29.2 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Cà phê Tùng – hơn nửa thế kỷ trường tồn cùng biến cố lịch sử Đà Lạt

(1195 chữ, 5 phút đọc)

Vừa vào quán thấy cô chủ tươi cười hỏi thăm: “Mới lên lại à con.” Như mỗi lần về quê được cô chú hàng xóm ríu rít hỏi thăm. Từ bao giờ một quán cà phê biến thành quê nhà? Mà đã là quê nhà thì  phải yêu thương, phải kể về nó, đó bao giờ cũng là cách tôi bày tỏ tình yêu của tôi. Vậy nên hôm nay lại tiếp tục kể về Đà Lạt, kể về một quán cà phê cổ kính, là nhân chứng lịch sử qua bao thăng trầm của Đà Lạt. Bạn phương xa đến chơi Đà Lạt chắc ai cũng nghe tiếng “Cà phê Tùng.” Nhưng tôi tin chắc để hiểu sâu về nó, thì chưa có mấy ai.

Sáng hôm qua tạm biệt Sài Gòn. Ở đó đã bao nhiêu sáng mở mắt chỉ để thấy tất cả mọi sự vật khiêu vũ trên nền nhạc nhộn nhịp, bao nhiêu sáng tôi đứng bơ vơ giữa dòng người nhốn nháo hối hả, những dãy phố chằng chịt cao tầng san sát. Bao nhiêu sáng thức giấc chỉ để lắng nghe tiếng động cơ máy của xe cộ, tiếng còi inh ỉ bấm liên hồi. Vô số âm thanh rớt giọt vào tai, nhưng tôi chẳng còn nghe được âm thanh nào quen thuộc với chính mình. Bởi đã bao ngày tháng Đà Lạt dành trọn cho những tình khúc vang lên từ chiếc loa thùng trong cà phê Tùng. Bao nhiêu giờ ngồi đốt thuốc lắng những giai điệu của một tiếng hát Khánh Ly, của Sĩ Phú, Vũ Khanh, Ngọc Lan… cùng những bản nhạc Pháp gợi nhớ xa xôi về một giấc mơ tiểu Paris của Đà Lạt một thời hương xưa vừa vụt qua trong cái nháy mắt của lịch sử.

Bạn cứ đi khắp Đà Lạt, nếu bắt gặp một người không biết đến cà phê Tùng, chắc chắn người đó không phải là dân bản địa hoặc là khách vãng lai chẳng tha thiết gì Đà Lạt. Có một sự thật là cà phê Tùng rất nổi tiếng trên Đà Lạt, nhưng vì sao nó nổi tiếng?

Dãy ghế da liền cũ kỹ, trước những chiếc bàn gỗ bọc nhựa mica trắng với những bức tranh sơn dầu treo trên tường. Khách đến quán chìm đắm nghe hồn mình phiêu dạt về một vùng thăm thẳm đã xa xôi. Cái cảm giác kỳ lạ khi biết mình đang sống lại với những thăng trầm của góc quán nhỏ. Ở đó bạn có thể nghe tiếng của Nguyễn Tuân bảo “Vào cái quán này như vào để nghe một tiết tấu của điệu Blues buồn, tiếng đàn cello trổi lên trong cái không gian lặng thầm của quán…” Tiếng cười khúc khích của Khánh Ly trong những lần gặp Trịnh Công Sơn. Thi sĩ Bùi Giáng ngồi bên khói thuốc nguệch ngoạc những vần thơ bất hủ gửi về cõi xa mù. Phạm Công Thiện với ý tưởng sơ khai cho Ý thức mới trong văn nghệ và triết học. Cặp đôi Lê Uyên Phương trong những lần hẹn hò thuở son sắc tình yêu. Từ Công Phụng với sự bỡ ngỡ rụt rè trong âm nhạc thuở ban đầu “Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em…” Bao nhiêu khúc tình ca, bao nhiêu bài thơ đã được sinh ra từ một thánh đường hò hẹn của các thi sĩ.

Trí tưởng tượng tôi có cơ may bùng cháy khi tôi bước vào Tùng. Tôi nghĩ đến thế giới siêu hình, hiện tại và quá khứ đang diễn ra song song, một lỗ hổng thời gian. Điều đó có nghĩa nếu một nghệ sĩ  nào đó đã từng ngồi ở vị trí của tôi. Có thể nào trong quá khứ tôi là họ hay nói cách khác tương lai của họ chính là tôi lúc này. Với một đứa lãng mạng vặt yêu thơ ca văn chương như tôi thì còn gì bằng.

Lịch sử cà phê Tùng gắn với một phần lịch sử di cư của người Việt lên Đà Lạt thuở sơ khai. Đó còn là mảnh ghép lịch sử về đời sống của người phương Bắc nhập cư Đà Lạt thuở chỉ mới lưa thưa vài ba căn nhà tranh tự dựng lên dưới tán thông. Chủ cà phê Tùng trước đây từng làm công chức, vì chán ngán công việc nên chuyển sang làm nghề thợ hớt tóc. Có lẽ không thể kiếm sống được bằng cái nghề bọt bèo nên ông đã quay sang mày mò học pha chế dựa trên những tư liệu của người Pháp rồi mở quán cà phê. Cà phê ở quán là tự tay rang, xay theo một công thức riêng, bí quyết riêng của gia đình. Tuy chú Tùng đã qua đời cách đây 17 năm nhưng quán vẫn được những người trong gia đình duy trì giữ nguyên những nét đặc sắc của một quán cà phê cổ. Trường tồn hơn 60 năm, đã trở thành một phần không thể thiếu của Đà Lạt, cà phê Tùng giờ đây là một phần cuộc sống của người dân xứ mộng mơ và cũng là một phần ký ức của những người đi xa mỗi khi nhớ về thành phố ngàn hoa.

Khách vào quán không chỉ để hồi tưởng, thưởng thức cà phê, mà còn có cơ hội ngắm nhìn một thứ hội họa mãi trường tồn cùng thời gian. Hãy châm lên một điếu thuốc, hít một hơi thật sâu rồi ngả đầu dựa vào thành ghế. Bạn sẽ nhận ra mình vừa trông thấy bức tranh “Người chơi đàn ghi ta’’ của Vị Ý. Rồi cả tranh của họa sĩ Đinh Cường, là người bạn thân thiết của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Rất nhiều những bức tranh nổi tiếng có giá trị lịch sử còn được lưu giữ trong quán mà nếu là một tín đồ hội họa thì bạn không thể bỏ qua.

Vừa đặt chên lên Đà Lạt, tôi xúc động như mình vừa tìm lại được điều vừa đánh rơi. Rồi vội vã chạy xe ra phố, chỉ để gặp góc quán quen thân thuộc. Ở Tùng, đã bao nhiêu buổi sáng, buổi chiều, những đêm cô liêu ngồi châm lửa đốt lên vài ba điếu thuốc để tìm về mùi hương quen thuộc của núi đồi, của hơi sương, lắng nghe tiếng bước chân mình dẫm nát nỗi cô đơn trong câm lặng, trong bóng dáng của những kẻ xa lạ đang bước đi ngoài phố.

Vội vã trở về vội vã ra đi. Nói lời giã biệt với người tình này để tay bắt mặt mừng với một người tình khác. Chốn dừng chân nào cũng chỉ như một căn phòng trọ, chẳng có nơi đâu là nhà mà nghĩ lại nơi đâu cũng là nhà. Giờ thì tạm biệt Tùng, tạm biệt phố xá Đà Lạt, tôi lại vào núi, trở về với miền hoang vắng cô liêu, ngủ một giấc thật sâu, lại chờ đợi sáng ra được ngồi đốt thuốc lắng nghe tiếng hát ai thân quen phát ra từ góc quán quen.

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: dalat.net.vn

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

4 BÌNH LUẬN

  1. Cảm ơn Chi. Chắc chắn đằng sau những bài viết này Chi còn muốn nhắn gửi đến em điều gì đúng không? Hoặc là đúng, hoặc do em tự ảo tưởng, nhưng em hiểu rằng nếu em tự ảo tưởng ra điều Chi muốn nói thì tức là chính em cũng tự nhìn thấy điều đó. Dù sao vẫn cảm ơn Chi đã giúp em nhìn ra được hê hê. Vẫn còn nợ em vụ cà phê 🙂

    • Gì thế,chắc em tự ảo tưởng ra cái gì đó đang nằm trong đầu em ý, chứ chị có nhắn gửi gì đâu,chị mới về sài gòn lên, đi hơi lâu nên khi lên thấy nhớ nên viết thôi:))) mà ảo tưởng cái gì đó thì nhớ cất giữ kỹ kỹ bao giờ chị sang rồi kể cho chị nghe với,chị hết tiền ra tùng uống cf rồi, mai hoặc mốt gì đấy sang em đòi ly cf em hứa mời bữa giờ nè, mai nha ^^

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI