16.6 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Ảo ảnh của giận dữ và thù hận

[1564 chữ, 6 phút đọc]

Mình nhớ về chú. Chú ở ngay gần nhà mình. Chú nghiện rượu, say sưa rất nhiều. Trong cơn say, chú hay gọi tên người cha đã khuất: “Tại ông! Chỉ tại ông!!!” Chú đi khắp phố và gào những câu đó, giọng lạc đi vì rượu.

Mình hỏi người lớn, vì sao? Người lớn kể, ngày xưa chú học rất giỏi. Ai cũng nghĩ chú sẽ theo con đường tri thức. Nhưng khi học hết cấp 3, bố chú không đồng ý cho chú thi đại học, vì nghĩ việc đó lãng phí. Chú uất nghẹn. Rồi chú vào bộ đội, lăn lộn trên vùng biên giới phía Bắc, vào những ngày vẫn còn xung đột. Chú may mắn sống sót. Xuất ngũ, mang theo một vài thương tích, chú trở về quê kế nghiệp cha mình.

Rồi nghề gia truyền mai một, không theo kịp thời thế, chú rơi vào nghèo túng. Nhìn xung quanh, bạn bè ngày một giàu lên, chú thêm uất hận. Rất nhiều chữ “nếu” hiện lên. Và vì những chữ “nếu” ấy không xảy ra, chú quy trách nhiệm cho người cha đã mất không tạo cho chú cơ hội đi học đại học, mặc dù ông thành người thiên cổ lâu lắm rồi.

Mỗi lúc đau khổ, tuyệt vọng, chú lại lôi hình ảnh người cha quá cố ra oán trách, khi âm thầm, khi gào lên cho cả thế giới nghe thấy, đặc biệt là trong cơn say.

Tương tự như vậy, thỉnh thoảng trong cuộc sống, mình lại gặp những người ôm giữ một mối hận thù sâu nặng với kẻ đã chết từ lâu. Thường thường đối tượng là ruột thịt hoặc thân thiết của họ: Cha, mẹ, mẹ chồng, bà cô, ông chú nào đó… Đêm ngày, trong trí óc, họ dựng cái bóng dáng tưởng tượng ấy dậy và bắt đầu tấn công, nguyền rủa. Đó là điều vô ích, phải không? Người chết thì đã chết, chỉ có một kẻ còn sống đang tự hủy hoại bản thân bằng cách gây ra cuộc chiến “một mất một còn” hết sức vô nghĩa trong nội tâm, với “đối thủ” là một ảo ảnh sinh ra từ ký ức của chính họ. Một ảo ảnh, không hơn không kém.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra nếu “kẻ thù” của chúng ta là người đang còn sống, hay rộng hơn, là cả “xã hội” sinh động vận hành quanh ta. Đối thủ sẽ luôn là ảo ảnh do ta tự tạo, và người tổn thương trước tiên luôn là chính ta.

Giả như có ai đó gây cho ta những tổn thương, thì chuyện đó cũng chỉ xảy ra ngay tại khoảnh khắc ấy, trong bối cảnh ấy. Sau đó, nó kết thúc! Chính ta mới là người chịu trách nhiệm cho việc kéo dài nó ra một cách không cần thiết, tại một địa chỉ mới: Thân thể mình. Đầu ta nóng lên, ta thêm buồn bực, mất tập trung, tim và mạch máu bị ảnh hưởng xấu, dạ dày chờ chực để bị viêm và cơ bắp dần căng cứng theo năm tháng. Để rồi sau đó, một vài người trong số chúng ta sẽ còn mất thêm tiền điều trị vô số bệnh – một khi ta tích lũy những cảm giác ấy đủ lâu. Hận thù như một chất axit mà chúng ta tự rót vào để ăn mòn thân-tâm mình. Không chỉ với những mối thù lớn lao, mà còn gồm cả những ân oán lặt vặt trong cuộc sống.

Trong tiểu thuyết Kim Dung, có một môn võ công lạ lùng tên gọi “Thất Thương Quyền”. Nguyên lý của môn võ công này là: Để đả thương đối thủ, người luyện phải tự đả thương mình trước. Vì thế, sức mạnh khi đánh ra rất lớn, song tác hại cho bản thân cũng vô cùng. Một thứ võ thuật hại mình hại người, và chỉ những người đã chìm đắm trong thù hận đến mức sẵn sàng đánh đổi tất cả để báo thù – như Tạ Tốn – mới dại khờ đánh cắp nó để mang đi tập luyện. “Thất Thương Quyền” là một ẩn dụ thú vị về sự oán ghét và lòng thù hận. Nhân vật Tạ Tốn là hình ảnh phóng đại của mỗi chúng ta. Ta ghét ai đó, thù ai đó, tự làm tổn hại bản thân trước khi có thể (hoặc chẳng bao giờ có thể) gây ra tác hại cho “kẻ thù”.

Ai mang nhiều hờn giận trong nội tâm sẽ trở thành độc dược với thế giới xung quanh. Họ xua đuổi người khác một cách vô thức. Từ họ tỏa ra một không khí bạo lực mà hầu hết mọi người đều có thể cảm nhận được và thấy e dè, xa lánh. Vòng tròn của những người thân thiết bao quanh họ cũng sẽ thưa vắng dần… cho đến khi chỉ còn một vài người ít ỏi, vì quá thương cảm, ở lại với họ và sẵn sàng chịu đựng những cơn đau mà họ gây ra. Như thế, nạn nhân tiếp theo của long thù hận trong ta lại chính là những người yêu thương ta nhất.

Gần đây, lướt lại Triết Học Đường Phố, mình vô tình được thấy một trích dẫn rất thú vị của đức Đạt Lai Lạt Ma:

“Khi rơi vào sự kiềm toả của giận dữ hay hận thù thì ta sẽ không còn cảm thấy an vui, cả thể xác lẫn tinh thần. Bất cứ ai nhìn vào cũng đều thấy được điều này và rồi sẽ chẳng có ai muốn đến gần ta nữa. Ngay cả súc vật cũng tránh xa, chỉ trừ có rận và muỗi mới đến gần để hút máu ta mà thôi!”

Đạt Lai Lạt Ma đủ thẩm quyền để phát biểu như vậy: ông cũng bị tấn công và mất mát không kém ai. Nhưng ông đã không chọn thù hận! Có lúc ta thấy trong các phát biểu, ông thể hiện sự đau xót, giận dữ và bực bội, đặc biệt khi nói về tổ quốc. Nhưng ‘sân hận’ (xin cho mình được phép gọi chung các cảm xúc tức giận, bất mãn, thù hằn, hờn ghét… bằng từ ‘sân hận’ này) không phải trạng thái tinh thần chi phối ông. Nó chỉ thoáng như gió bay. Đạt Lai Lạt Ma, như mình biết, là sự kết hợp hài tuyệt vời giữa trí tuệ tuyệt của một cụ già thông thái và sự hồn nhiên yêu đời của một đứa trẻ.

Cũng như ông, mỗi chúng ta đều có đủ duyên cớ để giữ niềm oán trách, hận thù với một ai đó. Nhìn cuộc đời xem, toàn những sắc màu loang lổ và những điều không như ý. Bức tranh của cái thiện bị vấy bẩn bởi vô số vết đen từ những cây cọ xấu ác. Nếu cần lý do để ghét đời, ta có thể tìm được tới ngàn lẻ một lý do chính đáng.

Nhưng dù những lý do ấy là đúng đắn, thì sao đây? Ta không thể, không bao giờ có thể, thực sự thay đổi cuộc đời bằng những năng lượng tiêu cực như sân hận. Khi bạn coi cuộc đời là kẻ thù, bạn có thể tác động tới nó đấy, nhưng khó lòng theo một chiều hứng tích cực hơn. Nhìn lại chính ta, chắc chắn ta sẽ không bao giờ nghe theo lời khuyên chân thành của một người đang oán ghét mình. Vậy liệu có quá xa xôi không khi ta muốn cuộc sống xung quanh trở nên tươi đẹp hơn, trong khi thâm tâm ta giữ một niềm ghét hờn với nó?

Con người không cần miễn cưỡng hóa thành một “thánh nhân” luôn luôn bao dung và yêu thương người khác. Con người không cần trở nên ngốc nghếch tới mức luôn để cho kẻ xấu lợi dụng, tấn công mình mà không một chút phản kháng, chỉ để cảm thấy “thanh thản”. Bảo vệ bản thân là một điều tất yếu.

Nhưng cũng vì bản thân, nên chăng ta cần nhìn sâu vào sự Giận, Ghét? Để thấy chúng mang tính hủy hoại ghê gớm hơn nhiều “kẻ thù” thực tế ngoài đời, dù kẻ thù đó là xã hội bao la, hay chỉ nhỏ bé như ông sếp nóng tính, cô đồng nghiệp “khó ưa”, hay một người nào đó mà ta vô tình gây gổ trên mạng xã hội?

Bạn cần rút ra bài học để đối phó với những người nguy hiểm: Suy ngẫm, đối thoại, tìm phương án xử lý vấn đề, hoặc tránh xa họ, nhưng không cần góp thêm sân hận vào bài học đó.

Bạn có thể nói rằng sân hận cũng có cái tốt của nó: Đôi lúc nó cho ta động lực phấn đấu để chứng tỏ bản thân với những người từng coi thường ta. Ừm, có thể nó hữu ích trên một số khía cạnh nào đó, nhưng dù đôi khi có chút hiệu năng nhất định, thì mình tin rằng về bản chất, nó vẫn luôn luôn là độc dược. Dù sao đây chỉ là nhận định riêng từ phía mình, và mỗi người có những lựa chọn khác nhau.

Tác giả: Thiếu Lê Tú Anh

*Featured Image: jplenio

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

6 BÌNH LUẬN

  1. Đọc mà thấy thương cho nhân vật ông chú nghiện rượu với ngập tràn sự cay đắng và oán giận đối với cha của chú ấy quá.

    Chú ấy thật sự đang bị gông cùm, chú ấy cần được gỡ bỏ tất cả những gánh nặng ấy để sống đời sống mới tự do. Tôi đã từng sống trong sự giận dữ và cay đắng, như một con hổ bị thương, mắt chằm chằm, đỏ ngàu khi nhìn vào mọi thứ và sẵn sàng sử dụng móng vuốt với bất cứ thứ gì mà tôi cảm thấy xâm phạm đến sự “tự do” của tôi.

    Ước gì có thể nói chuyện với chú đó.

    Cảm ơn tác giả bài viết. <3

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI