15.8 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[Review] Sự im lặng của bầy cừu -Nỗi ám ảnh vương vấn dài lâu

(1418 chữ, 6 phút đọc)

Cảm giác sau khi được đọc một cuốn truyện tuyệt vời thường khiến tôi bị ám ảnh suốt mấy ngày liền cho đến khi tôi phải viết một cái gì đó để làm dịu đi sự xúc động của mình. Sự im lặng của bầy cừu là một trong những tác phẩm kinh điển nhất về đề tài trinh thám, kinh dị. Đây là một tác phẩm xuất sắc cả về giá trị văn học lẫn thương mại vì sự kịch tính và trau chuốt mà nó mang lại.

Để bắt đầu thì phải nói thế này, Hannibal Lecter đứng thứ tám trong danh sách 100 nhân vật tuyệt vời nhất trong hai thập kỷ từ 1990 tới 2010 do Entertainment Weekly bầu chọn và đứng đầu danh sách 100 nhân vật phản diện do Viện Phim Mỹ bầu chọn.

Câu chuyện không nhiều nhân vật, chỉ hai nhân vật chính nghĩa: Clarice Starling và sếp của cô Jack Crowford; hai nhân vật phản diện: Hannibal Lecter và tên giết người lột da hàng loạt Jame Gumb, nhưng dẫn dắt người đọc đi sâu vào tận cùng tâm trí của từng người, thấy những ám ảnh day dứt mà mỗi người phải trải qua từ trong quá khứ cho đến hiện tại.

Clarice Starling, một học viên thông minh và xuất sắc của Học viện FBI đã trải qua một tuổi thơ khốn khó, mất cha và rời xa mẹ từ sớm. Sự ám ảnh của cô về bầy cừu xuất hiện từ lúc cô phải sống trong trại gia súc, nơi đó có những con ngựa và bầy cừu bị giết thịt. Vào một ngày khi linh cảm con ngựa mắt kém mà cô hay chơi cùng sẽ bị giết hại cô đã dắt con ngựa bỏ trốn, mặc dù cô không biết điều đó sẽ dẫn cô đến đâu và điều gì sẽ xảy ra với cô ở phía trước. Tuổi thơ còn lại của cô sau đó sống trong trại tế bần. Dù chỉ ở trang trại gia súc một thời gian ngắn (7 tháng) nhưng sự ám ảnh về tiếng la thét của bầy cừu và nỗi nhớ mẹ khiến cô bé Clarice không bao giờ có được một giấc ngủ bình yên. Tiếng la hét đấy ám ảnh cô mãi đến khi trưởng thành cũng không thể nào dứt.

Mặc dù tác phẩm đã được chuyển thể xuất sắc thành phim nhưng rất nhiều chi tiết mà chỉ có truyện mới có thể đi được đến tận cùng, ví dụ như ý nghĩa của tên truyện “Sự im lặng của bầy cừu“. Tiếng la hét của bầy cừu khiến Clarice sợ hãi và không yên ổn, nhưng khoảnh khắc tiếng la hét chấm dứt mới là thứ khiến cô bị chấn động mạnh, và chính sự im lặng của bầy cừu đó mới là thứ gieo rắc những ám ảnh dai dẳng cho cô trong suốt cuộc đời. Chi tiết này không hẳn là được giải thích trong truyện nhưng đó là cảm giác ám ảnh mà người đọc có thể hiểu và cảm nhận khi thực sự nhập tâm vào tâm trí của cô.

Dòng họ tổ tiên của Clarice từ xa xưa đã không nằm trong những dòng họ danh giá, không có những nhân vật hay thành tựu nổi bật, một tấm bằng cao đẳng của một cụ tổ nào đó cũng đã là điều xa xỉ. Cô sợ sự tầm thường, nên từ bé cô đã luôn muốn vươn lên để thành đạt, để trở thành một cái gì đấy thoát khỏi sự mờ nhạt. Clarice chỉ thực sự có được giấc ngủ ngon khi cô đã ghi một bàn thắng khiến tất cả mọi người bao gồm FBI, công chúng và thậm chí người trong chính phủ phải thán phục. Và chỉ lúc đó cô mới thoát khỏi được ám ảnh về sự tầm thường của dòng họ.

Cuộc đấu trí căng thẳng giữa Clarice và Lecter (trực tiếp), giữa Crowford và Lecter (gián tiếp) luôn cực kì thú vị và hồi hộp nhưng lại diễn ra một cách từ từ nhấn nhá, xuất phát từ thú vui ham thích trò đùa trí tuệ của bác sĩ Lecter – hắn tự gọi đó là “thói phù phiếm trí tuệ” (Trích trong Rồng Đỏ – Tác phẩm đầu tiên giới thiệu về Hannibal Lecter.) Hắn không phát điên lên khi bị những kẻ tầm thường trêu chọc hay bị trói, xiềng xích như một con thú nhưng hắn sẽ phát điên lên vì sự buồn chán và tẻ nhạt. Lecter căm ghét sự tầm thường, coi sự buồn chán là sự trừng phạt kinh khủng nhất đối với mình, trí tuệ của hắn không cho phép hắn ngừng suy nghĩ hay ngừng nghiên cứu, nghiền ngẫm một cái gì đấy và hắn luôn có cách để tự làm vui bản thân bằng cách luôn để cho trí não hoạt động. Hắn có thể bị giam cầm hàng năm trời ở tư thế chẳng dễ chịu gì, nhưng tâm trí của hắn chưa bao giờ bị giam cầm hay khuất phục. Kiêu ngạo, hợm hĩnh, luôn ở thế làm chủ, và tất nhiên từ chối tiếp chuyện với những kẻ tầm thường (có thể suốt cả năm trời không ai nghe được giọng nói của hắn).

Jame Gumb – một tên tâm thần bệnh hoạn lạc lối, một tên giết người lột da hàng loạt, hắn có thể cư xử như một người thường để đánh lạc hướng người khác nhưng suy nghĩ của hắn chưa bao giờ giống như một người bình thường. Ngay cái tên của hắn đã là một sai lầm và lệch lạc ngay từ khi hắn mới chào đời, là Jame chứ không phải James, chỉ vì người mẹ nghiện ngập đánh vần sai lỗi chính tả mà thành.

“Ta thèm muốn từ những thứ ta thấy hàng ngày.” (“We covet what we see every day.”) Một câu nói tưởng như vô thưởng vô phạt. Nhưng Lecter lại là người không bao giờ nói bất kì điều gì mà không mang một hàm nghĩa nào đó, dù chỉ là nửa câu… Và thật không ngờ câu nói tưởng như bâng quơ đó lại là điểm bắt đầu để gỡ nút cho việc khám phá ra hành vi của kẻ giết người hàng loạt bệnh hoạn mà FBI đang tìm kiếm bấy lâu nay.

Mọi lời nói của Lecter, vốn dĩ là một kẻ cực kì kiệm lời, thậm chí nhiều lúc tưởng như vô nghĩa, không hợp với hoàn cảnh lúc đó nhưng khi kết nối với nhau lại trở thành những mảnh ghép then chốt để giải mã vấn đề. Sự cuốn hút của câu chuyện là ở đó, tưởng như không có gì rõ ràng nhưng lại cực kì chặt chẽ và khiến cho mọi người luôn phải hồi hộp theo dõi từng cuộc nói chuyện giữa Clarice và Lecter nhằm tìm những manh mối, phải động não và nín thở dõi theo từng bước chân của Clarice trong hành trình phá án. Với Lecter, đó là trò chơi trí tuệ. Với sự thông minh, tinh tế hiếm có, hắn có khả năng đọc vị và len lỏi sâu vào tâm trí của người khác, nhìn thấy những thứ mà người khác không thấy hoặc những thứ sâu thẳm trong tâm trí con người mà chính họ không muốn đối mặt.

Trong phần tiếp theo, cuốn Hannibal, thì những hình ảnh điểm xuyết về quá khứ của Lecter đã phần nào giúp người đọc hiểu hơn được căn nguyên ngọn nguồn những tội ác của hắn, hiểu được những ám ảnh trong quá khứ đã tác động đến con người hiện tại của hắn như thế nào, và những điều khủng khiếp hắn phải trải qua từ khi còn là một cậu bé.

Sự im lặng của bầy cừu cũng như các cuốn khác trong series này của Thomas Harris sử dụng nhiều kiến thức về tâm lý học và tâm lý học tội phạm để xây dựng hình tượng Bác sĩ tâm lý Lecter. Từng lời nói cử chỉ của Lecter được khắc họa chi tiết để thấy được sự xuất chúng của nhân vật và để làm nổi bật được tính cách của nhân vật. Đến tận khi gấp cuốn sách lại rồi mà những ám ảnh của nó vẫn cứ vương vấn trong trí óc người đọc một thời gian thật lâu.


Tác giả: Linhdoan

Edit: THDP

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI