20.6 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Các chứng rối loạn tâm lý, thiền định và lời giải đáp “Ta là ai?”

Chào các bạn, tôi là một người trẻ (có thể như đa phần các bạn ở đây) đang ở ngưỡng cửa của sự trưởng thành, đang đứng giữa hai mảng đen trắng của đời sống trải nghiệm – đứng giữa ranh giới của lý thuyết và thực tế, của quan điểm cá nhân và quan điểm đám đông/xã hội. Vị trí của người trẻ nằm trên mảnh đất của sự ngờ vực trộn lẫn với khao khát dấn thân để minh xác mọi chuyện. Có thể cuộc hành trình ấy diễn ra nhanh hoặc chậm, nhưng tôi tin rằng nó không thể tránh khỏi những sự xáo trộn trong tư tưởng, như một dấu hiệu cài đặt nâng cấp hệ thống – tiến hóa.

trưởng thành

Và khi sự xáo trộn, va đập, tái kiến thiết ấy diễn ra, nó có thể kéo theo những sự bất ổn, biến động về đời sống tinh thần – tư duy, xúc cảm (đặc biệt của những người nhạy cảm.) Những cuộc chuyển mình này dễ dàng trở thành là mảnh đất biểu lộ của những chứng rối loạn tâm lý thường gặp. Khi không thể thấu hiểu chúng, những người mắc các chứng kia có thể chịu đau khổ rất nhiều trong đời sống cá nhân, và có khả năng dẫn đến những hành động đáng tiếc – tự tử.

Tôi không nói rằng các chứng rối loạn ấy hoàn toàn có nguyên nhân là sự thay đổi trong đời sống cá nhân. Tôi chỉ đang nói rằng những thử thách, vấp váp cường độ lớn/cực đoan có thể là một tác nhân gây nên những xáo động tinh thần của người trẻ. Và cá nhân tôi là một trường hợp trong số đó. Trong vòng 3 năm trở lại đây, khi bắt đầu chập chững bước vào đời từ cánh cổng trường đại học, tôi đã trải qua trầm cảm (mỗi đợt kéo dài 6 tháng), rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực (mỗi đợt kéo dài 3 tháng).

1. Các chứng rối loạn tâm lý

Nếu các bạn chưa từng trải qua bất kỳ chứng rối loạn tâm lý nào thì cũng khó có thể hiểu được những gì người mắc chúng trải nghiệm. Bạn đứng ở ngoài cảnh huống và nhìn nó (có thể) bằng một con mắt ngờ vực, phán xét, quy chụp. Nếu không có đầy đủ thông tin, chúng ta càng sợ hãi khi phải đối diện hay nhìn những người gần gũi xung quanh trải nghiệm các biến động.

Ở đây tôi chỉ mô tả sơ qua những chứng rối loạn mà tôi đã được “nếm” để các bạn theo dõi có một phần nào hình dung. Còn muốn nghiên cứu tìm hiểu chi tiết hơn, các bạn có thể bắt tay với anh Google. Ngoài ra còn rất nhiều các chứng rối loạn tâm lý khác như rối loạn đa nhân cách (DID), rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), v.v…

a/ Trầm cảm (Depression): Nó không phải là một sự buồn rầu hay tuyệt vọng hay khủng hoảng. Nó là sự thu rút của sức sống. Ở đó chẳng có gì cả, không cảm xúc, không đam mê, không hứng thú, không gì hết ngoài sự trống rỗng, băng giá. Tôi nhìn nó như một sự chết mòn hay trạng thái ngủ đông. Còn Jim Carrey, diễn viên hài nổi tiếng với phim The Trueman Show, thì mô tả depressed như deep-rest – một sự nghỉ ngơi sâu.

1
Tạm dịch: “Bạn nên nghĩ từ “depressed” (trầm cảm) như là rest (nghỉ ngơi), deep rest (thư giãn sâu); cơ thể của bạn cần trầm cảm, nó cần giải tỏa khỏi vai tuồng bạn đang cố gắng diễn.”

Trầm cảm khiến người ta cảm thấy đau khổ khó khăn bởi vì khi nó diễn ra thì những hoạt động cuộc sống thường nhật của người đó bị gác lại: mất hứng thú/đam mê, mất kết nối, mất động lực,… thậm chí còn mất luôn cả trí nhớ (một phần nào đó.) Nói chung là mọi thứ đang chạy yên lành thì dừng hết lại, đình trệ, thuyên giảm, thậm chí vụt tắt. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến công việc, đến các mối quan hệ, đến tư tưởng rằng ta phải “làm” được điều gì đó, ta phải “là” ai đó, phải có thành tựu gì đó để khẳng định danh tính của chính mình. (Trong các chứng rối loạn đã trải nghiệm, tôi thấy trầm cảm là thử thách khắc nghiệt nhất.)

b/ Rối loạn lưỡng cực (Bipolar Disoder): Có thể hiểu nôm na là sáng nắng chiều mưa. Nhưng nó không phải là kiểu tâm lý đỏng đảnh như của mấy chị em lúc mới yêu. Nó là liên tiếp các cú chao liệng từ thái cực hưng phấn đến thái cực trầm cảm. Mọi thứ người đó trải nghiệm đều là các điểm cực, sự tột độ. Giống như chơi trò tàu lượn lên xuống liên tục: sáng “high” lòi kèn, tối về thì “rơi” xuống những vực thẳm không đáy; trước thì có cảm giác mình là siêu nhân có thể thay đổi cả vũ trụ, ngay sau đó thì cảm thấy mình không bằng một con gián và đáng chết hơn bao giờ hết. Khi kéo dài, sự bất ổn định của rối loạn lưỡng cực ảnh hưởng đến sức khỏe, các mối quan hệ và công việc của người đang nằm dưới trướng tung hoành của nó.

c/ Rối loạn lo âu (Anxiety Disoder): Là một trạng thái bồn chồn, căng thẳng, ức chế không rõ lý do. Bất kỳ một động thái nào trong cuộc sống cũng có thể trở nên quá sức chịu đựng và khiến người ta nghẹt thở. Thậm chí là khi ngồi yên chẳng làm gì, cuộc sống trơn tru không có vấn đề gì thì những cơn bồn chồn vẫn ập tới chẳng cần báo trước. Sự căng thẳng này gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ và khả năng lao động tư duy của người mắc phải.

Tôi không biết rằng ngoài kia người ta đã chứng minh khoa học thành công đến mức nào để khẳng định những chứng rối loạn tâm lý là một loại bệnh tật và cần được chữa chạy. Tôi chỉ chắc chắn rằng chúng là một trạng thái tâm lý mà ta có thể trải nghiệm, giống như ta ăn một trái táo căng mọng hay ăn một chén cơm thiu vậy.

Vấn đề của những người mắc các chứng rối loạn tâm lý đó là họ không tập trung vào việc ăn, mà họ tập trung vào việc phán xét món ăn. Nên thành ra, với trái táo ngon lành thì có thể mọi chuyện diễn ra êm đẹp, miễn rằng họ chắc chắn mình không phải là Bạch Tuyết, nhưng với chén cơm thiu thì họ giãy lên đành đạch, chống cự phản kháng bằng sự lo lắng, sợ hãi, hoảng loạn, thậm chí thù ghét, tấn công bạo lực với chén cơm hay với chính mình để hòng thoát khỏi cảnh phải ăn nó, thoát khỏi sự đau đớn khổ sở.

Tôi cũng đã từng phản ứng như vậy và kết quả là mọi thứ càng diễn biến tồi tệ hơn. Nó trở thành một vòng xoáy không lối thoát. Khi mọi chuyện chạm đáy của căng thẳng, bất an, tuyệt vọng, tôi đã từng có ý muốn tự tử.

Các bạn có thể ở bên ngoài và nghĩ rằng chỉ có bị ngu mới đi đến quyết định chết, hay chẳng việc gì mà phải chết cả, hay không nghĩ cho gia đình người thân sao mà dám cắt cổ tay mình, thì các bạn đã lầm. Cảm giác muốn chết ấy cực kỳ chân thật, sau này nhớ lại tôi vẫn thấy rùng mình. Nó thật tương đương với cảm giác bạn bị bỏ đói ba ngày và thèm khát thức ăn, bạn thức trắng năm đêm đến kiệt quệ và chỉ muốn rơi mình lên chiếc nệm êm ái. Cảm giác đi đến cái chết kia cũng vậy, nó là một động lực khó lòng chối từ.

2. Thiền định

Khi rơi vào những trạng thái tâm lý, sức khỏe bất thường, khó chịu thì người ta dễ dàng có xu hướng nhìn nhận nó như một loại bệnh tật, một cái gì đó cần loại trừ, chữa chạy. Đã có không ít những phương cách, thuốc men giúp “con bệnh tâm thần” đương đầu với các chứng rối loạn kia. Nhưng câu hỏi đặt ra rằng nếu chúng không phải bệnh thì sao? Nếu ta không cần phải đấu tranh với chúng thì sao?

Nếu là một vết xước ngoài da hay một cơn cảm cúm thì người ta có thể tiến hành “tác động” ngay và có thể nhìn thấy sự biến chuyển trên cơ thể sau một vài ngày. Còn với một sự xáo động tâm lý – thứ chẳng thể nhìn được bằng mắt thường, thứ chỉ được “biết” bởi chính người đang trải nghiệm nó, người ta bị bối rối hoảng sợ. Vậy thì tại sao người ta lại mong cầu một phương án chữa chạy (nếu thật sự có) đến từ bên ngoài, đến từ những người đang không trực tiếp nếm trải một chu kỳ ngủ đông hay liên tiếp những pha tàu lượn xúc cảm đầy cực đoan?

Cá nhân tôi không nhìn nhận các chứng rối loạn tâm lý kia là bệnh tật. Gọi là “rối loạn tâm lý” cho thông dụng, phổ thông, để mọi người hiểu được tôi ý đang định nói về các dạng tâm lý “khác biệt” nào đó, chứ không phải có mục đích khẳng định trầm cảm hay lưỡng cực là những sự “rối loạn.” Thế chẳng khác nào bảo mùa hè, mùa đông cũng là rối loạn; trời nắng, trời mưa cũng rối loạn; đại dương, sa mạc cũng là rối loạn nốt.

Thiền đã đưa tôi đi qua tất cả những trạng thái tâm lý kể trên, hay nói cách khác là khi tôi ở trong thiền, các biến động kia càng chuyển hóa nhanh chóng cho đến khi chạm điểm tuyệt vong. Đây là một phương cách giúp tôi tập trung vào việc ăn, thay vì phán xét món ăn; tận hưởng thay vì phản kháng.

Tất cả những gì tôi “làm” là không-làm-gì-cả: không phán xét, không tranh đấu, không suy diễn, đổ lỗi, không phản ứng. Cái gì đang diễn ra kể nguyên cho nó được diễn ra, dù những áp lực của nó lên cơ thể hay tâm trí là rất lớn. VD khi rối loạn lo âu, tôi thấy cực kỳ khó chịu bởi nhịp tim gia tăng dồn dập, hơi thở ngắt quãng và ruột gan, đầu óc quặn thắt vì căng thẳng. Hoặc khi trầm cảm tôi phải đối diện với nỗi sợ hãi mình sẽ mất việc, sẽ chết, sẽ mất hết bè bạn. Rất khó để ai đó có thể tận hưởng một ngọn lửa bỏng rát hay một trận cuồng phong.

📌 [THĐP Translation™] Sức mạnh của việc không làm gì

Nhưng khi tôi tiếp tục thiền mỗi ngày, thậm chí mỗi phút giây, đối diện với mọi điều diễn ra trong sự trung thực, thì những sóng gió kia cũng dần dần qua đi và trả lại bầu trời quang đãng như chưa từng có bất kỳ một biến động xảy ra.

3. “Ta là ai?”

Cái khó khăn lớn nhất khi thiền lúc này không nằm ở việc đối mặt với các chứng rối loạn tâm lý, mà nằm ở đối mặt với xu hướng phản ứng của chính mình để rồi buông bỏ nó. Các xu hướng hành động là thứ giúp định nghĩa danh tính (identity) của một con người. Chỉ có người chết mới không có danh tính. Và chẳng ai muốn mình chết hay cảm thấy mình chết cả. Cái chết đã được găm sâu vào đầu là một thứ đáng sợ bậc nhất.

Câu hỏi ta là ai sẽ luôn được trả lời ở trong xu hướng hành động của người đó. Những xáo động trong nội tâm hay bất kỳ sự xáo động nào của thế giới đều có thể khiến ta hùa theo nó mà phản ứng. Ví dụ khi nghe người khác chửi mình ngu, nếu nhào vào đôi co với họ, ta sẽ trở thành người A; nếu ôm gối khóc lóc vật vã, ta sẽ trở thành người B, còn nếu chỉ mỉm cười và rời đi xem meme chó mèo khác cho vui, chưa chắc ta đã trở thành người C.

Tương tự như việc ta đối phó như thế nào trong một cơn trầm cảm hay một cơn rối loạn lo âu sẽ khiến tâm trí ta có một sự định nghĩa mình là ai (có thể bản thân không ý thức được.)

Khi phản ứng, ta đã tự tạo ra một identity tạm thời/tạm bợ/giả tạm – thứ có thể bị (đe dọa) đập bỏ khi ta thay đổi sang một hướng phản ứng mới, hoặc bị ép buộc phải phản ứng theo cách khác. Cá nhân tôi gọi đây là sự “nghiện làm người” hoặc là “nghiện fap trong tâm trí.”

📌 NOFAP – Con đường đi đến Chân Thiện Mĩ

Việc đồng hóa bản thân với các chứng rối loạn tâm lý khiến một người hành động theo sự thôi thúc của chúng, họ trở thành chúng. Và những khốn khổ, căng thẳng sẽ không bao giờ kết thúc nếu như chúng không có không gian để chuyển hóa. Ở đây, chẳng còn ai đóng vai trò của không gian nữa rồi. Mọi người nhúng mình hết vào với trầm cảm rồi còn đâu.

Chỉ khi một người có được điểm nhìn tách biệt với hoàn cảnh, họ mới nhận ra được mình thật sự là ai – chân ngã. Họ trở thành bầu trời, mà bầu trời thì có bao giờ phải động lòng vì những cơn cuồng phong chứ? Người đó biết được mình là ai, khi biết mình không phải là ai.

“Kẻ biến mình thành quái vật sẽ rũ bỏ được nỗi đau làm người.” – Dr. Jonhson

4. Kết luận

Bài viết này tôi nói về trải nghiệm đi qua các chứng rối loạn tâm lý bằng thiền định, nhưng có thể mở rộng ra rằng ta có thể đi qua tất cả mọi thứ khác, mọi trạng thái nội tâm khác trong bình thản, bất kể nó dữ dội, khó chịu đến mức nào, dù ta không hề biết thiền là cái gì, thiền như thế nào. Vì vấn đề bây giờ không nằm ở hoàn cảnh nữa, nó nằm ở thái độ trước hoàn cảnh (điều tôi đã nói rất nhiều ở những bài viết trước.) Các chứng rối loạn cũng chỉ là một dạng hoàn cảnh – chỉ là nó gần “mình” hơn nên khó xác định hơn.

Những sóng gió của cuộc sống, không chỉ bên ngoài đời, mà còn bên trong nội tâm, chỉ là những cơ hội để một người rèn luyện sự can trường, điềm tĩnh và sáng suốt. Khi nhận ra được đâu là sóng gió “thật” rồi, người đó sẽ nhận ra chính mình. Và không gì có thể quật ngã được kẻ biết mình là ai.

“Khi bức màn được kéo xuống cuối vở kịch, anh hùng và nhân vật phản diện tay trong tay bước ra và khán giả vỗ tay hoan nghênh cả hai. Bởi vì họ biết rằng vai người hùng và phản diện chỉ là những cái mặt nạ.” — Alan Watts

https://www.facebook.com/TrietHocDuongPho2.0/videos/2110421639270921/


Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Ảnh minh họa: Pexels

📌 Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

📌 Aloha Volume 1 (miễn phí), Volume 2, Volume 3, Volume 4, Volume 5, Volume 6

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI