29 C
Nha Trang
Thứ Sáu, 26 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Thích nghi hay gánh chịu đau khổ?

Khoảng hai năm trở lại đây, tôi có tập yoga. Bộ môn này có những động tác, tư thế rất khó thực hiện. Nó thách thức giới hạn của cơ thể và khiến người ta có thể bị đau khi luyện tập. Nhưng để đạt được những tư thế khó ấy ở mức độ tối đa, ta không thể gồng ép mình tới đó được. Vì càng gồng thì cơ thể càng căng thẳng đau đớn, thậm chí nó có thể bị chấn thương. Sau nhiều lần để ý, tôi nhận ra rằng tất cả những gì mình cần làm là thả lỏng để cơ thể tự đi vào tư thế ấy. Bằng cách này, mình không những không hề hấn gì, mà còn đạt được thành tựu dễ dàng. Tôi vẫn thường gọi yoga là một bộ môn của sự thích nghi là vì vậy. Nói về sự thích nghi, Charles Darwin đã từng có một phát biểu rằng:

“It is not the strongest of the species that survives, not the most intelligent that survives. It is the one that is the most adaptable to change.”

(Tạm dịch: Không phải loài khỏe mạnh nhất hay thông minh nhất sẽ sống sót, mà là loài thích ứng cao nhất với sự thay đổi.)

Cuộc sống này là gì nếu không phải là sự biến đổi? Ngay từ khi sinh ra, vạn vật đã nằm trong dòng chảy đó và luôn chực chuyển hóa từ dạng này thành dạng khác. Hoa nở rồi tàn, sương đọng rồi tan, ngày chạy về phía đêm, đêm lại tìm đến ngày. Nên không có gì tồn tại vĩnh viễn trong sự thay đổi ngoại trừ chính sự thay đổi. Sớm muộn thì chúng ta cũng nằm dưới ba tấc đất, thân xác cũng tiêu tan thành cát bụi, nhưng sống thế nào cho hạnh phúc ở giữa thế giới luôn chuyển động không ngừng này mới là vấn đề cần quan tâm.

Vậy làm sao ta có thể vui vẻ trong sự đổi thay vẫn diễn ra liên tục? Câu trả lời là nâng cao sự linh động của mình. Nếu chỉ thích trẻ đẹp thì khi nhìn ngắm mình già cỗi nhăn nheo sẽ thấy chán ghét, nếu chỉ ưa sự mát mẻ thì chẳng có nổi bình yên giữa những ngày hè oi bức. Tất nhiên, sự linh động không phải là thứ quả tiên tự nhiên rơi từ trên trời xuống, ta chỉ việc ngửa tay ra hứng và tích dần vào kho chứa. Nó luôn đi cùng với một cái giá chính là những nỗi đau. Vì sự thay đổi có khả năng làm những giới hạn của ta bị sứt mẻ, tan vỡ. Nếu không đón chào thay đổi, một người sẽ đi cùng những mảnh vụn tan nát của mình và chẳng học được điều gì về sự linh động cả.

Qua những quan sát, tôi thấy rằng những nỗi đau của con người là dấu hiệu của sự thích nghi đang cần được diễn ra. Nó là một điều tốt cần được hoan nghênh thay vì phản kháng. Khi quá trình biến đổi hoàn tất, cơn đau cũng tự động lắng dịu, chúng ta sẽ trở thành một phiên bản mới dẻo dai và mạnh mẽ hơn trước khi cú va chạm bắt đầu. Trong phim Split có một câu nói rất hay về chủ đề này:

“The broken are the more revolved.” – The Beast

(Tạm dịch: Những kẻ tổn thương là những kẻ tiến hóa hơn.)

Hay một câu nói khác của đại thi hào Rumi:

“The wound is the place where the light enters you.”

(Tạm dịch: Vết thương là nơi vệt sáng đi vào.)

Trước kia mỗi khi gặp đau đớn trong tâm hồn hay thể xác, tôi thường chống cự lại những ồn ào đó bằng cách lảng tránh, đàn áp, chữa chạy – làm một việc gì đó khác để quên đi hay gồng mình lên để chịu đựng. Nhưng từ khi hiểu ra rằng cơn đau là tấm áo choàng của vị thầy thuốc, tôi mới bắt đầu biết kiên nhẫn ngồi lại và để mọi chuyện tự do lên tiếng. Và quả nhiên, những gánh nặng hay khối nhức nhối dần tan biến, để lộ ra một khoảng không gian thoáng đãng, trong trẻo, như trước khi chúng xuất hiện. Ở đó luôn có một lối đi cho sự chuyển hóa, chỉ là ta có để cho chúng làm việc của chính mình hay không mà thôi.

Tôi tin rằng con người hay các loài động vật khác đều mang trong mình một bản năng thích nghi với những biến đổi của môi trường. Vấn đề là nó nằm ở mức độ nào. Về mặt tinh thần, chúng ta có thể chủ động thực hiện được sự thích nghi ấy – đó chính là việc tự thay đổi/lựa chọn những góc nhìn của bản thân về thế giới. Ví dụ, trong cùng một hoàn cảnh “Chẳng ai quan tâm đến tôi hết”, ta có thể cảm thấy tủi thân, ngồi quay mặt vào tường khóc tu tu; hoặc ta cũng có thể cảm thấy sung sướng, bắt tay vào thực hiện bất kỳ thứ gì mình muốn mà chẳng còn e ngại dư luận. Sự thích nghi ấy hoàn toàn nằm ở thái độ. Điều này cũng giống như ý tưởng trong câu nói của Bob Marley:

“Some people feel the rain. Others just get wet.”

(Tạm dịch: Vài người cảm nhận cơn mưa. Số còn lại thì chỉ bị ướt.)

Và để tồn tại được dưới cơn mưa cuộc đời, hoặc là ta khiêm nhường, hoặc là ta hài lòng. Đây là hai phẩm chất khiến một người có thể đón nhận hoàn cảnh ở mức tối đa. Chúng ta sống sót hay bị hủy hoại tùy thuộc vào việc bản thân cộng tác hay chống cự lại tự nhiên. Người nào không biết nhún mình thì tối ngày bị đời cho ăn vả, không biết vừa ý thì tháng năm nằm trên đống lửa sục sôi. Trong cuộc chơi, khi cái gậy hạ xuống thấp thì mình cũng phải uốn người thấp hơn để chui qua, nếu không thì va đầu vào thành gậy.

Tất nhiên, ở đây chúng ta cũng cần phân biệt giữa thích nghi và ba phải. Cả hai đều ám chỉ sự thay đổi, nhưng thích nghi là sự hòa nhập, ba phải là sự hòa tan. Ví như trong trường hợp đối diện với 15 người hàng xóm cùng lúc xúm vào với đống phân bò trên tay và nhiệt tình mời: “ăn cái này ngon lắm”, người ba phải chẳng nghĩ ngợi gì mà bốc lấy chúng bỏ vào mồm, còn người thích nghi thì nói “cảm ơn, tôi đã cai món này lâu rồi.”

Đùa chút cho vui thôi, chứ tôi tin rằng các bạn thừa hiểu được thích nghi là như thế nào phải không.

Tóm lại, sinh ra trong đời, ta chỉ có hai sự lựa chọn, thích ứng với hoàn cảnh hoặc gánh chịu đau khổ. Ta chẳng khác gì một kẻ được buộc vào cỗ xe ngựa đang chạy, hoặc là đi cùng nó, hoặc là ngồi ì ra để mặc nó kéo lê. Và tốt hơn cả, đừng mong cỗ xe dừng lại hay băng qua những đoạn đường làm bằng nhung lụa, mà hãy mong mình đủ mềm dẻo với mọi loại đá sỏi gập ghềnh. Về cơ bản, đời cũng là một chuỗi bất tận những động tác yoga.


Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Ảnh minh họa: adamtepl

🌲 Tạp chí Aloha đang có đợt khuyến mãi giảm giá 40% OFF, mua ngay trước khi hết hạn: https://www.facebook.com/TrietHocDuongPho2.0/posts/2316686071898403

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

 

spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,560Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI