22.7 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tự do và nổi loạn có giống nhau?

(1034 chữ, 4 phút đọc)

N’Golo Kanté luôn lẫn vào đám đông. Trong nhiều bức ảnh chụp cảnh ăn mừng chiến thắng cùng đồng đội, chàng tiền vệ lừng danh thế giới dường như mất hút. Nếu không phải do đã nổi tiếng từ trước, thì khó ai có thể nhận ra nhà đương kim vô địch World Cup 2018. Bởi trong một số khuôn hình, chỉ có một phần khuôn mặt của cậu lộ ra trước ống kính, do bị… các đồng đội che khuất.

Kante ít nói, đi xe hơi ít tiền, không tiệc tùng, mộ đạo (cậu là một người Hồi giáo), hiền lành và có vẻ khép kín. Ngoài bóng đá ra, chỉ có một thứ duy nhất nổi bật ở cậu, đó là nụ cười. Một nụ cười hồn nhiên tươi rói.

Là chủ nhân của hai chức vô địch Ngoại hạng Anh và một cúp vàng World Cup, lẽ ra Kante có thể sống tự do hơn. Với thu nhập của cậu, những cuộc vui mỗi tối trong bar, tiệc tùng, siêu xe, phụ nữ đẹp… chẳng phải vấn đề gì to tát. Một đời sống tự do về vật chất, thoải mái về tinh thần luôn vẫy gọi những người giàu như cậu. Nhưng không hiểu vì sao đến giờ cậu vẫn đều đặn trong nhịp điệu chậm rãi của mình?

Kante dường như thích lẫn vào đám đông. Cậu không muốn nổi bật. Cậu ngượng nghịu khi được người ta tôn vinh. Vị trí trung tâm của cuộc vui để dành cho ai khác, không phải cậu. Có vẻ cậu muốn trở nên vô hình, không ham cạnh tranh (trừ trên sân bóng) và thích được biến mất mỗi khi có thể.

Đến một lúc nào đó, trong hào quang của sự nổi tiếng, không chừng Kanté sẽ tháo tung những ràng buộc của tôn giáo, kỷ luật, thói quen sống – những sợi xích mà hầu như ai cũng chán ngắt – để hòa vào cuộc sống vô tư, phóng khoáng, không ràng buộc… nhờ thu nhập cao? Có thể đến một lúc nào đó cậu ta sẽ như vậy, nhưng nếu có quyền được hy vọng, tôi hy vọng điều đó không xảy ra.

Quan niệm về sự tự do rất rộng. Có một dạng tự do khá phổ biến, biểu hiện qua hình tượng các ngôi sao giải trí: Họ được mặc những trang phục tuyệt đẹp mà chúng ta khao khát, thoát ly cảnh bị quên lãng và trở thành tâm điểm của đám đông, bung ra khỏi sự tẻ nhạt thường ngày để hòa mình vào những vũ điệu sôi động, như các thần tượng K-pop chẳng hạn. Vì thế, nhiều người trẻ tuổi rất hâm mộ họ và thường mơ những điều tương tự…

Tuy thế, một số nhân vật trong cuộc có thể lại suy nghĩ khác. Khi bạn không được sống và yêu theo ý riêng, khi bạn trở thành công cụ kiếm tiền của những ông trùm giải trí, hay nạn nhân của sự ích kỷ từ “fan hâm mộ”, bạn có thể rơi vào trầm cảm hoặc tự sát – nếu không đủ rắn rỏi.

Một kiểu tự do khác, đó là thoát khỏi sự ràng buộc của gia đình và xã hội. Khi đứa trẻ lớn lên, chúng phá bỏ các khuôn khổ cũ kỹ do cha mẹ đặt ra, trở nên nổi loạn để chứng tỏ cá tính riêng biệt, duy nhất! Chúng xăm trổ, bấm đủ các loại khuyên tai, khuyên mũi, khoác những bộ đồ cực kỳ nổi bật, bước đi một cách ngông ngạo, vừa chửi thề vừa phì phèo khói thuốc. Chúng muốn được tự do là chính mình.

Nhưng nếu đặt những đứa trẻ ấy bên cạnh nhau, bạn sẽ thấy chúng giống hệt nhau. Chúng đặc biệt theo một cách không hề đặc biệt. Chúng tưởng chúng là duy nhất – thực tình thì chúng chỉ là bản sao của những người tương tự chúng và là sản phẩm đúc chung từ cái khuôn có tên “nổi loạn.” Giả sử 10 đứa trẻ như vậy phải lên Thiên Đàng cùng một lúc, có lẽ chính Thượng Đế cũng không phân biệt nổi đứa nào ra đứa nào. Chúng đã nhảy từ sự mất tự do này sang sự mất tự do khác.

Nổi loạn và tự do không tương đồng. Nổi loạn là một dạng tự cầm tù khó nhận ra vì nhà tù ấy không có chấn song. Sẽ có lúc giữa cuộc vui, vài đứa giật mình tự hỏi: Vòng xoáy này là gì, rồi mai ta còn bị cuốn về đâu? Cố tìm tự do, nhưng ta lại thấy toàn là vô định. Trong số chúng, một vài đứa chỉ bắt đầu cảm thấy sự trói buộc khi lỡ dính vào ma túy mà không tài nào thoát ra được.

Tự do không phụ thuộc vào việc ta là ai và làm gì. Tự do nằm trong tinh thần. Một người sống trong tù cảm thấy thoải mái và vừa lòng với hiện tại, sẽ tự do hơn một cậu quý tử nhà giàu ngày đêm vung tiền để thỏa mãn những thú vui vô vọng của bản thân.

Hãy trở lại cùng Kanté. Nếu Kanté không thoải mái với cuộc sống hiện tại, cậu chàng sẽ có cảm tưởng là mình đang bị giam hãm. Nhưng nếu cậu hài lòng với lối sống riêng, cậu đang có chút ít tự do. Và nếu cậu nhận thức được rằng tất cả các mối quan hệ ràng buộc trong đời sống chỉ là bề nổi của tảng băng trôi – phần chìm trông như thế nào lại do chính thái độ tinh thần của cậu quyết định, thì có lẽ cậu đang bước trên con đường tìm tới tự do hoàn toàn.

Ở chiều ngược lại, nếu chúng ta bị thúc ép phải đi tìm một thứ tự do nào khác trong tương lai mà chúng ta chưa có, chúng ta sẽ bị chính cái “khái niệm tự do” ấy trói buộc và trở thành nô lệ của nó.

Tự do thật sự luôn có sẵn trong trái tim mỗi người, chỉ cần quay lại và nhìn thấy.

Tác giả: Quang Vũ

Ảnh minh họa: Free-Photos

📌 Ủng hộ Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI