25 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Định lý bất toàn của Kurt Godel và cánh cửa mở ra trí tuệ

Định lý bất toàn của Godel được coi là khám phá Toán học số một trong thế kỷ XX. Nó có khả năng diễn giải được bản chất của thực tại, thứ mà tâm linh tôn giáo đã nói hàng ngàn năm qua. Qua việc hiểu được định lý bất toàn, chúng ta sẽ có khả năng hiểu được bản chất của chính mình và giải quyết vô vàn vấn đề về việc học hỏi trong cuộc sống.

Định lý bất toàn được diễn dịch như sau:

“Bất cứ điều gì mà bạn có thể vẽ một vòng tròn bao quanh nó sẽ không thể tự giải thích về bản thân nó mà không tham chiếu đến một cái gì đó ở bên ngoài vòng tròn – một cái gì đó bạn phải thừa nhận là đúng nhưng không thể chứng minh.”

Hay nói cách khác, bạn chỉ có thể nhận biết được một hệ thống khi bạn nằm ngoài/tự do khỏi hệ thống đó.

Một ví dụ đơn giản để minh họa cho định lý này đó là việc học ngoại ngữ. Giả sử bạn là một người chỉ biết tiếng Việt và không hề biết gì về tiếng Anh. Bạn muốn học ngoại ngữ này. Nhưng bạn sẽ không thể học được nó nếu chỉ được cho vào một căn phòng toàn phát những cuộn băng tiếng Anh. Bạn sẽ hoàn toàn không biết người ta đang nói về cái gì và bạn sẽ cần bắt đầu từ đâu. Dù có học thuộc được tất cả những âm thanh được phát ra từ radio thì bạn vẫn không hề biết cách sử dụng chúng ngoài đời thực. Vì âm thanh chỉ là vỏ bọc, ý nghĩa của âm thanh là thứ cốt lõi bạn cần nắm bắt. Và nó là thứ cần được tham chiếu ra một thứ gì đó khác không phải tiếng Anh (thứ nằm ngoài vòng tròn trong định lý bất toàn). Bạn không chỉ nhận biết âm thanh của tiếng Anh, bạn phải hiểu được ý nghĩa, cách dùng từ dùng câu, ngữ cảnh của âm thanh đó, bằng việc đối chứng nó với hình ảnh (có thể một ai đó dùng ngôn ngữ cơ thể để diễn đạt, hoặc bạn đi trực tiếp vào một tình huống có sử dụng câu nói đó để hiểu được đại ý của nó – sống trong môi trường của những người sử dụng tiếng Anh), hoặc đối chứng nó với tiếng Việt (thứ bạn đã biết ý nghĩa), hoặc phỏng đoán trạng thái tình cảm qua ngữ điệu của câu nói. Nếu không hề có bất kỳ một sự tham chiếu nào, bạn sẽ không bao giờ học được tiếng Anh. Hay nói cách khác, tiếng Anh không thể được giải thích cho bất kỳ người nào nếu không có gì khác ngoài tiếng Anh để diễn đạt. Điều này cũng hàm ý rằng bạn có thể học được bất kỳ ngôn ngữ nào hay thấu hiểu bất kỳ chân lý nào trên thế giới, miễn là có một cái gì đó khác để tham chiếu mà bạn đã “biết.”

“Càng nghĩ về ngôn ngữ, tôi lại càng thấy kinh ngạc là con người ta lại hiểu được nhau.” — Godel

Ví dụ đơn giản khác về định lý bất toàn, đó là bạn nằm ngoài một cái cốc, nên bạn có thể nhận biết cái cốc và sử dụng nó với mục đích mình muốn: uống nước, đong gạo, gõ tạo ra một giai điệu hay úp lên đầu làm trò tiêu khiển, v.v… Tương tự với bất kỳ một “vật” gì đó bạn nằm ngoài, tự do khỏi nó, có ý thức về nó, bạn có thể tương tác sử dụng nó.

Nếu để ý kỹ, chúng ta luôn sống định lý bất toàn, trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống. Việc ăn một loại trái cây, yêu một người, làm một nghề, ngân nga một bài hát, v.v… đều là minh chứng cho sự hiểu biết về thực tại thông qua giác quan, xúc cảm, tâm trí. Chúng ta đang tham chiếu các đối tượng thế giới lên một hệ thống khác là chính mình để thấu hiểu chúng. Hay ta đang tham chiếu bản thân lên các đối tượng thế giới để thấu hiểu chính mình. Đây là cơ chế vận hành của thực tại (reality). Nó là sự phóng chiếu của ý thức (consciousness). Đa phần con người chỉ sống trong một sự phóng chiếu chứ không sống bằng khởi nguồn của nó. Nên chúng ta không sống sự thật toàn vẹn, không sống với bản chất chân thực của mình là tâm hồn, và hiển nhiên, chúng ta gặp rất nhiều đau khổ.

“Mặt trời có thật và nó ở đó. Nó là một ngôi sao như rất nhiều những ngôi sao khác và bạn đang quay quanh nó. Tuy nhiên, cùng lúc, khi bạn bắt đầu hiểu ra rằng thực tại vật lý là một sự giả lập, tôi giả sử bạn có thể nói rằng mặt trời cũng là giả lập, và tất cả những thứ khác trong thực tại vật lý cũng vậy. Sự giả lập đó được phóng chiếu từ ý thức của bạn. Nên mặt trời có thực ở đó không? Có. Nó có phải là giả không? Có luôn. Đây là sự đồng thời, không phải hoặc cái này hoặc cái kia.” — Bashar (Channeled by Darryl Anka)

Con người nằm ngoài rất nhiều thứ, dường như là cả thế giới, nhưng rất hiếm người có khả năng “nằm ngoài” chính mình, tự tham chiếu những thứ tưởng rằng là chính mình lên một thứ gì đó vĩ đại hơn mà bản thân không biết/không thể chứng minh được (God, ý thức, tâm hồn), lội ngược dòng về trạng thái gốc của biểu hiện. Đây không phải là trạng thái xuất hồn (OBE), nó sâu sắc hơn thế, đây là trạng thái giác ngộ, tự hiểu về bản chất của mình bằng cách không đồng hóa với cả cơ thể và tâm trí dù vẫn đang trải nghiệm chúng. Đây là chuyện ý thức được vòng tròn khi vẫn đang ở trong vòng tròn, biết mình đang mơ khi vẫn ở trong giấc mơ (lucid dream), là những gì mà những bậc hành giả thực chứng thông qua thực hành thiền định.

Tâm trí là một vật tương tự cái cốc, là phần lý thuyết. Đa phần loài người chỉ sống cái cốc chứ chưa đủ khả năng để sử dụng cái cốc ấy, chưa biết tham chiếu nó với một thứ gì nằm ngoài nó, hay hiểu rằng cái cốc chỉ là một sự phóng chiếu từ một thứ gì đó vĩ đại hơn nó (God, trực giác, tâm hồn). Chuyện này giống như chúng ta chưa thực chứng được lý thuyết, học mà không đi đôi với hành nên chẳng có tiến bộ. Trong khi đó, mục đích cao cả của tâm linh tôn giáo là giúp con người tiến bộ, thực chứng tâm trí để hiểu ra bản chất của chính mình là tâm hồn.

“Điều hùng vĩ thật sự không phải là thứ được tâm trí nhìn thấy, mà là thứ nhìn thấy tâm trí.” – Mooji

Khi chưa tham chiếu tâm trí lên một thứ gì đó vĩ đại hơn, bạn vẫn chỉ đang nằm trong hệ thống lý thuyết và dữ liệu, không có nhận biết về hệ thống đó và chính mình. Bạn không khác gì một cỗ máy được lập trình, chỉ toàn là câu lệnh mà không có ý chí tự thân, không hiểu được bản chất của tâm trí, không có tự do, vận động giới hạn và chịu đau khổ bởi những tương tác khiến bạn phải trải nghiệm chức năng mình đang thiếu thốn nhất là cảm nhận. Nghi ngờ tâm linh, sống hướng ngoại duy vật tham sân si, dễ dao động mất cân bằng, suy nghĩ vô độ máy móc đó là hệ quả của việc đồng hóa với một hệ thống đang không có người làm chủ.

Cách duy nhất để ra ngoài hệ thống – tâm trí/ngụy ngã, đó là bạn phải hòa nhập với một hệ thống khác vượt trội hơn. Nó là thứ nằm tận sâu bên trong bạn, là tâm hồn, thứ mang tần số của sự tĩnh lặng. Lúc này, bạn sẽ hiểu được ý nghĩa của chính mình và mục đích của cuộc đời, giống như việc tìm ra được bối cảnh sử dụng phù hợp của một câu ngoại ngữ bạn đã được nghe từ phòng phát.

“Giác quan hoạt động cao hơn vật chất vô tri, tâm trí (mind) cao hơn giác quan, trí tuệ cao hơn tâm trí, còn Chân Ngã (Atman/the true Self) thì cao hơn cả trí tuệ.” – Sri Krishna (Chí Tôn Ca, Chương 3:42)

Từ đây, chúng ta có thể ứng dụng định lý bất toàn trong sự tu tập của con người. Bạn không thể thẩm thấu Đạo lý chỉ bằng việc ngồi đọc vô vàn sách vở mà không có thực hành kiểm chứng hay đối chiếu với các hiện tượng trong đời sống. Thực hành chính là cách tiếp cận với một hệ thống nằm ngoài vòng tròn để có thể thấu hiểu lý thuyết bạn đã thu nạp (là thứ ở trong vòng tròn ấy.) Bạn không thể hiểu cuộc đời bằng việc lý luận và phỏng đoán về nó. Bạn không thể yêu thương khi vẫn đang mắc kẹt với câu hỏi ‘Làm sao để yêu thương?’ Bạn phải trải nghiệm nó, đi ra khỏi vỏ bọc của nó bằng cách tiến sâu vào tầng ý nghĩa thông qua việc dấn thân cảm nhận, hay theo cách nói của Terence McKenna là “quăng bản thân mình vào vực thẳm và khám phá ra được rằng nó là một chiếc giường tơ êm ái.”

“Đừng thu thập dữ liệu. Nếu bạn biết mọi thứ về bản thân, bạn đã biết được mọi thứ. Không có ích lợi gì trong việc tự đè nặng bản thân với một đống dữ liệu. Khi bạn đã hiểu được bản thân, bạn hiểu được bản chất của con người và mọi thứ còn lại sẽ đi theo.” — Godel

🌷 “Có thực mới vực được Đạo” nên hiểu thế nào cho đúng?

Ý tưởng “ra ngoài hệ thống” không chỉ được nói ở các văn bản tâm linh tôn giáo, mà còn được thể hiện trong rất nhiều những bộ phim kinh điển như The Matrix, Avatar, Inception, Star Wars, The Truman Show, v.v… Nói là “ra ngoài hệ thống” nhưng thực chất, bạn ở tận cùng trái tim của hệ thống. Lúc đó, bạn mới đạt tới trái tim của chính mình, trực giác tâm linh, một giác quan siêu việt hơn những ý nghĩ.

“Trực giác là nhận thức trực tiếp về sự thật, không có quá trình thất vọng của ý kiến và lý luận.” – Samael Aun Weor

Tóm lại, bản chất chân thực của con người luôn là thứ nằm ngoài mọi hệ thống vật chất. Bằng việc hòa nhập với trực giác/tâm hồn, chúng ta được thực chứng định lý bất toàn, đi ra khỏi sự hư ảo của vật chất, của bản ngã ảo tưởng không có thật. Vào khoảnh khắc bạn ý thức được tâm trí, bạn vượt ra khỏi tâm trí và hiệp thông với tâm hồn.

Tác giả: Hòa Taro
Ảnh minh họa: Holly Mandarich/Unsplash

spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

4 BÌNH LUẬN

  1. “Định lý 1: Nếu một hệ mà phong phú, và hiệu quả, và nhất quán thì không thể đầy đủ được.
    Định lý 2: Trong một hệ S nào đó phong phú, và hiệu quả, thì tồn tại mệnh đề T cụ thể là “S là 1 hệ nhất quán”. Mệnh đề đó không thể chứng minh trong S nếu S là nhất quán thật.”

    Đây chính là định lí của Godel mà mọi người gọi là Định lí bất toàn. Nó là là định lí logic, toán học và nó chỉ ứng dụng trong hệ hình thức. Nó có giả thiêt rõ ràng cùng kết luận tường minh.
    Đừng suy diễn hay diễn giải ra tùy tiện khi thậm chí còn không hiểu nó là gì!

    Ngày cả 1 lĩnh vực toán học khác, hình học euclid cũng đã được chứng mình là… không bất toàn rồi thì đừng đem nó ra tới con người, vũ trụ…

    Xin đừng đọc những suy diên sai lầm trên mạng để phục vụ 1 “mục đích” nào đó rồi thấy có vẻ “hay ho”, có vẻ ” hợp lí” xong truyền bá nó đi tiếp.

    Hãy trả lại sự vĩ đại và trong sáng cho định lí của Godel!

  2. Em chào chị ạ, em đã đọc một số bài viết của chị, trong bài Cái chết của bản ngã, chị nhắc đến: ‘đa phần con người khi được sinh ra và lớn lên thì quên mất Cội Nguồn là Linh Hồn, và đồng thời quên luôn người sử dụng thể xác, tâm trí chính là Linh Hồn ấy’. Thì trong bài này chị có nhắc: ‘Cách duy nhất để ra ngoài hệ thống – tâm trí/ngụy ngã, đó là bạn phải hòa nhập với một hệ thống khác vượt trội hơn. Nó là thứ nằm tận sâu bên trong bạn, là tâm hồn, thứ mang tần số của sự tĩnh lặng’, em nên hiểu vấn đề này như thế nào ạ? Có thực sự cần tham chiếu Tâm trí lên một thứ vĩ đại hơn hay chỉ cần đứng bên ngoài nhìn Tâm trí như cái nó vốn là thôi ạ? Em rất mong nhận được phản hồi của chị, em cảm ơn

    • Chào em, cảm ơn em đã đặt câu hỏi nhé. Hai ý chị viết ở hai bài mà em vừa nêu không mâu thuẫn với nhau. Theo chị, em cần nên hiểu và thực chứng một điều này trước tiên, đó là bản chất của em và của vạn vật là linh hồn. Khi nào thấy được điều này thì tự khắc hiểu ra tâm trí là gì và mình nên làm gì với tâm trí. Đồng thời, em cũng sẽ hiểu những gì chị viết ở các bài viết. Còn khi chưa thực chứng thì lý luận phỏng đoán của em, hay các sự giải thích từ người khác chỉ vô ích, chỉ càng làm em rối trí nhiều hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI