19.3 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Nghịch lý đầy bi kịch của nông nghiệp Việt Nam

(1672 chữ, 6 phút đọc) Tôi sinh ra ở nông thôn, lớn lên và ăn học nhờ những giọt mồ hôi của ba mẹ tôi rơi trên ruộng đồng. Tôi chưa biết yêu nghề nông, tung cánh bay cao giữa nơi đô hội, rồi lại rớt xuống bùn đen. Trở về với quê nhà bao dung, tôi tập làm nông để tạo ra giá trị chứ không để mình chết rục vì thất bại. Tôi bắt đầu với một ruộng dưa hấu tết, tập suy nghĩ như một nông dân. Bắt đầu với việc chọn đất, dọn đất theo cách mà tôi cho là tốt, đi tới chỗ mà nghe người ta nói làm giống dưa mạnh và ít bệnh để mua, rồi hỏi kinh nghiệm của người trồng trướcđể làm theo, kèm theo những suy nghĩ mà tôi sáng tạo ra để áp dụng vào. Sau đó cũng vay tiền đi mua phân và thuốc sâu để bón. Chăm bón từng dây dưa, chuốt cọng dừa làm mấy lá “cờ”’ nhỏ để cắm đánh dấu những chỗ dây dưa cần chú ý đặc biệt. Còn lên mạng tham khảo về sâu hại và bệnh dưa, tìm thuốc theo lời khuyên của các kỹ sư trên mạng.

Dưa tốt bời bời rất bắt mắt, bốn mươi ngày trái đã to tướng nằm ễnh rất dễ thương. Khi đó tôi vui vì thấy mình cũng làm được việc, không đến nỗi dài lưng tốn vải ăn no lại nằm. Xét về sự siêng năng, tôi không thua bất cứ nông dân nào, cần mẫn xịt thuốc ban đêm để diệt sâu, canh con nước để tưới dưa, dậy thật sớm để thăm dưa và sửa cho trái dưa không méo. Xét về kỹ thuật, tôi học hỏi và áp dụng khoa học những lời khuyên từ những người đã từng thành công. Thời tiết tuy không thực sự thuận lợi nhưng cũng không quá khắc nghiệt. Đủ điều kiện để trông một mùa dưa bội thu. Tôi nhẩm tính ra giá dưa trung bình năm ngoái và năng suất dưa mình năm nay, tin rằng doanh thu không dưới $1000/công. Tôi bắt đầu giác ngộ một điều tối quan trọng trong chuỗi sản xuất: Cách tạo ra vốn.

Một buổi chiều, tôi xịt phân bón lá cho dưa, theo đúng liều lượng chỉ định. Bốn giờ rưỡi sáng, tôi ra thăm dưa, thấy dưa nứt bụp bụp la liệt hơn phân nửa ruộng dưa. Trưa hôm đó, nắng gắt cháy da, lá dưa héo rũ, chiều xuống trời lạnh thấu xương. Thêm một đêm nữa, dưa nứt còn một phần ba, dây dưa cũng nứt dọc và xì mũ, coi như hết cứu. Sau ba ngày, ruộng dưa hư 95%, lá dưa khô quắt không còn cái nào. Khung cảnh thê lương như bãi chiến trường tử địa. Tôi lại giác ngộ ra thêm một chân lý về quản lý nguy cơ.

Không chấp nhận cảnh ăn tết (lại ăn tết!) nghèo và hèn, tôi tư duy rằng trồng dưa không bán được thì đi mua dưa của người khác mà bán. Lại lân la làm quen với mấy người đã từng mua dưa, xin chỉ kinh nghiệm. Tôi học được những mánh khóe bóp cổ nhà nông của thương lái. Tôi lại ngộ ra một cách giúp nông gia thoát khổ. Nông gia nằm dưới cơ thương lái, chỉ vì thương lái họ biết và chịu thỏa hiệp với nhau, còn nông dân thì không có phẩm chất này, lại dễ xao động và dễ bị ly gián.

Khi đi ngồi chợ dưa tết, tôi lại được bạn hàng yêu quý, dạy cho nhiều kinh nghiệm xương máu trong việc mua bán và mặc cả, làm sao để không bị gãy vốn… Qua việc thuê người vác và người chở dưa đem giao, tôi lại làm quen với họ, thêm vài lon “ken”, tôi lại học thêm được hàng tá thứ hay ho từ các tay giang hồ hảo hớn đó. Những lúc khách đông, các anh em phụ với tôi không ngơi tay, tôi được ưu ái cho ngồi hút thuốc và bắt đầu ý thức được giá trị của địa thế khi mua bán.

Xâu chuỗi những điều đó lại, tôi hình dung về một cái gì đó xa hơn cho nông nghiệp Việt Nam, nhưng không thể định hình rõ (vì không có hệ thống khác để đối chiếu) và càng không có giải pháp nào, cho tới khi sang Nhật và chứng kiến tận mắt cách họ làm việc. Tôi có thể thấy một nghịch lý đầy bi kịch của nông nghiệp nước nhà, nó là cái vòng lẩn quẩn như thế này: Thổ nhưỡng và khí hậu tốt chưa đủ, cần có giống tốt, giống tốt chưa đủ, cần có kỹ thuật tốt, kỹ thuật tốt chưa đủ, cần có nông dược tốt, nông dược tốt chưa đủ cần làm chủ được thổ nhưỡng và thời tiết! Vòng lặp này, trong ngôn ngữ lập trình tin học gọi là Deadlock, nó là vòng tròn của sự diệt vong, nếu không thoát ra được, thì mãi mãi không phát triển được, bài ca trúng mùa hay mất trắng cứ liên tục năm này đến năm khác, lây lất triền miên.

Câu chuyện của tôi, thực sự có tính đại diện cho đại bộ phận nông dân miền Nam bây giờ, siêng năng cần cù không thiếu, tìm tòi học hỏi cũng không lười, nhưng rất ít người có thể vươn lên, nếu có, đa phần nhờ may mắn do trúng mùa trong thời điểm cao giá, hoàn toàn không làm chủ được tình thế. Giải pháp đặt ra phải làm sao phá vỡ được một mắt xích để nó không còn lẩn quẩn nữa. Mắt xích trọng yếu nhất bị phá vỡ, chính là làm chủ được thổ nhưỡng và khí hậu. Bằng cách nào ư, mọi giải pháp không ngoài nông nghiệp áp dụng công nghệ!

Thực tế cho thấy, khi làm nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra thời tiết và thổ nhưỡng theo ý mình, các trang trại tối tân của những tập đoàn lớn của Nhật Bản chỉ trồng những giống rau cải bình dân bản xứ, không sử dụng bất kỳ loại nông dược nào, kỹ thuật được lập trình sẵn, và năng suất tăng lên hơn năm mươi lần cho cùng một diện tích đất, cá biệt có nơi cho năng suất hơn một trăm lần. Quả là con số đáng mơ ước, nhưng họ đã làm được.

Người Việt chúng ta có triết lý làm nông giản đơn: Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Điều này chỉ đúng trong quá khứ, khi con người chưa có máy bơm và chưa có điều kiện chọn lọc được các nguồn giống ưu thế, phân bón và thuốc trừ sâu chưa bị thế giới sợ hãi! Triết lý này ngày nay đã lỗi thời, không còn có thể áp dụng thêm ngày nào nữa. Phải có một triết lý mới, phù hợp với hoàn cảnh và xu thế thời đại. Triết lý đó là gì, còn cần thời gian dài để định hình và tự thích ứng, nhưng phân thuốc và khí hậu không còn là yếu tố chi phối sự thành bại của nông gia, nhà nông cũng không phải quần quật bán mặt cho đất bán lưng cho trời để đổi lấy miếng ăn, và giống tốt thì luôn luôn đầy ắp để sự lựa chọn được phong phú.

Tôi đã vào những siêu thị lớn nhất nhì Nhật Bản ở thủ đô Đông Kinh, và thấy nguồn giống rau cải của họ hết sức nghèo nàn, cả một khu rau củ quả khổng lồ về số lượng, nhưng chủng loại cộng lại cũng chỉ ngoài hai chục loại, loanh quanh một vài loại xà lách, bắp cải và bí đỏ, khoai lang, khoai tây, củ hành, củ cải… mỗi thứ một loại mà thôi. So với một chợ quê của miền Tây cũng thua kém lắm. Vậy mà rau của người Việt không bán được cho nước ngoài, thật là uổng phí!

Khi giải quyết được khúc quanh có tính lịch sử nói trên, tạo ra sự trúng mùa tất định, không còn rủi ro dịch bệnh sâu hại hay thời tiết, nông phẩm an toàn và phong phú, còn một vấn đề không kém phần nan giải, đó là đầu ra. Tuy nhiên, với sự nâng cao từng ngày của dân trí, nông sản an toàn chắc chắn sẽ thu hút được người tiêu dùng, bởi xét cho cùng, khi người ta lợm giọng với những thứ nông sản bẩn thỉu độc hại của Trung Quốc, chắc chắn người ta phải tìm về với nông sản sạch trong nước mà thôi. Vấn đề đặt ra là làm sao liên kết được nông dân thành những hội nông, hoạt động hữu hiệu và hùng mạnh, liên kết trực tiếp với các nhà phân phối lớn, hay tốt hơn, là tạo ra những kênh liên thông trực tiếp từ nhà vườn đến người tiêu thụ, khó nhưng không phải là bất khả thi.

Nông dân không phải không biết làm nông sản sạch, nhưng khi bị kẹp giữa những cái càng của thương lái và yêu cầu của người tiêu dùng, họ không có sự lựa chọn. Việc phun thuốc vô tội vạ để giữ cho rau quả đẹp mắt đối với họ là vấn đề sinh tồn bức thiết. Cho nên, thay vì oán trách, hãy làm gì đó thay đổi cục diện, trong đó việc chấp nhận nông sản sạch với giá chênh hơn một chút là nghĩa cử thiết thực. Khi nhu cầu nâng lên, nhiều người sẽ nhảy vào cung cấp, tạo ra sự cạnh tranh và dẫn đến việc hạ giá thành, đằng nào thì người tiêu dùng cũng có lợi lớn, hơn là mê cái lợi nhỏ trước mắt mà mất đi cái tốt đẹp lâu dài về sau.

Tác giả: Hai Le

*Featured Image: sasint 

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI