23.6 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Translation™] Kỹ năng quan trọng nhất không ai dạy bạn: Ở một mình và kết nối với nội tâm

(Bài viết hiện đã được 289K Likes trên Medium. Bài dịch được đăng tải trong volume 5 tạp chí Aloha.)

Trước khi qua đời ở tuổi 39, Blaise Pascal đã có những đóng góp khổng lồ cho cả vật lý học và toán học, đặc biệt là trong ngành chất lỏng, hình học và xác suất.

Nhưng những công trình của ông còn ảnh hưởng nhiều hơn là chỉ đơn thuần trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Nhiều lĩnh vực mà chúng ta bây giờ gọi là khoa học xã hội trên thực tế cũng đã được phát triển từ những nền tảng ông đã có công gầy dựng.

Điều thú vị là, phần lớn điều này đã được thực hiện trong những năm thiếu niên của ông, một số khác được phát triển vào tuổi đôi mươi của ông. Đến tuổi trưởng thành, có cảm hứng từ một trải nghiệm tôn giáo, ông thực sự đã bắt đầu hướng đến triết học và thần học.

Ngay trước khi ông qua đời, ông đã viết ra những suy nghĩ riêng tư mà sau này sẽ được phát hành thành một bộ sưu tập được mang tên Pensées.

📌 TÔI ĐÃ HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ BLAISE PASCAL VỀ SỨC MẠNH CỦA SỰ TĨNH LẶNGAloha Vol. 1

Trong khi cuốn sách chủ yếu là về trường hợp một nhà toán học lựa chọn một đời sống đức tin và niềm tin, thì điều gây tò mò hơn về nó là những nghĩ suy sáng tỏ rõ ràng về chuyện làm người thì có ý nghĩa gì. Đó là một bản thiết kế cho ngành tâm lý học ngày nay từ lâu trước khi tâm lý học được coi là một ngành học chính thức.

Không thiếu những nội dung kích thích tư duy trong đó để trích dẫn, và nó xoáy vào bản chất của con người từ nhiều góc độ khác nhau, nhưng một trong những suy nghĩ nổi tiếng nhất trong đó khéo léo tóm tắt cốt lõi của lập luận của ông:

“Mọi vấn đề của loài người đều xuất phát từ việc họ không thể ngồi im một mình trong phòng.” ― Blaise Pascal

Theo Pascal, chúng ta sợ sự im lặng của sự tồn tại, chúng ta sợ sự nhàm chán và thay vào đó lựa chọn những thú vui xao lãng không chủ đích, và chúng ta không thể không trốn chạy khỏi những vấn đề của cảm xúc và đi vào những tiện nghi giả ngụy của tâm trí.
Vấn đề gốc rễ, về cơ bản, là chúng ta không bao giờ học được nghệ thuật của sự đơn tịch.

Những hiểm họa của sự kết nối

Ngày nay, hơn bao giờ hết, thông điệp của Pascal gióng lên hồi chuông sự thật. Nếu có một từ để mô tả sự tiến triển được thực hiện trong 100 năm qua thì đó là: sự nối kết. Công nghệ thông tin đã thống trị đường hướng văn hóa của chúng ta. Từ điện thoại đến đài phát thanh đến TV với internet, chúng ta đã tìm ra cách để đưa tất cả mọi người đến gần nhau hơn, tạo điều kiện cho việc liên tục tiếp cận với thế giới.

Tôi có thể ngồi trong văn phòng của mình ở Canada và đưa bản thân đến bất cứ nơi nào tôi muốn thông qua Skype. Tôi có thể ở phía bên kia của thế giới và vẫn biết những gì đang xảy ra ở nhà với một vài cú lướt mạng nhanh chóng.

Tôi không nghĩ mình cần phải làm nổi bật những lợi ích của tất cả chuyện này. Nhưng nhược điểm cũng bắt đầu lộ diện. Ngoài những cuộc nói chuyện hiện tại về quyền riêng tư và thu thập dữ liệu, có lẽ còn có tác dụng phụ nguy hại hơn ở đây.

Chúng ta đang sống trong một thế giới nơi ta có thể kết nối với mọi thứ ngoại trừ chính mình.

Nếu quan sát của Pascal về việc chúng ta không thể ngồi lặng lẽ trong một căn phòng là đúng với tình trạng của con người nói chung, thì vấn đề chắc chắn đã trầm trọng hơn gấp 10 lần với các lựa chọn [công nghệ] hiện có ngày nay. Tại sao phải ở một mình khi bạn không bao giờ phải ở một mình?

Vâng, câu trả lời là, không bao giờ ở một mình không đồng nghĩa với không bao giờ cảm thấy một mình, lẻ loi, cô đơn. Tệ hơn nữa, càng không cảm thấy thoải mái khi ở một mình, bạn càng không biết chính mình. Và sau đó, bạn sẽ dành nhiều thời gian hơn để tránh né nó và tập trung vào nơi khác. Trong quá trình này, bạn sẽ trở thành một tên nghiện công nghệ, vốn là cái có thể giúp bạn giải thoát.

Chỉ vì chúng ta có thể sử dụng tiếng ồn của thế giới để ngăn chặn sự khó chịu của việc đối phó với bản thân không có nghĩa là sự khó chịu này biến mất.

Hầu hết mọi người đều nghĩ là họ biết chính mình. Họ nghĩ họ biết họ cảm thấy thế nào và họ muốn gì và vấn đề của họ là gì. Nhưng sự thật là rất ít người thật sự biết. Và người nào thật sự biết sẽ là người đầu tiên nói rằng việc ý thức được bản thân khó nắm bắt đến thế nào, và cần thời gian ở một mình bao lâu để đạt được nó.

Trong thế giới ngày nay, người ta có thể sống toàn bộ cuộc sống của họ mà không thực sự đào sâu vượt quá những lớp mặt nạ bề mặt họ mang; thực tế là có nhiều người như vậy. Chúng ta ngày càng mất liên lạc với chính mình, và đó là một vấn đề.

Nhàm chán như một chế độ kích thích

Nếu chúng ta trở lại các nguyên tắc cơ bản―và đây cũng là điều mà Pascal đã tiếp cận―sự ác cảm của chúng ta đối với sự đơn độc thực sự là một sự ác cảm đối với sự nhàm chán.

Vấn đề cốt lõi ở đây, không nhất thiết là chúng ta nghiện TV vì có điều gì đó thỏa mãn hay độc đáo về nó, giống như chúng ta không nghiện nhiều chất kích thích vì ưu điểm nhiều hơn nhược điểm. Mà là, cái chúng ta thực sự bị nghiện là một trạng thái không buồn chán.

Hầu như tất cả những thứ điều khiển cuộc sống của chúng ta một cách không lành mạnh tìm thấy gốc rễ của nó khi chúng ta nhận ra rằng chúng ta sợ hãi sự trống rỗng, hư không. Chúng ta không thể chỉ việc hiện hữu (being) thay vì phải làm một cái gì đó (doing). Và do đó, chúng ta tìm kiếm giải trí, chúng ta tìm kiếm bạn đồng hành, và nếu không có được những thứ đó, chúng ta theo đuổi những tầm mức cao hơn.

Chúng ta bỏ qua sự thật là không bao giờ đối mặt với hư không cũng giống như không bao giờ đối mặt với chính mình. Và không bao giờ đối mặt với chính mình là lý do tại sao chúng ta cảm thấy cô đơn và lo âu mặc dù đã được kết nối mật thiết với mọi thứ khác xung quanh ta.

May thay, có một giải pháp. Cách duy nhất để tránh bị hủy hoại bởi nỗi sợ hãi này―giống như bất kỳ sợ hãi nào―là đối mặt với nó. Đó là để cho sự nhàm chán đưa bạn đến nơi nó muốn, để bạn có thể đối phó với bất cứ điều gì đang thực sự xảy ra với ý thức của bạn về bản thân. Đó là khi bạn sẽ nghe chính mình suy nghĩ, và đó là khi bạn sẽ học cách tiếp xúc với những phần bị che khuất bởi những thứ xao lãng tạp nham.

📌 Bước ra khỏi vũng sình lầy (Bài dự thi đoạt giải nhất cuộc thi viết 2018 của THĐP, nói về thiền định)

Vẻ đẹp của điều này là, một khi bạn vượt qua rào cản ban đầu đó, bạn nhận ra rằng việc ở một mình không phải là quá tệ. Nhàm chán có thể cung cấp sự kích thích của riêng nó.
Khi bạn bao bọc bản thân mình với những khoảnh khắc tịch liêu và tĩnh lặng, bạn trở nên quen thuộc với môi trường của mình theo một cách mà những kích thích cưỡng cầu không cho phép. Thế giới trở nên phong phú hơn, từng lớp vỏ bọ bắt đầu bong tróc ra, và bạn thấy mọi thứ như chúng thực sự là, trong tất cả sự toàn vẹn của chúng, trong mọi mâu thuẫn của chúng, và trong tất cả những điều không quen thuộc của chúng.

📌 Ngồi thiền có lợi ích gì không dựa theo khoa học?

Bạn biết rằng có những thứ khác mà bạn có khả năng chú ý hơn là những gì ồn ào nhất trên bề mặt. Chỉ vì một căn phòng yên tĩnh không cho bạn sự phấn khích như ý tưởng đắm mình trong một bộ phim hay một chương trình truyền hình không có nghĩa là không có chiều sâu ở đó để khám phá.

Đôi khi, phương hướng của sự đơn tịch này dẫn bạn đến một nơi không mấy dễ chịu, nhất là khi nói đến nội tâm— suy nghĩ và cảm xúc của bạn, nghi ngờ và hy vọng của bạn— nhưng về lâu dài, nó còn dễ chịu hơn là bỏ chạy thậm chí không nhận ra rằng bạn đang [bỏ chạy].

Bao dung sự nhàm chán cho phép bạn khám phá ra những điều mới lạ trong những điều bạn chưa từng biết; nó giống như là một đứa trẻ còn ngây thơ nhìn thế giới lần đầu tiên. Nó cũng giải quyết phần lớn xung đột nội tâm.

Bài học được rút ra

Thế giới càng tiến bộ, nó càng cung cấp nhiều kích thích, như một động cơ thôi thúc chúng ta đi ra khỏi nội tâm của mình để tham gia vào nó.

Trong khi câu nói khái quát của Pascal cho rằng việc thiếu thoải mái với sự đơn độc là gốc rễ của mọi vấn đề của chúng ta có thể chỉ mang tính cường điệu, nó không phải là hoàn toàn không chính xác.

Tất cả mọi thứ đã giúp chúng ta kết nối đồng thời cũng đã cô lập chúng ta. Chúng ta đã quá bận bị xao lãng đến nỗi chúng ta quên nhìn lại nội tâm của chính mình, điều này khiến chúng ta cảm thấy ngày càng cô đơn hơn.

Điều thú vị là, thủ phạm chính không phải là nỗi ám ảnh của chúng ta với bất kỳ sự kích thích đặc biệt nào trong thế giới. Đó là nỗi sợ hãi sự trống rỗng— chúng ta bị nghiện trạng thái không buồn chán. Chúng ta có một ác cảm bản năng: chỉ đơn giản hiện hữu.

Nếu không nhận ra giá trị của sự đơn tịch, chúng ta đang bỏ qua thực tế rằng, một khi nỗi sợ chán nản được đối diện, nó thực sự có thể cung cấp sự kích thích của chính nó. Và cách duy nhất để đối mặt với nó là dành thời gian, cho dù mỗi ngày hay mỗi tuần, chỉ để ngồi —với những suy nghĩ của chúng ta, cảm xúc của chúng ta, với một khoảnh khắc của tĩnh lặng.

Trí tuệ triết lý lâu đời nhất trên thế giới có một lời khuyên cho chúng ta: biết chính mình (know thyself). Và có một lý do chính đáng cho nó.

Nếu không biết chính mình, ta hầu như không thể tìm ra một cách lành mạnh để tương tác với thế giới xung quanh. Nếu không dành thời gian ra cho nó, chúng ta không có được nền tảng để xây dựng phần còn lại của cuộc sống.

Ở một mình và kết nối với nội tâm là một kỹ năng không ai dạy chúng ta (người dịch: ít nhất là trong hệ thống giáo dục, muốn học được kỹ năng này thì phải tìm đến tôn giáo, tâm linh). Điều đó thật mỉa mai vì nó quan trọng hơn hầu hết những kỹ năng họ dạy. Sự đơn tịch có thể không phải là giải pháp cho tất cả mọi thứ, nhưng nó chắc chắn là một khởi đầu.

Tác giả: Rat Zana
Biên dịch: Ishvara
Hiệu đính: THĐP

Photo: Carlyn1982 


📌 Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

📌 Aloha Volume 1-12

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI