16.6 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Review] Ba gã cùng thuyền (chưa kể con chó), Jerome K. Jerome – Bốn sinh mạng, một chuyến đi và mười lăm tấn hài kịch

thđp review.png

[2010 chữ, 8 phút đọc]

Ba gã cùng thuyền (chưa kể con chó) là 1 trong 100 tác phẩm xuất sắc nhất mọi thời đại do NXB Peguin tổ chức bình chọn và là 1 trong 10 tác phẩm hài hước nhất trong lịch sử theo ABE Books. Sẽ là một sự thiếu sót quá lớn cho những danh sách kia nếu cuốn sách Ba gã cùng thuyền kinh điển ấy không được liệt tên vào.

Nội dung truyện rất đơn giản, nó kể về cuộc du ngoạn bằng thuyền trên dòng sông Thames thơ mộng của ba gã người Anh (bao gồm tác giả, Geogre, Harris) và một con chó săn cáo vô tích sự suốt ngày đi ẩu đả với lũ chó vô tích sự khác.

Có thể nói, toàn bộ chuyến đi (nếu như có thật) là một trò hề đích thực. Ngoài sự rối tinh rối mù trong công tác tổ chức, chúng ta còn được chứng kiến những hình tượng chuẩn mực của sự chây lười, hà tiện, háo danh, phàm ăn, khoác lác, vụng về và đôi lúc chảnh chọe quá mức của ba gã đàn ông, kèm theo đó là một con động vật biết tru và sủa tương đối đúng thời điểm, còn lại mọi động thái khác của nó đều sai bét và đáng nguyền rủa.

“Dĩ nhiên con Montmorency có mặt trong toàn bộ sự kiện này. Tham vọng cả đời của Montmorency chính là xen vào chuyện người ta và bị chửi cho vào mặt. Nếu nó có thể len vào bất cứ chỗ nào mà người ta đặc biệt không muốn sự có mặt của nó, và đóng vai kẻ quấy rối một cách hoàn hảo, làm cho người ta nổi điên lên, để rồi bị ném đầy các thứ vào đầu, thì nó mới cảm thấy rằng thời gian của mình không bị lãng phí.”

Không biết tác giả đã mang cả thảy bao nhiêu câu chuyện đến Trái Đất từ hành tinh toàn khí N2O của mình. Tất cả những gì ông ta viết đều khiến tôi cười sái quai hàm, ngay cả tựa sách đã mang mầm mống của một trò đùa ma mãnh. Xuyên suốt cuốn sách, cứ ba dòng là lại xuất hiện một cái gì đó hài hước. Ta cứ cười sằng sặc như vậy trong 21 dòng liên tiếp. Và rồi đến dòng thứ 22 – 23 – 24 đột nhiên không có gì thú vị bằng những phần bên trên nhưng ta vẫn cứ nhăn nhở hai hàm răng một cách đầy thích thú và thầm nhủ trong lòng rằng pha kể chuyện bình thường này của lão Jerome hài hước thật sự, bất chấp lời nhận xét vừa rồi của bản thân chẳng hề có chút hợp lý nào. Có lẽ, ta vẫn chịu ảnh hưởng bởi quán tính cười từ những phần trước đó.

“Tôi tự hỏi nếu bây giờ, này nhé, cứ giả sử là Harris đi, cuộc đời bỗng sang trang mới và trở thành một người giỏi giang vĩ đại, và trở thành Thủ tướng, và rồi ngỏm, chẳng biết liệu người ta có treo lên các quán rượu mà hắn ta đã chiếu cố những tấm biển kiểu như: ‘Harris đã uống một cốc bia đắng ở quán này’; ‘Harris đã uống hai cốc Scotch lạnh ở đây vào mùa hè năm 88’; ‘Harris đã bị tống cổ khỏi đây vào tháng Mười hai năm 1886’ Không, như thế thì sẽ quá nhiều! Chính những quán hắn chưa từng bước chân vào sẽ trở nên nổi tiếng. ‘Quán duy nhất ở Nam London mà Harris chưa bao giờ uống!’ Người ta sẽ chen chúc vào đấy để xem cái quán ấy liệu có thể có vấn đề gì.”

Có thể nói, đây là cuốn sách hài hước nhất tôi từng được thưởng thức từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ. Nếu ông thần Jerome K.Jerome này có diễn hài độc thoại thì chắc tôi sẽ vừa lồm cồm bò dậy sau một trận cười quặn ruột vừa vét hết tiền trong hầu bao của mình rồi ném lên sân khấu cho ông ta và van xin rằng ông đừng kể gì thêm nữa kẻo tôi vỡ dạ dày mà chết. Nhưng rồi sự im lặng của ông ta cũng buồn cười nốt. Thế là tôi đành rút lại hết số tiền của mình trong tuyệt vọng.

Tất cả các mánh khóe kể truyện cười đều được thể hiện ở trong tác phẩm này, chứng minh sự sắc sảo và óc khôi hài số một của tác giả. Các tình huống được miêu tả rất chân thực, đến từng chi tiết nhỏ. Và hầu hết mọi lần, sự tỉ mỉ đó khiến người ta phải bật cười vì nó nghiêm túc một cách dị thường. Các suy nghĩ của tác giả (nhân vật “tôi”) cũng được phô ra một cách đầy ngây thơ, vô tội. Ban đầu, ta ngỡ rằng đó là tiếng nói chân thật thẳng thắn của một người nông dân hiền lành chất phác. Nhưng đến phần sau chốt lại với một mẻ cười rơi răng, ta nhận ra rằng vừa xong là cả một đoạn mỉa mai sâu cay của gã quý tộc người Anh giàu chữ nghĩa. Gã thông minh đến mức có thể tự làm chính mình trở nên ngu đần và khiến mọi người nghĩ rằng gã thật sự không có não.

Mỉa mai, tất tần tật những pha chọc cười hay những câu chuyện trong cuốn sách đều có tác dụng mỉa mai một cái gì đó, một điều gì đó hay một ai đó. Đôi lúc, nó được thể hiện bằng lối kể chân thực phũ phàng, đôi lúc nó được chen ngang bằng một đoạn tả cảnh đầy thi vị nghệ thuật, nhưng chẳng hề đúng thời điểm và hai đoạn cứ thế đối nhau chan chát.

Tác giả chế giễu các thói hư tật xấu của con người, như mồm miệng đỡ tay chân, làm việc vô tổ chức, lừa nhau để kiếm tiền, ngu đần nhưng thích thể hiện, khoác lác để được danh, ích kỷ để chuộc lợi riêng mình, v.v… Chỉ trong một chuyến du ngoạn sông nước thôi mà tất cả những gì xấu xa trong bản tính của con người được phơi bày ra tất thảy.

“Thật kỳ lạ biết bao, sự thống trị của các cơ quan tiêu hóa đối với trí tuệ của chúng ta. Chúng ta không thể nào làm việc, không thể suy nghĩ trừ phi cái dạ dày của ta sẵn lòng làm thế. Nó điều khiển cảm xúc của ta, đam mê của ta. Sau món trứng và thịt lợn muối xông khói, nó bảo, ‘Làm việc đi!’ Sau món bít tết và bia đen, nó bảo ‘Ngủ đi!’ Sau một tách trà (mỗi tách hai thìa và không nhúng lâu hơn ba phút), nó bảo đầu óc ta ‘Bây giờ hãy tỏa sáng đi và thể hiện sức mạnh của ngươi. Hãy hoạt ngôn, hãy sâu sắc, và dịu dàng; hãy nhìn Tự nhiên và cuộc đời với đôi mắt trong sáng; hãy dang đôi cánh trắng của những suy tư và bay bổng vút cao, hỡi linh hồn thần thánh, vượt lên khỏi cái thế giới đảo điên bên dưới ngươi, bay qua những dải sao lấp lánh đến cánh cổng của cõi vĩnh hằng!'”

Những trò ngớ ngẩn mà ba gã đàn ông thể hiện ra trong suốt cuộc hành trình khiến tôi không khỏi liên tưởng đến Mr.Bean phiên bản đanh đá và cáu kỉnh. Ba người họ, mỗi kẻ một vẻ khác nhau, nhưng đều gặp nhau ở sự hà tiện, vụng về, lười nhác và thô lỗ đến phát khiếp mỗi khi rơi vào tình huống khó chịu. Dường như cả chuyến đi chẳng có lúc nào ba gã được yên thân dễ chịu cả. Lúc thì họ phải khuân vác hành lý chạy ngược chạy xuôi, lúc thì hoang mang hớt hải tìm tàu lạc, lúc thì cáu gắt với nhau và với con chó vô dụng, lúc thì vật lộn với cái lều dưới cơn mưa tầm tã. Tôi có cảm giác như cả thế giới đang chống lại họ, không hề cho họ thể hiện một chút nào sự lịch lãm, quý phái, hào hoa và nam tính cả.

Thật tình thì, ba gã đã tự làm khổ mình, nhưng vẫn ngoan cố không chịu nhận sự ngu dốt về bản thân, mà cố tình tình nhân cách hóa mọi thứ xung quanh và đổ lỗi cho chúng đã cản đường. Thế là ta lại được chứng kiến thêm bản năng dốt nát của mớ dây thừng, sự cứng đầu cứng cổ của mấy cái bàn chải đánh răng, sự hèn hạ vô ơn của con thuyền và sự ma mãnh trêu ngươi của cái ấm trà.

Sự sáng tạo trong lối kể chuyện của tác giả khiến người ta phản ngả nón thán phục. Những triết lý sâu sắc được ẩn mình trong sự ngô nghê, còn sự hài hước được giấu đi trong những màn miêu tả tuyệt đối nghiêm túc. Có lúc, ta tưởng tượng tác giả như một kịch sĩ đang đắm mình trong vở diễn diêm dúa bay bổng và thanh tao với hàng đống câu từ cường điệu, văn hoa, kiêu sa, quý tộc, thậm chí là ảo tưởng sức mạnh. Có lúc, ta lại thấy tác giả quay về sự yên ả bình dị, nếu như không nói là thô thiển bỗ bã khi chửi nhau với một trong hai người bạn còn lại và đá đít con chó ngu ngốc chuyên gia phá đám trong đoàn.

Cuốn sách này có rất nhiều pha ăn điểm cao ngất ngưởng ở sự hài hước, tính triết lý, nghệ thuật văn chương, sự đa dạng và sáng tạo. Vừa đọc ta vừa cười, cười xong ta trầm ngâm ngẫm nghĩ suy tư về cuộc đời. Thực ra thì, ta đang nghĩ về bóng hình tăm tối của chính mình phảng phất đâu đó ở trong cuốn sách và bỗng thấy nhột gáy một cách ghê gớm.

Tính chất trào phúng của tác phẩm kinh điển này tạo cơ hội cho người đọc được giải trí ở tầm mức một con người có tri thức. Càng khôn ngoan bao nhiêu thì ta càng tìm thấy nhiều thứ buồn cười bấy nhiêu. Có thể sau vài năm mang sách ra đọc lại, ta lại vỡ ruột ở một chi tiết mà trước kia nó chẳng hề khiến ta vỡ ruột chút nào. Ở đây, sự hài hước đã được gói ghém ở nhiều tầng mức tinh xảo.

“Có một cái ‘khóa miệng’ bằng sắt ở nhà thờ Walton. Thời xưa người ta dùng thứ ấy để kiềm chế miệng lưỡi của đàn bà. Giờ thì họ từ bỏ nỗ lực ấy rồi. Tôi cho rằng vì sắt đang càng ngày càng hiếm, mà lại chẳng có loại gì khác đủ lực.”

Nội dung và bố cục của cuốn sách chặt chẽ đến mức tôi khó lòng có thể trích dẫn ra một đoạn hài hước xứng đáng với những lời nhận xét ở bên trên. Sự buồn cười nằm trong cả một kết cấu to lớn. Ý tứ của nó sẽ bị phá vỡ nếu ta ngắt một đoạn nào đó ra riêng rẽ chỉ để làm minh họa cho bài review. Nếu độ hài hước cao nhất của cuốn sách là 100 thì những phần trích dẫn ở trên chỉ ở cỡ 60 – 70 mà thôi. Còn những tinh hoa cao cấp hơn chỉ có thể được đón nhận bằng việc đọc toàn bộ cuốn sách.

Nói tóm lại, tác phẩm Ba gã cùng thuyền (chưa kể con chó) đã chiếm được điểm 10 trọn vẹn của tôi. Ngài Jerome chắc giờ đang mỉm cười ở hành tinh đầy khí N2O của mình rồi. Xin chào thân ái!

Tác giả: Vũ Thanh Hòa
Featured Image: Sadie Pices

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI