15.8 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Review] Con hủi, Helena Mniszek – Tiếng răn ám ảnh dành cho những kẻ lên đường truy cầu hạnh phúc

thđp review

(1615 chữ, 7 phút đọc)

“Những nẻo đường nào sẽ dệt thành mạng đường đời cho mình lần bước, những dây đàn nào sẽ rung ngân thanh âm về sự tồn tại của chính mình; điều gì sẽ dành cho mình đây – những ban mai trong lành e ấp hạnh phúc và hương thơm tháng năm hay những hoàng hôn u ám với vầng trăng ủ ê nhợt nhạt? Những ngày hạ nóng nung tranh đấu hay những cơn bão tuyết băng giá nghiệt ngã của số phận?”

Có lẽ những dòng văn chất chứa đầy nỗi suy tư kia cũng đủ để diễn đạt tinh thần lớn nhất của tác phẩm kinh điển Con hủi của nữ văn sĩ Ba Lan Helena Mniszek, đó là sự hoang mang của kiếp con người khi không thể biết trước được tương lai và cuộc chiến khốc liệt của họ trong việc giành lấy hạnh phúc của cuộc đời mình giữa muôn vàn những trái ngang khổ cực.

Tàn nhẫn – đó là tất cả những gì cuộc đời đã dành cho cặp trai tài gái sắc là đại công tử Waldermart Michorowski thuộc dòng dõi quyền quý nhất cả nước và con gái một điền chủ quý tộc nhỏ – nàng Stefcia Rudecka. Tàn nhẫn cũng chính là những gì tác giả dành cho người đọc trong việc dẫn họ vào những cơn bão lòng rung cảm dữ dội cùng với hai số phận trớ trêu trong sự chênh lệch đẳng cấp xã hội.

Nghe tên Con hủi ta có thể hình dung ra một kẻ nào đó xấu xí, bệnh hoạn với hình thù gớm ghiếc sẽ xuất hiện trong cuốn sách. Nhưng không, biệt hiệu này lại dành cho cô gái tài sắc vẹn toàn Stefcia Rudecka ấy. Chính sự khác biệt đẳng cấp của nàng đã khiến nàng trở thành một sinh vật bị ruồng rẫy, đay nghiến, dày xéo và khinh miệt đến tận cùng. Sự dung hòa, chấp nhận là thứ không thể xảy ra khi những độc tố kia đã ken dày thành trùng trùng lớp lớp bởi biết bao nhiêu thế hệ con người. Chỉ những cá nhân thực sự dũng cảm và can trường mới có thể vượt lên được những rào cản đau đớn ấy.

Những khó khăn trong tình yêu bởi sự thiếu môn đăng hộ đối trong truyện Con hủi được khắc họa một cách rất khắc nghiệt và dữ dội, đến mức dường như không thể tưởng tượng nổi rằng trên đời này lại tồn tại những sự hà khắc đến bạo tàn như vậy. Có thể, đây là một cách thể hiện nội dung của tác giả, tương tự như một vở bi kịch mang màu sắc thậm xưng và cường điệu.

“Nhưng cô ta là một phần tử không thích hợp trong giới chúng ta, cô ấy không phải dành cho chúng ta! Không nên gần gũi và thân mật với cô ta. Cô Rudecka, đối với chúng ta – là một con hủi!” – Barxki

Tiểu thuyết này đã làm dậy lên khát khao chinh phục những điều chân thiện mĩ bằng cách phá tung mọi xích xiềng định kiến, các quan niệm và phong tục cổ hủ của xã hội cũ. Sự đau đớn được thể hiện đậm đặc trong cuốn sách làm dấy lên trong tâm linh người đọc một thông điệp rằng nếu ta không dũng cảm vượt qua những điều trái ngang khắc nghiệt, ta cũng sẽ vĩnh viễn nằm lại trong nấm mồ bi thảm và hối tiếc cho tới hết cuộc đời. Con hủi đã đánh động sự thức tỉnh của người đọc bằng nỗi đau và cái chết. Tôi cho rằng đây là sự khôn ngoan và tinh tế của tác giả. Vì theo bản năng sinh tồn, con người luôn sợ hãi bản án tử thần và luôn tìm cách tránh xa những tác nhân dày xéo sự hiện diện của họ.

Tác giả kể câu chuyện về nghịch cảnh trong tình yêu lứa đôi nhưng khi nhìn rộng hơn ta có thể nhận ra nàng Stefcia Rudecka hoàn mĩ kia như một biểu tượng cho sự thật, chàng Waldermart oai hùng là hình ảnh cho khát khao của con người trong việc nhận ra và nắm giữ những sự thật ấy, còn toàn bộ giới quý tộc chống lại hạnh phúc của đôi thanh niên đại diện cho những sự yếu đuối, giả dối và u mê của con người trong cuộc hành trình hướng tới mặt trời chân lý. Câu chuyện này cũng tương tự như chuyện chàng hiệp sĩ mang thanh gươm trắng cưỡi ngựa lên đường băng qua những gai rào đen tối của mụ phù thủy để giải cứu nàng công chúa xinh đẹp đang ngủ mê trong tòa tháp lạnh lùng.

Nội dung cuốn sách được thể hiện giống một vở kịch hơn là một câu chuyện thực tế thường ngày bởi sự dày đặc những chi tiết miêu tả hoa mĩ đậm chất văn chương vừa mơ màng vừa rực lửa, không chỉ cảnh vật mà cả tâm lý con người – lúc hoang mang nghi ngờ, lúc đắm say hoan lạc, lúc đớn đau vật vã và lúc tuyệt vọng thê lương. Có thể nói, Con hủi là một sản phẩm nghệ thuật kiều diễm, được thể hiện rõ ràng trong việc miêu tả ngoại hình, tâm tư, xúc cảm con người và những đường nét của tự nhiên hết sức công phu và tỉ mỉ. Sự tận tâm ấy của tác giả khiến người đọc có được sự đồng cảm lớn lao với nhân vật và có khả năng hình dung bối cảnh câu chuyện đến từng đường nét như thể họ đang được sống ở trong chính thế giới ấy.

Tác phẩm này mang tới một sự kích động vì tò mò khi rất nhiều những dự cảm về nội dung được hé lộ tinh tế trong việc miêu tả thế giới xung quanh, giống như câu thơ của cụ Nguyễn Du: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.” Càng đọc kỹ cuốn sách, ta càng thấy được tài nghệ và sự uyên thâm của tác giả trong việc cân đối giữa thế giới bên ngoài và bên trong của con người. Điều này làm sống dậy khả năng linh cảm tương lai của bạn đọc, như thể có một tiếng nói khẽ khàng len lỏi vào trong tâm khảm nhắc ta rằng điều gì đó sẽ xảy ra ở những trang tiếp theo. Và thế là, ta liên tục ở trong trạng thái nôn nao bồn chồn vì không biết rằng những gì ta đang lắng nghe có thật sự đúng đắn. Phải chăng tác phẩm Con hủi là một sự trêu ngươi dành cho con mắt hữu hạn của loài người.

“Con người muốn sống cuộc đời vĩnh hằng trường sinh bất tử, nhưng thế giới lại dựa trên sự sinh và diệt. Đóa hoa nào cũng phải héo tàn biết phải làm sao! Miễn là khi sống hoa khiến cho một giây phút của cuộc đời ta được thêm phần tươi đẹp – song con người bây giờ lại không chịu thỏa mãn với điều đó, họ muốn phân tích, muốn lý giải ngay chính niềm hạnh phúc kia. Nhưng cũng như đóa hoa kia, nếu bị phân nhỏ ra thành muôn mảnh, sẽ chỉ là một búi rác mà thôi. Khi hiểu ra điều đó, thất vọng, họ muốn ghép lại hoa như cũ như cũ, nhưng kết quả thảm thương thay, và thường họ đành  vứt hoa đi… Với mọi chuyện trên đời cũng thế.” – Cụ Maciej

Cảm giác của tôi khi đọc cuốn sách biến đổi từ sự lơ đễnh, mơ màng chuyển sang sự bồn chồn, náo nức, tiếp đến là sự căng thẳng, kích động đến nghẹt thở, để rồi cuối cùng, tất cả vỡ òa trong nước mắt thổn thức. Chưa từng có tác phẩm văn học nào khiến tôi khóc nhiều như vậy cho tới thời điểm hiện tại. Cho đến tận cùng, tôi mới hiểu ra, tất cả những gì tác giả đặt bút trước đó là để chuẩn bị cho khoảnh khắc bùng nổ sau cùng chấn động hơn tất thảy.

Quả thực, nếu nhìn cuốn sách này chỉ đơn thuần là tác phẩm tình yêu lãng mạn, thậm chí mang chất ngôn tình phảng phất thì quả là một điều đáng tiếc cho người đọc. Bên cạnh nội dung to lớn nhất về sự phá vỡ xích xiềng định kiến trong tư duy để vươn tới hạnh phúc chân thực, tác phẩm Con hủi còn đề cập đến những đề tài quan trọng khác về sức mạnh ngôn từ, sự bình đẳng giữa người nam và người nữ trong tình yêu, sự tiến hóa của con người qua các vòng lặp định mệnh và xu hướng tìm kiếm tâm linh khi họ ở trong sự bất lực trước cái chết.

Con hủi có thể trở thành một nỗi ám ảnh khôn nguôi về hậu quả có thể xảy ra cho một người khi họ rơi vào đoạn đường thử thách tương tự, đặc biệt trong tình yêu. Nó như một tiếng răn, một lời cảnh báo và cũng là lời động viên thuyết phục người đó vượt lên trên những yếu hèn và run rẩy của chính mình để chạm tay tới niềm hạnh phúc vẫn hằng khao khát. 9/10 là điểm tôi dành cho tác phẩm kinh điển này.

“Người ta không xét ngọc qua cái khung mà qua giá trị bản thân của viên ngọc. Trong một cái khung bằng vàng vẫn có thể đặt những viên ngọc giả.” – Waldermar

Tác giả: Vũ Thanh Hòa
Featured Image: Sadie Pices

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI