29.2 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

“Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” – Ai còn biết nghe theo đạo lý này?

Trong quá khứ mình không xem trọng vai trò, vị trí của đàn ông đàn bà trong xã hội hay mối quan hệ giữa họ. Nhưng càng ngày, khi đối diện với những yếu điểm, những nỗi đau của bản thân, mình càng nhận ra rằng việc đàn bà thiếu nữ tính và đàn ông thiếu nam tính là một sự đáng buồn và gây hậu quả nghiêm trọng cho con người, khiến gia đình xã hội trở nên rối loạn mất cân bằng.

Nữ tính và nam tính là hai thiêng tính của con người và đáng được tôn vinh gìn giữ. Nữ tính được thể hiện trong sự nhún nhường, khiêm cung, ngọt ngào, dịu dàng và biết lắng nghe. Nam tính được thể hiện trong sự tự tin, bản lĩnh, ấm áp, điềm đạm và can đảm. Người phụ nữ khi được dạy sự nữ tính và người đàn ông khi được dạy sự nam tính thì tự nhiên tạo ra một thế cân bằng hài hòa trong xã hội, tạo ra lực hút, lực hấp dẫn, sự cảm mến và gắn bó sâu sắc giữa hai phái. Việc tuân theo đạo lý âm dương tạo ra sự tập trung và trách nhiệm hoàn thành bổn phận của chính mình, thứ giúp con người có định hướng rõ ràng trong cuộc sống, tránh rơi vào sự rối loạn, mâu thuẫn, xung đột.

“Ta là cái chết tàn phá tất thảy và là nguyên lý sản sinh ra mọi thứ tiếp theo. Trong các ưu điểm của nữ giới, Ta là danh giá, may mắn, nói năng, trí nhớ, thông minh, kiên trì và nhẫn nại.” — Sri Krishna, Chí Tôn Ca (34.10)

Nhưng vấn đề đó là càng ngày, đạo lý âm dương “yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” càng không ai nhìn thấy giá trị của nó nữa, trở nên “lỗi thời” quê mùa so với thời đại. Phụ nữ càng mất đi nữ tính, chủ yếu là do tư tưởng tự do bình đẳng cho phái nữ (chủ nghĩa nữ quyền), xu hướng khoa học duy vật của con người; còn đàn ông càng mất đi nam tính, do các thói quen tiêu cực (fap, thuốc lá, bia rượu, v.v…) và do sự lấn lướt soán ngôi của phái đối phương. Hai thái cực âm dương đang bị mất đi tính chất của mình và càng trở về giống nhau. Hai thứ giống nhau thì không có lực hút, chỉ là lực đẩy, là sự cạnh tranh xung đột, kẻ tiến mà không có người lùi. Chồng nói một câu vợ cãi lại ba bốn câu cho hả dạ. Ngôi thứ trong gia đình đảo lộn, hôn nhân bất hòa dễ đổ vỡ.

Đấy là chưa kể, sự chen lẫn của tính đối lập làm cho bản thân tính âm hay dương không còn sự tinh khiết, cường độ cao nhất. Nên có thể nói, tính nam hay tính nữ đang bị biến chất, thoái hóa, không ở đỉnh cao chất lượng của chúng, nên con người ngày nay khó tiếp cận được với những phẩm hạnh một cách thuần khiết.

Phụ nữ càng ngày càng dễ xốc nổi, cáu gắt, quyền uy, tính toán, không còn khả năng khiêm hạ, nhún nhường, hy sinh, lắng nghe, nhẫn nại. Còn đàn ông thì càng ngày càng bạc nhược, hèn yếu, sống bồng bột nhất thời theo xúc cảm, không còn khả năng tự chủ, điềm tĩnh và can trường. Cả hai phái đều rơi vào trạng thái thoái hóa của mình vì sự tranh chấp vị trí của đối phương và không làm tròn bổn phận của chính mình.

Những người phụ nữ nữ tính và người đàn ông nam tính thời nay rất hiếm, nếu có thì họ thường thuộc vào thế hệ trước khi vẫn còn trụ vững trong đạo lý, được giáo dục theo truyền thống. Các bà, mẹ, chị thường rất tần tảo, nhẫn nhịn và có đức hy sinh lớn lao (vì sống theo đạo “tam tòng, tứ đức”). Các ông, bố, anh thì thường là người dẫn dắt lãnh đạo gia đình, có kỷ luật và rất can trường. Với cá nhân mình, khi tiếp xúc với người nữ tính đích thực, mình thường có cảm giác bị cuốn hút mà trở nên mềm lòng, trái tim tan chảy, còn khi tiếp xúc với người nam tính đích thực, mình cũng bị lôi cuốn mãnh liệt nhưng với cảm giác yên ổn, an toàn, vững chãi.

(Tam tòng tứ đức – Đạo lý dành cho phụ nữ là đạo lý ngầm dành cho đàn ông)

Cá nhân mình từ thuở nhỏ ở trong môi trường thiên về nam tính rất nhiều, và mình lớn lên như một đứa con trai, trong khi đáng ra mình nên trở thành một người phụ nữ. Mình làm lớp trưởng trong nhiều năm và luôn có xu hướng muốn đứng đầu trong mọi thứ, làm gì cũng rất tham vọng và không bỏ cuộc. Mình học nghiêng về khối A toán lý hóa là các môn dùng tư duy logic nhiều. Đây cũng là điều tốt vì lối sống đó rèn cho mình ý chí, sự can trường, tính kỷ luật và sự mạch lạc trong tư tưởng.

Nhưng với một đứa con gái thì có lẽ mình đã bị thiếu hụt một điều quan trọng cần được bồi đắp từ nhỏ là nữ tính. Có rất nhiều điều sau này lớn lên mình mới hiểu được là nó cần tính nữ để giải quyết chứ không phải tính nam. Mình thường xuyên rơi vào trạng thái tranh chấp vị trí với người khác giới và gây mâu thuẫn xung đột. Dường như, những khó khăn và tổn thương đến với mình gấp đôi bình thường vì mình thiếu một tính chất dành cho mình và dư thừa một tính chất đối lập dành cho người khác. Và mình không biết bổn phận là gì để làm tròn.

Việc giao tiếp, kết nối, truyền đạt những ý tưởng với mọi người cần sự khiêm nhường nhưng mình đã không có. Việc đối diện với những yếu điểm cần sự dịu dàng nhưng mình cũng không có. Việc sống một đời sống với nhiều thay đổi đột ngột cần sự linh hoạt nhưng mình cũng không có nốt. Tất cả những gì mình từng có là sự ngạo mạn, xốc nổi và cứng nhắc. Và đến một khi gặp khủng hoảng cần quy phục (surrender) để có thể giác ngộ thì mình cũng không biết phải quy phục như thế nào và càng đấu tranh nhiều hơn nữa cho đến khi kiệt sức. Cho đến một ngày, sau rất nhiều thử thách và sự tự rèn luyện để cân bằng lại, mình mới nhận ra rằng mình đã thiếu hụt sự nữ tính biết nhường nào. Không phải mình cố tình thiếu, mà môi trường sống từ nhỏ đã định hình nên một con người mà người đó không hề hay biết chính mình như vậy có ổn không cho tới khi gặp những sự mất cân bằng.

([THĐP Translation™] Những điều tốt đẹp nhất trong đời đều trái ngược)

Tại sao mình viết những điều này, vì mình thấy việc gia đình nhà trường xã hội giáo dục trẻ em ngay từ thuở nhỏ là điều rất quan trọng. Đây là bước đầu hình thành nên một con người. Những dấu ấn ấu thơ sẽ rất khó thay đổi sau này, nó ngấm sâu vào trong máu mủ trong tâm trí của chúng. Vậy cần giáo dục điều gì, giáo dục sự cân bằng, tính hai mặt của vấn đề. Việc không rõ mình ở cực nào khiến đứa trẻ bị lệch lạc, hỗn loạn trong đời sống sau này. Khi nó càng lớn thì càng khó sửa chữa, rất tội nghiệp. Ngoài ra, việc quan trọng là dạy đứa trẻ rõ ràng về tính nam và tính nữ thuần khiết. Khi nó thấu hiểu và làm tròn một thái cực của mình, nó sẽ cảm hiểu được thái cực còn lại dễ dàng. Và nhất là, đứa trẻ sẽ không rơi vào trạng thái mâu thuẫn và tranh chấp cả bên trong nội tâm và bên ngoài thế giới. Người Nhật có một cái hay đáng học tập là họ biết giáo dục định hướng trẻ em vấn đề này; ta có thể thấy rõ chuyện đó qua phim ảnh của họ.

Sai lầm của thời đại ngày nay là con người không còn phân chia rõ ràng các chức năng, không hiểu được tính âm dương nên gặp sự hỗn loạn bên trong chính mình. Trong khi đạo lý là thứ hướng con người hoàn thành bổn phận và chức năng ấy. Từ đó, họ ở đúng vị trí của chính mình và thấu hiểu được đối cực còn lại.

Chúng ta không nhất thiết phải học sự tự tin và khiêm nhường cùng một lúc. Vì chúng có cùng bản chất nhưng chỉ khác sắc thái. Ta chỉ cần học sâu sắc một khía cạnh là có thể hiểu được khía cạnh còn lại. Và thực sự, trong đời sống ở một hoàn cảnh bất kỳ, chỉ cần sử dụng một trong hai phẩm chất đó là đủ, không cần dùng cả hai. Nó có nghĩa là con người chỉ cần tập trung hoàn thiện một thái cực của phẩm hạnh là âm hoặc dương là đủ. Cực còn lại để người khác phái lo.

Có thể khi đọc bài viết này mọi người sẽ phản biện rằng nếu đã vậy thì người nữ học thái cực của người nam cũng được. Vấn đề không phải là dùng thái cực nào, vấn đề là biết bổn phận của mình và làm tròn nó. Có thể mình mang một tính dương rất mạnh bên trong, nhưng chúng chưa bao giờ được nhìn nhận là bổn phận của mình, là thứ mình phải gìn giữ và kiện toàn. Nhưng nếu được lựa chọn, một người nữ như mình sẽ chọn phẩm hạnh âm tính, chứ không chọn thái cực ngược lại. Vì cơ thể người nữ được thiết kế để thấu hiểu tính âm, còn cơ thể người nam được thiết kế để thấu hiểu tính dương.

“Thà làm tròn bổn phận của mình dù có sai sót còn hơn là hoàn thành bổn phận của kẻ khác một cách hoàn hảo. Thà chết khi làm tròn phận sự của mình còn hơn là thực thi nhiệm vụ của kẻ khác, vì đi theo con đường của kẻ khác là nguy hiểm.” – Sri Krishna, Chí Tôn Ca (35.3)

Cá nhân mình cho đến thời điểm hiện tại đã hiểu ra được chân lý này và bắt đầu tập trung rèn luyện phẩm hạnh nữ tính của mình. Với mỗi lần gặp chông chênh mâu thuẫn, mình chỉ cần nhắc lại tính nữ là tự khắc thấy khó khăn trôi qua. Với một người phụ nữ, nhìn đời sống nhẹ nhàng là điều tạo nên sức mạnh cho cô ta. Còn với một người đàn ông, nhìn đời sống hăng hái là điều tạo nên sức mạnh cho anh ta vậy.

Khi hai người nam và nữ nguyện cam kết với đạo lý thì sẽ hạn chế được sự dính mắc, phụ thuộc, níu bám lẫn nhau, tránh được tối đa đau khổ bi lụy vì tình ái. Vì đạo lý sẽ là thứ ràng buộc, mai mối họ, những người cùng một mức độ thực hành. Họ đến với nhau bởi cùng một nhận thức hướng thiện và giữ gìn bổn phận, không phải do ham muốn, mong cầu ích kỷ của mỗi người.

Nên tóm lại, việc hiểu biết đạo lý âm dương của cha ông và áp dụng duy trì nó là điều rất quan trọng trong xã hội con người. Nó đưa mỗi người về đúng vị trí và chức năng của mình. Tất cả cùng hướng tới sự hài hòa bằng việc làm tròn bổn phận, hoàn thành miếng ghép của chính mình trong tổng thể chung. Tâm thức của xã hội sẽ ảnh hưởng đến tâm thức của mỗi cá nhân trong xã hội ấy và ngược lại. Nên việc giữ gìn một trật tự chung không chỉ làm lợi cho mỗi người, mà còn nhân cấp số lớn lợi lạc cho toàn xã hội.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa
Ảnh minh họa: Free-Photos/pixabay


📌 Mua membership để đọc tạp chí Aloha đã giảm giá 25% ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

 

spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

5 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết hơi tầm phào:

    “Chồng nói một câu vợ cãi lại ba bốn câu cho hả dạ” => Thế muốn chồng nói sai thì phụ nữ phải im lặng chịu đựng hay như nào?

    Bảo ông tác giả sống cổ hủ lỗi thời thì lại tự ái

    Các bà, mẹ, chị thường rất tần tảo, nhẫn nhịn và có đức hy sinh lớn lao (vì sống theo đạo “tam tòng, tứ đức”). Các ông, bố, anh thì thường là người dẫn dắt lãnh đạo gia đình, có kỷ luật và rất can trường. Thế là:

    Đánh đồng giữa sự chịu đựng/nhẫn nhịn = nữ tính/hy sinh lớn lao

    Đánh đồng giữa sự gia trưởng, hằn học, suy nghĩ phân biệt giới tính = nam tính, lãnh đạo.

    Con người ở hiện tại ko nói giới tính, ko nói hy sinh/tảo tần, chỉ nên nói đúng sai, phải trái, hợp lý, hợp tình… Tóm lại cái gì đúng thì nên làm, cổ hủ lỗi thời thì nên sửa.

    Đàn ông đánh mắng/nạt nộ/gia trưởng với phụ nữ là sai, phụ nữ ko nên nhẫn nhịn ko phản kháng. Ngày xưa tôi đến gặp một gia đình mà hỏi ra thì có nguyên tắc là phụ nữ con dâu ko bao giờ dc ngồi ăn cùng với cha chồng, mà phải ăn sau, kiểu đạo lý gì đây???

  2. Mình nghĩ rằng ở những tính cách của một người nam và một người nữ phải có tác giả cần giải thích rõ bản chất của những tính cách đó để người đọc có thể hiểu được sự hài hòa âm dương trong tính cách của hai phái. Ở đây tác giả chỉ liệt kê ra những danh từ chỉ tính cách làm người đọc (bản thân mình) không hiểu tại sao khi tính nam/nữ bị thoái hóa thì sẽ cho ra những tính như vậy.
    Điều này dẫn đến sẽ có những phản biện về những tính cách này ví dụ với đức hy sinh, nhúng nhường của phụ nữ nếu gặp phải một người đàn ông vũ phu, chỉ biết chơi bời nhậu nhẹt thì sao. Vì có những nghi hoặc như vậy nên mình cần một bài viết phân tích sâu nữa để hiểu rõ điều này.
    Cảm ơn tác giả Vũ Thanh Hòa.

  3. Chào bạn, mình có cơ duyên đến được với blog này và cả bài viết này của bạn cũng thật là một niềm hoan hỉ với mình.
    Mình xin đi thẳng vào vấn đề nhé. Mình muốn hỏi về một vài vấn đề mình khúc mắc ở bài viết này của bạn và nêu ý kiến cá nhân của mình.

    Ồ, trước tiên mình xin giới thiệu chút, mình là nữ, mình là đứa theo style tomboy nhưng không có nghĩa là mình cư xử y hệt một thằng đàn ông.

    Đầu tiên bạn nói âm dương phải tinh thuần. Mình không biết gì về đạo lý âm dương cả. Nên đây là cảm quan của mình nhé. Nói đến âm dương, cái đầu tiên mình nghĩ đến là cái hình vẽ hai giọt nước (Mình không biết nên gọi tên chúng là gì) chúng biểu tượng cho âm dương đúng không? Nhưng 2 nửa này không “thuần”, ở trong giọt nước màu trắng có một chấm màu đen và ngược lại. Ý là gì? Không phải đó là mối quan hệ giữa âm và dương sao? Cái này là khởi nguyên của cái còn lại, cả hai cùng tồn tại trong nhau, cũng hình thành nên nhau, cùng mâu thuẫn với nhau tạo nên sự phát triển. Và hai thái cực này không hề mất đi tính cân bằng hay chính sự đan xen kì diệu kia mới tạo được thế cân bằng cho âm dương. Không có ai là thuần nữ tính hay thuần nam tính cả, thiếu một cái đều biến con người ta trở thành kiểu người phiến diện, hoặc tuyệt đối yếu đuối hoặc tuyệt đối khô khan. Và nếu như có sự “thuần” thật sự thì căn bản là nó không thể hiểu nổi đặc tính của đối phương. Nên là người nam có thể có chút nữ tính và ngược lại. Mình nghĩ chỗ này chỉ quan trọng là làm thể nào để bản thân chấp nhận chính mình và điều hoà hai phần này mà thôi.

    Bạn có biết đến quy luật luân hồi và nhân quả của Phật giáo không? Mình tin vào chúng nên góc nhìn của mình ở đây sẽ nghiêng theo 2 quy luật này. Sự tồn tại của ta đều do những nhân trong tiền kiếp tác động đến. Không có chuyện tự nhiên bạn sinh ra là nam hay vô tình sinh ra là nữ đâu. Sinh ra là nam hay là nữ đều là do ta gieo nhân duyên trong tiền kiếp mà ra. Trẻ sơ sinh khi sinh ra đã bộc lộ một phần tính cách của mình, đây là một phần tính cách của ta từ các tiền kiếp trước, chúng luôn theo ta trong vòng luân hồi sinh tử. Tính cách thì bị ảnh hưởng từ nhiều thứ, đúng không? Nếu kiếp trước một người sinh ra là nam, người này chết đi và tái sinh lại làm nữ vậy tính âm dương “thuần” có đảm bảo được không? Khi là nam, người này sẽ bị ảnh hưởng bởi cái “nam tính” từ thân thể, từ giáo dục, từ xã hội… Có thể coi người này vào thời điểm đó gần như nam tính hoàn toàn và đã làm rất tốt vai trò một người “nam”. Nhưng khi người này tái sinh lại thành nữ thì liệu cái nam tính của tiền kiếp có biến mất hết được không? và cái nữ tính của người này ở kiếp sống mới liệu có trọn vẹn? Đây mới là xét trong 2 kiếp sống liên tiếp, con người không thể biết nổi chính mình đã trải qua bao nhiêu kiếp sống rồi cơ mà.

    Tiếp là bạn nói đến phẩm hạnh của nam và nữ? Vấn đề này theo mình thì cái nhìn của bạn ảnh hưởng theo thời thế xã hội nam quyền. Và nếu trong một xã hội nữ quyền, bạn sẽ nhìn nhận khác hẳn. Phẩm hạnh là những tính nết tốt của một người. Ở đây bạn nói phụ nữ phải có “khiêm hạ, nhún nhường, hy sinh” và đàn ông phải có “tự chủ, điềm tĩnh và can trường” Lại quay lại vấn đề âm dương bên trên, đàn ông không cần có những đặc tính này của phụ nữ và phụ nữ không cần có đặc tính của đàn ông sao? Vấn đề là không thể không có được. Còn những người bạn biết thì là thiểu số, mình chưa đi nhiều, chưa tiếp xúc nhiều nhưng mình vẫn biết được rất nhiều người có cả nam và nữ tài giỏi đây thôi? Họ có thể vẫn có chút đặc tính không thuộc về giới của mình cơ mà?

    Và từ đâu ra quy định phụ nữ phải biết “hy sinh” vậy? Cái này mình không rõ nên vẫn luôn muốn hỏi. Ở xã hội phương Đông có điều này nhưng phương Tây thì mình chưa thấy nói đến bao giờ. Và đàn ông không cần hy sinh sao? Hay việc người phụ nữ bỏ công việc, bỏ đi những năm học hành vất vả để ở nhà trông con, dựa dẫm vào chồng thì được coi là sự hy sinh cao thượng? Còn đàn ông thì liệu có mấy ai dám bỏ công việc của mình để về chăm sóc gia đình không?

    Rồi còn về tính “khiêm nhường”. Mình nghĩ đây là một đức tính có thể rèn luyện được, và cả nam lẫn nữ đều rất cần có nó. Có thể “khiêm nhường” có sẵn ở người nữ, nhưng nó có thể bị nhầm với “nhún nhường”, nếu xét trong xã hội phương Đông. Mình nghĩ đây là mặt khác nhau. “Khiêm nhường” là biết rõ mình rồi và thoả hiệp với người khác, còn “nhún nhường” thì là tự hạ thấp mình để thoả hiệp với người khác.

    Đây một vài suy nghĩ của mình về đề tài bạn viết. Không biết liệu bạn có đọc được nó không nữa. Haha mà nếu bạn có đọc được thì thông cảm cho mình nhé. Cái mình hướng đến là sự phóng khoáng trong cuộc sống và tư duy, tất nhiên là trong khuôn khổ cho phép. Mình là nữ, mình cũng muốn có người bảo vệ, nâng niu mình nhưng mình cũng muốn bảo vệ người đó. Và mình thấy không có mâu thuẫn. Tất nhiên là không ai giống ai được rồi.

    Cảm ơn bạn đã đọc bài viết dở hơi này của mình.
    Mình xin “thỉnh giáo” nếu bạn có điều gì muốn phản bác nhé.

    Chúc bạn sớm trở thành hình mẫu con người bạn muốn.
    Chúc bạn hạnh phúc.

    Duck

Trả lời Hien Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI