15.8 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Bạn không phải là cái rốn của vũ trụ

(748 chữ, 3 phút đọc)

Mỗi người, từ lúc sinh ra cho tới khi nhắm mắt xuôi tay, đều quan sát và thu nhận thông tin về thế giới qua các giác quan của mình, với trung tâm là não bộ, thế giới huyền học tâm linh thì nói rằng trung tâm của chúng ta là linh hồn , tâm thức. Chúng ta nhìn thế giới từ trung tâm đó và tưởng rằng thế giới xoay quanh chúng ta, như cách các hành tinh quay quanh mặt trời, hay như mặt trăng quay quanh trái đất.

Nếu quan sát đời sống như một tổng thể thì không có bất cứ trung tâm nào cả. Tất cả chúng ta chỉ là những tồn tại thành phần của một sự hiện hữu chung, không có biên giới, không điểm giữa, đầu hay cuối. Tất cả chúng ta tương đồng nhau  – những mẩu nhỏ tương tác qua lại không ngừng trong một mạng lưới chằng chịt.

Không may là ngay từ lúc chào đời, đứa trẻ, chưa cần biết suy nghĩ, đã lọt ngay vào cái ảo giác ấy. Đứa trẻ chưa có trí năng đã nhìn thế giới từ sau đôi mắt chúng, và tưởng mình là cái rốn của vũ trụ.

Càng lớn lên, ảo giác đó càng sâu dày. Vì ta là trung tâm vũ trụ, nên thế giới phải vận hành xung quanh ta! Cha mẹ phải chiều chuộng ta, bạn bè không được làm ta buồn, ông sếp không nên cáu gắt và các bình luận trên mạng xã hội không nên trái chiều với ta. Bởi ta là Trung Tâm (tất nhiên, chẳng phải thế.)

Rồi ta ghen tị với những người “giỏi hơn mình.” Lẽ ra, người thành công nhất, tài năng nhất, xứng đáng có được tất cả… phải là ta! Song song với đó, ta sử dụng chưa đầy nửa con mắt để ngó những người “thua kém mình.”

Ta xem phim truyền hình và nổi đóa với một nhân vật phản diện nào đó vì họ dám hại nhân vật ta yêu. Ta bực bội khi đọc tiểu thuyết, tham gia giao thông, đàm luận chính trị, chơi game, hay tranh luận về xu hướng thời trang mùa hè. Ta bực, vì mọi việc thường không hoàn toàn diễn biến như ý ta muốn.

Có khi, đã 80 tuổi, sắp gần đất xa trời, không đủ khả năng để nói cho rành mạch, vậy mà ta vẫn có sức cáu gắt vì mãi không giết được một con ruồi bay loăng quăng trong nhà, đậu lên thức ăn. Ta cáu lây sang cái kiểu tóc của đứa cháu khi nó vừa đi học về chưa kịp thở lấy sức (tóc tai gì mà lố lăng!) rồi sau đó mất ngủ cả đêm do bị đứa cháu hỗn hào cãi lại (thằng mất nết, sao nó dám cãi “trung tâm của vũ trụ” cơ chứ?)

Vì tưởng mình là trung tâm, chúng ta sinh thêm cái ảo giác rằng số phận phải có trách nhiệm nâng niu chiều chuộng ta. Điều đó phi thực tế! Vậy nên đừng nghĩ những “cái rốn vũ trụ” lúc nào cũng kiêu căng hợm hĩnh, tham quyền hám lợi hoặc nổi loạn điên cuồng. Sự thật là phần lớn những cái rốn đó lại thường buồn thỉu buồn thiu, chìm trong một sự thất vọng ngấm ngầm, bởi đời sống chẳng bao giờ như ý.

Về cơ bản số phận không chủ động biệt đãi ai cả, tạo hóa cho mỗi người một hoàn cảnh khác nhau để học hỏi và trưởng thành trên những con đường riêng.

Nếu ta không phải trung tâm vũ trụ, thì sao nào? Thì càng tốt chứ sao! Do không phải là là trung tâm nên ta cũng không cần quan trọng việc đời sống có răm rắp tuân theo ý mình hay không. Ta được tự do, được sống theo thiên tính nơi bản thân. Ta thoát khỏi những trói buộc liên quan đến người khác  –  trói buộc do chính ta giăng mắc mà tự bẫy mình vào. Ta không còn phải cố sức thái quá để ép uổng cuộc sống chiều chuộng đời ta nữa. Ta trở về với ta chân thực.

Khốn khổ thay những miệt mài nỗ lực chỉ để trở thành tâm điểm của đám đông, đứng trên bục cao, cố gắng xoay chuyển thế giới này… nhưng lại chẳng biết rằng trong thâm tâm mình đang vần vũ bao nhiêu đau khổ vì những trói buộc liên miên bất tận.

Tác giả: Thiếu Lê Tú Anh

Ảnh minh họa: Hans 

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI