bám chấp hoặc tưởng tượng ra những thứ trong nó hoặc tưởng tượng ra những thứ phát ra từ nó.

Hơn nữa, một trường phái triết học được gọi là Số luận (Samkhya) đã dạy rằng có một nguyên nhân gốc rễ của Vũ trụ và gọi nó là Brahman. Theo họ, Brahman là Đấng sáng tạo ra Vũ trụ. Đức Phật bác bỏ ý tưởng này, cho rằng nó gây bất lợi và không liên quan đến con đường giác ngộ.

Ngài nói rằng Ngài chỉ giảng giải về bản chất của sự căng thẳng, nguồn gốc của nó và con đường dẫn đến sự kết thúc của nó chứ không giảng giải bất kỳ học thuyết nào liên quan đến nguồn gốc. Điều này cũng được khẳng định trong Kinh Phạm Võng theo một cách khác – Đức Phật khiến cho tất cả 64 câu khẳng định siêu hình khác nhau trở nên bất khả.

Đức Phật tự phân biệt mình với người theo chủ nghĩa hư vô mà Ngài gọi là “natthika”, (tương đương với nastika trong tiếng Pali), người theo chủ nghĩa vĩnh hằng (aatthika), nhà tiên tri về nguồn gốc, nhà tiên tri về hủy diệt, v.v. Ngài giảng giải về một con đường dẫn đến sự thật và ngoài ra không có điều gì khác. Tuy nhiên, trong các bản văn Trung Quán Tông, Đức Phật nói về thai tạng (womb) của Như Lai.

Điều quan trọng là phải hiểu lại rằng đây không phải là một thực thể theo nghĩa thông thường như chúng ta nghĩ. Nó không di chuyển từ cơ thể này sang cơ thể khác. Nó là phi cục bộ. Trên thực tế, sự mô tả của nó trong các văn bản Trung Quán Tông rất giống với sự mô tả về Chân Ngã của Áo nghĩa thư.

Tuy nhiên, giống như Atman, ta không thể nào mô tả hết về nó. Thuật ngữ ‘tathagata‘ (Như Lai) được sử dụng rất thường xuyên ngay cả trong Chánh tạng Pāli. Như Lai được cho là vượt xa tất cả những điều đã biết hoặc chưa biết trong vũ trụ này. Như Lai được cho là một người vượt lên trên mọi nỗi sầu muộn.

Tuy nhiên, các văn bản Trung Quán Tông cho rằng có một (thai) tạng của Như Lai (tathagata garbha). Đây được cho là bản chất của Như Lai và được cho là đang “ngủ đông” trong tất cả chúng ta. Khi được phát triển một cách toàn diện, một người trở thành Như Lai. Do đó, nói cách khác, Như Lai tạng không phải là một thực thể, mà là một tiềm năng tàng ẩn để trở nên giác ngộ.

Không có một thực thể nào gọi là Atman được đặt ra trong các văn bản Phật giáo. Nhưng tôi thực sự nghi ngờ rằng ngay cả Áo nghĩa thư cũng coi Atman như một thực thể bị đặt điều kiện bởi bản chất của các thực thể. Atman được cho là vô điều kiện. Trong Phật giáo, Niết bàn là hiện tượng duy nhất mang tính vô điều kiện.

Tôi chỉ thấy một sự tương đồng giữa những lời giảng của Đức Phật và của Shankara. Đối với tôi dường như không có bất kỳ mối xung đột nào. Tuy nhiên, nếu bất kỳ thành viên nào cảm thấy họ muốn tranh cãi, tôi sẽ rút lui.

Tham khảo để hiểu rõ hơn về chữ “vô ngã” (thật ra là dịch sai)

>>> [THĐP Translation™] Nếu Phật Thích Ca và Adi Shankara có một cuộc tranh luận, ai sẽ thắng?

>>> Những điểm giống nhau và “khác nhau” giữa Phật giáo (Buddhism) và Ấn giáo (Hinduism) | Huy Nguyen

[1] Đại sư, triết gia, học giả đầu tiên củng cố học thuyết Advaita Vedanta (Advaita có nghĩa là Bất Nhị), một trường phái trong Vedanta. Những lời dạy của ông dựa trên sự hợp nhất của linh hồn và Thượng đế, trong đó Thượng đế được xem cùng một lúc là mang tính cá nhân và không có thuộc tính nào cả. Trong truyền thống của Smārta, Adi Shankara được xem là hóa thân của Thần Shiva
[2] Là một trường phái của triết lý Vedānta (một trường phái triết học nằm trong Ấn Độ giáo xem xét đến bản chất của thực tại. Từ Vedanta là từ ghép của veda “kiến thức” và anta “cuối cùng, kết luận”, dịch ra là “kiến thức cao nhất”. Cách đọc khác của anta như là “chủ yếu”, “cốt lõi”, hay “bên trong”, tạo ra từ “Vedānta”: “những điểm chủ yếu của kinh Veda”.) của triết học Ấn Độ.
[3] Chữ “ngã” (tiếng Anh: “self”) theo cách hiểu trong Áo nghĩa thư (của triết học Vệ Đà) ám chỉ một “linh hồn”/thực thể thường hằng, bất biến
[4] Pāli còn gọi là Nam Phạn, là một ngôn ngữ thuộc nhóm Ấn-Arya Trung cổ hay prakrit. Nam Phạn là ngôn ngữ kinh điển của Phật giáo Nam Tông, dùng trong việc chép kinh cùng tụng niệm, trong đó có bộ Kinh Tam tạng
[6] Neti neti: Không phải nó, không phải nó. Tham khảo Áo Nghĩa Thư (Upanishads)
[7] Ma-ha-ca-diếp còn gọi là Tôn giả Ca Diếp hay Đại Ca Diếp là một người Bà la môn xứ Ma Kiệt Đà, cha tên Ẩm Trạch, mẹ tên Hương Chí. Ông là một trong thập đại đệ tử của Tất-đạt-đa Cồ-đàm và là người tổ chức và chỉ đạo đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ nhất
[8] (Tiếng Phạn) hoặc những câu thơ cơ bản trên đường giữa, là một văn bản nền tảng của trường phái Madhyamaka của triết học Mahayana, được Nagarjuna sáng tác vào khoảng thế kỷ thứ ba CE
[9] Chuyên luận nổi tiếng và quan trọng nhất về triết học Trung Quán Tông, được sáng tác bởi bậc thầy vĩ đại Nagarjuna. Nó được bao gồm trong số “mười ba văn bản vĩ đại”, tạo thành cốt lõi của chương trình giảng dạy trong hầu hết các shedras và trên đó Khenpo Shenga cung cấp các bài bình luận
[10] Canon Pāli là bộ sưu tập kinh điển tiêu chuẩn trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, như được bảo tồn bằng ngôn ngữ Pāli. Đây là kinh điển Phật giáo còn tồn tại sớm nhất. Nó bắt nguồn chủ yếu từ trường Tamrashatiya
[11] Đạo sư, triết gia, học giả của trường phái Vedanta. Được Shankara gọi là “Paramaguru” (TD: Thượng Thầy)
[12] Nibanna, là mục tiêu của con đường Phật giáo. Nghĩa đen của thuật ngữ này là “dập tắt”, dập tắt ngọn đèn dầu được pha trộn từ 3 thành phần: tham, sân, si (ngôn ngữ hiện đại gọi là tham lam, giận dữ, vô minh). Niết bàn là mục tiêu tâm linh tối thượng trong Phật giáo và đánh dấu sự giải thoát về mặt tái sinh khỏi kiếp luân hồi

Tác giả: Bhikku Yogi
Biên dịch: Hue Truong
Hiệu đính: Hoài Thanh, Prana
Images: DALLE-3

💎 Xem thêm: 9 bài học về bản ngã (ego) và Chân Ngã từ các Đạo sư

spot_img
Prana
Prana
"Cái hang bạn sợ bước vào cất giữ kho báu bạn tìm kiếm." — Joseph Campell

BÀI LIÊN QUAN

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,560Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI