16.2 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Aquaman – Làn gió mới từ vũ trụ điện ảnh DC

thđp review

(1311 chữ, 5.5 phút đọc)

Có nhiều ý kiến cho rằng Aquaman là phim hay nhất của DC hay Aquaman có thể vực dậy cả vũ trụ điện ảnh này rồi thì Aquaman là “Avatar phiên bản dưới nước.” Nói chung, rất nhiều lời ca ngợi dành cho bộ phim mới ra mắt của đạo diễn gốc Á James Wan. Nếu các bạn quan tâm thì người đàn ông 41 tuổi này cũng đã từng đạo diễn những tác phẩm điện ảnh rất thành công như Fast & Furious 7, The Conjuring. Sự xuất hiện của James Wan ở địa hạt phim siêu anh hùng đã tạo ra một làn gió mới thổi vào DCEU. Ở đây, anh được thỏa sức sáng tạo, vùng vẫy. Đặc biệt với không gian dưới nước rất ít được khai thác trên màn ảnh thì tiềm năng bùng nổ, gây ấn tượng của Aquaman càng to lớn.

Đây là bộ phim đầu tiên của DC diễn ra hoàn toàn dưới nước. Với sự đầu tư công phu về mặt kỹ xảo, Aquaman đã tái hiện lên cả một thế giới biển rực rỡ, sống động, trù phú làm nức lòng khán giả. Rõ ràng rằng, công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính đã đưa điện ảnh lên một tầm cao mới.  Những thành phố, phương tiện, động vật biển được tạo hình rất sắc sảo, sáng tạo, mượt mà. Đội quân cá ngựa, cá mập mang giáp sáng loáng, hoàn hảo đến từng chi tiết hay thành phố Altlantis hùng tráng tầng lớp sắc màu – một nền văn minh thủy sinh giàu tính lịch sử và cực kỳ phồn thịnh, tương tự như Wakanda trong Black Panther. Thế giới dưới nước bồng bềnh, lững lờ, mờ ảo mang đến một cảm giác khác biệt, khiến người xem như rơi vào một thực tại khác khi chăm chú theo dõi. Cũng chính nhờ sự mở rộng địa bàn mà Aquaman có một lợi thế đó là sở hữu những màn hành động trên cả mặt đất và dưới biển, một điều mà chưa từng xuất hiện ở bất cứ bộ phim hành động nào.

Có thể nói Aquaman tạo ra sự cân bằng khi tiếp cận thế giới dưới đáy biển, giảm tải gánh nặng cho Wonder Woman ở DC và trở thành thách thức ngang ngửa với với Thor ở Marvel. Một anh ở trên trời có búa thần, một anh ở đại dương có đinh ba khủng.

Sự khác biệt của Aquaman dễ dàng nhận ra so với những loạt phim trước đây của DC đó là màu sắc của nó tươi sáng, rực rỡ, sống động hơn rất nhiều. Nếu không nói rằng những phim trước thường mang màu sắc hay nội dung u ám ít nhiều. Sự đổi mới này tạo ra một không khí lạc quan, vui vẻ và trẻ trung hơn cho vũ trụ điện ảnh DC. Tuy nhiên, nếu một bộ phim chỉ có kỹ xảo hoành tráng thôi là không đủ. Nó cần có một cốt truyện tốt. Và điều đó thì Aquaman đảm đương được không đến nỗi tệ.

Với sự lồng ghép những câu chuyện về tình cảm gia đình, tình yêu, các thông điệp về môi trường cùng với những truyền thuyết cổ xưa, bộ phim càng có thêm sự sinh động, phong phú và hấp dẫn – tương tự như Avengers: Infinity War có sự phối hợp hai nội dung khoa học và tâm linh. Khi yếu tố hiện đại và cổ tích được hòa trộn, nó tạo ta một phản ứng mới trong tâm trí khán giả. Giống như ta được xem Mission Impossible cùng lúc với The Lord of The Rings vậy.

Bộ phim có cao trào, có những chi tiết hài hước (tuy nhiên chỉ dừng ở mức gây cười giải trí chứ chưa đạt tới độ thông minh, sắc sảo như trong Wonder Woman.) Ngoài ra, phim có hàng loạt các pha hành động siêu anh hùng sôi nổi, hoành tráng. Dù có sẵn công nghệ máy tính trong tay nhưng đạo diễn phân bổ rất khéo léo để các nhân vật chủ chốt vẫn có những cảnh hành động chân thực.

Với dàn cast khủng, ngoại hình ngon lành, hấp dẫn cùng diễn xuất phóng khoáng, nhạy bén, Aquaman lại có thêm điểm cộng nữa cho mình. Đặc biệt diễn viên nam chính Jason Momoa đã vào vai đế vương Atlantis một cách xuất sắc, nếu như không nói là hoàn hảo. Không kể đến tạo hình ấn tượng, cool ngầu, Jason đã thể hiện được cá tính của Arthur rất rõ rệt – anh là một chiến binh đích thực. Arthur không chỉ mang trong mình sự ngang tàng, hoang dã, hào sảng, mà còn là sự hài hước và bốc đồng. Chưa kể, việc nói đến năng lực tiềm ẩn của Arthur khi còn nhỏ cũng là cách bộ phim truyền cảm hứng sức mạnh cho những khán giả nhỏ tuổi khi theo dõi bộ phim này.

Jason Momoa cũng đã từng vào vai Khal Drogo trong Game of Thrones. Với vóc dáng lực lưỡng, cao lớn và gương mặt góc cạnh nam tính, anh rất thích hợp với những nhân vật chiến binh oai hùng. Và Aquaman lần này là một sự hóa thân tuyệt hảo.

Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều những phản hồi tích cực thì bộ phim cũng có một vài hạt sạn. Dù nó mới lạ, hoành tráng nhưng không có nghĩa nó là tuyệt vời nhất trong các phim của DC nói riêng hay các phim về siêu anh hùng nói chung. Có thể người ta ca ngợi, tung hô Aquaman nhiều hơn là do bị thất vọng với Justice League trước đó. Còn nếu xét Aquaman như một bộ phim độc lập thì theo đánh giá của tôi, nó chưa đến mức khiến người ta chấn động, choáng váng, nể phục.

Cụ thể là một số cảnh tình cảm chưa đủ độ chín vì các nhân vật tương tác với nhau về mặt xúc cảm không nhiều. Khán giả có nhiều sự kích thích, hưng phấn bởi những cảnh quay hoành tráng xuyên suốt bộ phim nhưng có ít sự lắng đọng trong tâm hồn. Âm nhạc hùng tráng, mới lạ, tuy nhiên có những đoạn chưa phù hợp, quá hiện đại trong bối cảnh huyền bí. Chưa kể, một số chi tiết phi lý xuất hiện như nhân vật chịu được áp lực cao dưới nước nhưng đứng hơi trượt chân cách đất vài gang tay thì lại cần có người đỡ (cốt để xây dựng cảnh lãng mạn.) Hay mình đồng da sắt dám nhảy từ trên máy bay xuống cỡ hàng trăm mét nhưng lại bám víu để khỏi bị rơi từ mái nhà khoảng vài mét.

Ngoài ra, có những khung cảnh trống vắng, im lìm khiến diễn xuất hay phát biểu của nhân vật tại thời điểm đó dù rất hùng hồn nhưng không tránh khỏi sự gượng gạo, lạc quẻ. Lời thoại trong phim còn khiên cưỡng, rập khuôn, không gây nhiều ấn tượng hay xúc động, quanh đi quẩn lại chỉ có “kết nối hai thế giới” và “be the king.” Cả phim, tôi tâm đắc mỗi lời thoại này, phản ánh được toàn bộ tinh thần của Aquaman, đồng thời cũng là tinh thần của một phim siêu anh hùng.

Arthur Curry: But what could be greater than a king?
Mera: A hero.

Aquaman có khá nhiều cảnh tương đồng với những phim bom tấn khác, có thể gọi đây là một sự học hỏi hay sự chắp vá thì tùy mỗi người. Ví dụ, cảnh thuyền bị đánh dạt vào bờ giống phim 2012, cảnh đánh nhau dưới nước giống The Lord of The Rings, cảnh rượt đuổi trên mái nhà giống Mission Impossible: Fall Out, cảnh thành phố Altantis giống Star Wars, v.v…

Nói gì thì nói, về cơ bản, Aquaman là một bộ phim đáng xem, một làn gió mới trong thế giới siêu anh hùng gần như đã bão hòa. Phim có after credit, dự là sẽ có Aquaman 2, các bạn ra rạp nhớ nán lại xem nhé. 8/10 là điểm dành cho Aquaman: Đế vương Atlantis.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Ảnh minh họa: Sadie Pices

spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI