18.3 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Con người và thế giới

I. Giới Hạn

Chúng ta không để đưa ra bất kỳ nhận định gì mang tính khách quan nếu không hiểu rõ về giới hạn của chính mình, nhận rõ giới hạn để nhận thức luôn mở một cửa ngõ cho những khả năng có thể có ở bên ngoài cái giới hạn đó.

1. Giới hạn của thân xác

Chúng ta đều biết rằng con người nhìn thấy và cảm nhận thế giới xung quanh thông qua các giác quan của cơ thể, mà các giác quan đó có giới hạn của chính nó. Ví như ánh sáng có nhiều bước sóng khác nhau, nhưng mắt ta chỉ có thể nhìn thấy một đoạn ngắn trong tập hợp các bước sóng đó, nghĩa là con người và loài thú có thể thấy/nghe những hình ảnh/âm thanh khác nhau tùy giới hạn mỗi loài. Khi thông tin về nhìn truyền đến não, chúng được tổng hợp theo cách thức của não chúng ta và hình thành một thế giới như ta nhìn thấy, loài vật cũng vậy theo cách của chúng. Vậy thế giới mà ta hay loài vật nhận biết được sẽ khác/giống nhau tùy thuộc vào sự khác/giống trong giới hạn có được.

2. Giới hạn của kinh nghiệm và tri thức

Giới hạn này phụ thuộc vào hoàn cảnh sống, nếu bạn sinh ra trong một bộ lạc thuộc rừng Amazon thì bạn chỉ biết được những gì mà một thổ dân có thể biết, tương tự, sự hiểu biết sẽ khác nhau nếu bạn sống ở nông thôn/thành thị, gia đình kém/có học thức, nước kém/phát triển, nước độc tài/tự do. Trong từng hoàn cảnh, bạn sẽ có cơ hội tiếp nhận nguồn tri thức khác nhau.

3. Giới hạn của nhận thức

Tiếp nhận kinh nghiệm và tri thức là một chuyện, hiểu chúng như thế nào lại là chuyện khác. Mỗi hoàn cảnh sống luôn mang trong nó những định kiến khác nhau, định kiến từ nền văn hóa nơi đó, từ tôn giáo ta theo, từ những gì được giáo dục. Định kiến như một màn lọc tri thức, nó phán định thông tin nào được giữ lại/loại bỏ hoặc chống đối.

4. Giới hạn của nhu cầu và bản năng

Bản năng là những phản ứng được hình thành trong quá trình sinh tồn của giống loài, chúng ẩn sâu trong tiềm thức, vô thức và duy truyền, chúng tác động lên nhận thức của ta một cách âm thầm lặng lẽ. Còn nhu cầu thì gắn liền với lợi ích tự thân, khi nhu cầu được thỏa mãn thì con người cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc, điều gì khiến ta đau khổ sẽ bị loại trừ, do đó chúng cũng tạo ra một giới hạn trong sự nhận thức về thế giới.

5. Giới hạn về khả năng và thời gian

Bản thân mỗi người có một khả năng tiếp nhận lượng thông tin khác nhau, nếu tiếp nhận quá nhiều sẽ tạo ra sự quá tải gây mệt mỏi. Khả năng cũng phụ thuộc vào trí thông minh của từng người, song song đó, là lượng thời gian mà ta có thể dùng cũng chỉ giới hạn trong con số trung bình là 60 năm.

Tóm lại, bản thân con người có giới hạn, nên mọi thứ ta “thấy” cũng có giới hạn. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng những giới hạn đó có thể bị phá vỡ, vì giới hạn mà ta nhận biết được cũng phụ thuộc vào chính giới hạn nhận thức của ta, ta không biết hoàn toàn chính xác khả năng con người có thể to lớn đến đâu.

II. Quá trình nhận thức thế giới

Cách đây hàng ngàn năm hay hơn thế nữa, khi con người còn chưa hiểu nhiều lắm về thế giới xung quanh bằng con đường khoa học, thì họ phó thác niềm tin của mình hoàn toàn cho tôn giáo – nơi có một hoặc nhiều vị thần linh ngự trị. Ở đây ta chưa bàn đến chuyện vị ấy có thật sự tồn tại hay không, mà cho đến ngày nay thì đó cũng vẫn là điều vượt ngoài khả năng của con người.

Con người khác con thú ở khả năng tự nhận thức được sự tồn tại của chính mình, do đó, khi đứng trước những điều mà hắn không giải thích được, hắn sẽ đối chiếu với bản thân, với những vật mà hắn tạo ra rồi tự hỏi “tất cả những điều này là do Ai tạo ra? Sẽ có Ai đó tạo ra chứ?”, thế là vị thần linh nào đấy cũng có bản tính con người giống hắn được tạo ra.

Đừng hiểu nhầm rằng khi nói thế thì tôi đang phủ định sự tồn tại một đấng tạo hóa, mà sự suy diễn ở trên vốn luôn diễn ra ở bất kỳ người nào. Tuy nhiên, có một số cực kỳ hiếm hoi trong loài người, bằng khả năng nào đó hoặc được mặc khải (sự tỏ mình ra của Thượng Đế dành cho họ) mà thấy được những điều kỳ diệu vượt ra ngoài giới hạn của con người, nhờ thế, họ có được một trí tuệ cao vời và trở thành vĩ đại, họ được gọi là tôn sư hoặc nhà tiên tri, họ dẫn dắt con người đến với ánh sáng và sự sống đích thực.

Bởi tồn tại sự giới hạn của con người, để vị tiên tri/tôn sư ấy có thể diễn tả những gì ông hiểu hay nhìn thấy cho người khác cũng hiểu thì vô cùng khó khăn, nó giống như một sinh viên phải giảng về toán tích phân cho học sinh lớp 1, việc đó là bất khả. Vậy vị tiên tri ấy chỉ có thể tả về điều mình thấy trong cái giới hạn của ngôn ngữ và tầm hiểu biết của loài người lúc ấy, để rồi chính loài người trong giới hạn của họ, cố diễn giải những điều nghe được theo cách của họ, việc diễn giải đó gần với sự thật mà vị tiên tri “thấy” được phụ thuộc vào khả năng của mỗi người.

Bởi lời từ các tiên tri/tôn sư mang đến sự sống – ánh sáng – hạnh phúc nên biết bao người sẽ nghe và làm theo, thế là các tôn giáo/đạo giáo được hình thành, vì những “lời” ấy vượt quá xa tầm hiểu biết của loài người nên các tôn giáo này đã trở nên vĩ đại và tồn tại cho đến ngày nay. Trong khi đó, những tôn giáo được hình thành do sự tưởng tượng của con người thì tàn lụi dần và trở thành thần thoại vì thiếu chiều sâu cũng như độ cao về tư tưởng. Để đánh giá tầm cao của một tôn giáo, ta dựa vào tư tưởng được truyền tải trong đấy, tư tưởng càng cao thì thời gian tồn tại càng lâu dài và có thể là mãi mãi.

Lịch sử nhân loại từng có thời kỳ mọi lẽ sống của con người đều phụ thuộc hoàn toàn vào tôn giáo, tiếng nói từ giáo hội là quyền uy tối thượng nhất, và ta có thể nhận ra rằng nếu tôn giáo mang trong mình quyền lực thế tục thì chắc chắn sẽ bị biến chất và thế tục hóa, trở nên tầm thường, độc tài, mục nát. Trong thời kỳ này, ở những nơi mà sự xuất hiện của các tôn sư là hiếm hoi, thì đang dần bước trên con đường quân chủ tập quyền, theo chiều hướng ngược lại, tôn giáo trở thành công cụ phục vụ cho nền quân chủ chuyên chế.

Vì con người có khả năng tư duy, nên ngoài tôn giáo, có một thứ khác vẫn luôn song hành, đó là triết học. Khi mà tư tưởng có được từ tôn giáo không đủ để đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người thì triết học trở thành một sự lựa chọn cần thiết và hợp lý. Triết học là những suy luận của lý tính, sự phát triển của triết học sinh ra một đứa con khác được mang tên khoa học. Bằng khoa học, con người khám phá ra rất nhiều bí mật của thế giới mà một thời thì sự lý giải đó thuộc về tôn giáo.

Thế là lịch sử nhân loại lại bước qua một trang mới, con người tôn vinh khoa học như một chân lý quyết định mọi sự đúng sai trong cái nhìn với vạn vật. Người ta chỉ tin vào những gì được khoa học chứng minh, cho rằng tôn giáo là sự tưởng tượng của loài người, khoa học biến một nửa loài người thành vô thần, chủ nghĩa duy vật phát triển mạnh mẽ khắp nơi cho đến ngày nay.

III. Phân tích

Với nền văn minh của hiện tại, dù hiểu biết ở mức độ nào, thì chúng ta đều có thể khẳng định một điều, mọi thứ xung quanh đang vận thành theo những quy luật và chân lý nào đó. Chúng có thể là các quy luật vật lý, hoặc quy luật về xã hội, trong quá trình quan sát, người ta khám phá ra quy luật rồi biên soạn thành một học thuyết, học thuyết ấy qua thực nghiệm sẽ được chứng minh là đúng hoặc sai. Vậy cái hệ thống tập hợp những quy luật đó là có tồn tại.

Trở lại với vấn đề, khi khoa học chưa phát triển, bằng phương thức nào đó, người xưa đã nhận ra cái hệ thống các quy luật đó, ở Trung Quốc thì được Lão Tử gọi là Đạo, với Phật giáo thì là các quy luật, với Do Thái hay Ấn Độ thì chúng được tạo ra do một hoặc nhiều vị thần. Và có thể nói rằng những điều mà những vị ấy “nhìn thấy” là hoàn toàn vượt xa những khám phá của khoa học ngày nay. Tóm lại, dù diễn giải theo cách nào đi nữa, thì những gì mà các vị ấy “thấy” đều cùng chỉ về một nơi, hướng về một toàn thể duy nhất, do phương thức “thấy” khác nhau nên với Lão và Phật thì dừng lại ở điều họ thấy, còn với các tiên tri của người Do Thái hay các vị tu hành ở Ấn thì là Thiên Chúa/Đấng Tạo Hóa dựng nên.

Khoa học được hình thành dựa trên nền tảng lý tính và phụ thuộc vào khả năng quan sát của con người, chính vì thế nó cũng chịu cùng chung một giới hạn. Lấy cái giới hạn của khoa học làm thước đo cho cái vượt ngoài giới hạn của tôn giáo thì quả là mê muội. Khoa học càng phát triển thì người ta càng tìm đến nhiều sự tương đồng so với những lý giải trong tôn giáo, đặt biệt là với những kiến giải của Phật giáo, như về các thế giới mà ngày nay khoa học có nhiều thuyết về các thế giới song song được tạo ra do các chiều không gian ở cấp cao hơn; hay sự tương đồng về Sáng Thế với vụ nổ Big Bang; hay về việc tồn tại một linh hồn bên trong thân xác, còn thân xác được ví như phần cứng của chiếc máy vi tính; hay đời này chỉ là tạm bợ, giống nội dung bộ phim Ma Trận, tất cả những gì chúng ta cảm nhận được chỉ là chương trình trong một chiếc máy vi tính, chỉ có tâm thức ta là thật; hay con người có thể làm phép lạ, chữa bệnh, nhìn thấy tương lai; hay sự sống của con người có được nhờ vào năng lượng vũ trụ và năng lượng đó vận hành trong cơ thể theo một phương thức hoàn toàn khác biệt, mà chứng minh hùng hồn nhất chính là bộ môn châm cứu xuất phát từ Trung Quốc; hay lời chứng của những người vượt qua trạng thái chết lâm sàn, kể chính xác những gì diễn ra xung quanh và cách xa họ khi đó. Như vậy, khoa học không phải là thứ duy nhất có thể giúp con người nhận ra thế giới và tôn giáo không phải sinh ra do trí tưởng tượng của con người.

Nhưng dù cho có khám phá thế giới bằng cách nào đi nữa thì vẫn có một điều khó đạt đến sự thống nhất, đó là thế giới này tự nó mà có hay được tạo ra bởi Đấng Tạo Hóa. Người ta cứ tranh cãi nhau suốt về chuyện này, còn tôi thì tự hỏi, nếu có Đấng Tạo Hóa (tôi tin có) thì liệu Ngài có xem trọng việc đó hay không?

IV. Các tôn giáo và con đường tâm linh

Với một số người thì việc tìm hiểu về các tôn giáo (hoặc tôn giáo khác mình) là không tốt hoặc không cần thiết. Nhưng theo tôi lại là chuyện cực kỳ cần thiết, vì việc này quyết định bạn hiểu rõ thế giới quanh mình bao nhiêu, và dù bạn có trốn tránh thì bạn vẫn bị tác động như thường, nếu vì không biết mà bạn phản ứng hay định kiếm lầm lạc thì thật đáng tiếc.

Tại sao tồn tại quá nhiều tôn giáo trong thế giới của chúng ta? Nếu đọc đến đây, bạn cũng có câu trả lời, đó là do phương thức nhìn/mặc khải của các tôn sư/tiên tri mà điều họ nói sẽ khác nhau, sau đó, con người nghe và đọc các lời ấy lại diễn giải khác nhau theo từng nhóm. Thời gian càng dài thì sự tách ra càng nhiều thêm, mỗi nhánh đều cho rằng cách mình diễn giải là đúng nhất, thế là để bảo vệ đức tin nên họ sinh ra thù ghét nhau, thậm chí giết nhau. Nếu một trong những người thân hoặc bà con quyến thuộc của tôi mà đọc bài này thì chắc sẽ nghĩ là tôi lạc đạo mất rồi, nhưng đó cũng là lẽ thường trong cuộc sống.

Hầu hết các tôn giáo đều nêu cao quan điểm rằng đời này chỉ là tạm bợ và kêu gọi con người làm lành lánh dữ để đạt được hạnh phúc sau cái chết. Một số tông phái xuất phát từ Ấn Độ có những mật pháp mà nếu luyện tập sẽ có được những khả năng kỳ lạ – siêu nhiên, không lạ khi ta thấy nhiều nét tương đồng giữa các tông phái này với Phật giáo; hoặc các môn khí công, châm cứu được truyền từ văn minh Trung Quốc cổ đại; ngoài ra còn phải nhắc đến văn minh Ai Cập cổ đại cũng có những nét tu tập tương tự; đạo Do Thái tôn thờ Thiên Chúa không đi theo hướng này nhưng có thể nói đây là dân tộc xuất hiện nhiều vị tiên tri (nhìn thấy tương lai) nhất trong thế giới loài người; ngoài ra còn nhiều nền văn minh cổ đại đã bị chôn vùi đã đạt được sự hiểu biết khiến cho khoa học ngày nay phải bối rối.

Đạo Do Thái: Bắt đầu từ tổ phụ của họ là Abraham được gặp gỡ Thiên Chúa (sự mặc khải) thông qua hình ảnh ngọn lửa ở bụi gai, sau sự mặc khải này, ông đã tôn thờ Thiên Chúa như vị thần linh duy nhất. Kinh thánh của họ là những cuốn sách ghi chép lời của các tiên tri/ngôn sứ và lịch sử dân tộc họ, có thể xem các quyển kinh thánh của họ như một bộ biên niên sử xuyên suốt, được bắt đầu cách nay 4000-6000 năm.

Công Giáo: Là sự tiếp nối của đạo Do Thái, Chúa Jesus được sinh ra ở Belem, Ngài đến để mang lại một giao ước mới của Thiên Chúa với toàn thể loài người (giao ước cũ là của Thiên Chúa với dân Do Thái), Ngài đi rao giảng về tình yêu thương, sau đó chết trên thập giá và ngày thứ 3 thì sống lại. Vì sự tiếp nối, Kitô giáo soạn ra những bộ kinh phù hợp từ những cuốn kinh của đạo Do Thái và gọi là kinh Cựu Ước, còn những lời giảng của Chúa Jesus và thư của các thánh tông đồ thì hình thành nên kinh Tân Ước.

Các nhánh tách ra từ Công Giáo: bao gồm Chính Thống Giáo và các giáo hội Tin Lành, sự tách ra này do sự lý giải kinh thánh hoặc do các tác nhân từ thế tục.

Các tôn giáo khác: Phật giáo, Hồi giáo, Lão giáo,….; để hiểu rõ hơn, các bạn có thể tìm trên Google, tôi nghĩ đây là việc rất cần thiết.

Quan trọng – các trường phái tâm linh thời hiện đại: Tôi chỉ đưa ra cái nhìn chung chứ không đi vào chi tiết, những người đi trên con đường tâm linh ngày nay tin rằng sự sống mà con người có được là nhờ sự tiếp nhận năng lượng vũ trụ, thông qua những phương pháp tu hành như thiền, hoặc liên quan 7 luân xa trên cơ thể sẽ giúp con người đạt được những khả năng kỳ diệu, song song là sự rèn luyện về tâm tính như tự do, yêu thương, chân – thiện – mỹ, vv… Con đường này là sự tổng hợp từ niềm tin cũng như phương pháp tu luyện của các tôn giáo lớn hoặc các tông phái có từ xa xưa. Tất cả đều hướng về cái toàn thể duy nhất, nhưng tin vào Đấng Sáng Tạo hay không thì tùy từng nơi vậy.

Bạn nên tìm hiểu về 7 luân xa nhưng nhớ đừng luyện tập theo nhé. Vì ngày nay có quá nhiều trường phái mọc lên, thật giả lẫn lộn, đặt biệt là sự hỗn loạn ở Việt Nam thì khó mà kể cho hết. Luyện bậy dễ bị tẩu hỏa nhập ma đấy, cái từ “tẩu hỏa nhập ma” chúng ta thường thấy trong các truyện kiếm hiệp nhưng nó cũng có thật sự chứ chẳng chơi, càng tìm hiểu nhiều về thế giới tâm linh bạn sẽ càng sững sờ khi các truyền thuyết có thể từng có thật.

V. Tôi tin có Thiên Chúa (quan điểm cá nhân)

Tại sao tôi phải viết phần này trong khi nếu bỏ thì bài viết sẽ trở nên khách quan hơn? Vì phần này cực kỳ quan trọng với tôi hoặc cần thiết với những người tin vào Thiên Chúa – Đấng sáng Tạo. Nếu sau khi đọc bài của tôi mà ai đó lạc mất đức tin vào Thiên Chúa thì quả là vô cùng tội lỗi.

Nếu bạn đọc bài này và bắt đầu tìm hiểu mọi thứ, bạn sẽ nhận ra các trường phái tu tập xuất phát từ Ấn Độ, con đường tâm linh hiện đại, và Phật giáo lại rất gần gũi với những khám phá của khoa học, đồng thời cũng mang lại lợi ích thiết thực với con người (ví như sức khỏe). Điều này khiến bạn dễ lạc mất đức tin vào tôn giáo của mình và vào Thiên Chúa.

Như đã nói, tôi tin rằng mọi tôn giáo, đạo giáo trên thế giới đều hướng về cùng một nơi, một toàn thể duy nhất. Với các tôn giáo tin vào Thượng Đế, mỗi tôn giáo đều cho rằng Thượng Đế của họ mới là Thượng Đế thật, nhưng hãy thử nghĩ mà coi, Thiên Chúa – Thượng Đế, Đấng tạo ra con người và vạn vật sẽ thiên vị hay sao? Dân tộc Do Thái là dân riêng của Chúa? Là Chúa chọn dân tộc này hay bởi sự khôn ngoan mà dân tộc này đã nhận ra Ngài trước tiên? Và bởi vì sự khôn ngoan, họ như được công nhận là dân tộc thông minh nhất thế giới, bạn có thể tìm các thống kê trên Google để chứng minh điều đó. Bản thân tôi nghĩ Thiên Chúa là Đấng công bằng vô cùng, Ngài tỏ mình ra cho tất cả loài người chúng ta được biết về sự tồn tại của Ngài, nhưng tùy vào sự khôn ngoan mà những dân tộc sẽ nhận ra sớm hoặc muộn, sẽ nhìn thấy Ngài là Thiên Chúa hay chỉ thấy Ngài như một hệ thống các quy luật.

Đối với tôi, đức tin có từ sự suy tư và tìm hiểu mới là đức tin thật và mạnh mẽ, còn đức tin chỉ do niềm tin tạo thành là đức tin yếu ớt. Tại sao? Ví như bạn sinh ra là người Công giáo, bạn được dạy là tin vào Chúa và bạn tin, vậy nếu bạn sinh ra không phải người Công giáo thì sao? Thế ra cái đức tin mà bạn luôn tự hào đó không hề do bạn mà chỉ do việc bạn sinh ra ở đâu quyết định, đức tin ấy có giá trị và ý nghĩa không? Nhưng nếu đức tin đạt được bằng sự chiêm nghiệm, thì dù bạn thuộc về bất cứ tôn giáo nào đi nữa, thì sự chiêm nghiệm đó cũng sẽ dẫn bạn đến với Thiên Chúa, bạn sẽ không bao giờ lạc lối.

Bạn có thể dùng câu “phúc cho ai không thấy mà tin”, nhưng bằng việc hiện ra, Ngài cũng nhắc nhở ta là không nên tin tưởng bằng sự mù quáng, thật ra thì Ngài luôn dùng hành động để chứng mình Ngài là ai trong suốt hành trình giảng đạo, nhưng dù vậy các tông đồ – đại diện cho con người vẫn còn thiếu niềm tin. “Chiên ta thì nghe tiếng ta” như thế nào mới là “chiên ta”? Đó có phải là con chiên hiểu được hành động của chủ chiên? Mà muốn hiểu được thì phải nghiềng ngẫm và chiêm nghiệm, không phải cứ “a thần phù” là tin sái cổ. Thế giới này còn tồn tại quá nhiều sự phân biệt, đến nỗi họ tin rằng Thiên Chúa cũng phân biệt, thương đứa này hơn đứa kia, đứa này con ruột còn đứa kia con nuôi.

Tại sao tôi tin có Thiên Chúa? Vì Thiên Chúa tồn tại thì mọi thứ cao quý mới trở nên có ý nghĩa. Một hệ thống vô cảm dù hoàn mỹ đến mấy thì cũng không thể hiểu và phân định được sự cao quý đó. Ví dụ tình yêu, một hệ thống có hiểu tình yêu là gì? Cùng là tình yêu, nhưng yêu bởi lòng ích kỷ, bởi lợi ích cá nhân thì hoàn toàn khác với yêu vô vị lợi; hay việc làm từ thiện, có sự khác biệt giữa 2 xu của bà góa nghèo và đồng tiền vàng của kẻ giàu có?; hay một người làm từ thiện bởi lòng yêu thương chứ không phải vì mong một nước thiên đàng sau cái chết. Liệu một hệ thống có thể phân định được những điều đó? Không! không một hệ thống nào có thể cân đo đong đếm những điều đó, mà phải là một Thiên Chúa tạo ra con người, hiểu con người và siêu việt con người mới phân định được theo lẽ công bình tuyệt đối.

Nếu không có một Thiên Chúa, thì tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ hệ thống nào hay quy luật nào ở trên tôi và chi phối tôi, vì tôi thấy mình cao quý hơn hệ thống vô cảm ấy. Mà nếu như vậy, nếu không có Thiên Chúa, thì thế giới này hay kể cả thế giới nào, cõi nào đó sau cái chết cũng sẽ trở nên vô vọng và vô nghĩa, đó là tự tuyệt vọng toàn tập. Chính vì vậy, Thiên Chúa luôn tồn tại, vì những điều cao quý luôn tồn tại trong chúng ta.

Tác giả: Nguyễn Minh Chí

*Featured Image: Free-Photos
spot_img

BÀI LIÊN QUAN

2 BÌNH LUẬN

    • Mấy chuyện thực tế mình không muốn viết, vì nói tới nói lui thì cái nguồn gốc sâu xa vẫn gắn liền với cái chế độ đang có ở VN. Ví như vấn đề cải cách giáo dục, tự do báo chí, biểu tình chống TQ, đạo đức xh xuống cấp,v..v. Làm gì mà cải cách giáo dục được khi giáo dục là công cụ để phục vụ quyền lực, làm gì khg xẩy ra chuyện TQ vào VN khi mà cả nền kinh tế lẫn chính trị của VN phụ thuộc TQ, làm sao đạo đức khg xuống cấp khi tham nhũng tràn lan, mà độc đảng thì quái gì mà chống tham nhũng được. Mấy chuyện đấy ai mà chả biết, nhưng người ta cứ nói tránh đi, người ta cứ giả vờ không biết. Mình nếu đã nói thì sẽ nói thẳng, còn không thì sẽ không nói. Nhưng mình cũng khg muốn vì nói mà ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại, nên mình chỉ có thể viết những bài như hiện tại hơn là những bài hiện thực cuộc sống. 🙂

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI