18 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Phan Chu Trinh đã “ra đi tìm đường cứu nước” như thế nào

(3683 chữ, 11 phút đọc)

Đất Quoảng Nôm chưa mưa moà đoã thắm
Rượu Hồng Đồ chưa nhắm moà đoã say.

Câu hát của miền đất dễ thương, có lẽ đất linh nên sinh ra nhiều người hào kiệt. Cái tiếng nói của người Quảng Nôm, chân chất, dễ thương, làm cho một người miền Tây Nam Bộ như tôi mê mẩn. Quảng Nôm, mặc dù yêu thầm nhớ trộm đã lâu, nhưng cũng chưa có dịp nào về thăm cho thoả, nhất là đi để thấy nơi đó núi sông linh thánh thế nào mà sinh ra nổi Phan Chu Trinh, một người đi trước thời đại hơn trăm năm lẻ.

1. Thi làm quan, thi từ quan, thi phá quan

Phan Chu Trinh sinh năm 1872, người Quảng Nôm, cha theo nghiệp võ, bên ngoại thì nghiệp văn. Thuở nhỏ ưa sự tân kỳ, giỏi kiêm văn võ, cùng bôn ba với cha trong phong trào Cần Vương kháng Pháp. Lớn một chút đi học xa, làm quen với Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp cùng nhiều thanh niên tiến bộ, các ông đều có chí hướng kinh bang tế thế.

Năm 1901, đi thi ở Huế đậu phó bảng. Ông Nguyễn Sinh Sắc cũng thi đậu phó bảng chung khoá này. Năm này, ông Phan Chu Trinh đã ba mươi tuổi, em bé Ngô Đình Diệm thì vừa ra đời ở Quảng Bình.

Phó bảng Trinh được bổ nhiệm làm chức quan nhỏ nhỏ trong bộ Lễ, là bộ chuyên về lễ lạc nghi thức. Trong thời gian này, cụ Trinh cùng các bạn đồng liêu tiến bộ đọc được các sách tư tưởng mới của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Montesquieu, Rousseau và nhiều sách khác. Cụ vốn chán ghét lối học tầm chương trích cú kiểu “sách có câu” của Nho học; bén rễ với lối học phân tích và tổng hợp của Tây phương, từ các sách vở đó rút tỉa được nhiều tư tưởng trị quốc khác hẳn với kiểu cai trị Nho giáo đạo đức giả và “quan phụ mẫu” đương thời. Cùng thời điểm đó, tức năm 1904, hai bạn học Cáp và Kháng cũng đậu tiến sĩ và ra làm quan.

Đem những tư tưởng mới trao đổi với nhau, các ông dần nhìn thấy con đường sáng để làm cho dân tộc độc lập, đất nước giàu mạnh, đó là con đường đấu tranh bất bạo động, đầu tiên là mở mang đầu óc dân chúng, kế đó truyền cho họ ý thức tự lực tự cường, và sau là giúp dân đời sống ấm no qua các phương pháp làm ăn mới mẻ. Sau các ông thống nhất từ quan một lượt, để đi khắp nơi tìm cách vận động cho công cuộc của mình.

Bình: Cách đây một trăm mười năm mà các ông đã đả-thông được tư tưởng, từ bỏ con đường quan lại, tìm đường thúc đẩy dân chủ nhân quyền, thật là đáng mặt những đàn ông nước Việt dám nói “không để càn khôn tự chuyển dời” lắm chớ!

Năm 1905, các ông bàn nhau Nam Kỳ là xứ Indochina, giao thoa đủ thứ văn minh Tây Ta Hoa Ấn, lại được người Pháp đầu tư xây dựng, dân chúng tiến bộ, được cả hai ghế trong quốc hội Pháp, nên quyết đi tới nơi coi cho biết, và sẵn tìm thêm nhiều người có chí hướng tiến bộ để trao đổi và kết bạn.

Cuốc bộ tới Bình Định, gặp trường thi tú tài (?), mấy ông đăng ký thi với tên giả và làm thơ làm phú nội dung “nhạy cảm” và có chút “phản động”, sau đó nộp bài. Ra khỏi trường thi, cả ba cười nắc nẻ rồi dong tuốt vô Nam du hý, giao kết được thêm nhiều thanh niên tiến bộ.

Bình: Đã thi đậu làm quan trong triều, văn tài không phải tệ, kinh sử cũng thuộc làu, lại dùng những thứ sử kinh của Nho giáo mà đùa bỡn bọn môn đồ Khổng Mạnh, dùng thơ phú chê cười đám mọt sách chỉ biết mê mải lợi danh, thực là thâm thuý mà cũng đắng cay lắm. Chẳng khác gì ngày nay viết một bài luận dùng rặt câu chữ của ông Mác ông Minh để mà bỉ bôi đám tham quan ô lại trong nước. Cái khóc cái cười của người trí thức chính là nhịp thở của non sông vậy!

2. Tìm đường cứu nước loanh quanh

Từ miền Nam, các ông trở ngược ra Bắc, đi hết tỉnh này đến tỉnh kia, kết giao được thêm nhiều trí thức có hùng tâm dũng chí. Trong thời gian này, được người giới thiệu Phan Bội Châu và phong trào của ông nên chí sĩ Phan Chu Trinh đi thẳng sang Quảng Đông – Trung Quốc để tìm Phan Bội Châu bàn soạn con đường lo cho dân nước. Khi gặp nhau hội đàm, hai người đều tâm đắc chí hướng canh tân đất nước khởi nguồn từ dân trí, và coi nhau như bạn hữu thân tình. Rồi chí sĩ Phan Bội Châu mời ông sang Nhật để xem cuộc cải cách của Thiên hoàng Minh Trị, đã làm thay da đổi thịt đất nước như thế nào.

Tuy nhiên, khi Phan Chu Trinh đến Nhật, thì bắt đầu nảy sinh một số quan điểm bất đồng với Phan Bội Châu. Phan Chu Trinh chủ trương bất bạo động và dân chủ, còn Phan Bội Châu thì có xu hướng nhờ Nhật viện trợ và huấn luyện quân sự để khởi nghĩa vũ trang, Phan Bội Châu cũng đeo đuổi chế độ quân chủ với việc lập hoàng thân Cường Để làm vua . Mặc dù vậy, Phan Chu Trinh vẫn ủng hộ chương trình đưa thanh niên sang Nhật du học của Phan Bội Châu. Ở Nhật vài tháng thì chí sĩ Trinh về nước, sau khi đã tham quan tường tận cuộc Duy tân ở Nhật.

Bình: Người xưa hết sức đáng nể, trong nước đi bộ xuôi nam ngược bắc đã là kỳ công, mà muốn đi nước ngoài liền đi được ngay. Họ không cần tiền bạc đi đường hay sao, trong khi đã từ quan, không có bổng lộc, cũng chẳng có tham ô, tiền ở đâu mà ra? Là bởi vì, nhờ các bạn có cùng chí hướng, cũng là người hào sảng, các chí sĩ đi tới đâu thì nơi đó tiếp đón ăn ở, khi đi khỏi thì lại tương trợ thêm lộ phí, người nào có điều kiện thì tương trợ nhiều. Cứ như thế mà đi, dù trong hành trang lúc khởi đầu không có mấy quan tiền. Sử sách không nói rõ chi tiết này, cũng bởi đây là chuyện tế nhị, mà người Việt lại là dân tộc siêu khách sáo. Chỉ có những người phi thường mới vượt được cái mặc cảm nhỏ để lo việc lớn mà thôi!

3. Tìm ra đường rồi, về thực hiện và bị ở tù

Năm 1906, nhận thấy mình đã tìm ra được con đường đúng đắn tại Nhật, chí sĩ Phan Chu Trinh cùng các bạn Kháng và Cáp vạch định ra các bước thực hiện chương trình canh tân đất nước như sau:

  • Vận động nhà cầm quyền Pháp cải cách nền chính trị Việt Nam, bỏ chế độ quân chủ, áp dụng chế độ quân chủ lập hiến, dần đi đến nền cộng hoà cho An Nam
  • Nâng cao dân trí: Bỏ Nho giáo, du nhập Tây học; bỏ các hủ tục, du nhập văn minh phương Tây…
  • Phổ biến và hun đúc tinh thần dân chủ: Đề cao phẩm giá bản thân mỗi con người, tinh thần tự lực tự cường, trách nhiệm với cộng đồng, ý thức về sự bình đẳng và tinh thần tự do…
  • Phát triển đời sống vật chất của người dân: Nhập các thiết bị hiện đại, du nhập các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở các nghiệp đoàn và công đoàn, đề cao sản xuất…
    Khẩu hiệu của các ông là: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.”

Bình: Vì sao mà “dân sinh” lại đặt sau cùng? Con người sống, cái đầu có thể ngu nhiều chục năm rồi mới khôn, cái óc có thể hèn nhiều năm rồi mới dũng. Ngu dốt và hèn nhát thì vẫn sống, nhưng cái bao tử không thể nhịn đói mấy ngày mà người sống khoẻ. Dân trí dân khí tệ lậu làm cho người ta nghĩ rằng: ăn no rồi tính sau. Cho nên, đem chuyện dân chủ nhân quyền ra mà nói với kẻ bình dân hoặc với kẻ trí thức đói khát, thì cũng bằng thừa. Con đường của các ông không sai, nhưng nó lý tưởng quá! Người Việt thì cần phải trần trụi và “mì ăn liền” thì may ra. Cho nên, chuyện dân sinh vẫn cần đặt song song với chuyện khai dân trí và chấn dân khí, hoặc ít ra phải làm sao cho dân tin là như thế. Mặc dù vậy, người trí thức đủ tầm vóc để hiểu và ủng hộ các ông không phải là ít.

Các thành tích của phong trào Duy Tân rất đáng kể. Chỉ trong một năm bắt đầu tháng 06/1906 – 07/1907, từ tỉnh Quảng Nam quê nhà của Phan Chu Trinh, phong trào lan ra khắp xứ Trung Kỳ, lan vào tận Sài Gòn, ảnh hưởng tận Hà Nội. Cụ thể:

  • Phan Chu Trinh viết thư cho Toàn quyền Đông Dương Paul Beau để yêu cầu nhà cầm quyền Pháp cải cách chính trị cho An Nam
  • Rất nhiều trường học và thư xã để truyền bá Quốc ngữ và tiếng Pháp thành lập. Lối học tầm chương trích cú bị bài bác, thay vào đó là lối học diễn dịch và quy nạp của phương Tây
  • Nhiều hội thương nghiệp và nghiệp đoàn được thành lập
  • Người dân Việt mặc quần tây và áo sơ mi, cắt tóc ngắn hiện đại, cắt móng tay… trở nên phổ biến là bắt đầu từ thời kỳ này
  • Người dân ý thức được quyền lợi của mình nên ở Trung Kỳ nổ ra phong trào chống sưu thuế rầm rộ từ giữa đến cuối năm 1907 (năm này vua Thành Thái bị đi đày, thượng thư Ngô Đình Khả từ quan, chú Diệm bảy tuổi, đi học và chăn trâu cắt cỏ)
  • Phan Chu Trinh được mời ra dạy tư tưởng ở Đông Kinh Nghĩa Thục (có gặp và quen biết ông Nguyễn Hữu Kha bố của Thiều Chửu, lúc này Thiều Chửu nhẽ vừa biết đi biết nói)
  • Nhiều hội đoàn và phong trào khác trong và ngoài nước cũng liên kết và ủng hộ phong trào Duy Tân

Phong trào Duy Tân tới đầu năm 1908 chưa tròn hai năm, chỉ gieo chưa gặt, thì tất cả lãnh đạo phong trào cùng Phan Chu Trinh đều bị Pháp bắt. Tháng 04/1908, Phan Chu Trinh được một vé ra đảo, là đi đập đá ở Côn Lôn, chung thân khổ sai!

Bình: Giả dụ thời cụ Trinh có facebook có lẽ phong trào Duy Tân sẽ thành công không tưởng, bởi trong bối cảnh mọi thông tin chỉ bằng thư tay và truyền miệng, mà cuộc Duy Tân trong quãng thời gian ngắn ngủi đã lan rộng khắp nước, ảnh hưởng vô cùng sâu sắc với quốc dân. Thì tại sao bây giờ phương tiện công nghệ tân kỳ, ngồi nhà cũng tai nghe mắt thấy chuyện bên Tây, mà chẳng có nổi phong trào cải cách nào có sức lan toả vào xã hội bình dân? Dân bây giờ có lẽ nào tệ hơn dân một trăm năm trước hay sao?

4. Lưu vong hay tìm đường cứu nước lần hai

Phan Chu Trinh ra đảo được hai năm, tuổi vừa ba mươi tám. Trong thời gian này, dư luận An Nam sôi sục. Hội Nhân quyền Hà Nội, các nghiệp đoàn, thương hội, công đoàn, báo chí, học sinh, nhân sĩ trí thức… liên tục tổ chức biểu tình, bãi công, bãi thị, diễn thuyết, ký thỉnh nguyện thư… để đòi thả Phan Chu Trinh và các bạn. Tình hình xao động đến cả nước Pháp, các chính khách thân thiện ở Pháp và Hội Nhân quyền Pháp cũng vào cuộc đấu tranh kiến nghị với chính phủ Pháp trả tự do cho Phan Chu Trinh.

Bình: Có ai liên tưởng tới Nelson Madenla và tù nhân lương tâm nào khác không?

Trước sức ép dư luận, Pháp phải trả tự do cho Phan Chu Trinh vào tháng 08/1910 và đem ông về quản thúc tại Mỹ Tho. Sau đó nhận thấy uy tín của Phan Chu Trinh mỗi lúc một cao, sợ sinh biến, nên buộc ông phải lưu vong sang Pháp, tin tức này công khai nhiều người biết.

Trong một diễn biến khác cùng khoảng thời gian này, Nguyễn Sinh Sắc làm quan huyện bị triều đình sa thải. Sợ các mối thù hằn cũ sẽ đến báo oán khi không còn quyền lực, ông Sắc dắt Nguyễn Sinh Coong bỏ quê chạy vào Nam Kỳ trốn tránh, thay tên đổi họ sống lang bạt rày đây mai đó. Khi biết người quen cũ là Phan Chu Trinh đang ở Mỹ Tho và sắp được đi Pháp, ông Sắc đã dắt con tới bái kiến và gởi gắm, dạy Coong kêu Phan Chu Trinh bằng “bá phụ đại nhơn.” Sau đó, ông Sắc tiếp tục lang bạt kỳ hồ, cuối cùng lập gia đình khác và chết già tại Cao Lãnh.

Năm 1911, Phan Chu Trinh sang Pháp, có con trai là Dật theo cùng. Cùng năm đó, có một bức thư viết bằng tiếng Pháp, gởi cho tổng thống Pháp, nội dung đại khái xin được học ở Pháp, ký là Nguyễn Tất Thành, đề năm 1911. Tất nhiên, Thành chính là Coong, cái tên mới này là kỷ niệm cuối cùng của ông Sắc và Coong. Chuyện Nguyễn Sinh Coong có đi chung với Phan Chu Trinh hay tự đi một mình chưa xác định, nhưng chắc chắn một điều là khi sang Pháp thì Coong nương nhờ chí sĩ Phan Chu Trinh một thời gian dài, xem ông như thầy như cha. Và, không có chuyện Coong “ra đi tìm đường cứu nước” như người ta vẫn thổi phồng.

Một bức thư tay mà Coong gởi cho chí sĩ Phan Chu Trinh, lời lẽ rất tôn kính và có chút xíu nhõng nhẽo:

H1

Hy Mã nghi bá đại nhơn.
Cháu kính chúc Bác, em Dật và ông Trang (Trạng?) mấy các anh em ta ở Paris đều mạnh giỏi.
Nay cháu đã tìm được nơi [giễ?] học tiếng.
Mấy 4 tháng rưỡi nay thì chỉ làm với Tây, [tém?] tiếng Tây luôn luôn, tuy ở Anh song chẳng khác gì ở Pháp và ngày tháng luống [nhưng?] chỉ lo [hau?] khỏi đói chớ chẳng học được bao nhiêu. Mà cháu ước ao rằng 4, 5 tháng nữa lúc gặp Bác thì sẽ nói và hiểu được tiếng Anh nhiều nhiều.
Bên ta có việc gì mới và nếu Bác dịch mấy hồi sau xong rồi, xin Bác gởi cho cháu.
Nay kính, C.D. Tatthanh
Drayton Court Hotel, West Ealing W. London

[Tái bút] Chuyến này Bác sẽ đi nghỉ hè đâu?

Phan Chu Trinh ở Pháp, vừa đi dạy vừa tiếp tục vận động cho việc cải cách chính trị ở Việt Nam, nhưng không khả quan. Ông cũng gặp được các trí thức người Việt là Phan Văn Trường – Nguyễn Thế Truyền đang sống tại Pháp, và các ông cùng hoạt động vì nước.

Được ba năm, chiến tranh thế giới I nổ ra, có kẻ bí ẩn cáo giác với chính quyền Pháp rằng Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường là điệp viên của Đức, khiến hai ông bị bắt giam và thẩm tra gần mười tháng trời, đến tháng 07/1915 mới được trả tự do.

Ra tù, mất việc, chí sĩ Phan Chu Trinh làm nghề nhiếp ảnh để mưu sinh, và hoạt động cũng vì thế mà giảm sút. Chính trong khoảng thời gian này, tư tưởng và đường lối của ông bắt đầu có chuyển biến. Ông cố gắng tranh thủ sự ủng hộ của chính giới, công luận và thậm chí cả giới kinh tài người Pháp, vận động bất cứ sự hỗ trợ vật chất và tinh thần nào cho người Việt, thông qua các bạn của ông còn ở trong nước.

Năm 1919, Phan Chu Trinh cùng các bạn viết Bản Yêu sách của nhân dân An Nam, ký tên giả là Nguyễn Ái Quốc, rồi cùng Coong đem tới gởi Hội nghị Versailles (chẳng biết vì sao hình lưu truyền lại chỉ có mình Coong?) Coong khi này 29 tuổi, chưa có hoạt động gì đáng kể, chủ yếu là lúi húi làm bồi bàn kiếm sống các nơi.

Trong khoảng từ 1919 – 1925, tư tưởng của Phan Chu Trinh chín muồi, ông viết lách khá nhiều và gởi về phổ biến trong nước. Uy tín của ông tại ba kỳ đều cao vượt, nhiều người trẻ thức tỉnh, canh tân bản thân, tìm hiểu về dân chủ và nhân quyền, tầng lớp trí thức và dân chúng không ai mà không biết tới Phan Chu Trinh.

Năm 1925, mười lăm năm bị lưu vong đất khách, cụ Phan Chu Trinh năm mươi bốn tuổi, được Pháp cho hồi hương; trước đó ở quê nhà Quảng Nôm, vợ và con trai cả đã mất vì bệnh tật, hai cô con gái đã lấy chồng, người chí sĩ trở về thấy gia cảnh quạnh hiu tứ cố vô thân. Cụ tiếp tục diễn thuyết và viết lách để truyền bá tư tưởng dân chủ và nhân quyền, phê phán đả kích chế độ quân chủ độc tài, khuyến khích công thương nông nghiệp, được giới trẻ và trí thức ủng hộ.

Năm 1926, cụ qua đời tại Sài Gòn.

Bình: Ngày xưa, bắt lưu vong vì không thể giết không thể bỏ tù nhưng cũng không thể để cho tự do tồn tại. Rõ ràng, khi lưu vong thì nhà chí sĩ như bị trói tay chân, hoạt động không còn hiệu quả, bởi bị cô lập khỏi những người ủng hộ. Ngày nay, chuyện lưu vong chẳng có mấy ý nghĩa, do kỹ nghệ tân kỳ, giao tiếp với nhau cách xa vạn dặm mà cũng như ngồi đối mặt. Bởi thế, bắt ai đó lưu vong không phải vì họ nguy hiểm với nhà cầm quyền, mà vì sự lưu vong đó được dùng như một sự đổi chác lợi lộc cho nhà nước mà thôi.

5. Đến chết vẫn còn “gây rối trật tự công cộng”

Vì cụ không có thân nhân ở Sài Gòn, cho nên các nhân sĩ trí thức người Việt lập ra một ban tổ chức lễ tang cho cụ. Không ngờ, lượng người đi đưa tang cụ tại Sài Gòn lên đến cả trăm ngàn, gồm đủ mọi thành phần từ thợ thuyền, học sinh, thương nhân, trí thức, nhân viên công chức, tu sĩ, nông dân… Khí thế vô cùng hùng tráng, tưởng không có lễ tang hay sự kiện nào lớn hơn từ trước tới nay tại xứ Annam. Người ta tiếc thương cho một nhân cách lớn, một bộ óc vĩ đại và một trái tim chảy hết máu vì dân vì nước.

H1

H1

Sau đó chưa hết, tại Trung Kỳ và Bắc Kỳ, thanh niên và trí thức tiếp tục phát động phong trào để tang cho cụ Phan Chu Trinh. Họ tổ chức nhiều cuộc hội họp, biểu tình ôn hoà, diễn thuyết công khai để tưởng nhớ cụ, truyền bá tinh thần dân chủ và ý thức nhân quyền. Số lượng người tham gia vô cùng đông, ở cả ba kỳ, hoạt động dân chủ ôn hoà diễn ra rầm rộ, đến nỗi làm cho nhà cầm quyền Pháp phát điên, phải dùng thủ đoạn gian trá và độc tài là bắt ép các trường Tây học cấm học sinh tham gia phong trào (nếu tham gia bị đuổi học), bắt bớ một số người hoạt động, đuổi việc thợ thuyền, sa thải công chức… Phong trào dân chủ chuyển thể sang hình thái khác.

Bình: Nhìn chuyện người Việt truy điệu và để tang cho cụ Trinh cách nay gần thế kỷ, rồi so lại với tình hình bây giờ chợt thấy mủi lòng, vẫn chưa có người nhân sĩ trí thức ủng hộ dân chủ nào có tầm ảnh hưởng và uy tín đủ với quốc dân bằng một góc cụ Trinh, chưa có phong trào dân chủ nào đánh động được tới tâm hồn và lối sống người Việt. Các trí thức tiến bộ, bạn chờ có người gánh thay trách nhiệm của bạn mãi hay sao mà chưa chịu xuất đầu lộ diện? Quốc dân, bạn còn mê ngủ mãi hay sao?

6. Bình luận của người viết

Cụ Phan Chu Trinh là lãnh đạo của nhóm người có tư tưởng dân chủ sớm nhất ở Việt Nam. Cụ tuy là quan viên với con đường hoạn lộ thênh thang, bụng chứa thi thư, nhưng lại từ bỏ nền quân chủ và đấu tranh cho việc người dân có quyền làm chủ đất nước.

Cụ chủ trương đường lối ôn hoà bất bạo động, dù trước đó, cha cụ là nghĩa sĩ vũ trang của phong trào Cần Vương.

Phong trào dân chủ hiện đại phải rút kinh nghiệm từ bài học của trăm năm trước, cần phải bắt đầu trở lại bằng phong trào Duy Tân. Những việc lớn cần duy tân trước mắt mà mỗi người có thể tự làm được:

  • Mở mang tinh thần hiếu kỳ và nghi ngờ khoa học cho giới trẻ, bài xích 100% lối học thuộc lòng thiếu tư duy. Khuyến khích tỵ nạn giáo dục và home-school, tẩy chay bằng cấp.
  • Hướng dẫn cho người dân biết quyền và vị thế của họ trước cơ quan công và các nhân viên công chức được trả lương từ thuế.

Tác giả: Hai Le

Edit: Triết Học Đường Phố

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

 

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI