19.4 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Vì sao chúng ta tham lam?

(1358 chữ, 5.5 phút đọc)

Tại sao con người tham lam? Chúng ta phải dừng nó lại như thế nào? Điều khiển và thỏa mãn sự tham lam có phải là năng lực thiết yếu của chúng ta không? Về những điều này, thực chẳng mấy ai có thể lí giải cho rõ ràng.

Người lớn, ngay từ rất sớm đã đào tạo ra những những đứa trẻ tham lam, vì ngày trước họ cũng được giáo dục y như vậy. Xã hội chúng ta càng phát triển bao nhiêu về kiến thức và lối sống, thì các bản năng càng ẩn dật đi bấy nhiêu, cũng khôn ngoan và gian xảo hơn.

Tham lam là một phần trong số các bản năng đó. Tham lam là một lợi thế của con người. Tham lam không sai, có lẽ vậy. Chỉ có những suy nghĩ, hoặc hầu hết chúng ta cho là sai, thì đó mới là sai thôi.

Đức Phật khuyên chúng ta chặt đứt duyên nợ trần gian, lòng tham từ đó thôi không phiền nhiễu ta nữa. Chúa Jesus lại hướng ta về lòng bao dung, khi ta biết cho đi yêu thương, mọi ham muốn dục vọng sẽ theo đó tiêu tan. Còn ngày nay thì sao? Marx nói rằng lòng tham con người không thể nào chế ngự, ta chỉ có thể thỏa mãn nó mà thôi, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu.

Những triết gia vĩ đại ấy, mỗi người một ý, làm cho những người phàm như chúng ta bối rối khi lạc lõng giữa muôn ngả của đường đời vô định. Nhưng, dù có trốn tránh cách nào đi nữa, rồi cũng sẽ đến một lúc ta phải tự đối diện với bản thân, tự đặt ra những câu hỏi và phải tìm kiếm câu trả lời.

Hãy tự nhìn vào tâm tư chúng ta. Hãy thẳng thắn và tự trọng. Chúng ta có tham lam không?

“Không, rõ ràng là không. Tôi đã cống hiến biết bao nhiêu, cuộc đời tôi đã hy sinh biết bao nhiêu cho xã hội này, tôi mà là người tham lam à?” – Một người bỗng dưng sừng sộ lên, tuôn một tràng về bản thân và khả năng của mình.

“Mà thôi, tôi có nói mấy người cũng không thay đổi được suy nghĩ đâu. Tóm lại là tôi không tham lam chút nào.” – Một người khác có vẻ bình tĩnh hơn. Nhưng rồi nghĩ thầm trong bụng: “Tự trọng là gì chứ? Trung thực là cái gì? Bản thân tôi có thể bỏ qua hết tất cả mọi xấu xa của chính mình.”

Cha mẹ rất hài lòng khi dạy những đứa trẻ của mình biết cầu nguyện ông bà phù hộ cho nó được mạnh khỏe, học giỏi, lại phù hộ cho ba mẹ làm ăn phát đạt, cuộc sống đủ đầy. Tham lam ở đây đã bị vô thức che giấu rất kĩ càng, nhưng không vì thế mà suy giảm cường độ.

Nhìn từ đây có thể thấy ham muốn chiếm hữu nhiều thứ như thế nào đối với chúng ta. Nhưng những ham muốn chiếm hữu ấy, trong xã hội đầy luân lí này, không thể biểu hiện ra mặt ngoài một cách quá trắng trợn, nên cần phải có một cơ chế kiểm duyệt để những khát dục ẩn sâu trong tiềm thức ấy không được phép xuất hiện y như hình hài vốn có của nó. Kiểm duyệt cần làm một điều gì đó, một cái gì đó hợp lẽ thường hơn để khi xuất hiện nó không bị xã hội ngoài kia đào thải. Cũng giống như việc khi ra đường phải mặc quần áo vậy, chúng ta vẫn là mình, dù có mặc những trang phục nào đi nữa. Vì ham muốn chiếm hữu mọi thứ trong vô thức mà chúng ta nhìn nhận ra bản tính tham lam không gì có thể xóa bỏ được của mình.

Người lớn cho rằng mình thành tâm khấn nguyện ông bà tổ tiên, lễ Phật, cúng dường, đều là những hành vi hướng thiện, thanh tẩy tâm hồn. Nhưng trong lời nguyện cầu của họ lại chứa đầy toan tính, tham lam. Cầu cho sức khỏe dồi dào, cầu cho tiền tài phì nhiêu, cầu cho gia đình no ấm, vạn sự bình an, như ý cát tường. Ai lại trách cứ người khác tham lam khi cầu nguyện những điều như thế được chứ, rất khó.

Một đứa bé, dù là một tâm hồn trong trẻo cũng không phải ngoại lệ. Nó muốn chỗ dựa của mình thêm phần vững chắc hơn nữa. Đứa biết nếu học giỏi, ngoan ngoãn thì cha mẹ sẽ càng yêu thương nó hơn, nếu gia đình giàu có thì cuộc sống sẽ được đảm bảo hơn. Nó biết, nó biết cả đấy. Chữ “biết” ở đây mang hai nghĩa, cả biết và không biết. Chỉ là bản thân nó không biết mình biết, nên cứ cho là không biết.

Tham lam là bước kế tiếp, nhưng không phải cuối cùng, của lối tư duy trừu tượng, tự do liên tưởng và phán đoán tương lai. Ẩn sâu trong ham muốn chiếm hữu đó chính là bản năng muốn được tồn tại, muốn củng cố vị trí bản thân trong thế giới này. Ngay từ đầu, tham lam đã là một bản năng sinh tồn, dù nó có nảy sinh những suy nghĩ độc ác đi chăng nữa, thì nó cũng chỉ mang một mục đích duy nhất, đó là tồn tại.

Einstein từng nói: “Nếu những gì trọng lực có thể làm được, thì ánh sáng cũng phải như vậy.” Trọng lực là “vật chất” mà mỗi chúng ta đã tiếp xúc và quá quen thuộc hằng ngày, cho nên mọi người đều nghĩ rằng tuân theo trọng lực là điều đúng đắn, và sau này họ mới bắt đầu chấp nhận những gì ánh sáng cũng có thể làm được như Trọng lực. Dù cho, sự chấp nhận này có vẻ quá muộn màng khi mà lẽ ra ánh sáng phải là thứ cùng tồn tại song song với trọng lực.

Cũng tương tự vậy, tại sao những bản năng còn sót lại của chúng ta thường đều được chấp nhận nhưng vì sao tham lam lại bị chỉ trích và lên án gay gắt như vậy? Có phải là những người lên án, ngoài mặt thì chỉ ra những sai lầm và xấu xa của sự tham lam, mới chính là người tham lam nhất? Có phải họ sợ lợi ích của mình sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều một khi tham lam của người khác xảy ra, và bản thân chẳng xơ múi được gì?

Tôi có đọc một đoạn trích từ câu nói hay như sau: “Bản chất một người sẽ được bộc lộ, dưới hai tình huống: 1. Khi bạn đem lại lợi ích cho họ. Và 2. Khi bạn không còn lợi ích gì cho họ nữa.” Đọc qua có vẻ như con người hiện nay đối đãi với nhau quá thực dụng. Có vẻ bầu trời quanh ta đang dần nhuốm màu xám xịt toan tính, phải vậy không?

Nhưng đừng vì vậy mà ta xem thường bản thân mình. Tất thảy ai ai cũng đều có những ham muốn riêng, nếu ta biết tiết chế để chúng không vượt ngưỡng giới hạn của tham lam, chúng ta vẫn là những con người có ích. Đôi khi, một vài lợi ích nhỏ nhặt nào đó cho đi từ chúng ta, cho đi mà không cần đòi hỏi, sẽ nhận được nhiều hương hoa thơm ngát lan tỏa từ chính tâm hồn mình. Như Đức Quán Thế Âm luôn rộng lượng từ bi, cho nên đóa sen tinh khiết nhất mới nở rộ từ bàn tay ngài.

Và nhất là, bởi lòng cầu dục, tò mò và ham muốn. Con người mới có đủ động lực để sống tiếp, mới nảy nở những phát minh vĩ đại, hoặc đơn giản hơn là làm tươi mát trở lại tâm hồn đang dần nguội lạnh theo thời gian của mình.

Tác giả: Châu Thành

Ảnh minh họa: Efraimstochter 

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

 

 

 

 

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI