19.4 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[Bài dịch] Thông báo (notification) là một sản phẩm gây nghiện dành cho người sử dụng công nghệ

(1156 chữ, 4.5 phút đọc)

Hiếm có phát minh nào gây sức ảnh hưởng lớn tới mối quan hệ của nhân loại với công nghệ như những thông báo. Trước đây, hầu hết chúng ta do dự khi quyết định muốn sử dụng và giao tiếp với công nghệ. Vậy mà hiện tại, công nghệ gần như đang chi phối sự quyết định của chúng ta.

Có thể bạn đổ lỗi cho công nghệ, nhưng cần phải lưu ý ngay rằng công nghệ không phải là mấu chốt của vấn đề — mà là ở cái cách chúng ta sử dụng nó. Suy cho cùng, không phải tất cả các loại thông báo đều đã được tạo ra như nhau. Để hiểu rõ hơn về quá trình tiến hóa từ tiện dụng cho tới phiền phức này, chúng ta cần nhìn lại quá khứ của nó.

Vào năm 1971, kỹ sư máy tính Raymond Tomlinson ở tiểu bang Massachusetts đảm trách một công việc khó nhằn mà sau sẽ trở thành nền tảng quan trọng cho nền văn hóa kỹ thuật số. Trong khi làm việc cho dự án ARPANET, tức là phiên bản đầu tiên của internet được tài trợ nghiên cứu bởi chính phủ Hoa Kỳ, Raymond Tomlinson tìm ra một phương thức giúp những người sử dụng internet gửi tin nhắn cho nhau. Trước khi có sáng kiến của anh, tin nhắn chỉ có thể gửi từ những người có tài khoản trên cùng một máy tính. Tất cả đã thay đổi khi Raymond Tomlinson bổ sung ký tự @ huyền thoại. Sự sáng tạo tinh tế này cho phép phân biệt danh tính người nhận tin nhắn dù nhiều người cùng sử dụng chung một máy tính.

Một trong những người đầu tiên sử dụng hệ thống mới này đã mô tả nó như một “cú hack tuyệt đỉnh”. Cú hack tuyệt đỉnh đã khiến email chiếm tới 75% lưu lượng internet những ngày sơ khai đó.

Email thống trị dẫn tới sự ra đời Giao thức truyền thư đơn giản (SMTP), thứ mà nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn toàn cầu cho việc gửi và nhận email. Đáng kinh ngạc là SMTP có thể thông báo ngay khi có ai đó gửi thư cho bạn. Tuy nhiên, hiếm người dùng tính năng này bởi vì đâu ai trực tuyến suốt vào thời điểm đó.

Cho tới khi những chiếc điện thoại thông minh đầu tiên bán ra thị trường.

Năm 2003, RIM trở thành công ty đầu tiên thương mại hóa thành công thông báo đẩy (push notification) trong sản phẩm dành cho người dùng cuối của mình. Đó chính là chiếc điện thoại BlackBerry huyền thoại, thế hệ điện thoại thông minh đầu tiên với khả năng lập tức thông báo cho người dùng khi họ nhận được email mới. Đây là tính năng hữu ích khiến giới doanh nhân cực kỳ ưa chuộng điện thoại BlackBerry.

Các công ty đối thủ của RIM nhanh chóng nhận ra sức hút ghê gớm của kiểu thông báo đẩy này trong việc tạo ra một thiết bị mà con người không thể tách rời.

Năm 2008, sau khi tham khảo ý kiến từ cộng đồng phát triển, Apple tung ra tính năng tương tự dưới tên là Dịch vụ thông báo đẩy của Apple (APNS). Đây là mảnh ghép quan trọng nhất đã thay đổi toàn bộ cấu trúc hệ điều hành di động kể từ khi iPhone ra đời.

Những thông báo đẩy trở thành phần không thể tách rời của điện thoại thông minh. Biểu tượng cái chuông xuất hiện ở khắp nơi: từ hệ điều hành cho tới ứng dụng, và tất nhiên cả trên các trang web.

Qua thời gian, biểu tượng cái chuông dần được dùng để truyền tải ý nghĩa đơn giản: Có một thứ gì đó mới cho bạn.

Bạn. Bạn. Bạn.

Khái niệm “mới” ở trên tương tự như một thứ cocktail gây nghiện trong lịch sử làng công nghệ. Không mấy ngạc nhiên khi người dùng cực thích tính năng này.

Mọi người chìm vào dòng chảy vô tận của thông tin.

Ngày nay, rất nhiều trang web yêu cầu chúng ta cho quyền “quấy phá” chính chúng ta với nội dung từ họ. Số lượng thông tin khổng lồ tiếp nhận hằng ngày đầy choáng ngợp lẫn thất vọng. Nhưng đó không phải là lỗi của những công ty đã tạo ra thông báo đẩy. Người ta có quyền nói không cơ mà.

Chưa hết, một kiểu thông báo mới lại gia nhập cuộc chơi.

Khi chiến trường tranh giành sự chú ý trở nên khốc liệt, những ông lớn bắt đầu áp dụng chiến thuật nhằm tăng sự thu hút cho nền tảng của họ. Loại thông báo này rất phi lý, tôi cho rằng đó không phải là thông báo vì chúng vô nghĩa và không liên quan tới bạn. Còn nhớ khi Facebook thông báo bạn của bạn vừa đạt 200,000 điểm trên Candy Crush hoặc bạn của bạn vừa like hình thần tượng của họ chứ? Hỏi thật ai quan tâm?

Cái chuông đưa chúng ta vào một vòng lặp không lối thoát.

Thông báo đã và đang trở thành cái móc tinh vi níu kéo chúng ta. Giới thiết kế và phát triển sản phẩm được dạy để tạo ra những sản phẩm gây nghiện trong khi nhiều nhà hoạt động đang kiên trì đấu tranh với các công ty rằng nên tạo ra những sản phẩm tôn trọng thời gian của nhân loại.

Ánh sáng hi vọng cuối đường hầm là khi người ta nhận ra những thông báo ồn ào và phiền phức như thế nào, ly cocktail gây nghiện sẽ tự mất hiệu quả của nó.

Trong truyện ngụ ngôn Chú bé chăn cừu nói dối, chú bé đã nhiều lần lừa dân làng tin rằng chó sói đang tấn công bầy cừu. Cuối cùng khi chó sói thật xuất hiện, cậu la lên nhưng chẳng ai nghe. Kết cuộc những con cừu đã gặp chuyện gì chắc không cần phải bàn.

Chúng ta sẽ bỏ qua cái chuông luôn rung giống như chúng ta bỏ qua cậu bé chăn cừu xấu tính nọ. Chống lại thông báo sẽ giúp chúng ta bớt xao nhãng mà dành thời gian tạo ra giá trị bản thân nhiều hơn. Thông báo là một công cụ mạnh mẽ để thu hút người quan tâm trong thời hạn ngắn, nhưng về lâu dài sẽ gây phản tác dụng.

Thời gian sẽ trả lời. Và chắc chắn sắp tới đây chúng ta lại nghe tiếng bíp từ thông báo nào đó hiện lên trên màn hình (giả dụ như bạn không sử dụng chế độ rung hoặc im lặng).

Tác giả: Adrian Zumbrunnen

Biên dịch: Cerox

Image: cigdemhizal/DigitalVision Vectors/Getty Images

📌 Ủng hộ Cerox và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

3 BÌNH LUẬN

Trả lời Triết Học Đường Phố Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI