15.8 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Đam mê thực sự là gì?

Mỗi ngày, chúng ta đến nơi đi học, nơi làm việc, làm những công việc được cấp trên giao, buổi tối đi về với người có gia đình thì về với gia đình, vợ con, đi nhậu với bạn bè; chưa có gia đình thì đi giao lưu, đi chơi với bạn trai/bạn gái, không thì về nhà xem phim, nghe nhạc, đi học… Rồi ngày qua ngày, bỗng một hôm ta chững lại và cảm thấy cuộc sống trôi qua thật tẻ nhạt, công việc thì lắm áp lực, căng thẳng, làm việc rệu rạo và không hứng thú? Phải không?

Có một bộ phim của Ấn Độ mà tôi rất thích là 3 Idiots. Rancho hay nói một câu:

“Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn!”

Nhiều người xung quanh, nhiều người thành công cũng hay khuyên chúng ta như vậy. Nhưng chúng ta có biết đam mê của mình là gì hay không? Câu trả lời cho câu hỏi ‘Đam mê của chúng ta là gì?’ thực sự khá mơ hồ với hầu hết chúng ta bây giờ.

1. Đam mê thực sự là gì?

Bạn hỏi tôi đam mê là gì? Theo anh, em nên phát triển theo hướng nào? Theo anh, em nên đam mê cái gì thì phù hợp?…

Tôi không biết. Nhưng, tôi sẽ kể cho bạn nghe điều này:

“Khi tôi trải nghiệm một điều gì đó, một điều mới lạ, tôi kiên trì trải nghiệm, làm điều đó hàng ngày. Trải qua những khó khăn, vấn đề, sẽ có lúc tôi thấy chán nản, có những lúc tôi mệt mỏi, có lúc muốn bỏ cuộc, nhưng tôi vẫn làm… Dần dần điều đó có biến chuyển tích cực, tôi dần cảm thấy hứng thú hơn, rồi tôi kiếm được tiền từ đó hoặc tìm thấy niềm vui, hoặc bất kỳ cái gì tốt hơn từ đó… Tôi cảm thấy thích thú và say mê hơn khi làm, tôi nhận ra làm điều đó đem lại cho tôi rất nhiều hứng khởi và năng lượng, rồi tôi gọi đó là Đam mê.”

Như bài viết của tôi bây giờ, nếu những chia sẻ của tôi là hữu ích, giúp bạn được một phần nào đó, hãy phản hồi cho tôi biết, tôi sẽ rất vui và có động lực để trải nghiệm và tiếp tục chia sẻ nhiều hơn nữa, và tôi tin chắc dần dần việc viết sẽ trở thành một Đam mê – Một niềm vui nho nhỏ mỗi ngày của tôi.

2. Làm thế nào có thể biết được đam mê của chúng ta là gì và theo đuổi chúng?

Trước tiên, tôi xin hỏi bạn 3 câu hỏi:

  1. Ngoài công việc thường ngày, buổi tối và lúc rảnh rỗi bạn làm gì?
  2. Bạn có dám thay đổi bản thân, dám nói lên tiếng nói của mình để thay đổi môi trường và số đông hay không?
  3. Bạn có dám bỏ công việc hiện tại để trải nghiệm những công việc khác mà bạn chưa chắc sẽ tốt hơn hay không?

“…”

Bạn phân vân chưa trả lời được phải không? Bởi vì bạn sợ, bạn sợ sai, bạn sợ khác với đa số mọi người, bạn sợ thất bại, bạn sợ mệt mỏi, bạn sợ thử một cái gì đó chưa chắc chắn, bạn sợ sự đánh giá từ con mắt của những người xung quanh, v.v… Có hàng trăm thứ nỗi sợ, nỗi lo sẽ ngăn bạn thay đổi.

Thuở thơ ấu, khi ta còn là một đứa trẻ vô lo vô nghĩ, ta bắt đầu khám phá thế giới theo cái cách vô tư, không sợ sai, không sợ hỏng, đôi khi bị đánh đòn hoặc la mắng vì những trò khám phá, nghịch ngợm dại dột… Càng lớn bạn càng học được nhiều thứ từ những người xung quanh và của nền giáo dục, dĩ nhiên tư tưởng của bạn cũng phần nào theo họ. Con người, cách nhìn sẽ hình thành từ những người xung quanh bạn (cả đời thực, mạng xã hội, và những phương tiện truyền thông). Ta cũng rụt rè hơn trước những quyết định và sự lựa chọn.

Mỗi người sẽ có một điểm mạnh, điểm yếu, sở thích, hoàn cảnh khác nhau. Chẳng cuộc đời ai giống cuộc đời ai. Ta hãy ngừng so sánh mình với người khác, hãy thử ngay những thứ mà ta đang muốn làm, muốn học; thử tìm tòi, đọc sách, đọc những kiến thức mới mẻ, điều gì làm ta cảm thấy hứng thú. Hãy thử xem. Hãy trải nghiệm nó như thế nào. Ta được phép sai, ta được phép thất bại, miễn là ta đừng bỏ cuộc và phải học được bài học trong thất bại của chính mình, đừng để thất bại đó là lãng phí. Hãy trải nghiệm công việc khác, hãy kiên trì mỗi ngày một chút, hãy đưa ra lựa chọn của chính bạn và bước đi, bạn sẽ tìm thấy Đam mê.

Bạn tôi ơi! Tôi cũng như bạn thôi, chúng ta cũng như nhau, đều là những đứa trẻ vội vàng lớn rồi hối hả cuộc sống, sống cuộc đời theo con mắt người khác, mà không sống cho chính mình. Có bao giờ trong căn phòng trống trải, sau những ngày rệu rạo, mệt mỏi, ta ngừng lại và tự hỏi ta đã làm gì với cuộc đời ta hay chưa?

Đến đây, bạn hãy thử bước một bước chân đầu tiên đi, mọi hành trình đều phải xuất phát từ bước chân đầu tiên. Steve Jobs nếu không thử bắt đầu lắp ráp máy tính từ một gara cũ thì cũng không có Apple, Mark Zuckerberg không tìm tòi nghiên cứu từ khi còn là sinh viên trong căn phòng ký túc xá thì cũng không có Facebook mà chúng ta dùng  ngày hôm nay… Họ cũng có nhiều sở thích, nhưng thứ biến chuyển tích cực sẽ tiếp tục tạo động lực, năng lượng rồi dần trở thành Đam mê của họ.

Còn chúng ta thì sao? Hãy cùng tôi tiến lên nào bạn ơi!

Tôi luôn ở đây để lắng nghe bạn, hãy chia sẻ cho tôi biết góc nhìn của bạn nhé!

Tác giả: Duy Thanh

*Featured Image: Skitterphoto 

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

2 BÌNH LUẬN

  1. Chào Duy Thanh, mình đồng tình với hầu hết những gì bạn viết, đặc biệt là quan điểm đam mê không tự nhiên hiện ra, người ta phải trải nghiệm rồi mới biết được điều gì mình thật sự yêu thích. Đôi lúc mình cũng quên mất đam mê của bản thân là gì. Đọc bài viết này mình lại nhớ ra nó. Cảm ơn bạn rất nhiều.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI