25 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Translation™] Sức mạnh của việc không làm gì

(1728 chữ, 7 phút đọc)

📌 Bài dịch đã được đăng trong Volume 1 tạp chí Aloha của Triết Học Đường Phố. Link đăng ký Membership để đọc Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

(Bài viết hiện đã có hơn 120k Likes trên Medium)


Cá sấu già đang trôi nổi trên bờ sông khi một chàng cá sấu trẻ hơn bơi đến bên cạnh lão,

“Tôi nghe nhiều người bảo ông là thợ săn ác liệt nhất trên mọi dòng sông. Làm ơn, hãy chỉ bảo tôi.”

Bị đánh thức từ một giấc ngủ trưa dài, cá sấu già liếc nhìn cá sấu trẻ với đôi mắt bò sát của mình, không nói gì và rồi lại ngủ thiếp đi trên mặt nước.

Cảm thấy bực mình và không được tôn trọng, cá sấu trẻ bơi ngược dòng để đuổi theo mấy con cá da trơn, đập nước nổi bóng. “Ta sẽ cho lão ấy xem,” nó tự nghĩ. Cuối ngày hôm đó, cá sấu trẻ trở lại với cá sấu già, vẫn còn ngủ trưa, và bắt đầu khoe khoang về buổi săn thành công của nó,

“Hôm nay tôi bắt được tận hai con cá da trơn bị thịt. Ông thì sao? Chả được gì à? Có lẽ ông chẳng ác liệt như người ta nói.”

Lão cá sấu già bị đánh thức lần hai nhìn vào chàng thanh niên trẻ, chẳng mảy may thốt một từ, lại nhắm mắt và trôi bồng bềnh trên mặt nước giữa những con cá tuế nhỏ xíu đang nhấm nháp nhẹ nhàng mấy vệt tảo trên bụng lão.

Một lần nữa, cá sấu trẻ tức giận vì bị lão sấu già ngó lơ, và nó lại lội ngược dòng lần hai xem mình sẽ săn được gì. Sau vài giờ vẫy vùng, cuối cùng nó cũng tóm được một con sếu nhỏ. Nó vừa mỉm cười vừa giữ chặt con chim trong hàm và bơi trở lại cá sấu già, quyết tâm chứng tỏ bản lĩnh thợ săn của mình.

Khi cá sấu trẻ bơi đến, nó thấy lão cá sấu già vẫn chìm nổi ở nguyên chỗ cũ gần bờ sông. Tuy nhiên, có một thay đổi – một con linh dương đầu bò to xác đang uống nước chiều chỉ cách gần đầu cá sấu già chừng vài cen-ti-mét. Nhanh như chớp, cá sấu già lao ra khỏi mặt nước, quấn quai hàm quanh con linh dương vĩ đại và kéo nó xuống dòng sông.

Khiếp sợ, cá sấu trẻ bơi đến với con sếu nhỏ vẫn lủng lẳng trên miệng và xem cá sấu già thưởng thức bữa ăn 500 lb (> 225kg.)

Cá sấu trẻ hỏi, “Làm ơn… chỉ tôi với… làm thế nào… làm thế nào mà ông làm được?”

Với cái miệng đầy thịt linh dương, cá sấu già cuối cùng cũng đáp lại,

“Ta chả làm gì.”

Làm việc quan trọng vs. khoe khoang bận rộn

Khi tôi lần đầu xây dựng JotForm, tôi giống như con cá sấu trẻ – tin rằng tôi luôn phải làm một cái gì đó để có được kết quả. Hồi ấy, nếu có ai nói với tôi rằng tôi sẽ đạt được kết quả lớn hơn bằng cách không làm gì nhiều hơn, tôi đã đảo mắt và tiếp tục làm việc dồn dập 16 giờ mỗi ngày. Tôi nghĩ rằng để thành công, tôi phải liên tục xây dựng, làm việc, nuôi dưỡng và phát triển thứ tiếp theo – bất kể “thứ” đó là gì.

Tất cả chúng ta đều có vấn đề với sự bận rộn. Nhưng bận rộn và thành công không liên quan. Và, tôi nghĩ nếu chúng ta ưu tiên “không làm gì” hơn, chúng ta sẽ bắt được nhiều linh dương hơn so với những con cá trê bé xíu.

Nó đúng với tôi, và tôi hy vọng nó cũng đúng với bạn.

Tuy nhiên, làm ít hơn hoặc không làm bất kì điều gì thì nói dễ hơn làm, đặc biệt là trong một xã hội cực kỳ bận rộn. Hãy cùng xem xét kỹ hơn nỗi ám ảnh độc hại của chúng ta với sự bận rộn…

Dịch bệnh bận rộn cực độ

Nhân loại đã phải vật lộn với sự bận rộn từ thuở ban đầu – hoặc ít nhất là từ năm 425 trước Công nguyên khi Homer đi trên mặt đất.

Sử thi Odyssey kể về câu chuyện của “Những người ăn sen” (Lotus-eaters) – một giống người kỳ lạ trong thần thoại Hy Lạp suốt ngày lười biếng ăn sen và không làm gì cả. Và, điều lạ lùng hơn cả viễn tưởng là những người này hài lòng với cuộc sống của họ.

Homer viết rằng sau khi một vài lính của Odysseus ăn loại quả sen đó, họ trở nên giống những người ăn sen – hài lòng, thư giãn và một chút lười biếng.

Odysseus lo sợ rằng nếu tất cả lính của ông khi ăn loại sen đó sẽ không còn động lực để trở về nên ra lệnh trói những người đã ăn vào băng ghế để thuyền có thể giăng buồm ngay lập tức.

Thật thú vị, phản ứng của Odysseus đối với cảm giác “không làm gì” này nghe thật giống với các CEO, các startup Founder và thầy dạy football ở đại học mà chúng ta biết ngày nay – những con nghiện công việc ở mức nặng khinh thường bất cứ điều gì liên quan đến lòng tự mãn.

Mặc dù, tất nhiên họ chỉ là chóp đỉnh của một tảng băng xã hội lớn hơn nhiều, có cảm giác đóng băng với sự sợ hãi cái suy nghĩ của việc chẳng làm gì cả. Cả thế giới bây giờ đo lường giá trị theo sự bận rộn với chất lượng công việc. Bao nhiêu lần bạn đã nghe hay có một cuộc trò chuyện như thế này…

“Dạo này thế nào, Mark?”

“Ông ơi, bận điên cuồng!”

“Tuyệt đó, cứ giữ thế nhé!”

Chúng ta đã học cách đánh giá trong vô thức giá trị của một người dựa trên số giờ họ làm việc, lượng thức ăn trên dĩa của họ, và nói đơn giản – liệu họ chỉ đang chạy mòng mòng như một con gà mất đầu.

Trong cuốn sách 4-Hour Work Week (Tuần làm việc 4 giờ) của Tim Ferriss, ông ấy nói đùa về ý tưởng rằng nếu bạn muốn được thăng chức, bạn chỉ cần tỏ ra bận rộn hơn bằng cách làm việc nhiều giờ hơn, cố gắng hết sức và liên tục trả lời email. Nhưng, dù sớm dù muộn, tất cả chúng ta phải tự hỏi nhiệm vụ của mình là gì. Đó có phải là trở nên bận rộn nhất hay tạo ra tác động lớn nhất? Và, điều thú vị là khi xem xét một số bộ óc vĩ đại nhất đã từng sống trên hành tinh này, chúng ta thấy một điểm chung thú vị: họ đều dành thời gian để không làm gì cả.

Sức mạnh của việc không làm gì

Dành thời gian trong cuộc sống để không làm gì có thể là một thử thách, đặc biệt là trong tuần làm việc nơi chúng ta liên tục bị dồn dập và ném bom với các cuộc họp, thông báo và danh sách việc làm ngày càng dài ra.

Những nhà sáng lập bận rộn đã bắt đầu triển khai “Think Weeks” (Tuần lễ Suy nghĩ) vào lịch trình hàng năm của họ — những khoảng thời gian dài một tuần họ dành cho việc xem xét, đọc, suy nghĩ và sống bên ngoài cái thế giới đóng hộp của việc điều hành doanh nghiệp.

Mặc dù nhiều nhà sáng lập trẻ như Mike Karnjanaprakorn của Skillshare đã áp dụng phương pháp này, cũng như những tên tuổi lớn như Steve Jobs, Mark Zuckerberg và Tim Ferriss, Bill Gates mới là người đầu tiên giúp Think Week nổi tiếng.

Trong nhiều năm điều hành Microsoft, Bill Gates thường rút về Think Week hai lần một năm, không phải để du lịch, mà là khoảng thời gian thực tế dành riêng cho việc không làm gì cả.

Gates rất nghiêm túc với các Think Week của ông tới mức gia đình, bạn bè ông và nhân viên của Microsoft đều bị cấm. Ngày nay, Gates quy phần lớn sự thành công của Microsoft với những ý tưởng và khái niệm lớn mà ông tình cờ có được khi không làm gì cả.

Áp dụng thời gian “không làm gì”

Bạn không nhất thiết phải cách ly gia đình và bạn bè để bước vào một Think Week như Bill Gates. Lấy tôi làm ví dụ, mỗi năm, tôi dành ít nhất một tuần nghỉ ngơi khỏi công việc và về quê để cùng cha mẹ tôi thu hoạch ô liu. Tất cả những phiền muộn về tốc độ tăng trưởng hay tỷ lệ chuyển đổi sẽ biến mất khi bạn hái ô liu. Một việc làm mang tính thiền và rất êm đềm. Tôi biết rằng việc hái ô liu sẽ không đưa tôi đến đỉnh cao của TechCrunch, nhưng đó lại là thước đo thành công của cá nhân tôi. Và bằng cách nào đó, một số ý tưởng hay nhất đến với tôi trong thời gian này.

Đối với những người không thể nghỉ cả tuần mỗi năm để không làm gì, tôi khuyên bạn nên tiếp cận hơi khác một chút: áp dụng những ngày Sa-bát kĩ thuật số: Mỗi thứ Bảy hoặc Chủ Nhật, hãy ép mình bước ra khỏi tất cả các hình thức công nghệ.

Tắt điện thoại thông minh của bạn và giấu nó trong tủ quần áo. Tắt nguồn máy tính xách tay và để nó xuống dưới giường. Và, cố gắng hết sức không cày Netflix (hay phim, game).

Dành cho bộ não của bạn không gian để suy nghĩ bằng cách bước ra khỏi công việc hàng ngày và không làm gì cả. Tâm trí của bạn sẽ có thời gian để có được những ý tưởng mới và tiếp tục xử lý những ý tưởng cũ.

Bạn có thể thấy thành công từ phương pháp này tương tự như của con cá sấu già ở đầu bài viết.  Trong khi chúng ta tự nhủ rằng mình có thể đạt được nhiều hơn bằng cách cố gắng hết sức, đôi khi tốt hơn là ta nhắm mắt và bồng bềnh.

Và, chờ đợi, cho đến khi linh dương xuất hiện.


Tác giả: Aytekin Tank
Biên dịch: Sang Doan
Hiệu đính: Prana
Minh họa: NHP

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI