20.8 C
Da Lat
Thứ Tư, 24 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Review] Mùi hương, Patrick Suskind – Khi phép thuật được thấm vào từng con chữ

thđp review

Có lẽ, đây là cuốn sách gây nên chấn động mạnh mẽ nhất trong suốt quãng đời đọc sách của tôi từ trước đến nay. Tác phẩm lỗi lạc này khiến tôi lần đầu tiên cảm thấy biết ơn cuộc đời vì mình còn sống để được thưởng thức nó và cũng khiến tôi lần đầu tiên tin rằng thế giới này còn có thể được cứu rỗi bởi nghệ thuật.

Kể từ đây cho đến kết thúc bài review này, có lẽ chỉ toàn những lời ca tụng thành kính nhất mà tôi dành cho Mùi hương. Đối với tôi, tác phẩm này xuất chúng đến độ tôi sẵn sàng vứt bỏ hết những sự sĩ diện của bản thân để tôn vinh nó, như một con chiên rạp mình kính cẩn trước Đức Chúa Trời. Chuyện này khá khó khăn đối với kẻ đó vì bên trong lòng hắn đang cùng lúc dâng trào niềm hỷ lạc vô cùng khiến hắn muốn vung hai cánh tay mềm nhũn của mình hướng tới tận trời xanh và ngửa mặt nhìn theo với một nụ cười rực rỡ đầy mãn nguyện.

Trước khi chạm tới được nội dung của tác phẩm, người đọc đã say mèm ngây ngất trong những chuốc rượu ngôn từ mà Patrick Suskind rải đều khắp những trang truyện. Ngay khi đọc trang đầu tiên, tôi đã nổi da gà vì trực giác mách bảo rằng một thiên tài văn học đang lộ diện. Và quả nhiên, liên tiếp những lần lật giở sau đó, những sợi lông tơ trên hai cánh tay tôi liên tục dựng lên vì choáng ngợp. Việc chứng kiến một ánh sáng đích thực trong muôn vàn ánh sáng nhòe nhoẹt của những người làm nghệ thuật khiến tôi không khỏi xúc động. Chuyện này chẳng khác gì người lùn Bilbo Baggins đã tìm thấy viên đá Arkenstone lẫn trong biển vàng ngọc châu báu của rồng Smaug trong phim Chúa tể những chiếc nhẫn. Viên đá ấy dù cả đời ta chưa từng nhìn thấy một lần, nhưng khi đối diện, ta vẫn nhận ra nó.

“Đêm ấy, nằm trong lều, gã lại lôi mùi thơm ấy ra từ trong trí nhớ; gã không thể cưỡng được sự cám dỗ, gã lặn ngụp trong nó, vuốt ve và để được vuốt ve, thật sát, sát như trong mơ, như thể mùi thơm ấy đã là của gã, của riêng gã rồi vậy, rồi gã yêu nó và qua nó yêu chính gã, say đắm tuyệt vời một lúc lâu.”

mùi hương 5Ảnh: Free-Photos

Patrick Suskind miêu tả cuộc đắm mình trong thế giới hương thơm của nhân vật chính như thể một cuộc truy hoan cuồng nhiệt của hai kẻ yêu đương nồng thắm. Ông vẽ nên một đêm trăng chẳng khác gì một món ăn vừa thanh khiết mà vừa lạnh nhạt đến rùng rợn. Và ông khắc họa thành phố Paris hỗn tạp những mùi như đang nói về một nhà gương bên trong nhốn nháo mọi chủng loại người đang bối rối trước vô vàn ảnh phản chiếu của chính mình. Dưới ngòi bút của tác giả, một thế giới không chỉ đơn thuần là một thế giới. Còn đứng trước Mùi hương, tôi không chỉ đơn thuần là một kẻ đọc sách. Tôi đã trở thành người uống những chén ngôn từ tuyệt mỹ.

Sự điêu luyện và đẳng cấp trong cách sử dụng ngôn từ của tác giả đã khiến tôi say mèm. Thậm chí, khi chứng kiến màn trình diễn mê hoặc của Mùi hương, tôi đã dâng trào một niềm khoái cảm, một cơn hứng tình mà chỉ có thể xuất hiện khi ở cạnh người yêu. Sau khi đọc cuốn sách này, lần đầu tiên trong đời tôi nhận ra rằng mình có một sự đam mê lớn lao dành cho con chữ và cho việc sắp xếp chúng để trở thành những biểu lộ khác nhau. Quả thực, tôi đã ngã lòng trước Mùi hương ấy.

“Con người có thể nhắm mắt trước sự vĩ đại, trước sự khủng khiếp, trước cái đẹp và có thể bịt tai trước những tiếng du dương hay ầm ĩ. Nhưng người ta không thể trốn mùi thơm. Vì mùi thơm là anh em của hơi thở. Nó theo hơi thở vào trong người, không cưỡng lại được nếu họ muốn sống. Mùi thơm sẽ đi vào ngày trung tâm họ, vào thẳng trong tim để quyết định ở đó dứt khoát về cảm tình hay khinh thường, ghê tởm hay thích thú, yêu hay ghét. Ai nắm được mùi thơm sẽ chế ngự được tim người.”

Sự quyến rũ, mê hoặc, khiêu gợi không nằm trong con chữ mà nằm trong cách phối hợp chúng với nhau. Một bậc thầy sử dụng ngôn từ là người có thể nắm bắt được vị trí tối ưu của từ đó và đặt nó vào đúng chỗ, bất kể những ngôn từ kia có vẻ ngoài bác học hay bình dân, thanh thấu hay thô tục, mê đắm hay khinh bỉ. Việc này cũng giống như cách nhân vật chính Grenuille chế tạo ra những thứ nước hoa của riêng gã, bất kể thành phần của nó từ hoa hồng hay cứt mèo, từ gỗ sồi hay cục gạch, từ trinh nữ hay con chó. Đọc Mùi hương, ta không chỉ được chứng kiến một thiên tài chế tạo nước hoa là Grenuille mà còn được chứng kiến một thiên tài văn học là Patrick Suskind. Nếu ngôn từ tạo nên thực tại, thì tác giả này chính là một Đấng Toàn Năng.

Sự kỳ tài của Patrick còn được thể hiện trong việc gây dựng kết cấu truyện cuốn hút và cân xứng chặt chẽ. Cấu trúc của cuốn sách được ẩn đi trong màn trình diễn văn chương đầy mê hoặc của ông. Mùi hương dẫn người đọc đi vào diễn biến liên tục của thời gian trong hành trình chế tạo hương thơm toàn mĩ của Grenuille, rồi nó đặt người ta đứng vào cán cân đối xứng quá khứ – tương lai trong cuộc đời đen tối của gã người kỳ dị, rồi tiếp tục kéo họ tan vào cảm giác Déjà Vu khi những lớp truyện tương đồng được lặp lại mỗi lần hắn rời bỏ một người chủ. Cuốn sách là sự chồng lớp của nhiều tầng cấu trúc. Việc có thể xử lý được đồng thời nhiều mạng lưới thông tin cùng một lúc, đặc biệt kéo dài trong một cuốn tiểu thuyết đã chứng minh tài năng xuất chúng của tác giả.

Đấy là còn chưa kể khả năng nắm bắt tâm lý nhân vật cũng như tâm lý người đọc đầy tài tình của Patrick Suskind. Câu chuyện ngập tràn những màn diễn biến nội tâm phức tạp của các nhân vật cùng như những pha đấu trí, phản biện, ngụy biện, thao túng tinh thần đầy tinh vi mà cũng không kém phần xảo quyệt của Grenuille và những kẻ khác – người mà gã đã ngửi thấu cả tâm can. Còn đối với người đọc, tác giả mơn trớn rồi dày xéo bất ngờ, thả lỏng rồi siết chặt căng cứng, vuốt ve rồi đánh úp tàn nhẫn. Không ai có thể đoán đúng được trang truyện tiếp theo là gì vì Patrick Suskind đã khiến người ta luôn đoán vào một thứ không bao giờ xảy ra. Ông khiến người đọc rơi vào trạng thái nghi ngờ chính bản thân họ. Rồi từ sự nghi hoặc đó, họ sợ hãi và trở nên quy phục trước sức mạnh của cuốn sách. Họ buộc lòng phải vứt bỏ hết những toán tính của tâm trí mà thả hồn trọn vẹn vào tác phẩm. Ở đây, dưới Mùi hương này, kẻ nào đã bị kích thích thì nay tan vào cơn hưng phấn, kẻ nào đã mủi lòng thì nay hòa làm một với sự đê mê.

mùi hương 2Ảnh: Free-Photos

“Grenuille chẳng có gì giống thế cả. Gã không nghĩ chút xíu nào đến Thượng Đế. Gã không sám hối cũng chẳng chờ đợi một linh cảm mầu nhiệm nào. Gã rút về đây chỉ do một thích thú riêng, đó là được gần với chính gã. Gã ngụp lặn trong sự tồn tại không gì làm phân tâm được của gã và thấy tuyệt vời. Gã nằm trong phần mộ bằng đá như một xác chết, không thở, trái tim ngừng đập nhưng lại sống hết sức mãnh liệt và phóng đãng mà chưa một kẻ phóng đãng nào ngoài đời từng sống.”

Chưa dừng lại ở đó, sự vĩ đại của tác phẩm này còn được thể hiện ở khối lượng ý tưởng khổng lồ nó thể hiện. Để trình diễn ra sự khổng lồ đó, tác giả đã “mài dao” rất kỹ lưỡng, giống hệt như Grenuille kiên nhẫn rèn luyện kỹ năng pha chế nước hoa của mình nhiều năm ròng trong lúc chờ thời cơ chín muồi. Không có câu chuyện nào được tả vội, không có tiến trình nào bị ép chín và không có nhân vật nào sống quá lượng thời gian cần thiết trong tác phẩm.

Từ từ, từng bước một, tác giả Patrick Suskind cứ thế mở ra những ý tưởng về khát khao của con người trong việc chinh phục vẻ đẹp đích thực, nghệ thuật chân chính và sự thật tối thượng. Hơn cả, đó chính là sự khám phá ra chính con người mình, tìm ra mình thật sự là ai. Bên cạnh đó, những ý nghĩa về linh hồn của cuộc sống cũng được thể hiện thông qua hàng loạt những cái chết, không chỉ của những loài hoa mà còn của những nàng trinh nữ. Và song song, tác giả cũng lột tả một cách đầy mỉa mai, châm biếm những trò hề của nhân loại khi họ đương đầu với những thèm khát quyền lực, tiền bạc, danh vọng, các thú vui nhục dục và thậm chí là sự cứu rỗi của Thượng Đế.

Nếu con người trong tác phẩm Mùi hương này bẩn thỉu, dối trá và đê tiện bao nhiêu thì gã nhân vật chính Grenuille lại trong sáng và chân thật bấy nhiêu, bất chấp vẻ ngoài xấu xí cùng tận và việc gã sử dụng mọi sự xảo trá, quỷ quyệt để chinh phục được hương thơm thần thánh mơ ước – thứ có thể điều khiển được tình yêu của con người. Gã trong sáng bởi vì gã ý thức được tất cả những việc mình làm và toàn tâm toàn ý cho chúng, trong khi những kẻ khác chỉ là nô lệ cho thể xác và tâm trí yếu hèn với mọi động cơ đều thuộc về miền vô thức. Grenuille là ánh sáng giữa đám đông u tối, là Chúa Trời giữa bầy người cuồng loạn và là sự thanh khiết giữa triệu vàn uế tạp.

“Phải, họ sẽ yêu gã khi bị mùi thơm ấy thôi miên chứ không chỉ chấp nhận gã như đồng loại, yêu tới mức điên cuồng, đến độ dâng hiến; họ phải run lên vì thích thú, gào lên, khóc vì đê mê mà không hiểu tại sao; chỉ cần được ngửi gã là họ sẽ quỳ xuống như được ngửi khói trầm lạnh lẽo dâng lên Chúa!”

mùi hương 4Ảnh: Free-Photos

Cuốn sách đã mở ra bản chất của thực tại như một trò lừa đảo của các giác quan. Và thông qua câu chuyện về chiếc mũi nhạy bén nhất thế giới của Grenuille, tác giả đã đánh động ý tưởng về bốn giác quan còn lại, thậm chí về giác quan thứ sáu của con người. Mùi hương như một cú trip LSD viên mãn dành cho bạn đọc. Ở đó, ta có thể ngửi được mùi ánh nắng, nghe được vị của xác dơi, chạm vào hương sóng biển, nhìn thấy tiếng gà gáy và nếm được những mơn trớn trần tục. Thậm chí, khi cơn say ngôn từ đã lên đến đỉnh điểm, khi sự chuyển đổi cảm giác đạt đến trạng thái bão hòa, ta cảm thấy như mình không còn tồn tại nữa vì cơ thể này chẳng còn được tiếp nhận như một cơ thể. Có lẽ sau này, tôi khó lòng tìm được tác phẩm nào kỳ ảo, ma mị và đa chiều hơn Mùi hương.

Chưa dừng lại ở đó, tác giả còn ngầm hé lộ cho người đọc về bí kíp để trở thành bậc thầy ở một lĩnh vực nào đó bằng cách mô tả về con đường hoàn thiện chính mình của nhân vật chính. Gã nhẫn nhục, kiên trì, chăm chỉ, ý chí, thực tế và đầy tính kỷ luật. Gã đã rèn luyện với hàng nghìn mùi hương, đã pha chế hàng nghìn loại nước hoa và cũng đã thất bại cả nghìn lần, và tất cả đều trong những hoàn cảnh sống khốn khó, cơ cực nhất. Sự sống của gã gắn liền với đam mê, với khát vọng chế tạo ra hương thơm của Thánh Thần. Càng trong tăm tối và đau đớn, sức sống của gã càng trỗi dậy như một phép màu. Đồng thời, cuộc đời cứ thế mở lối cho kẻ quái dị này đi tới gần hơn ước mơ của gã. Từng ngày, từng tháng, từng năm, ta thấy Grenuille dần lột xác và trở thành một bậc thầy về hương thơm, nếu như không nói gã trở thành một vị Chúa nước hoa.

mùi hương 6Ảnh: Free-Photos

Vì rằng cuốn sách này ngập tràn những mô tả về mùi hương nên một bộ phim khó có thể lột tả được tinh túy của cuốn sách – người ta không thể ngửi qua màn ảnh được. Trong khi với sự tỉ mỉ của con chữ, chí ít người ta có thể mường tượng đến các đường nét của hương thơm. Tôi đã xem bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm lừng lẫy này và nhận thấy rằng bộ phim chỉ có thể diễn đạt được một phần nghìn nội dung của cuốn sách. Chính xác là nó chỉ nói sơ bộ được cấu trúc chính, còn sự toàn mĩ của ngôn từ đã dường như mất sạch.

Cuốn sách đã kích hoạt mọi giác quan. Nhưng khi xem phim, chỉ có mắt và tai được sử dụng – thứ khó lòng chuyển tải được hương thơm. Chưa kể, một vài chi tiết bị xáo trộn, biên tập lại, đồng hành cùng việc không đủ thông tin cho những màn miêu tả nội tâm của nhân vật Grenuille nên bộ phim không sao lột tả được thế giới phức tạp mà đầy sống động ấy – thứ hồn tinh túy của cuốn sách.

Cuối cùng, tôi chỉ muốn nói rằng Mùi hương là một sản phẩm nghệ thuật thượng hạng, là chuẩn mực của vẻ đẹp và sự sáng tạo. 10/10 là điểm tôi dành cho tuyệt phẩm này với tất cả lòng biết ơn sâu sắc nhất.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

*Featured Image: Ảnh trên bìa sách

 

 

spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

3 BÌNH LUẬN

  1. Review hay. Đọc bài này thấy có mốt số tư tưởng của Terence McKenna 😀

    “Thực tại được tạo ra từ ngôn ngữ.”

    “Nhiệm vụ của người nghệ sĩ là giải cứu lấy linh hồn loài người. Nếu người nghệ sĩ không thể tìm thấy được con đường thì con đường không thể được tìm thấy.”

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,560Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI