28 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Làm từ thiện sao cho hiệu quả?

Chắc chắn chẳng ai còn xa lạ với những cảnh người ăn xin nằm lê lết trên đường, tay chân đen đúa, bẩn thỉu, giơ cái nón rách ra có vài đồng tiền lẻ. Mặc dù những cảnh ấy tôi thấy nhan nhản gần như chai sạn nhưng thỉnh thoảng vẫn mủi lòng. Có lần tôi được nghe kể một tên què chân xin ăn ngoài đường lớn đến tối lết vào ngõ hẻm phủi quần áo đứng lên đi về, chỉ lấy tiền không lấy đồ ăn.

Trên tivi cũng cảnh báo đầy những chuyện chăn dắt ăn xin. Những bà già, trẻ em, phụ nữ được đưa đến ngã tư ngồi hết ngày sẽ có người đưa về sau đó lột sạch tiền bạc. Hôm nào không có tiền thì không được ăn. Về phía tôi cứ bứt rứt cho hay không cho? Mà cho đồ ăn người ta lại không nhận vì không được nhận hay gì tôi không xác thực được.

Có kẻ ăn xin lại rất chảnh chọe, có kẻ vừa đi ăn xin vừa đi lừa đảo, cướp giật. Đủ các thể loại trên đời. Nhưng vẫn lại có những người khổ đến mức phải đi ăn xin thực sự cũng lại bị đánh đồng với những tệ nạn kể trên. Họ không có chỗ ở khu tập thể cho người vô gia cư. Họ cũng không có nơi nào để cư trú, cứ vật vờ qua ngày.

Đối với người không quan tâm vì đấy không phải vấn đề của họ thì không có gì để nói. Nhưng còn những người quan tâm đến xã hội, đến cộng đồng thì phải làm sao cho đúng, cho hợp lý và hiệu quả?

Theo tôi, việc cho tiền chắc chắn bị loại bỏ đầu tiên. Việc cho tiền của chúng ta đã góp phần cho việc càng ngày càng nhiều người ăn xin hơn. Có những người dân tộc thiểu số họ sống ở làng quê nghèo khó quá lại được kháo nhau lên thành phố ngồi ăn xin được nhiều tiền lắm, thế là bồng bế nhau đi ăn xin. Kể cả việc chăn dắt ăn xin cũng vì miếng mồi béo bở chúng tìm ra được kẽ hở là tình thương mù quáng của người dân đã bị kẻ xấu lợi dụng. Thế nên chúng ta không nên cho tiền, cho ít cho nhiều cũng không. Không lao động mà vẫn có tiền chỉ làm họ lười biếng và ỷ lại nhiều hơn chứ chẳng giúp ích được gì.

Đồ ăn cũng tương tự như vậy. Không lao động mà đã có thành quả chỉ làm người ta trở thành một cái cây tầm gửi. Vì vậy mới có câu: Cho người ta cần câu chứ đừng cho con cá. Nhưng chúng ta cũng đang rất dư thừa nhân lực, thất nghiệp tràn lan. Mà có những người ăn xin hầu như cũng là người già, phụ nữ, trẻ nhỏ và người tàn tật. Khi nói lan man rồi lại đến vấn đề vĩ mô thế này thật sự nó là một điều rất khó giải quyết. Nếu giải quyết được thì đã không có vấn đề. Nên tôi sẽ chỉ nói về phần tôi và bạn có thể làm được gì.

Theo tôi, đầu tiên chúng ta nên cung cấp kiến thức cho họ. Về phần tôi, tôi cũng không có tài sản, vật chất nên tôi sẽ đóng góp những gì mình có. Xin nhắc lại tôi đang không nói về phần vĩ mô, ví dụ như trường học từ thiện, thầy cô giáo chấp nhận không công nhưng vẫn không thể đủ nhân lực. Tôi chỉ đang nói về những thứ tôi với bạn có thể làm và khi mỗi người một ít sẽ trở thành cái to lớn.

Tôi rất thích mô hình quán trà Quán của thời thanh xuân ở Đà Lạt. Họ tận dụng nhân lực là những người điếc, hội tụ lại làm đồ handmade, khách đến uống trà có thể bỏ vào thùng bao nhiêu tuỳ ý. Họ có thời gian biểu. Thứ Hai là ngày lười biếng, mọi người có thể vừa làm vừa lười, những ngày trong tuần làm việc bình thường và cuối tuần thì “sống như một bông hoa”. Làm việc vừa đủ với sức lực và sống bình yên.

Tương tự vậy có những làng nghề của người khiếm thị làm tăm tre. Những cách tận dụng nhân lực rất tốt và tích cực. Tôi có những kiến thức cơ bản để xoá mù chữ, tôi có thể mở một lớp dạy chữ vào 1-2 tiếng rảnh rỗi cho vài đứa trẻ. Mình vừa làm được việc tốt cho mình vừa giúp người khác.

Bạn có những điều bạn học được bạn có thể chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình. Bạn biết một trung tâm dạy nghề cho người vô gia cư hãy giới thiệu cho họ.
Một vài bữa cơm phân phát cứu đói họ một vài ngày nhưng họ vẫn chẳng biết tại sao mình có cơm ăn. Bạn vẫn có thể giúp họ bằng cách đó nhưng hãy kèm thêm điều gì có ý nghĩa lâu dài hơn, bền vững hơn. Có bệnh thì phải chữa dứt hẳn chứ không phải chỉ chữa cái ngọn.

Mà có những người cũng rất hời hợt khi làm tình nguyện. Họ nghĩ đó là trách nhiệm và nghĩa vụ cần làm, làm xong thì thôi. Khi không biết cách làm tình nguyện nào nữa thì chỉ có phát cơm là hợp lý hơn cho tiền bạc. Nhưng nhiều người họ chỉ hiểu phát cơm là phát cơm, mỗi người một phần xong thì đi về.

Nhưng theo tôi, nếu tôi có đi phát cơm thì tôi sẽ mang theo điều gì đó sâu sắc hơn là việc cứu đói họ. Tôi sẽ mang cơm đến bên họ một cách thân thương nhất, tôi sẽ không vội vàng cho xong để đi về. Tôi sẽ ngồi nán lại mỗi người vài phút nghe họ kể chuyện, họ cần gì, muốn gì, tôi có thể cho họ cái gì hơn là một bữa cơm. Nếu đã chấp nhận làm công việc này thì nên làm cho hết mình còn không thì thôi. Vì bữa cơm nó chỉ giúp người ta bớt đói còn để họ thấy được sự đồng cảm, chạm được đến tâm hồn họ, giúp họ có thêm động lực trong cuộc sống khốn khó mới là thứ đáng làm.

Khi chúng ta không làm được những điều to lớn, không làm ông nọ bà kia để làm từ thiện như xây trường, xây bệnh viện,… thì tôi và bạn vẫn có thể làm những điều nhỏ bé bằng tất cả những gì mình có thể. Hãy biết làm từ thiện khôn khéo, hiệu quả. Đừng bao giờ nghĩ rằng vứt cục tiền ở đó, phần cơm ở đó là từ thiện.

Tác giả: Bà Năm

*Featured Image: Myriams-Fotos

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

 

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

2 BÌNH LUẬN

Trả lời Ni Chi Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI