19.3 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Sống thử: Nên hay không nên?

(Bài viết là quan điểm cá nhân của tác giả, kết hợp tham khảo ý kiến từ các thành viên của Triết Học Đường Phố Club trong một cuộc thảo luận về đề tài sống thử.)

Nhắc đến chữ “sống thử”, ta có thể hiểu rằng đó sự dọn về chung sống, ăn ở cùng với nhau của các cặp yêu nhau trước khi kết hôn. Có thể, chưa chắc sau đó họ đã kết hôn, hai người có thể chia tay vì không hợp, hoặc do họ chỉ đăng ký làm “partner” giống như bên Phần Lan mà vẫn có đầy đủ quyền như vợ chồng truyền thống. Nhưng xét riêng với văn hóa Á Đông nói chung hay văn hóa Việt Nam nói riêng thì việc sống thử là một hành động đi ngược lại với thuần phong mỹ tục, chạm trán với những nguyên tắc lễ nghi về phạm trù hôn nhân, gia đình.

Cá nhân tôi đánh giá rằng định kiến “ăn cơm trước kẻng” và “trinh tiết” trong xã hội Việt Nam vẫn còn khá nặng nề. Nó ảnh hưởng, tác động đến xu hướng hành động của con người khi bước vào các mối quan hệ yêu đương. Đấy là còn chưa kể tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, “nối dõi tông đường” hay định kiến “gái hai lần đò”, “chửa hoang” cũng bồi đắp thêm những sự căng thẳng, ràng buộc, áp chế lên cả người nam và người nữ. Những nguyên tắc hay định kiến này khiến con người ta không kết nối trực tiếp được với nhau mà luôn đứng nhìn nhau qua một tấm màn của sợ hãi và âu lo khi những lời khẳng định của số đông truyền thống đã quá lớn.

Cái chết trong hồn người được khẳng định thêm một lần nữa khi họ xuôi theo những gì người đời lặp lại: “Các cụ ta đã có câu”, “Phận làm con phải biết báo hiếu”, “Chưa chồng theo cha, có chồng theo chồng, chồng chết theo con.” Để rồi, những thế hệ “măng non” trong tư tưởng sẵn sàng vứt bỏ đi tư duy phản biện của mình, vứt bỏ đi cảm xúc, ước nguyện chân thực của mình mà lắng nghe mù quáng bất kỳ lời lẽ nào được truyền đạt lại từ những thế hệ đi trước. Cuối cùng, nếu kết quả tình yêu hôn nhân không được như ý thì họ ngồi than khóc thân phận, trách cứ gia đình tổ tiên, hận Trời rủa Đất, nhảy cầu tự vẫn cho thỏa lòng đớn đau.

📌 Tam tòng tứ đức – Đạo lý dành cho phụ nữ là đạo lý ngầm dành cho đàn ông

Chết rồi thì đã hết phim, nhưng khi còn sống mà đang yêu thì những bất an ngập tràn bên trong lòng khiến một người chẳng thể bung tỏa tâm hồn mình một cách trọn vẹn được. Tình yêu của họ bị bóp méo, vẩn đục bởi những lo âu, bởi những toan tính làm tròn bổn phận, bởi những run rẩy khi mang “nghĩa vụ” phải đi đúng lề lối gia phong. Họ trở thành những em bé luôn ở trạng thái căng thẳng cao độ khi buộc phải tô màu ở bên trong đường viền của một bức tranh con kiến.

Yêu nhau thì đến sống gần nhau, tôi chỉ nghĩ đơn giản vậy thôi, cưới nhau cũng chỉ là một cách về gần gụi hơn (dưới sự cho phép của pháp luật.) Mà sống ở đâu, với ai thì mình vẫn là người có trách nhiệm với cuộc sống của mình, với sự an vui của mình. Chất lượng đời sống tinh thần – hay tôi gọi là hạnh phúc nội tại của mỗi người, không ai có thể tác động vào được, ngoại trừ chính người đó. Nếu các mối quan hệ của con người không có mục tiêu cao nhất là “hạnh phúc” thì nó còn có thể được tạo ra để làm gì? Vậy thì tại sao ta phải cần những lễ nghi, ràng buộc, phép tắc để đảm bảo cho điều hạnh phúc ấy được vẹn toàn? Thái độ sống của mỗi người, quyết định cuộc sống của mỗi người chẳng phụ thuộc gì vào những ý kiến của người khác cả. Pháp luật hay thánh thần nào cũng chẳng thể bảo hộ cho đời sống nội tâm của một con người.

Giả chăng nếu có cưới xin, tôi cho đó chỉ là một sự chúc mừng cho tình yêu lứa đôi được viên mãn, là sự khẳng định cam kết thân mật của hai con người. Nó chỉ là một nghi lễ, có cũng được, không có cũng không vấn đề gì. Và nếu tình yêu kia là thật, thì nó chẳng cần sự chúc mừng hay khẳng định, nó vẫn luôn là thật và hiện diện trường tồn. Tất nhiên, tôi nói thế không có ý bảo cưới xin là chuyện nhảm nhí, cần dẹp bỏ. Cưới xin có nét xinh đẹp, lãng mạn và đầm ấm của nó. Nhưng chỉ khi nó xuất phát từ niềm vui và tình yêu của những người trong cuộc đang muốn lan tỏa ra với mọi người.

Trong cuộc sống, tất nhiên ta vẫn cần những luật lệ, phép tắc để mọi thứ được vận hành có trật tự, mang lại sự an toàn cần thiết cho con người. Ví dụ như chúng ta cần tôn trọng luật giao thông chẳng hạn. Hà Nội có đèn xanh đèn đỏ, có các chú công an vui tính đứng chặn chốt mà vẫn còn xảy ra loạn lối, ách tắc, tai nạn rồi. Bây giờ thủ đô yêu dấu bắt chước theo Đà Lạt “không đèn” thì có lẽ buổi sáng tôi bước chân đi làm, buổi tối mới đến được cơ quan, và lúc nào cũng phải chắc chắn cái bỉm của mình không bị vẹo lệch trên đoạn đường chen lấn.

Nhưng nếu luật tắc sinh ra là để “kiểm soát” và đè nén xúc cảm, tâm tư, nguyện vọng, chính kiến của con người, thì chúng chính là những chắn song tù cần bị từ chối. Việc một người có thể nhận ra những rào cản xã hội hay rào cản tâm lý đó phụ thuộc vào trí tuệ của họ. Còn việc họ có đi ra khỏi những ràng buộc ấy không thì phụ thuộc vào khối lượng sự can đảm. Vì không phải ai cũng có tiếng nói đủ lớn để át đi những định kiến khổng lồ đã ăn sâu thấm đẫm vào từng khối óc của con người Việt từ suốt bao đời nay. Terence McKenna có câu:

“Culture is not your friend.” (Tạm dịch: Văn hóa không phải là bạn của các em.)

Có thể trong tận sâu cõi lòng, ta biết những phép tắc, quy luật, ý kiến (từ chối, lên án việc sống thử) đó không còn phù hợp, không còn thúc đẩy sự phát triển tự do của con người trong thời đại hiện nay, nhưng vì sợ hãi sự phản bác của dư luận và vì quán tính của thói quen cũ quá mạnh nên ta chẳng đủ lực để lèo lái chính mình hay con cái của mình đến bến bờ hạnh phúc. Tất nhiên, chúng ta cũng chẳng thể trách ai được ngoại trừ chính mình vì tất cả những sự lựa chọn luôn phơi bày ở đó. Người ta có thể chọn ở nguyên trong lồng tù, hoặc có thể chọn không có cái tù nào cả.

Có người nói rằng nếu không có những nguyên tắc như vậy trong tình yêu và hôn nhân thì xã hội này cũng sớm loạn: Gặp nhau là chịch, yêu cưới trăm chục người, gái trai già trẻ lớn bé sống vô trách nhiệm, đàn điếm, trác táng, thác loạn. Nếu các bạn cũng nghĩ vậy thì tôi cho rằng bạn đã nhầm, nhầm to là đằng khác.

Tự do không bao giờ đi cùng với những tệ nạn, chúng là hai thứ không cùng tần số, không đội trời chung. Một người có được sự thoải mái trong tâm hồn, tư tưởng thì những gì lớn lên bên trong họ là niềm vui, sự an toàn, yên bình và sức mạnh. Chỉ có những khổ sở dưới ách kìm kẹp hay sự bức bách muốn vùng vẫy thoát ra khỏi những bó khuôn của xã hội mới khiến một người trở nên bất cần, nổi loạn và tha hóa. Sự “kiểm soát” luôn dẫn đến những nỗi đau, bởi kiểm soát đã là một nỗi đau.

📌 [Exclusive] Thí nghiệm Công Viên Chuột đã chứng minh tất cả những gì bạn biết về nghiện ma túy đều sai

Việc dọn về sống chung với nhau tôi cho rằng là điều hết sức bình thường và nên làm, dù sau này hai người có cưới hay không cưới. Trước hết là để sự tương tác gần gũi giúp thấu hiểu lẫn nhau hơn, và nếu có dẫn tới hôn nhân thì không bỡ ngỡ khi về cùng một nhà, tránh trường hợp yêu đương thắm thiết nhưng khi đeo nhẫn cưới được mười lăm ngày thì dắt nhau ra tòa ly dị vì shock khi chứng kiến con người trần trụi thối tha của nhau.

Việc sống thử cũng là để những người đang yêu học cách chung sống, nó giúp họ trưởng thành hơn rất nhiều so với việc chỉ qua lại gặp gỡ đôi lần trong tuần, hay dẫn nhau đi ăn đi chơi tặng quà vài dịp lễ tết, nhắn tin chat chit dăm ba điều vu vơ. Ở gần nhau, hai người yêu nhau mới có được sức mạnh, trách nhiệm cùng nhau giải quyết những bất đồng tranh cãi, mới thấu hiểu được cái thân mật đích thực, cái lãng mạn trần trụi đơn sơ từ những điều tưởng chừng như vụn vặt bé nhỏ trong đời sống thường ngày.

Họ yêu nhau hơn bởi những lần nhìn nhau nướng cái bánh mì cháy khét, nhìn nhau cho chó đi tè bị nước đái của con cẩu bắn cả vào chân, nhìn nhau nhảy dãi lên gối khi đang nằm say ngủ, nhìn nhau đầu óc rối bời khi vừa thức dậy, nhìn nhau kêu la vì toilet ba ngày mãi chẳng thông, nhìn nhau đánh rắm ở trong chăn. À không, phải là ngửi rắm của nhau mới đúng. Và chao ôi, nó phê!

Những điều bình dị và hết sức bé nhỏ, chi tiết đó mới là thứ khiến người ta thương mến và khắc ghi nhau, khiến người ta nhận ra nhau. Với tôi, yêu thì nên như vậy, và yêu là như vậy.

📌 [THĐP Translation] Tình yêu xịn thì “tẻ nhạt” – Tình yêu rởm thì thất thường

Tất nhiên, việc về sống chung với nhau cũng đòi hỏi nhiều điều kiện khác nữa để đảm bảo sự trôi chảy cho mối quan hệ như điều kiện kinh tế, khả năng tự lập của mỗi người, sự tương đồng nhận thức. Nhưng tôi cho rằng đó chỉ là các yếu tố phụ, có thể cải thiện xoay xở được trong quá trình. Còn điều quan trọng nhất quyết định tất cả là sự kết nối gắn bó của hai người đó với nhau – tình yêu. Nếu nó đủ mạnh thì những chuyện khác không phải là vấn đề.

“Sợ hãi là ngục tù. Tình Yêu là lối thoát.” – Khuyết danh

Chúc các bạn có được những góc nhìn và quyết định sáng suốt trong cuộc sống. Chào thân ái.


Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Ảnh minh họa: Pexels

📌 Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

📌 Aloha Volume 1 (miễn phí), Volume 2, Volume 3, Volume 4, Volume 5, Volume 6

📌 Nhà tài trợ: Đông Hưng Group

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

4 BÌNH LUẬN

  1. Con tên Phương, đạo Công Giáo, năm nay 24 tuổi.
    Con có vài ý kiến sau và con cũng xin nêu rõ quan điểm của mình là “Không nên sống thử trước hôn nhân”
    Xét về mặt khoa học thần kinh, tâm lý và tiến hóa
    Hai hormone tiêu biểu trong quá trình yêu nhau là oxytocin và testosterone, cả 2 giới tính đều có 2 loại hormone này nhưng khác nhau về lượng.
    Giới nữ : oxytocin ( hormone gắn kết) nhiều hơn, testosterone ít hơn
    Giới nam : testosterone nhiều hơn, oxytocin ít hơn nhiều
    Về mặt tiến hóa : giới nam, là giới đi chinh phục. Từ thời tiền sử, họ là người ra ngoài săn thú, hái lượm, leo trèo và mang thức ăn về cho gia đình. Giới nữ là giới bị động, đón nhận những sự chinh phục, đón nhận thức ăn mà người đàn ông mang về. Liên hệ đến việc hẹn hò, khi bắt đầu cuộc chinh phục người nữ, như đi săn mồi, testosterone hoạt động rất mạnh mẽ cho tới khi người đàn ông bắt được người phụ nữ, hay nói rõ ra là quan hệ tình dục đươc với người phụ nữ thì hormone chinh phục này sẽ giảm đi cách đáng kể và anh ta sẽ dừng chinh phục cô gái. Nếu trước đó anh ta dùng đủ mọi cách để chinh phục cô gái như đầu tư quà cáp, đưa rước, quan tâm lo lắng vân vân thì những việc này sẽ dừng lại vì rõ ràng là chẳng còn lí do gì để làm như vậy cả.
    Đối với người nữ, sau khi quan hệ tình dục, hay chỉ là những cử chỉ sexual thân mật thôi thì Hormone oxytocin sẽ làm cô gái có cảm giác gắn kết với người nam này và không thể dứt bỏ. Vì vậy mới có nguyên nhân của việc ăn quen nhịn không quen. Một lần sẽ có lần 2, lần 3 và lần thứ mấy trăm. Và đôi khi việc quan hệ tình dục sẽ do người nữ chủ động mời gọi người nam. Chưa kể đến việc hormone này sẽ làm cho người nữ trở thành luật sư bào chữa rất giỏi cho người đàn ông nếu anh ta có xúc phạm cô bằng lời nói hay thậm chí đánh cô.Và mối quan hệ đó có thể nói là sẽ kéo dài rất lâu, không thấy đám cưới. Sau đó, vì mình đã gắn kết và trao đi tất cả cho người đàn ông nhưng lại nhận lấy sự lãnh đạm, thờ ơ của người đàn ông lí do như đã nói ở trên, cô ấy sẽ luôn kiểm soát người đàn ông, cau có, la hét, bực bội, ghen tuông, hành xử không đúng mực, khóc lóc, van xin, quì laky vân vân…. Và sự cãi vã diễn ra trong suốt những ngày tháng tiếp theo. Như vậy không thể nào là tình yêu được, vì họ đã không nhịn nhục, họ đã ghen tị, họ đang kiếm tư lợi vì người đàn ông đang “sử dụng” thân xác người phụ nữ, họ luôn nghi ngờ người khác ngoại tình, họ đã không chịu đựng nổi sự cám dỗ xác thịt và vân vân ….
    Nhiều người sẽ phản bác lại, nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đã lấy nhau. Xin hỏi là các anh/chị có thật sự hạnh phúc không? Một đám cưới bị thuyết quán tính thúc đẩy do sống chung với nhau nhiều năm trời đã quá quen thuộc, không cưới người này thì cười ai nữa bây giờ, một đám cưới do người nữ thúc đẩy, đòi hỏi người đàn ông phải cưới mình vì gia đình 2 bên quá biết nhau, chứ không phải vì quá yêu tiết độ, đức hạnh của nhau nên mới tiến tới hôn nhân.
    Vì vậy, việc quan hệ tình dục chỉ thích hợp cho hôn nhân mà thôi. Thực tế đã chứng minh, tỉ lệ li hôn của Mỹ là 50%, của Châu Âu là 60 -70%. Việt Nam đang trên đà tiến tới 50% vì lối sống thử này hoặc lối sống quan hệ tình dục trước hôn nhân.
    Những gì con được lĩnh hội ngày hôm nay là do Chúa soi sáng cho con và do chị Thư của kênh youtube Bupbeinc đã dạy con. Con chỉ có 1 mong muốn là các cặp sắp tiến tới hôn nhân sẽ sống đúng với đức hạnh của mình, cả nam lẫn nữ để không phải có những gia đình tan vỡ nữa. Rất đau khổ cho tất cả mọi người. Thiên Chúa của chúng ta không mong muốn điều này.

  2. Wow,

    Theo NN thì bài viết này sẽ khiến tác giả thất vọng một chút vì sẽ không có được đủ số lượng gạch đá để xây villa nếu như đó là dự tính của tác giả mà ngược lại sẽ là tràn ngập những những tim và nút share vì bài viết nói lên hộ được biết bao nỗi lòng của đa số giới trẻ hiện nay. Hơn nữa một bài viết đậm vị darama ngôn tình, nếu muốn còn có thể chuyển thể thành phim như này là điều mà các bạn trẻ đang cần trong một xã hội chả thiếu gì ngoài muối như bây giờ, cho nên không thả tim thì hơi phí. =))

    Sống thử ngày nay không phải là một điều mới lạ. Có người bảo: “Sống thử là đâm đầu vào chỗ chết đấy!” Vớ vẩn! Chết làm sao được, nếu chết thì làm gì có ai đủ bản lĩnh mà sống thử. Sống thử nó có cái hay riêng của nó, vậy nên người người sống thử, nhà nhà sống thử thậm chí sống thử trở thành một hot trend và nó khiến cho những người chưa có điều kiện sống thử trở nên lạc hậu, không nắm bắt kịp xu thế hiện đại.

    Đấy là một chút cảm nhận cá nhân của NN khi đọc bài viết này thôi. Còn mọi quan điểm trong bài viết thì rất rõ ràng rồi không có gì phải bàn cãi. Điều mà NN muốn đề cập nhẹ đến ở đây đó chính là tình yêu trong hôn nhân.

    Rất nhiều quan điểm cho rằng trong hôn nhân chỉ cần tình yêu là đủ mọi thứ còn lại chỉ là phụ. Ok. Điều này không sai nhưng vấn đề là nếu chúng ta sống với nhau bằng tình yêu thiên nhiên của con người, đó cũng là một loại tình yêu nhưng là một tình yêu bị giới hạn, méo mó, biến dạng không hoàn hảo, mà đôi khi tình yêu ấy chỉ đơn giản là một thứ cảm xúc tạm thời. Thì đến một ngày đẹp trời nào đó khi mối quan hệ hôn nhân gãy đổ người ta thường đổ lỗi cho tình yêu, do tình yêu không đủ lớn, do đã hết yêu… Do đó nếu mối quan hệ hôn nhân của ai đó đang được duy trì bởi loại tình yêu thiên nhiên này muốn nó đi được xa hơn thì thường phải kèm theo trách nhiệm. Tức là hết yêu rồi thì vẫn phải cố vì đó là trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với nhau. Tuy nhiên NN cũng không khẳng định độ bền vững của mối quan hệ này đâu.

    Nhưng nếu chúng ta có được tình yêu thiên thượng trong các mối quan hệ không chỉ giới hạn trong mối quan hệ hôn nhân thì đó hoàn toàn là một câu chuyện khác. Tình yêu thiên thượng là đời sống bày tỏ được tình yêu thật sự bằng việc làm: “Tình yêu-thương hay nhịn-nhục; tình yêu-thương hay nhân-từ; tình yêu-thương chẳng ghen-tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu-ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư-lợi, chẳng nóng-giận, chẳng nghi-ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công-bình, nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu-thương hay dung-thứ mọi sự, tin mọi sự, trông-cậy mọi sự, nín-chịu mọi sự. Tình yêu-thương chẳng hề hư-mất bao giờ.” Paul

    Dù có muốn thừa nhận hay không thì mỗi chúng ta đang sống và tồn tại bởi những nguyên tắc nhất định, cho dù là tự do thì tự do cũng có nguyên tắc của tự do. Tuy nhiên không phải nguyên tắc nào cũng đúng đắn và cần thiết vì vậy đòi hỏi ai nấy phải là người có trí tuệ để nhận biết và phân biệt những nguyên tắc. Những tiêu chuẩn và chuẩn mực được hình thành dựa trên các nguyên tắc. Những tiêu chuẩn và chuẩn mực mà bạn sống sẽ nói lên đẳng cấp của bạn, bạn xứng đáng với những gì bạn là.

    Trong mối quan hệ hôn nhân nó cũng có những nguyên tắc, tiêu chuẩn và chuẩn mực nhất định.

    P/s: Just for whatever

    NN’s boyfriend:
    – Honey! Hay mình dọn về sống chung một thời gian với nhau để chúng ta có thể tìm hiểu về nhau, hòa hợp, hoàn thiện nhau… sau đó chúng ta sẽ làm đám cưới nếu mọi thứ ổn. Bla bla…
    – No!
    – Why not?
    – I don’t have fucking free time for holy shit things.
    – It’s over
    – Ok.

    Tèo teo teo teo…tèo téo tèo teo…
    (Một thứ âm nhạc của tang lễ)

    <3 Mém chút quên, chỉ là một chút ý kiến với mục đích tương tác thôi, nên tác giả và bạn đọc cứ gọi là hết sức bình tĩnh và iu thưn NN nhé. :*

    • “Tình yêu-thương hay nhịn-nhục; tình yêu-thương hay nhân-từ; tình yêu-thương chẳng ghen-tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu-ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư-lợi, chẳng nóng-giận, chẳng nghi-ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công-bình, nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu-thương hay dung-thứ mọi sự, tin mọi sự, trông-cậy mọi sự, nín-chịu mọi sự. Tình yêu-thương chẳng hề hư-mất bao giờ.” Paul

      Đây là thứ tình yêu mà bài viết đang muốn nói tới. Thanks NN. ❤

Trả lời La Van Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI