25 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Cọc đi tìm trâu hay trâu đi tìm cọc?

Trong thời buổi hiện đại giới tính hỗn độn, vai trò bổn phận của nam nữ không còn được gìn giữ theo lối truyền thống thì chuyện trâu và cọc, cái nào đi tìm cái nào luôn nằm trong sự mơ hồ của con người. Nó thường là chủ đề của những cuộc tranh cãi lý luận dựa trên khoa học duy vật nhiều hơn là dựa vào trí tuệ và sự tự thực hành để kiểm chứng. Bản chất của Đạo lý là sự không có đối cực, vì nó là sự hài hòa của các đối cực. Nên một điều được nói ra mà có một ý trái ngược phản biện thì điều đó không phải chân lý và không xứng đáng được noi theo thực hành. Khi bảo đàn ông nên đi tán gái thì sẽ đồng thời tồn tại khả năng đàn bà đi cưa trai. Chẳng có cái nào là kiện toàn cả, chúng chỉ là thứ gây mâu thuẫn, xung đột, cần được loại bỏ càng sớm càng tốt thì một người mới có hy vọng sống hạnh phúc tiến hóa. Ngoài ra, Đạo lý là sự vận hành hài hòa của nhiều tầng lớp (layer), chứ không diễn ra một chiều như đa số con người thường nghĩ. Nên nắm bắt Đạo không phải chuyện đơn giản, nó cần trí tưởng tượng đa chiều và trực giác để cảm nhận. Khi một người bình an, họ mới có khả năng nắm bắt được Đạo. Còn người náo động nháo nhác thì không thể.

Bài viết này được đúc kết từ sự tìm hiểu và thực hành đạo lý âm dương mà cha ông để lại, và mình cố gắng viết tường minh nhất có thể. Cá nhân mình đã thay đổi nhận thức hoàn toàn về âm dương và đi ra khỏi rất nhiều đau khổ trong đời sống.

1. Trâu đi tìm cọc hay cọc đi tìm trâu?

Mình xin trả lời đó là cọc và trâu không hề đi tìm nhau như người ta vẫn thường nghĩ, chính bác nông dân là người dẫn trâu tới cố định vào cái cọc, hoặc đóng cọc vào chỗ con trâu đang đứng thẩn thơ. Vấn đề ở đây đó là con người không nhận ra được đâu là bác nông dân, và đâu là hai thứ cần được kết nối, trâu và cọc.

Ở đây, bác nông dân là biểu tượng đại diện cho Luật Trời (luật âm dương và luật “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”), trâu ám chỉ nguyên lý âm chứ không phải người phụ nữ, cọc ám chỉ nguyên lý dương chứ không phải người đàn ông. Nguyên lý dương (masculine) là sự đứng yên tĩnh lặng, không chuyển động, mang vai trò trụ cột. Nguyên lý âm (feminine) là thứ linh động, chuyển động, sáng tạo, mang vai trò quấn quýt. Âm luôn xoay xung quanh dương, “nương tựa” vào dương. Còn dương thì khẳng định bản chất của mình nhờ sự hiện diện của âm. Nguyên lý (spirit) dương sẽ có biểu lộ (body) âm, và ngược lại nguyên lý âm sẽ có biểu lộ dương.

Ví dụ: Mặt trời đứng yên không chuyển động, mang nguyên lý dương. Nhưng có biểu lộ của nguyên lý âm là sự tỏa phát ánh sáng. Các hành tinh chuyển động quanh mặt trời, mang nguyên lý âm. Nhưng có biểu lộ của nguyên lý dương là phản xạ ánh sáng. Một bên là hành động, một bên là phản ứng. Mọi người thường nhầm lẫn sự biểu lộ của nguyên lý là nguyên lý, trong khi hai thứ đó là ngược nhau. Nên đa phần chúng ta bị bối rối trong việc phân định đâu là nam tính đích thực và đâu là nữ tính đích thực.

2. Như thế nào là người nam tính hay nữ tính đích thực?

Người nam tính đích thực có bản chất điềm tĩnh, vững chãi, ít dao động bởi hoàn cảnh bên ngoài, ví như quả núi, và biểu hiện bên ngoài của họ ở thể hình cứng cáp, săn chắc, “sần sùi”, “gồ ghề” (tough); còn ở tinh thần thái độ là sự dũng cảm, tự tin, can trường, nhiệt huyết, năng nổ, thẳng thắn, chủ động, kỷ luật; đôi khi theo chiều hướng tiêu cực là táo bạo, liều lĩnh, tự phụ, nóng nảy, bốc đồng, khắt khe. Vì sự tận cùng tĩnh lặng (nguyên lý dương) là tiềm năng to lớn nhất cho sự rung động (nguyên lý âm).

Còn người nữ tính đích thực thì sao? Họ có bản chất linh động, sáng tạo, luôn có xu hướng cần một điểm tựa, ví như con nước và biểu hiện bên ngoài của họ ở thể hình là sự êm mềm, láng mịn, căng tròn, thướt tha (soft); còn ở tinh thần là sự dịu mát, khiêm nhường, thụ động, dưỡng nuôi, nương theo hoàn cảnh; đôi khi theo chiều hướng tiêu cực là sự tự ti, nhút nhát, dễ tổn thương, hay suy diễn ảo tưởng, màu mè, trì hoãn, ỷ nại, lẳng lơ. Vì sự tận cùng linh động (nguyên lý âm) là tiềm năng to lớn nhất cho sự ngơi nghỉ (nguyên lý dương).

Có rất nhiều câu ca dao tục ngữ Việt Nam nói về nguyên lý âm dương này. Các bạn quan sát tìm hiểu là sẽ thấy.

“Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”

“Đàn ông cười hoa, đàn bà cười nụ.”

“Đàn bà không biết nuôi heo, đàn bà nhác; đàn ông không biết buộc lạt, đàn ông hư.”

3. Sự sai lầm trong tư duy của con người hiện đại nằm ở đâu?

Sai lầm của chúng ta không chỉ là sự nhầm lẫn bản chất nguyên lý với biểu lộ của nguyên lý, mà còn là khẳng định việc chỉ cần làm theo mỗi biểu lộ nguyên lý ấy là đã hoàn thiện con người. VD: Một người đàn ông cứ năng nổ lồng lộn thì sẽ là đàn ông, mà không cần quan tâm đến cội nguồn thực sự của dao động ấy là sự điềm đạm. Còn người phụ nữ cứ thể hiện sự phóng đãng, lẳng lơ thì mặc định là phụ nữ, chứ không cần quan tâm đến cội nguồn của sự lắng đọng là tính linh động. Khi không biết bản chất của các biểu lộ thì các biểu lộ ấy sẽ thể hiện ra sự tiêu cực, thoái hóa. Những sai lầm của con người đều đến từ tư duy một chiều phiến diện và mang bản chất duy vật chia rẽ. Chúng sẽ làm cho chúng ta chỉ bám vào vẻ bề ngoài của vấn đề, sống một cách máy móc hình thức, và không cảm nhận được các đối cực tiềm tàng bên trong chính mình và trong người khác giới mà mình tương tác.

Vì không hiểu được vai trò và vị trí âm dương, không hiểu được đạo lý của cha ông nên con người hiện đại sống hỗn loạn và ảo tưởng, sinh ra tranh luận mâu thuẫn, cãi cọ, tranh giành, lấn lướt chức năng của nhau. Họ lý lẽ rằng đàn ông sinh ra với bản năng chinh phục nên đàn ông phải là người xông pha đi tán gái. Rồi có người không chịu, phản biện lại thì bảo phụ nữ được bình đẳng nên phụ nữ có quyền xông lên tán trai cũng không vấn đề gì. Nhưng họ không hề biết rằng bản chất tận cùng của nam tính là nữ tính và tận cùng của nữ tính là nam tính, âm dương ở trong nhau không thể tách rời, là hai mặt của một đồng xu. Nên các ý tưởng chia rẽ của loài người về việc ai là người nên đi tán tỉnh đối phương đều rơi vào ngõ cụt và xung đột. Đạo lý không hề nói về việc cưa cẩm, mà chỉ nói về việc hoàn thành chức năng của chính mình. Sự thu hút lẫn nhau là điều hiển nhiên diễn ra sau đó. Đa phần con người xem xét vấn đề theo đối tượng rời rạc chứ không theo sự phối hợp của tần số rung động. Họ nhìn thế giới theo chiều nằm ngang, hướng tới lẫn nhau, kiểm soát lẫn nhau, thay vì nhìn thế giới theo chiều thẳng đứng, hướng tới đạo lý là sự tương hỗ âm dương và quy phục theo sự dàn xếp, mai mối của Đất Trời cho vạn vật.

4. Đạo lý thể hiện trong tự nhiên thế nào?

Nếu các bạn để ý kỹ, tất cả các hiện tượng tự nhiên đều tuân theo đạo lý âm dương. Trong nguyên tử, các hạt electron mang điện tích âm quay quanh hạt nhân mang điện tích dương. Các hành tinh xoay xung quanh Mặt Trời, những người chưa giác ngộ tìm kiếm người giác ngộ (biểu hiện trong tôn giáo), những cánh hoa xếp xung quanh nhị/nhụy hoa, bút chì quay xung quanh chân compa, tinh trùng vây xung quanh trứng, mưa gió quanh quẩn trong bầu trời, sự thay đổi cuộn tròn trong vĩnh hằng. Trong đạo tam tòng, chức năng của người phụ nữ là “chưa chồng theo cha, có chồng theo chồng, chồng chết theo con trai.” Ở đây, người phụ nữ cũng đóng vai trò “theo”, xoay xung quanh người đàn ông, tương tự như các electron vậy. Hạt nhân nguyên tử, hay người đàn ông, chẳng hề được nói là nên xông pha đi cua cô nào, chỉ được nhận biết với vai trò đứng yên, làm trụ cột. Nguyên tắc về tương tác âm dương chỉ thuần là một sự cố định và một sự đi theo. Trong Đạo, sự tán tỉnh diễn ra là thụ động, bằng việc làm đúng chức năng của mình, chứ không phải sự chủ động như cách hiểu của con người là một việc gì đó có thể “làm” được.

(Tam tòng tứ đức – Đạo lý dành cho phụ nữ là đạo lý ngầm dành cho đàn ông)

Nguyên lý nam tính mà con người đang nhận biết ngày nay bị lộn ngược, bóp méo cùng với nguyên lý nữ tính. Họ nghĩ rằng xông pha mới thể hiện bản lĩnh đàn ông. Nhưng sự thật rằng tính nam nằm ở sự kiên cố, bình an. Nó thu hút tính nữ là sự huyên náo, ồn ào, linh động, sáng tạo. Những bậc giác ngộ như Jesus, Phật Thích Ca, Lão Tử, Gandhi, v.v… mới là người mang tính nam chuẩn mực, thu hút vô số người noi theo, quy phục – là những người mang tính nữ (không điều tiết được tâm trí hỗn độn). Tôn Ngộ Không thông minh, nháo nhác bản chất là nguyên lý âm, tìm về đất Phật, giác ngộ thành Phật bình an, khiêm nhường (nguyên lý dương).

Tất cả những tư tưởng chủ động tán tỉnh, cưa cẩm nhau đều không nằm trong Đạo lý. Chúng chẳng hề làm người ta trở nên bản lĩnh hay dịu dàng, mà chỉ làm người ta dễ thoái hóa, hao hổn năng lượng, rời xa bản chất chân thực của chính mình, phụ thuộc dính mắc vào ái tình.

Các bạn hãy thử nghĩ mà xem, đàn ông bản lĩnh thì đàn bà con gái tự cảm nhận thấy mà yêu thích, mến mộ, tự đi theo xung quanh hàng đàn như các hành tinh xoay quanh mặt trời. Yêu quái săn đón Đường Tăng là vậy. Vua của nữ vương quốc cũng xiêu lòng vì Đường Tam tạng là thế. Còn phụ nữ dịu dàng yêu kiều thì sao? Đàn ông cũng tự thấy hấp dẫn, thu hút, muốn được nâng niu che chở, họ đâu cần phải hối hả đi tán trai nào cho nhiễu loạn tâm hồn.

Âm dương tương hợp là bản chất của vạn vật, chỉ khác nhau ở cường độ. Khi cường độ tương đồng, các vật tự hút lấy nhau (luật hấp dẫn). Hay nói cách khác, người nam và nữ tự hút lẫn nhau với cùng mức độ hòa hợp bên trong chính mình, chứ không phải do dương của người này hút âm của người kia hay ngược lại. Đàn bà xốc nổi thì dễ gặp đàn ông bạc nhược. Đàn bà ôn hòa thì dễ gặp đàn ông điềm tĩnh. Con người thời đại này sai lầm vì chia rẽ tính âm hay dương ra thành một khối riêng biệt, không hiểu ra nền tảng bên trong của phẩm hạnh bên trong bản thân chính là đối cực còn lại. Mỗi chúng ta đã là một sự trọn vẹn cân bằng. Sự lao về phía trước kiếm tìm “một nửa” chỉ thể hiện sự thiếu thốn, đói khát chân lý mà thôi. Chẳng có gì đáng hấp dẫn ở một người xông pha đi tán tỉnh. Tất cả sự cao quý và hấp dẫn nằm ở một người hiểu biết chân lý và tập trung làm việc của chính mình trong bình thản. Họ chẳng bao giờ phải nghi ngờ trí tuệ của Trời Đất (bác nông dân) trong việc sắp đặt lương duyên, nên chẳng bao giờ phải lồng lên truy tìm “đối phương” theo ý riêng ích kỷ của mình.

5. Vậy chúng ta lên làm gì để trở nên nam tính đích thực hay nữ tính đích thực?

Ta nên tìm hiểu và nắm bắt cho thật rõ ràng nguyên lý âm dương, bằng cách học hỏi Đạo lý từ những bậc giác ngộ, quan sát từ tự nhiên, luyện tập sự hài hòa bên trong con người mình, nâng cao nhận thức, tần số rung động, sống hướng thiện chứ không hướng vật (con người, đối tượng bên ngoài) để vượt lên khỏi tư duy mâu thuẫn, phân cực và duy vật. Thực hành đạo lý “yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” vừa là để kiểm chứng đạo lý, vừa để hợp nhất tâm hồn và biểu lộ của tâm hồn là cơ thể, mang lại bình an. Chỉ khi nào nội tâm bình an, đạo lý mới hiển lộ, âm dương mới hòa hợp, người đối ngẫu tương thích giá trị cao mới xuất hiện. Kiếm tìm chân lý là nền tảng bảo hành cho kiếm tìm chồng vợ. Luật Trời mới là ông Tơ bà Nguyệt tuyệt vời nhất. Hay nói cách khác, cái cọc và con trâu chỉ cần làm đúng bổn phận của mình là cái cọc và con trâu, những việc còn lại cứ để bác nông dân tùy cơ thi hành.

(“Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” – Ai còn biết nghe theo đạo lý này?)

Tác giả: Vũ Thanh Hòa – Hòa Taro

Ảnh minh họa: Joel Overbeck

📌 Mua membership để đọc tạp chí Aloha đã giảm giá 25% ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI