21.2 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Ai thật sự là người đã ra đi tìm đường cứu nước?

(2080 chữ, 8 phút đọc)

Chuyện cũ rích rồi nhưng cũng cần nói lại. Nguyễn Sinh Cung có thực sự “ra đi tìm đường cứu nước”?

1. Nguyễn Sinh Sắc bị sa thải và vào Nam

Nguyễn Sinh Sắc, thi nhiều lần không đậu, đôi lúc xin vào làm giúp việc cho các quan. Đổi tên thành Nguyễn Sinh Huy để thay đổi vận mệnh. Nhờ ông Hồ Sĩ Tạo giúp bôi trơn nên có chút công danh. Đến khi thi đậu, đã nhậu say xử án, cho lính đánh chết người và bị tội. Dù có mấy quan đại thần làm ô dù giúp cho không phải đền mạng, nhưng vẫn bị cách chức cho làm dân thường. Không dám về xứ mà phải bỏ xứ vô trong Nam sống rày đây mai đó. Khi này dắt theo con trai là Nguyễn Sinh Cung.

Trước đó, khi ông Sắc vẫn loi ngoi ở chốn quan trường thì các ông Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp… đã biết đến tư tưởng dân chủ nhân quyền qua các sách Tân thư mà Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi dịch. Ông Phan Chu Trinh đã từ quan và đi hoạt động dân chủ, đi ra nước ngoài gặp các nhà hoạt động khác hội đàm, đăng đàn diễn thuyết và viết rất nhiều để thức tỉnh dân tộc, đấu tranh chống sưu thuế, mở hội nông hội buôn, phổ biến văn minh Tây phương cho dân mình… Đến khi ông Sắc bị sa thải thì Phan Chu Trinh đã có bề dày hoạt động vì dân tộc rất dày, đã bị đày chung thân khổ sai ra Côn Lôn và nhờ sự đấu tranh của những người ở ngoài, vang động tới các tổ chức nhân quyền nước ngoài, vận động để thả ông về, chính quyền thuộc địa phải nhượng bộ phóng thích và buộc ông lưu vong, năm 1911. Phan Chu Trinh tạm cư tại Mỹ Tho chờ ngày đi Pháp.

Cùng năm đó, ông Sắc nghe danh tiếng bạn cũ, mới dắt Cung tới bái kiến Phan Chu Trinh. Ông Sắc và Cung lần đầu ra ngoài, đường đi nước bước chắc chắn sẽ không hiểu rõ. Còn Phan Chu Trinh đã từng trải, hiểu rõ thế sự, nên người hậu thế có quyền hồ nghi về ý tưởng mà Cung đi ra nước ngoài khả năng rất cao là do Phan Chu Trinh khai sáng cho. Lúc này ông Sắc đổi tên cho Sinh Cung thành Tất Thành, chắc cũng là để đổi vận. Việc những người thần tượng cho rằng một anh thanh niên mới dậy thì xong, đang theo cha phiêu bạt vì không dám về xứ, rồi “ra đi tìm đường cứu nước” thì có vẻ mang màu sắc phóng đại. Nếu Cung có chí cao, thì hẳn trước đó dân gốc Nghệ như Cung phải biết tới phong trào của Phan Bội Châu người cùng quê mà bài viết này sẽ nói ở đoạn sau.

2. Độ xác thực của một bức thư

Chúng ta biết về lá thư ký tên Nguyễn Tất Thành gởi cho tổng thống Pháp xin được học trường thuộc địa, qua Hồ Chí Minh L’Indochine au Vietnam của ông Daniel Mémery. Trong Hồ Chí Minh Toàn Tập, không hề nhắc tới sự tồn tại của bức thư này. Tuy nhiên, khi ông Sơn Tùng, một “nhà văn” chuyên viết ca ngợi về ông Minh và có họ hàng với ông Minh, trong một bài phỏng vấn được báo Công An đăng lại có thừa nhận về bức thư này. Ngoài ra, một vài trang mạng ca ngợi chế độ cũng xác nhận bức thư này là thật. Ta hãy điểm qua nội dung thư này khi dịch ra tiếng Việt. Bạn nào thông thạo Pháp văn có thể xác nhận lại giúp. Bản chuyển ngữ này được tác giả Huỳnh Tâm thực hiện trên trang geocities.ws.

39270851_700319483647455_2958767871741657088_n

Marseilles
Ngày 15 tháng Chín năm 1911
Thưa Ngài Tổng Thống!
Tôi xin trân trọng thỉnh nguyện lòng hảo tâm của ông ban cho tôi đặc ân được nhận vào học nội trú Trường Thuộc Địa. Hiện nay, để nuôi thân, tôi đang làm công trong công ty Chargeurs Réunis để sinh sống (trên tàu Amiral Latouche-Tréville). Tôi hoàn toàn không có chút tài sản nào, nhưng rất khao khát học vấn. Tôi ước mong trở nên hữu ích cho nước Pháp đối với đồng bào tôi, đồng thời làm thế nào cho họ hưởng được ích lợi của nền học vấn… Quê tôi ở tỉnh Nghệ An, Trung Kỳ. Với hy vọng rằng Ngài sẽ phúc đáp theo hướng thuận lợi đề nghị của tôi, tôi xin Ngài Tổng Thống nhận sự biết ơn sâu sắc của tôi.

Nguyễn Tất Thành – Sinh tại Vinh, 1892
Con trai của Ông Nguyễn Sinh Huy (tiến sĩ văn chương)
Học sinh tiếng Pháp và chữ Nho

Có người nhận xét, nét chữ rất bay bướm và lời văn trau chuốt, phải là của một người cực giỏi tiếng Pháp. Nếu đây là bút tích của Nguyễn Tất Thành, có thể thấy trình độ anh ta cao. Nếu không, đây là thư của người khác viết hộ. Hoặc có thể cho là hoàn toàn nguỵ tạo, nhưng bạn phải đủ tư liệu để đối chất cho ổn thoả với những chứng cứ không thể chối cãi mà Daniel Mémery đã công bố trong tài liệu nói phía trên.

Bạn đọc có thể thấy, lời lẽ tha thiết và chân thành với ước vọng được phục vụ cho nước Pháp. Chỗ này, thực sự là một cái bẫy tư duy! Nếu thư là thật, thì Thành giỏi, và Thành muốn làm phận thần tử trung thành của đế quốc. Nếu thư được viết hộ, thì Thành dở ẹc, vì chuyện cỏn con cũng không làm nổi. Những dư luận viên cũng hiểu cái bẫy này, nên nói rằng Thành viết thư này thực chất là để thông báo về cho người ở Việt Nam biết là đã tới Pháp. Vâng, viết đơn xin học trường thuộc địa gởi tổng thống để báo tin về nước. Bạn có thể tin hoặc không, người viết thì cho là sự bịa đặt tào lao và bệnh hoạn.

Khi đối chiếu với những bút tích sau này của Hồ Chí Minh, hoàn toàn không thấy điểm tương đồng. Người viết tự nghĩ mình có thể kết luận, Thành nhờ người ta viết giùm bức thư đó. Tất nhiên, giả thiết về chuyện Thành và Minh là hai người khác nhau cũng không thể loại trừ.

3. Theo dòng sự kiện

Xâu chuỗi các sự kiện: ông Sắc thi rớt nhiều lần và phải nhờ ô dù để có công danh, sau đó làm quan cũng chẳng ra làm sao và nhậu nhẹt đánh chết người. Tuyên truyền lề phải thì vẽ ra cảnh nhậu nhẹt khi đó của ông Sắc thật tao nhã, rồi nói người bị đánh chết là cường hào ác bá. (Có những chi tiết không phải ông Sắc thì không ai biết được, ví dụ khi nhậu đó ông Sắc nghĩ gì thì đám bồi bút không thể biết, nhưng cũng dám bịa). Nhưng dù tô màu rồi rắc kim tuyến, cũng không thể làm khác đi bản chất của hành vi nhậu nhẹt khi làm việc rồi sai lính đánh chết người dân.

Trong thời gian này, Nguyễn Sinh Cung không có bút lục gì cả. Kể cả những nỗ lực thần thánh hoá của đám lâu la về sau cũng không moi ra được dòng nào. Chuyện thổi phồng anh ta có lòng vì dân nước chỉ qua việc xuống tàu đi vượt biên là chuyện khiên cưỡng. Ngược lại, khi đối chiếu với Phan Bội Châu, một người mà bị chính Minh và đám lâu la sau này coi là kẻ phụ thuộc ngoại bang “đưa hổ cửa trước rước beo cửa sau” (sic!), ta có thể dễ dàng thấy vẫn còn lưu lại những bài hịch và thơ văn yêu nước của ông lúc mười mấy tuổi.

Kế tiếp, khi theo cha là ông Sắc bỏ xứ đi, Cung theo cha lang bạt khắp miền Nam. Phe lề phải thì nói Cung tham gia phong trào chống sưu thuế Trung kỳ, bị đuổi học và bất mãn triều đình rồi bỏ vô Nam hoạt động. Bạn có thể tin nhưng cá nhân người viết chỉ phì cười. Cuộc biểu tình chống sưu thuế đã kết thúc bốn tháng trước ngày Cung được nhận vô trường Quốc học Huế! Cụ thể, cuộc biểu tình đó diễn ra từ ngày 9-12 tháng 4 năm 1908, còn Cung nhập học ngày 7 tháng 8 cùng năm.

Khi gặp được Phan Chu Trinh rồi, Cung lại đi học ở trường Cao Thắng (tên bây giờ), là trường dạy nghề cho công nhân để ra làm cho hãng Ba Son. Ba tháng sau, Cung xuống tàu đi làm, lấy tên là Văn Ba. Tới Pháp rồi, có xuất hiện bức thư xin ở lại học như đã nhắc ở trên.

Trong phạm vi bài này ta sẽ không kể thêm phần sau. Nhưng từ chuỗi sự kiện này ta thấy:

  • Lề phải một mặt ca ngợi ông Sắc nhưng cũng gắng công xoá bỏ chuyện ông Sắc và Cung đi cùng nhau vào Nam.
  • Lề phải cố gắng đề cao việc ra nước ngoài của Cung là “ra đi tìm đường cứu nước”
  • Cung thực sự không có biểu hiện của chuyện “tìm đường cứu nước”

Vậy đấy, đó là điều mà chúng ta đã bị dạy và con cháu chúng ta đang bị đầu độc. Đến nỗi, mình tiếp xúc với ít anh em lề trái, cũng bị ngộ độc chuyện này.

4. Ai đi tìm đường cứu nước?

Việc “ra đi tìm đường cứu nước”, về cơ bản không phải là chuyện gì ghê gớm động trời cả. Từ những năm 1905, Phan Bội Châu, Đặng Tử Kính, Nguyễn Điền, Lê Khiết, Nguyễn Thức Canh, Lương Ngọc Quyến, Lương Nhị Khanh, Nguyễn Văn Điến… đến Nhật để học tập văn minh kỹ trị và cả quân sự. Đến năm 1908, trong khi Nguyễn Sinh Cung còn loi ngoi xin một chân vào trường Quốc học Huế dưới sự bảo trợ của ông già đang làm quan, thì đã có hơn hai trăm thanh niên trẻ măng, đi bộ đi thuyền tới nước Nhật để học tập ngõ hầu đem văn minh về xây dựng đất nước. Ngoài ra, những người ở trong nước ủng hộ cho việc xuất dương tìm con đường giúp nước của thanh niên kể đến số hàng ngàn hàng vạn.

Ngoài ra, không tham gia phong trào Đông Du mà đi riêng để tìm con đường riêng của mình cũng khá nhiều. Như người cực giỏi là Nguyễn An Ninh, được miễn chuẩn bằng Tú tài mà cho học đại học Y năm 16 tuổi, nhưng chọn học Luật và cuối cùng tìm đường đi Pháp, ngõ hầu tìm ra đường đấu tranh để vực dậy đất nước. Sang Pháp năm 18 tuổi, ông cũng chỉ mất hai năm là xong chương trình đại học Luật ở Pháp. Ông làm toà soạn báo, viết chính luận, đi diễn thuyết, bị bắt bỏ tù năm sáu lần và cuối cùng chết luôn trong tù ở Côn Đảo.

Cho rằng mấy người thời xưa giỏi giang quá, thì có thể nhìn đến đám trẻ bây giờ. Người viết chưa được tiếp xúc với những bạn trẻ ở những nước khác, nhưng ở Nhật này thôi, con số những người trẻ có hoài bão muốn học hỏi tinh hoa rồi đem về nước áp dụng dễ đến số ngàn. Chúng mình coi chuyện này là bổn phận ngày thường, bình dị như chuyện ăn uống tắm rửa, chẳng có gì đáng tự hào hay ca ngợi, có thể trao đổi với nhau mà chẳng thấy xấu hổ.

Đừng thần tượng chuyện ra đi của Nguyễn Sinh Cung, hãy giải độc cho mình!


Tham khảo

1. Lê Minh Quốc, Nguyễn An Ninh–Dấu ấn để lại, Nhà xuất bản Văn học, 1997
2. Phan Bội Châu, Phan Bội Châu toàn tập (Tập 6). Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1990.
3. Trần Văn Giàu – Đinh Xuân Lâm – Nguyễn Văn Sự, Lịch sử Việt Nam (1897-1914). Nhà xuất bản Xây dựng, năm 1957.
4. Sophie Quinn-Judge, Ho Chi Minh: The Missing Years 1919-1941, University of California Press, 2002.
5. Tiểu sử HCM, trang web bộ ngoại giao
6. Phỏng vấn Trần Quốc Vượng về HCM của BBC tiếng Việt

Tác giả: Hai Le
Edit: Triết Học Đường Phố

*Featured Image: baomoi

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

1 BÌNH LUẬN

Trả lời Chi Cong Le Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI