19.4 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Quy phục và kỷ luật

Con người chúng ta khi ở trạng thái cân bằng thì hoàn toàn thư giãn, tỉnh táo và phát sinh ý thức tự nhiên. Tuy nhiên, không phải ai cũng thường xuyên sống ở trạng thái thanh tĩnh và ổn định đó. Đa phần con người có xu hướng cực đoan, nhào từ thái cực này sang thái cực nọ và tự tìm cách cân bằng lại sự đau khổ này bằng một đau khổ khác. Tình trạng này cũng giống như câu chuyện con cáo bẻ đôi chiếc bánh thành hai phần không đều để chia chác với thỏ con. Khi thỏ bảo hai phần vẫn chưa cân, cáo bèn cắn ở miếng to để nhỏ lại nhưng thành ra nó còn nhỏ hơn miếng nhỏ. Rồi cáo ta cứ cắn liên tục như vậy nhiều lần cho tới khi chỉ còn lại hai mẩu bé xíu chẳng còn phân biệt nổi rồi mới đưa cho thỏ một mẩu. Miếng bánh mà thỏ con (đáng lý) nhận được đại diện cho khối năng lượng của con người. Khi không được điều tiết và cân bằng, nó sẽ cạn kiệt, dẫn tới tình trạng chúng ta quá căng thẳng kiểm soát, hoặc quá lãnh đạm thờ ơ với cuộc sống, thay vì cảm thấy hài lòng hạnh phúc.

Trong khi đó, quy phục là sự thả lỏng để đưa cơ thể và tâm trí lắng xuống, đi ra khỏi trạng thái quá gồng. Còn kỷ luật là sự gia tăng nỗ lực đưa cơ thể và tâm trí trở nên vươn dậy, đi ra khỏi trạng thái quá lỏng. Một người cân bằng là người biết điều tiết nguồn lực thông qua việc sử dụng hai sợi dây cương kỷ luật và quy phục, không để cơ thể và tâm trí dao động quá mạnh vào một lối mòn cứng nhắc hay điên loạn. Bên trong mỗi người chúng ta đều có một nguồn sinh lực và nó không ngừng vận động. Nếu không được điều tiết, nó sẽ giống như một con ngựa hoang chạy nhảy vô hướng và rơi vào tay những người chủ tồi tệ. Nhiệm vụ của chúng ta là nhận ra trạng thái đang biểu lộ của nguồn năng lượng đó và vị trí làm chủ của chính mình để có thể sử dụng nó một cách chủ động, phục vụ đời sống hiện tại.

Những người thường xuyên sống cùng một tâm trí cứng nhắc với những định kiến, quy ước và kế hoạch không thể thay đổi thì không có nghĩa họ là người biết kiểm soát. Chính họ đang bị kiểm soát và chịu cảnh lồng tù bởi những hệ tư tưởng không được nhìn thấy. Ví dụ dễ dàng thấy nhất là xu hướng sống chỉ để kiếm tiền, hay sống chỉ theo lịch trình của con người. Mỗi khi nghe ai đó nói về việc “tiền không phải thứ quan trọng nhất” hay khi bị rơi vào những tình huống nằm ngoài dự kiến, thì ta lại giãy lên phản ứng và cảm thấy bất mãn, đau khổ vô cùng. Bài học của những người có quán tính bảo thủ, sống cố định theo một khuôn mẫu hay lối mòn đó là sự thả lỏng, lắng nghe và tin tưởng những khả năng mới, chứ không phải sự tranh cãi, đòi hỏi, lý sự, nghi ngờ để cố thủ quan điểm. Với mỗi lần thực hành đúng, đức tin được gia tăng, tâm trí người đó được thoát khỏi cảnh căng siết gò bó. Cái cây của hân hoan mới có thể được vươn tỏa cành lá. Thay vì cảm thấy bị đe dọa bởi vô số điều nằm ngoài kế hoạch thì bây giờ, người đó cảm thấy sự cứu rỗi hiện diện muôn nơi.

Tuy nhiên, một số người hiểu quy phục theo kiểu chấp nhận buông xuôi, phó mặc mọi thứ cho số phận để ngụy biện cho sự chây ỳ, ươn vữa của chính mình, hoặc để đỡ mất công uốn nắn lại sự cứng nhắc bên trong. Nhưng chỉ bởi một tư duy sai về sự quy phục mà người đó, nếu đang từ cứng nhắc thì sẽ văng mình về cực buông thả, phóng đãng; còn nếu đang từ buông thả sẵn có thì sẽ càng đâm rễ sâu hơn vào thói tiêu cực này.

Với những người sống cùng một tâm trí vô lối, loãng lỏng với những mối liên kết cách xa nhau quá độ thì cần học bài học về đức tính kỷ luật, là sự tăng cường nỗ lực. Nếu không thấu hiểu và ứng dụng được kỷ luật vào đời sống, những người ở trạng thái giãn lỏng quá mức sẽ không có điểm trụ, dễ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi ngoại cảnh, lúc nào cũng nước đôi nửa vời, và dễ cực đoan trong cảm xúc. Giống như họ là kẻ đầy tớ trên cổ mang đủ thứ tròng, mỗi cái giật về một phía khác nhau. Người này sẽ liên tục sống trong trạng thái mâu thuẫn nội tâm, hoang mang bối rối, trì hoãn, làm việc bỏ dở giữa chừng, mơ tưởng những thành tựu mà mình sẽ không bao giờ đạt được (nếu không chịu thay đổi.) Nếu người có tâm trí cứng nhắc cần gia tăng đức tin vào Trời Đất (và vào người khác) thì người có tâm trí èo uột cần gia tăng đức tin vào chính mình, kết nối sâu sắc với cơ thể và đời sống thực tế, gần gũi với hành động để có thể chuyển biến theo chiều tích cực.

Tuy nhiên, sự kỷ luật cũng bị hiểu sai là gò bó, thúc ép, căng thẳng, hoặc nhàm chán dựa vào hình thức bên ngoài của kỷ luật là các thói quen. Nên không ít người từ bỏ việc điều khiển chính mình hoặc càng siết chặt bản thân hơn vào sự cứng nhắc. Có một người bạn đã từng tâm sự với mình về việc thiếu đức tính kỷ luật của cô ấy. Nói chuyện một hồi mới vỡ ra nguyên nhân là thuở nhỏ, gia đình đã ép cô vào một khuôn khổ quá chặt so với khả năng tự nhiên của cô. Vậy nên, theo bản năng, cô tự tìm cách cân bằng lại sự khắt khe ấy bằng một sự lơ đễnh và thiếu trách nhiệm của mình. Sau này lớn lên, cô phải trả giá cho sự cực đoan này bằng việc phải sống một cuộc sống mơ mộng kém thực tế, nghĩ được mà không làm được, muốn có thành tựu mà không được thành tựu gì, liên tục sống với cảm giác tự ti về chính mình.

Kỷ luật ở đây là thêm vào một chút nỗ lực để trở về trạng thái tỉnh táo có ý thức. Khi một người hoàn toàn tỉnh táo, hành động của người đó hiển nhiên xoay quanh những hệ giá trị tâm hồn chứ không phải hành động để chạy theo thành tích. Cảm giác về sự khắt khe không phải đến từ đức kỷ luật, mà đến từ việc cố gắng kiểm soát một thành tựu bên ngoài theo ý tưởng của một cá nhân. Kết quả của lần kéo dây cương kỷ luật là sự vững chắc, cân bằng và an toàn; còn của sự thúc ép là căng thẳng và muốn bỏ chạy. Nó hiển lộ ngay lập tức ở bên trong mỗi người và đòi hỏi chúng ta phải cảm nhận và trung thực với trạng thái hiện tại của chính mình.

Quy phục và kỷ luật là hai thái cực khác nhau của sự bình an. Nếu một người ứng dụng một trong hai phương pháp mà không nhận thấy sự bình an tức là họ cần sử dụng phương pháp còn lại. Xài dây cương này con ngựa vẫn điên cuồng thì ta phải xài cái dây kia, giống như hít vào không nổi nữa thì phải thở ra, cương không được thì phải nhu. Khi nào kiểm chứng trực tiếp được một thái cực thì bạn sẽ hiểu thái cực còn lại và thấy được sự giao hòa của chúng.

Cách dễ nhất và gần gũi nhất để thực chứng kỷ luật và quy phục đó là cảm nhận và trải nghiệm hơi thở của chính mình. Chính sự hít vào là hiện thân của kỷ luật và sự thở ra là hiện thân của quy phục. Người nào biết điều tiết hơi thở cũng sẽ biết điều tiết cơ thể. Vì cơ thể là một phần của tâm trí và mang bản chất của tâm trí, nên khi cơ thể ổn định, tâm trí cũng được thanh bình.

Thực ra, con người không có nhiều vấn đề, mà chỉ có một vấn đề quy nhất, đó là việc điều tiết năng lượng theo cực dương hay cực âm trên mỗi đoạn đường đi, vì chúng ta đang sống trong thế giới của nhị nguyên. Việc bạn gặp đau khổ hay trắc trở trong cuộc đời đều đến từ nguyên nhân không biết sử dụng nguồn lực nội tại, không thường trực có mặt ở điểm cân bằng. Nên các bạn không cần phải đắc thiên nhãn thông, không cần phải đọc tất cả các sách vở tâm linh tôn giáo hay học toàn bộ các khóa tu thiền để có thể sống một cuộc đời vững chắc, an lạc. Các bạn chỉ cần học cách thuần thục một trong hai phẩm hạnh quy phục hoặc kỷ luật là đủ. Giống như câu chuyện nọ kể về một ông tu sĩ tu luyện bao nhiêu năm tháng để học được phép khinh công bay qua sông. Ông ta thách đố Đức Phật làm được chuyện đó. Nhưng Phật chỉ mỉm cười, nhẹ nhàng bước lên một con đò chở mình qua sông sau khi đã trả cho bác lái đò 2 xu lẻ.

Tác giả: Hòa Taro
Ảnh minh họa: Philipp Reiner/Unsplash
spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI