19.3 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Làm thế nào để giáo dục con cái thật tốt?

Người ta thường rỉ tai nhau rằng: xã hội nào cũng muốn giáo dục con người tốt, tôn giáo nào cũng đều giúp con người hướng thiện. Nhưng sự thực thì chiến tranh giữa các quốc gia, vùng miền và tôn giáo vẫn thường xuyên xảy ra. Điều đó chứng thực rằng, giá trị tốt xấu giữa các các xã hội, các tôn giáo là khác nhau. Sự khác nhau đó nhiều khi không nằm ở các điều răn, ở các việc phải làm mà nằm ở lý tưởng, niềm tin.

Người Hồi cũng dạy không được giết người nhưng họ vẫn thường xuyên tổ chức khủng bố những người khác, chỉ vì những người này khác niềm tin của họ. Chủ nghĩa xã hội hướng tới một thế giới đại đồng, mọi người đều bình đẳng nhưng họ vẫn thường tổ chức bạo lực chống lại người khác quan điểm. Bởi thế, việc chọn lựa một hệ giáo dục có giá trị nhân bản, giáo dục ra những thế hệ có khả năng sống và yêu thương những người khác niềm tin, khác lý tưởng, màu da, chủng tộc, thiết nghĩ là hệ giáo dục tốt nhất hiện nay. Nó chắc chắn không thể xoá bỏ chiến tranh khỏi thế giới loài người, nhưng nó đủ để chúng ta không tạo ra chiến tranh vì những khác biệt trong quan điểm, suy nghĩ và niềm tin.

Câu hỏi làm thế nào để giáo dục con cái thật tốt, là vấn đề sống còn cho con người. Nó không chỉ liên quan đến vấn đề giảm bớt chiến tranh để có thể chung sống hoà bình với những khác biệt, mà còn là để đối phó với những vấn nạn mới mà con người phải đối mặt trong một thế giới phù thuộc vào công nghệ, thế giới toàn cầu.

Tìm ra cho thế hệ trẻ một nền giáo dục tốt, một nền giáo dục có tính phổ quát là bài toán cần giải ngay lập tức trong bối cảnh xã hội Việt Nam ngày hôm nay. Nền giáo dục Việt Nam, hay những nước đang phát triển hầu như đều chỉ bó vào trong những vấn nạn quốc gia của mình, chủ nghĩa hay niềm tin tôn giáo của mình, chỉ một số ít các nước phát triển có một nền giáo dục hướng đến các giá trị toàn cầu. Chính điều này tạo ta cán cân chênh lệch giữa các quốc gia với nhau về kinh tế, chính trị và tạo ra nhiều thảm hoạ toàn cầu. Một nền giáo dục tốt phải quan tâm đến trách nhiệm toàn cầu, có ý thức trước sự sống còn của hành tinh xanh, nơi mà mọi người đều sống. Bởi vì các vấn nạn mà con người ngày hôm nay đang đối mặt không còn bó hẹp trong các biên giới gọi là quốc gia mà nó đã lan ra đến các châu lục trên trái đất.

Đơn cử như đại dịch H1N1, và H5N1 hơn mấy năm về trước. Nếu các quốc gia và công dân ở những nước phát triển bị bó hẹp trong biên giới của mình thì có lẽ thảm hoạ mà các đại dịch kia gây ra đã không thể được ngăn chặn kịp thời, và hậu quả thì khó lường được. Hay là thảm hoạ môi trường trên thế giới, chiến tranh hạt nhân, v.v..

Người ta nói nền giáo dục Việt Nam đang đi ngược lại so với thế giới, đó quả là một nhận xét hợp lý. Tại sao chúng ta phải học triết học Mac-Lenin, khi nền triết lý đó đã bị thế giới tẩy chay, các khuôn mẫu và giáo điều về kinh tế của nền triết lý đó đã cướp đi bao nhiêu triệu người trong các cải cách kinh tế của các nước XHCN? Tại sao còn phải dạy học sinh ca ngợi và tuân phục chính quyền trong khi chân lý là: chế độ thì tạm thời, mau qua và luôn thay đổi? Tại sao còn dạy học sinh học thật nhiều môn học, nhiều lý thuyết mà tính thực tiễn kém, trong khi bỏ mặc các môn khác để rồi học sinh phải tự học lại khi rời ghế nhà trường? Tại sao còn dạy học sinh đấu tranh giai cấp, còn nhồi vào đầu bọn trẻ các môn học hận thù, chia rẽ trong khi thế giới ngoài kia đang xích lại gần nhau hơn, các cựu thù đã bắt tay với nhau để xây dựng xã hội và thế giới tốt đẹp hơn? Tại sao còn quan tâm đến các thành tích, các chỉ tiêu qua nhưng tờ giấy khen, bảng điểm dễ mua và dễ làm giả, mà lại bỏ bê chất lượng thật sự của nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục? Còn nhiều sự thụt lùi, đi ngược lại với đòi hỏi thế giới ngày hôm nay mà nền giáo dục Việt Nam đang làm. Câu hỏi là làm thế nào để con cái chúng ta có một nền giáo dục tốt nhất đây?

Chưa bao giờ tôi thấy tầm quan trọng của gia đình trong giáo dục thể hệ trẻ ngày hôm nay cần thiết như lúc này. Không phải trước đây tôi xem nhẹ giáo dục gia đình lên con cái, mà ngược lại. Tôi thực sự quan tâm đến vấn đề giáo dục tại gia khi nhìn thấy nền giáo dục mà xã hội Việt Nam đang đi xuống không phanh. Việc cho con em đến trường luôn là trách nhiệm của các bậc làm cha làm mẹ, và nó sẽ là tội ác nếu các bậc cha mẹ cấm đoán quyền được học tập của con cái khi chúng đến tuổi.

Trường học là cần thiết nếu môi trường giáo dục đó tốt. Tệ là nền giáo dục Việt Nam đang làm hư hỏng thể hệ tương lai. Người ta sẽ nói là nếu không cho con em đến trường, vậy thời gian đâu để cha mẹ dạy dỗ con cái? Và dựa vào đâu để chứng minh phụ huynh có đủ khả năng về trình độ chuyện môn trong việc giáo dục? Đó là câu hỏi mà tôi nghĩ thật khó để trả lời, nhưng nó cũng không thể dùng để biện minh cho hành động phó mặc hoàn toàn cho trường học giáo dục con cái mình. Đã đến lúc phụ huynh quan tâm một cách chủ động hơn nữa việc học của con em mình nơi ghế nhà trường. Quý vị có quyền đòi hỏi xã hội cung cấp cho con em một nền giáo dục tốt nhất giữa trên các giá trị sau:

  • Nhân bản
  • Tự lập (Phải có nghề trong khoảng thời gian 12 năm ra trường.)
  • Đủ nhận thức về bản thân, về xã hội, về kinh tế qua các kiến thức căn bản: tâm lý học, kinh tế học, xã hội học và chính trị học.
  • Công nghệ

Thiết nghĩ trong 12 năm học, 9 năm đầu trẻ có thể học các môn như ngoại ngữ, toán, văn, hoá, lý, địa, sử, sinh và đạo đức. 3 năm sau trẻ cần được học thêm các môn kinh tế học căn bản, tâm lý học căn bản, đại cương về triết học, chính trị và xã hội học căn bản. Thêm vào đó là khả năng sử dụng và nắm bắt các công nghệ mang tính toàn cầu. Trong suốt 3 năm cuối trong tổng số 12 năm học, trẻ cần phải được học một môn học theo năng khiếu: Học nhạc, học nhảy, thể thao… Cần bỏ đi các môn học và các hoạt động mang tính tuyên truyền chính trị, thay vào đó là các khoá huấn luyện và các bài nói chuyện về kỹ năng sống. Trong khoảng 3 năm đó phải luôn tạo điều kiện cho học sinh khả năng nói chuyện trước công chúng, trước đám đông. Với những môn học và mục đích hướng đến như trên, cần phải thay đổi phương pháp dạy học, chất lượng giáo viên. Một trong những ý tưởng của tôi là dùng môi trường giáo dục, các mối quan hệ trong nhà trường, các giáo viên phải biết lồng ghép vào đó kỹ năng giao tiếp xã hội cho học sinh.

Đó chỉ là những nét phác hoạ chung mà tôi nghĩ con cái chúng ta cần được có nơi ghế nhà trường. 12 năm cho con em đến trường, thêm mấy năm đại học tốn bao nhiều thời gian, công sức và tiền bạc mà con cái chúng ta trở nên hư hỏng, đần độn, độc ác thì thử hỏi việc đầu tư đó của chúng ta có thật sự là khôn ngoan. Trong khi chúng ta có quyền quan tâm đến nơi con mình học, nội dung được giảng dạy vì chúng ta đã tốn tiền cho trẻ được đến trường.

Nếu muốn thay đổi xã hội cần thay đổi con người. Muốn thay đổi con người, cần thay đổi nền giáo dục. Mục tiêu của các bậc phụ huynh khi chủ động quan tâm đến việc học của con em mình không phải là yêu cầu thay đổi, mà là giám sát để có thể ngăn chặn kịp thời những sai trái mà nền giáo dục đó gây ra cho con em chúng ta. Đem con cho nhà trường và phó mặc hoàn toàn cho hệ thống giáo dục là bạn đang “ôm con bỏ chợ.” Tương lai của thế hệ trẻ phù thuộc vào chất lượng giáo dục, chất lượng của nền giáo dục phù thuộc vào tiếng nói của phụ huynh. Hãy là một phụ huynh có trách nhiệm với tương lai con em mình.

Tác giả: Bình Minh

Photo: klimkin 

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️  http://bit.ly/2KTJCN2

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI