18.3 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tôi yêu Sài Gòn nhưng tôi chọn cách hy sinh tình yêu ấy

Tôi an toàn khi ở Sài Gòn, tôi có gia đình, bạn bè và những người thân thương nhất. Nhưng tôi không thể cứ đứng nhìn Sài Gòn tệ dần và chính tôi cũng tệ dần theo nó.

Tôi nhớ những ngày Sài Gòn bình yên khi tôi được bà nội chở đến trường bằng chiếc xe đạp martin cũ rích, đường phố không đông đúc, vẫn còn những chú bán kem dạo, trò Chiếc nón kì diệu của chú kẹo kéo và với tôi trong kí ức Sài Gòn thật trong lành, đẹp đẽ. Hồi ấy Sài Gòn cũng không nóng như bây giờ.

Là một người gốc Bắc tôi lại thích tự nhận mình là người Sài Gòn. Tôi yêu Sài Gòn, tôi yêu đến độ thuộc từng con đường hẻm hóc nhất của Sài Gòn. Tôi tự hào khi được trở thành cái bản đồ di động của tất cả những người bạn đi cùng. Tôi yêu Sài Gòn rõ ràng nhất định nên dù có để tôi ở con đường nào tôi cũng không thể lạc lối như bất kỳ thứ tình yêu mù quáng nào khác.

Nhưng yêu là không đủ, tôi đã từng chọn rất nhiều cách để yêu Sài Gòn. Đi tình nguyện, thu gom ve chai và rác thải, cho đến một ngày tôi nhận ra rằng tình yêu của tôi có lớn nhường nào đối với Sài Gòn đó chỉ là một điều vớ vẩn. Tôi chọn cách ra đi và tôi gọi đó là hy sinh chứ không phải buông bỏ.

Tôi hy sinh việc được ở cạnh gia đình, họ hàng, bạn bè mình. Có người nói tôi là ích kỷ, tôi chỉ nghĩ cho bản thân mà không biết lo toan cho người khác. Nhưng tôi đi không phải vì muốn trốn tránh trách nhiệm của mình mà vì tôi muốn bớt phần nào gánh nặng cho Sài Gòn, tôi đi vì tôi không muốn nhìn thành phố mình lớn lên bị tha hoá, tôi đi vì bất lực kêu gào bảo vệ môi trường và tham gia các chiến dịch mùa hè xanh, hoa phượng đỏ nhưng khi tôi diễu hành trên đường phố với băng rôn và bảng hiệu họ nhìn với ánh mắt khinh bỉ. Và đến đây tôi biết rằng tôi thật sự buông bỏ vì tình yêu của mình chứ không phải là sự hy sinh nào cả.

Tôi không thể nhìn nổi thành phố tôi yêu thương mỗi năm lại có hàng triệu sinh viên đổ xô đến học đại học 4 năm trời rồi cứ bám càng ở đấy không chịu về phát triển ở quê nhà. Chưa tính hàng nghìn người chật kín ở các bến xe mỗi ngày và không thể đếm nổi con số xin việc làm lương 3 triệu/tháng không có cơ hội thăng cấp. Sổ hộ khẩu nhà tôi phải đến 4 người nhập ké, chứ trên thực tế cũng không phải trong gia đình. Có lần tôi vào bệnh viện Chợ Rẫy thăm một người bạn nhìn người nằm la liệt mà không thể không cảm thấy nhợn người.

Họ nói Sài Gòn phồn hoa, tráng lệ, họ đến họ chấp nhận công việc lương 2-3 triệu để có cái danh là ở Sài Gòn. Trong khi đồng lương ấy còn không bằng những người dưới quê làm ruộng vậy nhưng họ cứ vẫn mù quáng với đồng tiền, với vật chất xa hoa. Họ biến Sài Gòn thành một nồi cám heo với đầy những độc hại chết người, họ sống chung với rác thải và sự nhơ nhớp bên trong chính họ. Lừa đảo, cướp bóc, chiêu trò, hại người chỉ để được trụ lại ở cái xứ sở này. Họ ngồi máy lạnh phà phà sướng thân rồi thải cái nhiệt ấy ra không khí mặc kệ nhiệt độ cứ nóng dần lên. Họ ỳ ạch nhích từng chút một mỗi lúc kẹt xe. Họ kêu gào, chửi bới, phóng lên lề đường mặc kệ người khác. Đến nỗi hầu như lề đường nát bét và cũng chẳng ai rỗi hơi mà sửa lại. Mùa nắng họ trùm kín bao bọc thân thể mặc kệ có nhìn thấy đường hay không, mùa mưa ngập lụt tràn lan thì họ bơi trong đấy mặc kệ cả thế giới miễn sao đi được là họ đi. Thấy ai chửi nhà nước là họ chửi. Họ chửi sao không làm đường, làm cống mà để ngập lụt. Họ chửi sao không mở đường mà để kẹt xe trong khi đèn đỏ còn 5 giây họ bấm còi inh ỏi. Họ chửi bà bán bánh mì, chửi trời, chửi đất, về nhà với tâm trạng cáu gắt họ chửi vợ, chửi con. Khắp mọi nơi tràn ngập năng lượng tiêu cực.

Những điều họ nghĩ đến chỉ có tiền và bộ cánh lộng lẫy. Làm sao để cho không bị lỗi thời, làm sao phải thật sành điệu. Uống rượu phải gọi như thế nào mới chất? Phải biết đi bar pub, hút bóng cười, cần sa… Phải biết nhảy, phải mặc đồ hàng hiệu để còn ra vẻ với người khác. Đối với họ giá trị là những gì họ đắp lên người chứ không phải những gì được tích luỹ trong đầu. Tôi chán gấy khi gặp những người quần áo hàng hiệu chỉ toàn chém gió chuyện phiếm: “Ôi nhỏ này nhìn kém sang quá. Thằng kia mang giày fake kìa.” Để rồi những câu chuyện chẳng đem lại tích sự gì, nói xong đến lúc tính tiền ly cà phê 150.000đ. Lạm phát cứ tăng dần, dân xứ tứ đổ về ở trong những căn phòng chỉ đúng 3 mét vuông với giá 3 triệu/tháng.

Tôi viết ra những lời này không phải để tự đề cao bản thân và khinh miệt những người dưới quê lên thành phố hay. Tôi viết ra vì tôi thấy thật buồn cho chính mình và thành phố này, tôi nhớ Sài Gòn da diết nhưng tôi không bám riết lấy nó vì như ở trên đã nói, tình yêu với tôi là hy sinh chứ không phải mù quáng. Nhưng chỉ một mình tôi không thể làm gì được cả. Nên tôi mong muốn những bạn sinh viên học xong thì hãy về phát triển quê nhà, các bạn giỏi thì ở đâu cũng kiếm ra tiền. Những người dân lao động cũng thế. Đừng trách quê mình nghèo rồi mình phải đi chỗ khác kiếm ăn. Mình sinh ra, lớn lên ở đâu, mình yêu thương vùng đất ấy thì mình phải chính là người gầy dựng nó chứ không phải ai khác cả.

Trong mắt tôi Sài Gòn chẳng còn phồn hoa, tráng lệ gì nữa, cũng chẳng còn bình yên, lịch thiệp như ngày tôi còn bé. Nó chỉ là một thành phố hỗn tạp đầy tệ nạn, khói bụi và ô nhiễm, đầy những cửa tiệm đắt tiền, những vỏ bọc hào nhoáng, những ảo tưởng bao trùm lấy. Các bạn có đau lòng khi nhìn người mình yêu càng ngày càng xa đoạ không? Tôi yêu và nhớ Sài Gòn da diết nhưng phải làm sao bây giờ?

Tác giả: Bà Năm
Edit: Triết Học Đường Phố

*Featured Image: Quangpraha

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

2 BÌNH LUẬN

  1. Chào bạn, đọc bài viết của bạn, tôi đoán chắc hẳn bạn vẫn còn trẻ?!
    Tôi từng nghe trên đài, nói về người Pháp cũng từng chết rất nhiều vì các loại dịch bệnh do môi trường sống không đảm bảo gây ra hoặc ở New York thời xưa, rác thải ngoài đường cũng là không thiếu… Việt Nam mình được đánh giá là đi sau họ một vài trăm năm cơ mà. Nên việc ta chưa được hoàn hảo thì đó cũng là một bước quá độ (theo mình là thế).
    Một ý nữa, việc một thành phố lớn luôn tập tụ đông người thì không chỉ có ở Việt Nam mà còn là ở tất cả các thành phố lớn khác trên toàn thế giới. Vậy bạn rời Sài Gòn và đến một nơi mới, bạn có nghĩ là người ở xứ đó cũng đang nhìn bạn giống như việc bạn đang nhìn bao con người lên Sài Gòn cũng chỉ bởi những hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn?!
    Về khía cạnh con người: Không phải ai cũng có năng khiếu và thiên hướng để trở thành một ông chủ tài ba, để có thể tự mình gây dựng một sự nghiệp ở bất cứ đâu. Nên họ sẽ tìm cách di cư đến nơi nào cho họ một công việc mà theo họ là có thu nhập ổn định hơn. Bạn có biết thế nào là mất mùa do thiên tai, do dịch bệnh? Rồi nếu có được mùa đi chăng nữa thì giá cả của nông sản cũng không đủ để động viên họ ở lại với đồng ruộng?!
    Một vấn đề thường có rất nhiều khía cạnh. Và mình chỉ muốn chia sẻ với bạn về suy nghĩ của mình là mọi loài nói chung và con người nói riêng về cơ bản không khác nhau nhiều ở một điểm, đó chính là “đều mưu cầu hạnh phúc”.
    Thân ái,

  2. Cám ơn bài viết và tình yêu của Bà Năm.

    Cá nhân tôi sẽ thấy sự hy sinh của bạn sẽ không phải tình yêu chân chính. Nếu đã yêu, đã hy sinh, thì vẫn còn rất nhiều việc chúng ta phải làm để SG trở nên tốt đẹp, về với cái tên “Hòn Ngọc Viễn Đông” vốn có. Nhưng bạn chọn cách từ bỏ, từ bỏ giống như khi bạn có 1 người yêu tốt đẹp (SG khi bạn còn nhỏ) và qua năm tháng, người yêu của bạn già đi, gặp biến cố, mất dần nhưng ưu điểm vốn có ban đầu, thì bạn quyết định “bỏ đi” và “chia tay với tình yêu”. Nên đó không phải là tình yêu chân chính.

    Bạn có so sánh người nghèo thu nhập 2-3 triệu không đủ sống, nhưng bạn lại đi kèm với chi tiêu của những người giàu với buổi cà phê 150k, những bộ cánh lộng lẫy. Đó là sự so sánh khập khiễn và gây ngộ nhận. Nếu bạn biết được bữa cơm công nhân như thế nào, tiền lương tháng của các “đại gia” ra sao thì sẽ là ví dụ tốt.

    Với mình, SG trước 75 và sau 75 là 2 SG khác nhau. Nếu bạn đã từng là người yêu quý nó, thì hãy yêu quý như cách ban đầu mình đã yêu. Hãy chung thủy với tình yêu, thì dù bạn có được ở gần với người mình yêu hay không, bạn vẫn sẽ luôn làm điều tốt nhất cho họ. Bằng chính tình yêu của bạn có trong đầu bài viết.

    Chúc SG sẽ ngày càng tốt đẹp, chúc những tình yêu sẽ được nuôi lớn đẩy lùi những mặt xấu vào góc khuất. Vì ở đâu đó vẫn có những tấm lòng Hiệp Sĩ Đường Phố, những bình trà đá miễn phí, những quán ăn chay 2k cho người nghèo, những hội nhóm tình nguyện phát quà dịp lễ tết….

    Cám ơn tác giả.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI