18.7 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Từ đó tôi gặp tính Không trong đạo Phật

Trong cuộc sống càng ngày càng phức tạp hiện nay, con người đang đi tìm rất nhiều tư tưởng, ý thức hệ, niềm tin, hệ quy chiếu, chân lý… để có thể đánh giá được hành động và cuộc sống của mình: Nó đúng hay là sai, nó có ý nghĩa hay vô nghĩa. Nhiều người chấp lấy tư tưởng của mình mà coi nó là đúng nhất, ý nghĩa nhất mà muốn tất cả thế giới nên sống như họ.  Nhiều người khác thì thay đổi như chong chóng vì từng thời điểm họ lại mặc lấy những tư tưởng, niềm tin khác nhau, và có những người thì cho rằng ý nghĩa hay vô nghĩa tùy thuộc vào cảm nhận, tư tưởng của mỗi người tại mỗi thời điểm mà tôn trọng mọi hình thái cuộc sống.

Tôi cũng như bao người khác đã đi trên con đường này từ thuở nhỏ, đã đấu tranh, giằng xé, mâu thuẫn, bám chấp, buông bỏ… để tìm hiểu điều gì là đúng nhất, ý nghĩa nhất mà sống theo. Nhưng trong những quãng thời gian đấu tranh, dằn vặt mâu thuẫn đó, tôi lại phải tự đặt một câu hỏi khác cho chính mình rằng có điều gì là đúng nhất hay ý nghĩa nhất không, hay mọi thứ chỉ là tấn tuồng của tư tưởng con người?

Trải qua quá trình tự nhìn lại cách thức tư tưởng vận hành, tôi lại càng ý thức rõ ràng về sự mù mờ và giới hạn của tư tưởng khi chính tư tưởng tôi chỉ là những điều đã học được, đã được tích lũy từ quá khứ (từ gia đình, thầy cô, bạn bè, phim ảnh, sách vở, trải nghiệm bản thân…) mà từ đó tôi hành động và sống. Thêm nữa tư tưởng nó không bao giờ đứng yên, nó luôn tiếp tục tích lũy, lựa chọn, từ bỏ điều này, bám lấy điều kia vậy mà lúc nào nó cũng nghĩ rằng điều đấy là đúng nhất, ý nghĩa nhất, là chân lý để rồi sau đó nó lại phủ nhận và mặc lấy những thứ vớ vẩn khác.

Tư tưởng chỉ là những gì tôi đã biết, đã trải nghiệm. Cái đã biết thì hữu hạn mà cái không biết thì vô hạn, vậy mà tôi đã luôn bám vào cái đã biết mà sống trong một cuộc sống vô hạn này, hơn nữa còn muốn thế giới và những người khác cũng phải – nên – cần sống giống như niềm tin của tôi… Và rồi tôi quyết định không tin vào tư tưởng nữa và luôn quan sát, cảnh giác với nó. Nhưng khó khăn nảy ra là tôi sẽ dựa vào điều gì để sống đây? Mọi yêu ghét, niềm tin, ý thức hệ, cái đúng, cái sai đều nằm ở tư tưởng, không có nó tôi phải sống thế nào nếu không có cái gì là đúng sai, yêu ghét, lý tưởng để tôi bám vào?

Và từ đó tôi gặp tính Không trong đạo Phật

“Tính Không trong đạo Phật ở đây không nên hiểu lầm là không có gì hết. Tính Không là không thật thể chứ không phải là không có gì hết. Hơn nữa, Tính Không không phải là không thật có. Tính Không ở đây có nghĩa là một sự vật hiện tượng, dù cho có sự sống hay vô tri, tự thân nó không có sự tồn tại riêng biệt. Nó chỉ có ý nghĩa và tồn tại chỉ khi nào tất cả những yếu tố hay những thành tố làm nên nó cùng nhau biểu hiện và chúng ta có thể hiểu được và đánh giá sự vật hiện tượng một cách rõ ràng.” – Sonam Tsomo (Trúc Thanh chuyển ngữ)

Nhìn một cái cốc, ta thấy nó là có ở đó, nhưng nó không phải tồn tại riêng biệt mà nó chỉ là tổng hợp của những phân tử, nguyên tử, các hạt cấu thành nên. Bản thân chiếc cốc là sự biểu hiện của tất cả các thứ cấu thành nên nó chứ nó không có một tự tính riêng biệt nào cả. Vậy con người chúng ta thì sao? Chúng ta có một tự tính – một bản ngã – linh hồn riêng biệt hay không hay chỉ là tập hợp của nhiều thứ kết hợp lại, thân thể thì ta có thể chấp nhận được, nhưng còn tâm thức – tâm hồn chúng ta thì sao?

Tôi thực sự không có câu trả lời cho nó, và tôi chỉ đi vào thứ tôi ý thức rõ nhất là tư tưởng của tôi, mà tôi cũng không rõ nó có là tư tưởng “của tôi” không vì nó chỉ là tập hợp đủ thứ mà tôi đã tích lũy, vậy thì nó là tư tưởng đang nằm trong não tôi chứ chẳng phải là của tôi. Khi tôi Nhìn vào nó, tôi không tìm được một tự tính nào cả mà mọi thứ như một đám mây không có tâm điểm gì, mọi thứ tan rã và chỉ còn lại sự trống không.

Ban đầu tôi rất sợ cảm giác này, vì mọi mục đích sống của tôi đều nằm ở đó hết, vậy mà giờ nó chỉ là những thứ không-phải-là-chân-lý. Tôi đã sốc, hoang mang và đau khổ, nhưng trong sự đau khổ ấy tôi lại Nhìn thì chính nó cũng tan rã. Vì khi tôi đau khổ, có những ý muốn tìm đến một cái gì đó để khỏa lấp nỗi khổ này, hoặc là phải không được khổ, hay tự cảm thấy thương hại bản thân hoặc những thứ tương tự như vậy… Nhưng dù suy nghĩ gì khởi lên, tôi cũng chỉ Nhìn một cách tò mò về những điều đó. Vì tôi biết nó chỉ là những biểu hiện khác nhau của tư tưởng – thứ mà tôi không tin tưởng nữa và đang tìm hiểu nó là gì, và rồi mọi thứ trôi đi, cứ thế, cứ thế…

Cảm giác Nhìn ấy nó chỉ diễn ra vài phút thôi nhưng những suy nghĩ, cảm xúc hiện lên liên hồi và trôi đi liên hồi để lại một trạng thái không thời gian, một khoảng không bao la khủng khiếp và một ý thức rõ ràng về mọi thứ đang hiện diện cả bên trong lẫn bên ngoài. Và từ khoảnh khắc ấy cho đến các khoảnh khắc tiếp theo, mọi thứ trở nên nhẹ nhàng nhưng mãnh liệt vì cảm giác một luồng năng lượng rất sống động đang ngự trị, mọi thứ rõ ràng và bình an… Sự bình an này không phải là thứ đối lập với những đau khổ, mà nó như ở đó sẵn rồi, chỉ có đau khổ đến rồi đi chứ sự bình an này không liên hệ gì với đau khổ cả vì nó như đã ở đó từ bao giờ rồi vậy, tôi cảm nhận một cảm giác nguyên thủy thuần khiết trong trạng thái ấy.

Khi biết đến tính Không, rất nhiều thứ tôi phải xem xét, tra vấn lại trong bản thân mình. Tôi phải học cách nhìn lại mọi thứ, cách tôi tiếp xúc với mọi người như; tôi hôm qua giận bạn tôi vì nó lừa dối tôi, nhưng hôm nay nó đang đứng đây, đang đọc sách, tôi sẽ nhìn nó như thế nào? Tôi sẽ tiếp xúc với nó như thế nào đây? Tôi sẽ vẫn giận nó chứ, điều đấy có đúng không khi tôi mang quá khứ, định kiến của mình vào để giao tiếp với nó ở hiện tại? Hay tôi sẽ tiếp xúc với nó như bây giờ, vì hiện tại tôi không có gì giận nó, mà tôi còn đang rất vui nữa; mình đang suy nghĩ về bông hoa chứ không nhìn nó; mình đang tự ép mình phải nhìn; mình đang bám vào tính Không để sống; mình đang tạo ra lý tưởng về tính Không…

Đó là một trong những điều khiến cho tôi như đang được sống một lần nữa vậy, mọi thứ trở nên mới mẻ, rõ ràng, sáng tỏ và nhẹ nhàng – nhẹ nhàng khi tôi không mang quá khứ vào hiện tại nữa mà mọi cái nhìn của tôi đều ở hiện tại, đều nhìn vào tính không – sự biểu hiện của sự vật tại thời điểm hiện tại, chứ không phải là hình ảnh của quá khứ.

Một điều nữa là tính không mang lại một sự bình thản trước mọi biến cố cuộc đời, điều này dẫn đến việc nhiều người coi đây là sự vô cảm, thờ ơ. Trước tiên vì sao lại bình thản, bởi mọi thứ đều là sự kiện nếu bạn nhìn với con mắt trong sáng, không định kiến, phán xét, thì mọi thứ tác động lên bạn, bạn sẽ xem xét để đáp ứng lại tác động ấy theo sự nhận biết và quan sát của bạn chứ không cảm thấy vui buồn hay đau khổ hoặc hạnh phúc. Bạn đơn giản đáp ứng mọi điều ấy một cách nhiệt thành hoặc bạn né ra khi nó nguy hiểm, v.v… Nghĩa là khi ấy bạn rất tỉnh táo và sáng suốt, không để bất cứ một hoàn cảnh nào phá tan sự tỉnh táo và bình an ấy. Khi ấy trong bạn vẫn luôn tràn đầy sự dịu dàng, mát mẻ, bình an và tình yêu – không phải thứ tình yêu phức tạp nam nữ mà người ta hay gán cho từ ấy, mà thứ tình yêu của tình bằng hữu thân mật, của sự tự do, bình đẳng, vô tư. Và tôi tự hỏi những kẻ vô cảm có thể có những điều ấy không!

Chúng ta coi đó là sự vô cảm vì đa phần mọi người đều sống dựa vào cảm xúc, những cảm xúc này đều phụ thuộc vào tư tưởng của chúng ta như thế nào. Một người bình thản khi anh ta không chạy theo cảm xúc hay kìm nén nó mà ý thức trọn ven nó và để nó đến rồi đi, đó không phải là vô cảm, đó là sự tự tại, bình thản, an nhiên. Hãy nhìn cách tư tưởng vận hành: Khi đi học tư tưởng ta coi việc đỗ đại học là tuyệt vời nhất và khi ta đỗ đại học thì ta hạnh phúc lắm. Nhưng nếu ta nghĩ rằng nhiều tiền mới quan trọng thì đỗ đại học cũng chẳng làm ta quan tâm lắm mà ta chỉ muốn kiếm nhiều tiền thôi. Vì thế cảm xúc của ta đều phụ thuộc vào tư tưởng, mọi việc xảy đến đều mang tính không, nhưng ta đánh giá, cảm nhận sự kiện đó theo những gì tư tưởng ta đang có. Ta nghĩ cảm xúc là quan trọng nhưng chúng chỉ là biểu hiện bên ngoài của tư tưởng ta thôi, vấn đề nằm ở tư tưởng – thứ mà ta luôn bám vào để dựa vào nó ta sống, ta hành động, ta tương tác với thế giới.

Tiếp nữa chính điều ấy khiến ta sống vô cảm với thế giới, vì lúc đó ta chỉ quan tâm đến tư tưởng ta thôi – những gì ta cho là đúng, là đẹp, là ý nghĩa, là chân lý và ta muốn sống vì điều ấy, chỉ quan tâm đến những gì liên quan đến mọi điều đó, như tiền, thành công, giáo dục, y tế, văn thơ, tình dục, v.v… Khi ta chỉ quan tâm đến tư tưởng của mình thì ta không còn nhạy cảm với tiếng chim xung quanh, với bà lão già nua đang đứng giữa trời nắng 39 độ để bán hàng, với một con chuột nằm chết trên đường, với cánh hoa đang nở…

Và vì tư tưởng ta diễn giải mọi thứ ta nhìn, ta tiếp xúc theo ý hướng của nó. Nên dù ta có chú ý thì mọi thứ chỉ là sự phóng chiếu của tư tưởng chứ ta không thực sự tiếp xúc với những điều ấy. Trong khi một người nhận biết tính Không trong tư tưởng và trong cuộc sống bên ngoài thì họ luôn ý thức một cách rõ ràng những gì đang hiện diện mà không phán xét hay dán nhãn. trong sự ý thức ấy tuôn trào một nguồn năng lượng khiến cả thân thể và tâm trí tỉnh thức và nhạy cảm. Khi ấy anh ta không sống trong bất cứ một cái rãnh mòn nào của tư tưởng mà cuộc sống khi ấy không còn giới hạn nữa, anh ta đạt đến trạng thái cao nhất của tự do, của sáng tạo và bình an.

Tôi nghĩ đó là một điều rất đỗi giản dị mà phi thường mà một người có thể sống trong cuộc sống này. Hãy nhìn những gì tư tưởng tạo ra: tùy môi trường mà có những tư tưởng khác nhau, niềm tin khác nhau, định kiến khác nhau, phong tục khác nhau… nhưng trên hết sự khác nhau ấy dấy lên những mâu thuẫn và hận thù, ganh ghét, cùng với đó là giới hạn những tiềm năng của con người chúng ta.

Tính không cũng chẳng có gì cao siêu cả, nó chỉ là nó và mọi thứ cũng chỉ là chính chúng. Chỉ có tư tưởng luôn nhảy vồ vào mọi thứ mà đánh giá, phán xét để nói là nó vĩ đại hay nó tầm thường, rồi chúng ta trầm luân trong mạng lưới của tư tưởng mà không biết điều gì là thật, điều gì là ảo tưởng. Tôi hy vọng mọi điều được viết ra sẽ gợi mở cho mỗi người những câu hỏi, những trăn trở để từ đó ta có thể đi sâu hơn và làm sáng tỏ tâm trí của mình để sống một đời sáng suốt, tỉnh thức và bình an. Và đừng biến tính Không trở thành một thứ gì đó để bạn bám vào, để tư tưởng lại tiếp tục vận động và tạo ra những lý tưởng, những phán xét, những lối mòn rồi từ đó bạn sống, hành động… Hãy tự do và đừng bám vào bất cứ điều gì cả.

Điều cuối tôi muốn nói rằng hãy bước ra cái ngục tù và ảo tưởng của tư tưởng và sáng tạo cuộc sống mà bạn muốn, chừng nào bạn còn nằm trong đó, bạn vẫn chỉ như con bướm trong cái kén mà thôi. Và hãy nhớ nếu muốn bước ra khỏi nó, chỉ cần hiểu nó thôi, bạn sẽ thấy mình ở bên ngoài nó rồi.

Tác giả: Phạm Đức Hậu

*Featured Image: Sadie Pices

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI