19 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Làm sao để nắm bắt tâm lý người khác?

Có một sự thật rất đơn giản rằng nếu muốn nắm bắt tâm lý kẻ khác, trước tiên hãy hiểu rõ tâm lý của chính mình vì bản chất con người là giống nhau.

Từ bao lâu nay chúng ta luôn trên hành trình khám phá và thấu hiểu bản thân và người khác. Cả thế giới của chúng ta đều nằm trong các mối quan hệ giữa người với người, giữa người với các sự vật, sự việc, và đa phần chúng ta đều không ý thức (hoặc ý thức rất ít) về chính mình và người khác. Chính điều đó luôn dẫn đến mâu thuẫn giữa người với người, mâu thuẫn trong chính nội tâm ta, vì vô minh mà dẫn đến đau khổ. Thêm nữa là vì không hiểu bản thân mà chúng ta luôn bị kẻ khác lừa gạt, dắt mũi, tẩy não, biến thành nô lệ. Vì vậy có lẽ điều cơ bản nhất của chúng ta trong cuộc sống này không phải lúc nào cũng lao về phía trước như một con thiêu thân hay như một con lừa với củ cà rốt trước mũi, mà hơn hết là cần đứng lại, dùng hết tất cả năng lượng để thấu hiểu mọi thứ bên trong chúng ta, vì trong sự ý thức ấy chúng ta mới hy vọng sống một cuộc đời sáng suốt và tự do.

Nhìn lại những hành vi, suy nghĩ của con người đều có thể thấy được rằng mọi thứ ta làm đều dựa vào tư tưởng và những bản tính, bản năng trong vô thức. Chúng ta luôn sống với những điều đó một cách tự nhiên mà không bao giờ tự hỏi tư tưởng này là gì, những thôi thúc bên trong chúng ta là gì, và tại sao ta luôn chạy theo chúng?

Ta sẽ đi vào ba vấn đề chính trong bài viết: Thứ nhất về tư tưởng, thứ hai về những bản tính, bản năng trong vô thức, thứ ba là các cách thức nắm bắt và thao túng tâm lý người khác.

1. Tư tưởng

Đầu tiên là câu hỏi: Tư tưởng là gì?

Hãy nhìn bên trong chúng ta, nó là tập hợp những kinh nghiệm, trải nghiệm, kiến thức, niềm tin, lý tưởng, ý thức hệ… mà từ đó định hình suy nghĩ và hành động của chúng ta. Vậy nó xuất phát từ đâu? Nó xuất hiện từ ngày còn nhỏ khi chúng ta bắt đầu có ý niệm về “tôi”- thứ định hình ta như một thực thể tồn tại riêng biệt với thế giới. Cái “tôi” này có xu hướng mở rộng ra bằng việc bám lấy mọi thứ khác như: Thân thể của ta, ngôi nhà của ta, bố mẹ của ta, ta thích cái này, ta ghét cái kia, ta sẽ làm cái này, v.v… Cái “tôi” này chính là tư tưởng thuở sơ khai, dần dần qua quá trình trải nghiệm cuộc sống, qua giáo dục, sách vở, phim ảnh… Tư tưởng thu nhận, tích lũy, bám chấp rồi buông bỏ những gì là đúng, là sai…  Từ tư tưởng đó ta gọi nó là tính cách của mình và luôn dựa vào nó để suy nghĩ và hành động hay đúng hơn chúng định hình nên suy nghĩ và hành động của ta.

Giờ hãy nhìn tư tưởng chúng ta của hiện tại, trong đó chúng ta luôn có những ham muốn, lý tưởng và những quy chuẩn đạo đức, niềm tin cố hữu từ quá khứ hoặc là sự phóng chiếu, sáng chế ra những tư tưởng mới, và hiện tại tư tưởng vẫn luôn vận động để tích lũy thêm để rồi định hình những tư tưởng mới khác, và rồi lại từ đó ta sống theo chúng.

2. Những bản năng, bản tính chi phối con người

Có những bản năng cố hữu của tự nhiên ảnh hưởng lên con người như bản năng sinh tồn, bản năng tính dục, thì còn có những tập tính, thói quen của con người như: Tâm lý bầy đàn, tính tự tôn bản ngã, tính bắt chước, muốn được an toàn, né tránh sợ hãi… Ngoài ra còn có những bản tính vô thức bởi tư tưởng của mỗi người khi có những trải nghiệm, kỷ niệm, tổn thương trong quá khứ bị ẩn sâu và con người không ý thức được thì những bản tính vô thức ấy cũng ảnh hưởng lên hành vi, tâm lý của con người. Ví dụ một người nhìn thấy người thân chết vì trèo thang nên từ đó sợ độ cao, hay từ nhỏ sống trong cảnh mọi người chém giết nên cũng hình thành bản tính thích chém giết.

3. Các cách thức nắm bắt và thao túng tâm lý người khác

Chúng ta đã hiểu rõ những cơ chế tác động đến tâm lý của con người là tư tưởng của họ và những bản năng, bản tính ẩn sâu chưa được ý thức. Vậy làm thế nào ta có thể nắm bắt tâm lý một người. Trước tiên để hiểu được một người ta phải quan sát, tìm hiểu đối tượng một cách lạnh lùng, vô tư và khoa học. Một khi bạn mang cảm xúc, tư tưởng của bạn vào thì nó sẽ diễn giải sai lệch những gì bạn quan sát, bạn phải nhìn nhận mọi thứ như nó là với sự vô tư, như vậy bạn mới mong bạn có thể thấy được sự thật. Vì có những hành động của một người nếu không tinh ý, bạn sẽ bị hành động đó lừa phỉnh ngay nếu dựa vào sự phán xét vội vàng của tư tưởng. Ví dụ chỉ một hành động cho tiền người ăn xin, có thể có người thương kẻ ăn xin đó, hoặc có người chỉ muốn thể hiện sự cao thượng với kẻ khác… Bạn kết luận vội vàng – bạn sai, và bạn sẽ phải trả giá cho cái sai đó.

Tiếp đến ta hãy tìm hiểu quá khứ của đối tượng để nắm bắt thêm thông tin, hoặc dễ hơn là quan sát mọi việc mà đối tượng đang hướng chú ý đến: Tiền bạc, phim ảnh, giải trí, tình yêu, sex, tâm linh, giáo dục, v.v… Khi xác định được những việc đối tượng dành nhiều thời gian đến nó, ta sẽ quan sát, tìm hiểu cách đối tượng tiếp xúc với những điều đó: Những lý tưởng, ý niệm, mong muốn của đối tượng đối với những điều đó. Cô ta muốn một người đàn ông chăm chỉ và hiền lành vì bố cô ta ngày trước hay đánh đập mẹ, anh ta muốn kiếm tiền vì so sánh với bạn bè cùng trang lứa, cô ta ghét những người có niềm tin mù quáng, cô ta thích đi xem phim những lúc rảnh rỗi, anh ta thích những bức hình phụ nữ ăn mặc sexy nhưng có tính nghệ thuật và không quá lộ liễu, v.v…

Khi ta quan sát cách thức đối tượng tiếp xúc với những điều họ quan tâm, ta có thể tạm đưa ra những giả định mang tính logic: Cô ta ghét những người có niềm tin mù quáng có thể cô ấy sẽ cảnh giác hơn với những người theo tôn giáo, anh ta thích ảnh sexy nghệ thuật thì có thể anh ta không thích những cô gái mộc mạc hoặc những cô gái quá lòe loẹt nhưng có thể phải xinh đẹp, anh ta muốn kiếm tiền vì so sánh với đám bạn có thể vì anh ta luôn tự ti về bản thân,…

Ta vừa nói về việc để nắm bắt tâm lý một người ta cần thứ nhất không mang cái nhìn chủ quan của tư tưởng ta, hoặc cần ý thức rõ ràng tư tưởng ta để không quy chụp, phán xét sai sự thật; thứ hai là xác định những gì quan trọng và ý nghĩa nhất với đối tượng ở hiện tại; thứ ba là quan sát cách thức, suy nghĩ, ý niệm của đối tượng với những điều quan trọng đó. Từ đó, ta đưa ra những giả định logic nhất để định hình nên tư tưởng của đối tượng…

Tiếp đến dựa vào tất cả những điều trên, ta sẽ lựa chọn cách thức tiếp cận đối tượng một cách phù hợp để tạo niềm tin và đi sâu hơn vào tư tưởng của họ, làm sáng tỏ những giả định của ta và nắm bắt rõ hơn những gì bên trong tư tưởng, từ đó đưa ra những dự đoán về hành vi, suy nghĩ của họ trong tương lai. Nhưng hãy nhớ tư tưởng là thứ luôn luôn thay đổi, nên sự quan sát của ta cũng luôn luôn phải sáng suốt và tỉnh táo, bởi có những biến cố, thay đổi rất nhanh hoặc từ từ mà chính đối tượng cũng không ý thức được (bởi sự thất thường của tư tưởng). Nhưng may mắn là đa phần con người ta càng lớn thì tư tưởng càng  cô đặc, chết cứng và ít có sự thay đổi nên việc nắm bắt tâm lý cũng trở nên dễ dàng hơn.

Tôi sẽ lấy một ví dụ cụ thể để chúng ta hiểu thực tế hơn: Để hiểu một cô gái bạn mới quen. Trước hết ta cần ý thức những tư tưởng của ta một cách rõ ràng, ta có đang phán xét hay có định kiến về cô gái không? Tiếp đến quan sát và giao tiếp một cách vô tư và tỉnh táo để nhận biết mọi hành động, suy nghĩ, ý niệm dù là nhỏ nhất của cô. Từ đó bước đầu ta có thể phác họa tổng quan về cô gái: Cô ít cười, ít nói chuyện phiếm khi làm việc, thích đọc sách, ngại khi nói chuyện với cấp trên nhưng thoải mái với đồng nghiệp, trên facebook không chia sẻ nhiều cảm xúc, ít bạn bè,…

Rồi ta lựa chọn cách tiếp cận, ta có thể chọn cách tiếp xúc nhẹ nhàng hoặc vui vẻ thoải mái (vì cái cô gái đang thiếu) và đi sâu vào sở thích là đọc sách, khi lựa chọn chiến lược tiếp cận nào ta phải đánh giá lại nó để điều chỉnh cách tiếp cận lần sau cho phù hợp, sau đó mới có thể đi sâu vào sở thích, các vấn đề cuộc sống liên quan, các ý niệm, suy nghĩ về các vấn đề đó…

Tạo được điểm chung, đồng thời phác họa những suy nghĩ, niềm tin của cô về các vấn đề qua sự chia sẻ (đôi khi không tin được lời nói) và quan sát hành động, khi bức tranh tư tưởng cô càng ngày càng rõ ràng, ta có thể lựa chọn các chiến lược tiếp cận, tác động khác nhau (phải phù hợp với tư tưởng của cô) để đạt được điều mình muốn.

Bạn đã có chiến lược nắm bắt tâm lý, mọi việc còn lại phần nhiều phụ thuộc vào người thực hiện, hãy ý thức điểm mạnh, điểm yếu, điểm người khác thích ở bạn để đưa ra chiến lược phù hợp mà bạn vừa thể hiện được điểm mạnh mà lại hợp với cô gái, bạn càng hiểu rõ bạn bao nhiêu, bạn càng có nhiều cơ hội hiểu đúng – rõ về cô gái bấy nhiêu, và khả năng bạn đưa ra các chiến lược tiếp cận hợp lý và đạt được điều mình muốn cũng nhiều bấy nhiêu.

Chúng ta có thể thấy rất nhiều ứng dụng trong việc nắm bắt tâm lý người khác: Các chiến dịch quảng cáo dựa trên các tiêu chí ứng với từng đối tượng ở từng khu vực khác nhau; cách chiến dịch tranh cử đánh vào những sợ hãi và mong muốn của cử tri; chiến lược tẩy não nhân viên dựa vào phần thưởng hoặc lý tưởng cao cả; thao túng tình cảm bằng cách xây dựng hình ảnh lý tưởng theo tư tưởng của đối tượng trong tình yêu; cải thiện mối quan hệ bằng việc hiểu những mong muốn thầm kín của đối tượng; phụ nữ thao túng đàn ông bằng sự hấp dẫn tình dục; chiến dịch tẩy não trẻ em qua giáo dục và những trò chơi; phân tích lợi ích đối tượng đang muốn có được để đàm phán; dựa vào mong muốn của đối tượng và mong muốn của mình để đưa ra chiến lược win – win; xây dựng các mối quan hệ dựa trên những lý tưởng, niềm tin chung, v.v…

Có rất nhiều những điều mà con người làm với con người khi nắm bắt được tâm lý người khác, tích cực có, tiêu cực có, rất tiêu cực cũng có… Ở đây tôi chỉ muốn đề cập đến một điều rằng con người có thể phức tạp nhưng những gì ẩn chứa bên trong họ lại có thể rất đơn giản. Điều quan trọng bạn phải tìm ra những gì đang thúc đẩy lớn nhất bên trong họ, những bản năng hay những ý niệm, niềm tin của tư tưởng, chỉ cần một vài chìa khóa chính thôi bạn có thể có cả tấm bản đồ bên trong mạng lưới tư tưởng của họ, và bạn sẽ hiểu vì sao họ hành động như vậy, cuộc sống của họ như vậy từ đó đưa ra các cách thức tiếp cận mà bạn muốn để xây dựng mối quan hệ, khơi gợi tình cảm, thay đổi quan niệm, tẩy não hoặc làm bất cứ điều gì bạn muốn.

Hy vọng những gì được chia sẻ hữu ích cho các bạn khi muốn tìm hiểu tâm lý con người. Về những biểu hiện của tư tưởng thì rất rất nhiều vì xã hội chúng ta là sản phẩm của tư tưởng. Nó cũng phức tạp như chính tư tưởng vậy, nhưng nếu bạn ý thức được cách thức tư tưởng vận hành cùng một vài bản năng của tự nhiên. Bạn có thể thấu hiểu rất rõ ràng tâm lý của từng con người, vì con người chúng ta từ xưa đến nay luôn sống dựa vào tư tưởng, lệ thuộc vào nó, nô lệ cho nó mà chưa bao giờ có thể thoát ra được để sống một đời tự do. Nếu bạn có thể ý thức được tư tưởng của bạn như bước đầu tôi đã đề cập, nó sẽ giúp bạn ý thức điều gì đang định hình hành động của bạn, cái gì hay ai đang thao túng bạn, và từ đó mà bạn có thể ý thức được sự tự do mà tôi chia sẻ… hoặc là không.

Tác giả: Phạm Đức Hậu

*Featured Image: skeeze

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

7 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI