21.2 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Review] Trải nghiệm thiền nổi với bể cô lập giác quan (float tank)

thđp review

Đối với những ai thực hành thiền, có rất nhiều công cụ có thể hỗ trợ nằm nâng cao sự tập trung, ví dụ: nghe nhạc, trì chú, cầu nguyện, thậm chí sử dụng chất thức thần. Nhưng hôm nay, tôi muốn giới thiệu đến các bạn một công cụ mới xuất hiện tại Việt Nam khoảng hai năm trở lại đây đó là buồng cách ly giác quan – float tank.

Float tank là cái gì? Nó là một bể nước muối siêu đặc, bạn có thể nổi lềnh bềnh ở trên đó mà không lo chết đuối. Nhiệt độ nước và không khí được điều hòa bằng nhiệt độ da. Không có âm thanh hay ánh sáng ở đó. Vậy là khi nằm bên trong bể, các giác quan của bạn sẽ được cô lập hoàn toàn. Bạn sẽ không nghe thấy gì, không nhìn thấy gì, không có cảm giác nhiệt độ môi trường, không cảm thấy trọng lực. Việc này nhằm giảm thiểu tối đa các thông tin xung quanh mà cơ thể đón nhận và xử lý, nên giúp cơ thể và tâm trí được nghỉ ngơi, thư giãn sâu. Đây là tiền đề giúp một người có thể tập trung và quan sát xu hướng vận động của tâm trí hơn so với tự thiền ở nhà – nơi sự không đồng nhất của môi trường không được kiểm soát dễ khiến bạn hao tán sự chú ý.

Tôi có ba buổi sáng liên tiếp thực hành thiền trong bể Float, hai buổi đầu tiên kéo dài 90 phút, buổi cuối cùng kéo dài 3 tiếng. (Riêng ở buổi thứ 2, vì bụng dạ có vấn đề nên tôi ra khỏi bể khi mới được nửa thời gian.) Bình thường ở nhà, trong hơn 2 năm trở lại đây, tôi có thói quen ngồi thiền mỗi ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ, mỗi lần tối thiểu 30 phút. Lần thiền lâu nhất là hơn 1 tiếng. Nhưng sau buổi nằm liên tục trong bể Float 3 tiếng đồng hồ không hề nhúc nhích thì tôi mới nhận ra được khả năng hỗ trợ vượt trội của buồng cô lập giác quan đối với sự tập trung.

Một số yếu tố của bể mà tôi đánh giá rất cao, đó là:

1. Khả năng làm mất ảnh hưởng của trọng lực

Bên cạnh việc ngắt sự nhiễu động (vật lý) là âm thanh, ánh sáng hay nhiệt độ thì tôi cho rằng việc làm suy yếu ảnh hưởng của trọng lực là điều quan trọng nhất khiến Float thực sự là Float. Trọng lực là thứ có thể gây tê mỏi, đau đớn cho cơ thể nếu tôi ngồi thiền trong thời gian dài. Dù ý chí của mình có thể duy trì được tiếp tục nhưng giới hạn cơ thể lại không cho phép. Nên việc thiền có thể không đạt được độ cộng hưởng tập trung khi thời gian ngồi không đủ lớn. Giống như mỏ vàng nằm ở độ sâu 30m, nhưng mình chỉ có thể đào được tới 15m là kiệt sức vậy.

Với việc nằm trong bể Float, những giới hạn của cơ thể được loại bỏ dễ dàng và tiềm năng của ý chí được triển khai tối đa.

2. Khả năng làm mất cảm giác về thời gian và không gian

Khi cảm giác về sự biến đổi âm thanh, ánh sáng, nhiệt độ, trọng lực không còn thì việc định hình thực tại sẽ không còn tuyến tính. Tôi không có cảm giác từ điểm này đến điểm nọ của không gian xung quanh vì trong bể tối om và lực hút trái đất suy giảm, mắt không nhận biết được khoảng cách xa, gần hay trên dưới (mở mắt hay nhắm mắt cũng chẳng khác gì nhau.) Đồng thời nhiệt độ môi trường trong bể bằng nhiệt độ da, nên đến một lúc tĩnh lặng nhất định, tôi không còn cảm thấy đường nét của cơ thể nữa, nó như mở rộng ra, hòa tan cùng với không gian xung quanh. Tất cả những gì tôi thấy lúc này là sự-không-giới-hạn.

Cảm giác về thời gian cũng dần dần biến mất vì thời gian được định hình theo việc nhận biết sự thay đổi của những tác nhân bên ngoài, hoặc sự thay đổi của cơ thể dưới những tác nhân đó (thứ đã được bể Float cô lập.) Nếu ở nhà, tôi có thể cảm nhận được khá chính xác khoảng thời gian mình ngồi thiền là bao nhiêu phút dựa vào phản ứng đau mỏi trên cơ thể. Nhưng khi Float tôi cảm thấy lúc nào cũng như là điểm vừa bắt đầu nên không có sự mệt mỏi hay mất kiên nhẫn, có thể dẫn đến xu hướng động đậy, muốn dừng lại, đi ra ngoài.

Chính vì thời gian biến mất nên tâm lý tích lũy thời gian cũng không còn. Nếu bình thường tôi nhìn thời gian theo đường thẳng, thì khi trong bể Float, tôi nhìn theo phương vuông góc với nó. Vậy nên đường thời gian liên tục bị chặt đứt. Khi ấy, mọi điểm đồng đều như nhau. Nhờ đó, khả năng tập trung vào khoảnh khắc hiện tại cao hơn hẳn. Các vọng tưởng quá khứ hay tương lai đều dễ được nhìn thấy cùng ý thức về việc cơ thể đang nằm trong bể.

3. Khả năng phản ánh sự “động” của cơ thể hay tâm trí

Việc nằm trong nước có một sự hữu ích hơn hẳn so với việc ngồi thiền trong môi trường không khí bình thường đó là sự xao động của cơ thể hay tâm trí có thể được phản ánh qua bề mặt nước. Môi trường không khí quá loãng để có thể ghi nhận và phản hồi những rung động. Khi float, chỉ cần một suy nghĩ xuất hiện cũng được phản ánh rõ ràng. Sẽ có những làn sóng siêu nhỏ lan truyền trong bể, đập vào thành bể và dội lại lên làn da. Tâm trí càng không tĩnh lặng thì bể nước cũng càng dao động. Hay cả khi các thớ cơ co giãn hay tim đập mạnh cũng đều được bể nước ghi nhận.

Vậy là bể Float giúp tôi có thể ghi nhận được những xung động nhỏ nhất của mình mà khi ngồi thiền sẽ khó thấy.

Hai buổi float đầu tiên tôi vẫn còn động khá nhiều, nhưng đến buổi thứ ba thì độ tập trung dâng lên cực cao, đến một lúc tôi nằm im bất động hoàn toàn như một khúc gỗ, và có thể nằm ở đây nhiều hơn khoảng hẹn giờ 3 tiếng.

4. Giúp cơ thể thích ứng từ từ, chủ động

Vì sử dụng sự thay đổi vật lý của môi trường nên bể Float giúp người dùng có thể thích nghi từ từ và nhận biết được các ngưỡng giới hạn của bản thân, dựa vào các phản hồi của cơ thể như thời gian rơi vào giấc ngủ hay mức độ dao động. Đấy là chưa kể khi float, người ta có thể quyết định khi nào ra khỏi bể. Khác với việc sử dụng psychedelics, người ta sẽ không thể dừng lại được cho tới khi các chất hết tác dụng. Vậy nên tin mừng là khả năng người ta phải trải qua “bad trip” trong bể float là rất nhỏ.

5. Có thể sử dụng thường xuyên, liên tục

Đối với việc sử dụng psychedelics, người dùng cần có khoảng nghỉ để cơ thể phục hồi, đồng thời cũng để tiêu hóa lượng thông tin thu nạp sau mỗi chuyến trip. Nhưng với bể Float, ta có thể sử dụng liên tục (miễn là bạn có đủ tiền cho dịch vụ.) Vì sự thay đổi mà float mang lại không phải sự cưỡng chế hóa-sinh như psychedelics làm với cơ thể. Float tạo ra môi trường, cơ thể người tự thích nghi với môi trường đó theo bản năng tự nhiên, giống như một người đi vào rừng núi hoang vu thì cũng dễ tĩnh lặng hơn là ở nơi phố xá ồn ào.

Đối với tôi, càng float những buổi sau, cơ thể càng nhanh thư giãn, đầu óc càng tỉnh táo và di chuyển/thao tác càng từ tốn, chậm rãi. Nói chung là khỏe re.

Cách đây hơn một năm, tôi đã từng float và có xuất hiện ảo giác và nhiều sự tưởng tượng. Nhưng ba buổi lần này không hề “ảo” một chút nào. Tất cả những gì có được là sự nhận biết mình đang nằm trong bể, không hơn không kém. Mọi ý nghĩ hiện lên đều chết trước sự thật là tôi đang nằm trong bể. Vậy nên sau cùng tôi không suy nghĩ gì nữa và hài lòng hoàn toàn với việc nằm im của mình. Đang nằm thì cứ nằm thôi. Và tôi cho rằng việc ý thức được hiện tại là điều quan trọng nhất mà một người cần làm, hơn việc đuổi theo những ảo tưởng mỹ miều hay những cảm giác cao siêu nhất thời – thứ sẽ biến mất cùng sự vận động của chính nó.

Nếu muốn những cảnh tượng ngất ngây kỳ diệu hay cảm giác “thăng hoa”, bạn có thể dùng một tab lsd hoặc một vài gram nấm. Còn với bể Float, những điều siêu nhiên ấy chấm dứt, để lộ ra một không gian tịch mịch. Lúc này, thứ mà người thiền đối mặt đó là cảm giác chán chường vì chẳng có gì kích thích cả. Họ phải đối mặt với kỳ vọng của bản thân về việc thiền phải như thế này hay thế khác, hay bể float phải giúp họ có được cảm giác bay bổng này kia, v.v… Họ phải đối mặt với một nỗi sợ hãi to lớn khi đối diện với sự thật là chẳng có gì nhiều hơn hiện tại – thứ mà bản thân đang cố gắng tránh né, chối bỏ hoặc bóp méo.

Tuy nhiên, tác dụng của float không chỉ dừng lại ở khoảng thời gian người ta thực hành thiền trong bể. Điều đáng nói ở đây là nó duy trì ảnh hưởng tích cực lên người sử dụng sau khi ra ngoài và quay trở lại đời sống hàng ngày. Riêng với cá nhân tôi, sau khi float thì có những thay đổi rõ rệt (tất nhiên tôi vẫn duy trì thói quen thực hành thiền mỗi ngày.)

  1. Tỉnh táo hơn – Có khả năng phát hiện ra các câu lệnh của não bộ (VD: khi đói thì đòi ăn, ngứa thì muốn gãi, v.v…) và có thể quyết định thực hiện câu lệnh đó hay không. Việc này xảy ra trong một khoảng thời gian cực ngắn cỡ tích tắc. Tôi cho rằng đây là lợi ích quan trọng nhất float hỗ trợ, nó giúp một người có thể phá vỡ được cấu trúc các thói quen vô thức khi họ có sự lựa chọn.
  2. Điềm đạm hơn – Tôi đi lại, thao tác mọi thứ chậm rãi hơn, ăn uống từ tốn hơn (không phải kiểu slow motion) mà là kiểu thư thái, không có gì phải vội, chúa tể thời gian.
  3. Tập trung hơn – Có thể ngồi viết một bài review hoàn chỉnh khoảng 2000 chữ, liên tục trong vòng 5 tiếng đồng hồ (bao gồm sắp xếp ý tưởng, câu cú, liên kết các nội dung, lựa chọn trích dẫn, tham khảo, v.v…). Trước kia tôi chỉ viết liên tục được khoảng 3 tiếng là thấm mệt và thường ngắt ra 2-3 lần thì mới hoàn thiện.
  4. Giảm bớt nhu cầu ăn ngủ – Sau khi float thì cơ thể thư giãn và đầu óc tỉnh táo nên không cần ăn hay ngủ nhiều như mọi khi. Tôi chỉ cần ăn 1 bữa 1 ngày, và ngủ khoảng 4-5 tiếng vào buổi tối, không cần ngủ trưa.
  5. Não bộ xử lý thông tin nhanh và chính xác hơn – Bình thường tôi rất ngại tính nhẩm, nhưng khi float về thì sẵn sàng tính những phép chia ra số thập phân hay những phép cộng 3 chữ số. Thậm chí tôi còn không tin vào những gì mình vừa thực hiện mà phải lấy máy tính kiểm tra lại kết quả. Và chúng đều chính xác.
  6. Tư duy bằng hình ảnh được nâng cao
  7. Khả năng liên kết các thông tin tốt hơn.

Ở Việt Nam hiện tại có tổng cộng 3 địa điểm Float, 2 ở Hà Nội và 1 ở Sài Gòn. Nơi tôi đến ở tất cả các lần float của mình là 9/51/2 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Ở đây chất lượng dịch vụ rất tốt, bạn chủ nhà rất thân thiện, nhiệt tình và chu đáo. Ngoài âm nhạc bình yên, thì cách bài trí phòng lễ tân hay buồng float cũng đẹp mắt mang lại cảm giác thư thái. Tôi có chụp ảnh lại một vài góc dễ thương ở nơi này. Khi về, tôi còn mua một bức tranh vải treo tường nữa.

 

Float Hanoi

Tóm lại, thiền nổi với bể cô lập giác quan rất hữu ích đối với cá nhân tôi. Và tôi khuyến khích các bạn nên có trải nghiệm với nó ít nhất một lần. Nếu muốn biết thêm các thông tin về dịch vụ thiền nổi tại Việt Nam, các bạn truy cập vào địa chỉ https://thiennoi.com, hoặc theo dõi facebook Float – Thiền nổi.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Ảnh minh họa: cdd20Sadie Pices


🌲 Tạp chí Aloha đang có đợt khuyến mãi giảm giá 40% OFF, mua ngay trước khi hết hạn: https://www.facebook.com/TrietHocDuongPho2.0/posts/2316686071898403

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI