16.8 C
Da Lat
Thứ Tư, 24 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

10 lý do vì sao hệ thống giáo dục Phần Lan tốt nhất thế giới

Giáo dục Phần Lan luôn đứng top thế giới

Không có bài kiểm tra được tiêu chuẩn hóa, không có trường tư, không căng thẳng. Hệ thống giáo dục Phần Lan luôn được xếp hạng tốt nhất trên thế giới.

Nhiều người đã quen thuộc với khuôn mẫu làm việc chăm chỉ, học thuộc lòng, tầm nhìn đường hầm cận thị của giáo dục Đông Á và đạo đức nghề nghiệp. Nhiều quốc gia trong số này, như Trung Quốc, Singapore và Nhật Bản – nổi bật hơn những quốc gia khác – thường đứng vị trí hàng đầu trong cả toán và khoa học.

Một số chuyên gia cho rằng mô hình vắt kiệt trí não này là điều người Mỹ nên hướng tới. Làm việc nhiều hơn! Học tập chăm chỉ hơn! Sống ít hơn. Những dữ kiện và số liệu không nói dối – những quốc gia này đang thắng điểm chúng ta (Mỹ), nhưng có thể có một cách tốt hơn và lành mạnh hơn để giải quyết vấn đề này.

Phần Lan là câu trả lời – một đất nước phong phú về cải cách trí tuệ và giáo dục đã khởi xướng qua nhiều năm một số thay đổi mới lạ và đơn giản, đã hoàn toàn cách mạng hóa hệ thống giáo dục của họ. Họ vượt trội hơn Hoa Kỳ và đang cạnh tranh lại với các quốc gia Đông Á.

Có phải họ đang nhồi nhét trong những căn phòng thiếu ánh sáng lịch trình robot? Không. Căng thẳng với các bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa do chính phủ ban hành? Không đời nào. Phần Lan đang dẫn đầu vì những biện pháp hợp tình hợp lý và một môi trường giảng dạy toàn diện phấn đấu cho sự công bằng hơn sự xuất sắc. Dưới đây là 10 lý do tại sao hệ thống giáo dục Phần Lan đang áp đảo nước Mỹ và thế giới.

2
Photo: Craig F. Walker / The Denver Post

1. Giáo dục Phần Lan không có kiểm tra tiêu chuẩn hóa (standardized testing)

Kiểm tra tiêu chuẩn hoá là phương pháp chung chúng ta thẩm định mức độ thấu hiểu kiến thức. Đánh vào các ô trắc nghiệm nhỏ trên một tờ scantron và trả lời các câu hỏi đã được “đóng hộp” sẵn bằng cách nào đó được cho là một cách để xác định sự thành thạo hoặc ít nhất là năng lực về một chủ đề. Điều thường xảy ra là học sinh sẽ học cách nhồi nhét thông tin chỉ để vượt qua bài kiểm tra và giáo viên sẽ giảng dạy với mục đích duy nhất là học sinh đậu kỳ thi. Sự học đích thực bị ném ra khỏi phương trình.

scantron
Scantron

Giáo dục Phần Lan không có những bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa. Ngoại lệ duy nhất của họ là một kỳ thi gọi là Kỳ Thi Tuyển Quốc Gia (National Matriculation Exam), là một kỳ thi tự nguyện cho học sinh vào cuối năm trung học phổ thông (lớp 12). Tất cả trẻ em trên khắp Phần Lan được chấm điểm theo từng cá nhân và hệ thống chấm điểm được đặt ra bởi giáo viên. Theo dõi tiến độ tổng thể được thực hiện bởi Bộ Giáo dục, họ lấy mẫu sample nhiều nhóm trên các phạm vi khác nhau của các trường.

2. Trách nhiệm giải trình đối với giáo viên (không bắt buộc)

Giáo viên nhiều khi bị đổ lỗi và đôi khi không sai. Nhưng ở Phần Lan, tiêu chuẩn được đặt rất cao cho giáo viên, rằng thường không có lý do để có một hệ thống “tính điểm” nghiêm ngặt cho giáo viên. Pasi Sahlberg, giám đốc Bộ Giáo dục Phần Lan và tác giả cuốn sách Bài học Phần Lan: Thế giới có thể học hỏi được gì từ cải cách giáo dục Phần Lan? (Finnish Lessons: What Can the World Learn from Educational Change in Finland?) Đã nói như sau về trách nhiệm giải trình của giáo viên:

“Trong tiếng Phần Lan không có chữ accountability (trách nhiệm giải trình)… Trách nhiệm giải trình là cái còn sót lại khi trách nhiệm (responsibility) đã bị loại trừ.”

Tất cả giáo viên được yêu cầu phải có bằng thạc sĩ trước khi vào nghề. Chương trình giảng dạy được lấy từ những trường chuyên nghiệp nghiêm ngặt và có chọn lọc nhất trong cả nước. Nếu một giáo viên không hoạt động tốt, đó là trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng trường để giải quyết chuyện đó.

Khái niệm về mối liên hệ giữa học sinh-giáo viên―trong quá khứ được gọi là thầy-trò (master-apprentice)―không thể được đơn giản hoá, hạ cấp xuống thành một sự thanh tra công chức và các thước đo kiểm tra tiêu chuẩn hóa. Nó cần phải được giải quyết trên cơ sở cá nhân.

3
Photo By Craig F. Walker / The Denver Post

3. Giáo dục Phần Lan – Hợp tác, không cạnh tranh

Trong khi hầu hết người Mỹ và các nước khác nhìn thấy hệ thống giáo dục như một cuộc cạnh tranh [như thuyết tiến hoá] của Darwin, người Phần Lan có góc nhìn khác. Sahlberg trích dẫn một câu từ một nhà văn tên Samuli Paronen, nói rằng:

“Người chiến thắng đích thực không cạnh tranh.”

Trớ trêu thay, thái độ này đã đưa họ lên đỉnh của thế giới. Hệ thống giáo dục của Phần Lan không bận tâm về các hệ thống thưởng phạt chủ quan nhân tạo. Không có danh sách các trường hoặc giáo viên có hiệu suất cao nhất. Nó không phải là một môi trường cạnh tranh – thay vào đó, hợp tác là tiêu chuẩn.

4. Giáo dục Phần Lan ưu tiên những điều cơ bản

Nhiều hệ thống trường học rất quan tâm đến việc tăng điểm kiểm tra và hiểu biết toán học và khoa học, họ có khuynh hướng quên đi những gì tạo thành một môi trường học tập hạnh phúc, hài hòa và lành mạnh. Nhiều năm trước, hệ thống trường học của Phần Lan đã cần một số cải cách nghiêm túc.

Chương trình đổi mới Phần Lan tạo ra tập trung vào việc quay lại những điều cơ bản. Nó không phải là chuyện thống trị thang điểm thế giới hay đặt cược mạo hiểm nhiều hơn. Thay vào đó, họ tìm cách làm cho môi trường học đường trở thành một nơi công bằng hơn.

Kể từ những năm 1980, các nhà giáo dục Phần Lan đã tập trung vào việc ưu tiên những điều cơ bản này:

  • Giáo dục nên là một công cụ để cân bằng sự bất bình đẳng xã hội.
  • Tất cả học sinh đều nhận được các bữa ăn miễn phí tại trường.
  • Dễ dàng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
  • Tư vấn tâm lý.
  • Hướng dẫn, hướng nghiệp cá nhân hóa.

Bắt đầu với cá nhân trong một môi trường tập thể bình đẳng là cách của Phần Lan.

5. Bắt đầu đi học ở độ tuổi lớn hơn

Ở đây những người Phần Lan lại bắt đầu bằng cách thay đổi các chi tiết rất nhỏ. Học sinh bắt đầu đi học khi chúng được bảy tuổi. Chúng được thả tự do trong những năm thơ ấu đang phát triển và không bị trói buộc vào chế độ giáo dục bắt buộc. Nó chỉ đơn giản là một cách để cho một đứa trẻ là một đứa trẻ.

Chỉ có 9 năm học bắt buộc mà trẻ em Phần Lan được yêu cầu tham dự. Tất cả mọi thứ qua lớp 9 hoặc 16 tuổi là tùy chọn.

Chỉ từ góc độ tâm lý, đây là một lý tưởng giải phóng. Mặc dù nó có thể là cảm tính, nhiều học sinh thực sự cảm thấy như chúng đang bị mắc kẹt trong một nhà tù. Phần Lan làm giảm bớt lý tưởng cưỡng ép này và thay vào đó là lựa chọn để chuẩn bị cho con cái của mình cho thế giới đời thật.

6. Cung cấp các lựa chọn chuyên nghiệp sau khi có bằng đại học truyền thống

Hệ thống giáo dục hiện tại ở Mỹ vô cùng trì trệ và thiếu linh hoạt. Trẻ em bị mắc kẹt trong mạng lưới từ lớp 1 đến lớp 12, nhảy từ giáo viên đến giáo viên. Mỗi lớp là một sự chuẩn bị cho lớp tiếp theo, dẫn tới cực điểm là vào đại học, sau đó nó lại chuẩn bị cho bạn trạm chuyển tiếp lớn tiếp theo. Nhiều sinh viên không cần phải đi học đại học để nhận được một tấm bằng vô giá trị hoặc loay hoay cố gắng tìm kiếm mục đích và tích lũy nợ nần chồng chất [vay tiền học].

Phần Lan giải quyết tình trạng khó xử này bằng cách cung cấp các lựa chọn có lợi thế ngang ngửa cho sinh viên tiếp tục chuyện giáo dục của họ. Không có sự phân biệt quá lớn giữa đại học và  trường dạy nghề hoặc những lớp trung cấp lao động. Cả hai đều có thể chuyên nghiệp và thỏa mãn cho một sự nghiệp.

Ở Phần Lan, có cái gọi là Upper Secondary School, là một chương trình ba năm chuẩn bị cho học sinh những kiến thức cho kì thi vào đại học. Điều này thường dựa trên những khả năng tài năng học sinh đã tạo dựng trong thời gian ở trường trung học.

Tiếp theo, còn có chương trình giáo dục nghề nghiệp, là chương trình ba năm đào tạo sinh viên cho nhiều ngành nghề khác nhau. Họ có tùy chọn đăng ký thi tuyển vào Đại học nếu muốn.

7. Người Phần Lan ngủ dậy muộn hơn, bắt đầu giờ học trễ hơn

Thức dậy sớm, bắt xe buýt hoặc đi xe, tham gia vào những hoạt động phụ trợ vào buổi sáng và sau giờ học ngốn rất nhiều thời gian của học sinh. Thêm vào thực tế là một số lớp học bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 8 giờ sáng với những thanh thiếu niên còn ngáy ngủ, không thể có động lực.

Học sinh ở Phần Lan thường bắt đầu đi học từ 9:00 – 9:45 sáng. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thời gian bắt đầu sớm là bất lợi cho tinh thần, sức khỏe và sự trưởng thành của học sinh. Các trường Phần Lan bắt đầu một ngày học trễ hơn và thường kết thúc vào 2:00 – 2:45 chiều. Tiết học có nhiều thời gian hơn và thời gian nghỉ chuyển tiết cũng dài hơn. Mục đích của tổng thể hệ thống không phải là để nhồi nhét kiến thức cho học sinh của họ, nhưng là để tạo ra một môi trường học tập toàn diện.

8. Hướng dẫn nhất quán từ cùng một giáo viên

Có ít giáo viên và học sinh hơn ở các trường học Phần Lan. Bạn không thể mong đợi giảng dạy một khán phòng với những khuôn mặt vô hình và tạo ra sự gắn bó mật thiết dưới cấp độ cá nhân. Học sinh ở Phần Lan thường có cùng một giáo viên trong ít nhất sáu năm học. Trong thời gian này, giáo viên có thể đảm nhiệm vai trò người cố vấn hoặc thậm chí là một thành viên trong gia đình. Trong những năm đó, sự tin cậy lẫn nhau và gắn kết được xây dựng để cả hai bên đều biết và tôn trọng lẫn nhau.

Nhu cầu khác nhau và phong cách học tập khác nhau tùy theo từng cá nhân. Giáo viên Phần Lan có thể làm được điều này vì họ biết nhu cầu riêng của học sinh. Họ có thể đưa ra phương pháp dạy chính xác và quan tâm đến sự tiến bộ của học sinh và giúp chúng đạt được mục tiêu. Không có chuyện học sinh chuyển sang một giáo viên kế tiếp.

9. Một bầu không khí thoải mái hơn

Có một xu hướng chung trong những gì Phần Lan đang làm với các trường học. Căng thẳng ít hơn, nghiêm khắc không cần thiết ít hơn và chăm sóc nhiều hơn. Học sinh thường chỉ có một hai lớp học mỗi ngày. Chúng có nhiều buổi để ăn uống, tận hưởng các hoạt động giải trí và thường là chỉ thư giãn. Trong ngày có nhiều khoảng thời gian từ 15 đến 20 phút các em có thể nghỉ giải lao thư giãn gân cốt, hít thở không khí trong lành và giải nén.

Loại hình môi trường này cũng cần thiết cho các giáo viên. Phòng giáo viên được thiết lập trong tất cả các trường học Phần Lan, nơi họ có thể nghỉ ngơi và thư giãn, chuẩn bị cho buổi học, hoặc chỉ đơn giản là xã giao. Giáo viên cũng là con người và cần phải được thoải mái để có thể hoạt động tốt nhất trong khả năng của mình.

10. Ít bài tập về nhà và công việc bên ngoài hơn

Theo OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), sinh viên ở Phần Lan có số lượng công việc bên ngoài và bài tập về nhà ít nhất so với bất kỳ sinh viên nào khác trên thế giới. Chúng chỉ dành nửa giờ mỗi đêm để làm bài tập. Sinh viên Phần Lan cũng không có gia sư. Song, chúng vẫn hoạt động tốt hơn những nền văn hóa không có được sự cân bằng cần thiết giữa trường học và cuộc sống, dẫn tới tình trạng căng thẳng không cần thiết.

Học sinh Phần Lan đang nhận được tất cả mọi thứ chúng cần để phát triển ở trường mà không có thêm áp lực đi kèm phải học giỏi một môn nào đó. Không cần phải lo lắng về điểm số và công việc bận rộn, chúng có thể tập trung vào nhiệm vụ thực sự: học hành và phát triển như một con người.

Tác giả: Mike Colagrossi, Big Think

Biên dịch: Ishvara

Hiệu đính: THĐP

📌 Bài dịch này đã được đăng tải trong tạp chí Aloha Volume 4. Mua membership để đọc tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,550Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI