15.8 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Hai Phượng – Chất Hollywood thấm vào phim Việt

thđp review

Trước khi đi xem Hai Phượng, tôi cũng đã có chú ý đến bộ phim khi bắt gặp hàng loạt meme chị Phượng tát một con nợ bay mặt, hay chị hỏi “Con tao đâu?” kèm theo sau là cả đống người trả lời kiểu troll. Bình thường tôi không có hứng thú với phim Việt Nam, nhưng vì chưa từng xem phim nào của Ngô Thanh Vân (chưa kể Hai Phượng là phim hành động Việt hiếm hoi được công chiếu ở Mỹ) nên tôi quyết định tới rạp trải nghiệm cho biết. Chỉ là cho biết thôi chứ tôi không có ý tưởng “Người Việt ủng hộ hàng Việt” như hồi trước. Nhớ khi xưa tôi đã quyết định đi xem Tháng năm rực rỡ để rồi ra về với cảm giác hụt hẫng, chán ngán.

Nhưng lần này, với Hai Phượng thì tôi không hề cảm thấy thất vọng vì tôi không có kỳ vọng gì về bộ phim này. Trái lại, tôi có được sự thích thú cần thiết. Cá nhân tôi đánh giá đây là một sản phẩm có chất lượng cao ở Việt Nam, thể hiện sự nỗ lực và dũng cảm rất lớn của những người thực hiện. Vì phim hành động không phải là một thể loại dễ xử lý. Hoặc phải làm thật “chất” hoặc là đừng làm, không có ngưỡng làng nhàng ở giữa. Đánh đấm vớ vẩn thì người ta gọi là phim đánh lộn chứ không phải hành động nữa rồi.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về phim Hai Phượng nằm ở các màn giao đấu quyết liệt, sắc nét với tốc độ cao, chứng tỏ một sự đầu tư rất công phu vào khâu võ thuật. Dù chẳng biết mô tê gì về võ vẽ nhưng nhìn người ta tung một cú đá hay giáng một đòn cùi chỏ dứt khoát thôi là cũng thấy một trời sức mạnh rồi. Với khán giả như tôi, Vovinam hay Karate gì không cần biết, chỉ biết là anh có đánh trúng, đánh đẹp mắt không thôi. Đặc biệt là “thần thái” được thể hiện lúc đó phải thật ăn khớp mới được. Và điều này thì những diễn viên trong phim Hai Phượng đều thể hiện rất tốt. Tôi không nhớ là mình có thấy sự giả tạo hay kệch cỡm nào về xúc cảm trên màn ảnh.

Về nội dung thì mọi người xem trailer chắc cũng đã biết, bộ phim kể về người mẹ tìm cách giải cứu con gái nhỏ khỏi một đường dây buôn bán trẻ em. Bên cạnh những pha hành động đẹp mắt, Hai Phượng cũng để lại trong tôi một ấn tượng mạnh về tình mẫu tử. Ở đây, cách một người mẹ thương con đã được thể hiện ở một sắc thái khác dữ dội, quyết liệt hơn khi đặt trong một bối cảnh khác với đại đa số. Hai Phượng cũng tần tảo nuôi con như bao người làm mẹ, nhưng chỉ khác là chị còn mang đầy mình võ nghệ và sẵn sàng “tẩn” kẻ nào động đến con mình cho nhũn ra như tảo mới thôi. Hai Phượng không chỉ có nét nữ tính thuần túy của người mẹ, mà còn có cả tính nam đầy cương quyết của một người cha. Điều này rất phù hợp với hoàn cảnh của bộ phim – hai mẹ con sống nương tựa lẫn nhau.

Có thể nói, đây chính là một yếu tố tạo nên sức hút và sự khác biệt cho phim Hai Phượng, không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên thế giới. Nói đùa chút, nhìn cảnh một bà mẹ sục sạo đến tận hang ổ của những kẻ lưu manh và quẩy tung nóc nhà chúng lên để tìm con khiến tôi lại nhớ đến chuyện Tôn Ngộ Không đập tan tành mấy cái động yêu tinh để giải cứu sư phụ. Ở đây, bộ phim Hai Phượng không chỉ thể hiện được tình mẫu tử dạt dào (nhiều đoạn xúc động rớt nước mắt), mà còn làm sống dậy chất phiêu lưu mạo hiểm khiến người xem kinh ngạc thích thú không rời mắt khỏi màn hình. Chưa vội so sánh với phim Mỹ, tôi thấy rằng phim Việt làm được như thế này là một sự thành công lớn, xứng đáng được tán thưởng, cổ vũ.

Các lời thoại trong phim cũng được đầu tư, mang chiều sâu, tính triết lý. Có một câu nói tôi thấy ấn tượng nhất là:

“Sợ hãi chỉ là cảm giác, thằng ngoài kia mới là thật.”

Tuy nhiên, nếu đặt Hai Phượng lên bàn cân chung với tất cả những phim khác trên thế giới thì tôi thấy nó mới chỉ ở mức trung bình khá – 7 điểm.

  1. Cốt truyện mỏng: Nội dung có đan xen câu chuyện của mẹ con và quá khứ của Hai Phượng nhưng hai phần này không sắc nét (chỉ làm phụ trợ) nên tính ra phim chỉ có một lớp truyện là giải cứu con. Trong khi tôi đánh giá một bộ phim có chiều sâu thì tối thiểu phải có từ 3 lớp trở lên – 3 diễn biến song song.
  2. Nhiều chi tiết phi lý: Bắt cóc trẻ con quá lộ liễu để đứa bé giãy đạp chán chê rồi mới cho thuốc mê, con đứng ở trên xuồng không có ai giữ vì kẻ đó đang mải đánh nhau với mẹ Phượng mà chẳng biết nhảy thoát thân xuống nước, đoàn tàu chở hàng với vận tốc tối thiểu 40-50km/h mà đi 1km trong mấy phút không tới nơi, v.v…
  3. Nhân vật thừa, lẻ truyện: Tôi đánh giá nhân vật anh trai Hai Phượng và người phụ trợ cho viên cảnh sát là các nhân vật thừa. Có thể biến cảnh nói chuyện với anh trai trực tiếp thành cảnh đã diễn ra trong quá khứ (hồi tưởng) và viên phụ tá kia thì bỏ hẳn đi cũng không ảnh hưởng đến nội dung. Ngoài ra, một vài chi tiết tấu hài không cần thiết, mất thời gian, làm giảm độ “ngầu” của phim.
  4. Tình huống đơn giản: Tôi không bị bất ngờ bởi cách xử lý tháo nút của phim vì số lượng nhân vật và các biến cố rất hữu hạn nên dễ đoán được ý đồ hay số phận của các nhân vật. Điều duy nhất làm tôi bất ngờ là các màn võ thuật chất lượng cao.

Tóm lại, nói gì thì nói, cá nhân tôi vẫn cho rằng Hai Phượng dù có mang ít nhiều sắc màu Hollywood, thì vẫn là một tác phẩm điện ảnh cá tính và đầy nội lực – đúng như tinh thần của nhân vật chính. Thiết nghĩ rằng ai chưa xem thì cũng nên tới rạp thưởng thức vì không phải lúc nào ở Việt Nam cũng có phim hành động. Nếu chấm điểm ở lãnh thổ phim Việt thì tôi đánh giá Hai Phượng 9/10.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Ảnh minh họa: elle.vn
spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI